CHUYÊN ĐỀ ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA 2018
HỆ THỐNG CÁC TÁC PHẨM THƠ
Giáo viên cho học sinh lập bảng hệ thống các tác phẩm thơ đã học. Đây là một cách giúp các em ôn lại kiến thức, xâu chuỗi lại các văn bản theo chủ đề, tiện cho việc liên hệ, so sánh.
Hệ thống tác phẩm theo giai đoạn, theo chương trình học:
Tên tác giả, tác phẩm |
Nội dung |
Nghệ thuật |
Ghi chú |
Thơ lãng mạn 1932-1945 | |||
Vội vàng- Xuân Diệu | – Yêu đời, ham sống cuồng nhiệt; quý trọng thời gian; quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mĩ mới mẻ | Giọng điệu say mê, sôi nổi; sáng tạo độc đáo về ngôn từ, hình ảnh, hình thức diễn đạt | |
Tràng giang- Huy Cận | Nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước không gian bao la, tình cảm yêu nước thầm kín | Bài thơ mới mang vẻ đẹp cổ điển | |
Đây thôn Vĩ Dạ- Hàn Mặc Tử | – Bức tranh đẹp về miền quê đất nước. – Tiếng lòng của một con người thiết tha yêu đời và yêu người |
– Bút pháp gợi tả, ngôn ngữ trong sáng, tinh tế, giàu liên tưởng | |
Thơ cách mạng 1930-1945 | |||
Chiều tối (Mộ)- Hồ Chí Minh | Tình yêu thiên nhiên, cuộc sống; chất Thép, chất Tình của HCM | Cổ điển mà hiện đại | |
Từ ấy- Tố Hữu | Tiếng lòng của người thanh niên yêu nước bắt gặp lí tưởng Đảng | Chất lãng mạn cách mạng trong trẻo thể hiện qua những hình ảnh tươi sáng, ngôn ngữ giàu nhạc điệu | |
Thơ 1945-1975 | |||
Tây Tiến- Quang Dũng | Hình tượng người lính hào hùng, hào hoa trên cái nền thiên nhiên miền tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ | Bút pháp lãng mạn, tài hoa |
|
Việt Bắc- Tố Hữu | Bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp, khúc tình ca của nghĩa tình cách mạng | Nghệ thuật thể hiện mang đậm tính dân tộc: Thể thơ, kết cấu, ngôn ngữ… | |
Đất Nước- NKĐ | Đất Nước- Nhân Dân | Chất liệu văn hóa dân gian | |
Sóng- Xuân Quỳnh | Tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người | Xây dựng hình tượng độc đáo, âm điệu, kết cấu, ngôn ngữ phù hợp diễn tả tâm trạng nhân vật trữ tình | |
Thơ sau 1975 | |||
Đàn ghi ta của Lor-ca- Thanh Thảo | Hình tượng Lor-ca và khát vọng cách tân nghệ thuật | Thơ tượng trưng siêu thực |
Hệ thống tác phẩm theo nhóm đề tài, chủ đề (có ý nghĩa tương đối)
+ Chủ đề về quê hương đất nước
Các tác phẩm trong chương trình lớp 12 | Các tác phẩm trong chương trình lớp 11 |
Tây Tiến- Quang Dũng; Việt Bắc- Tố Hữu; Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm… |
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc- Nguyễn Đình Chiểu…; Từ ấy- Tố Hữu; Chiều tối- Hồ Chí Minh; Tràng giang- Huy Cận, Đây thôn Vĩ Dạ- Hàn Mặc Tử |
+ Chủ đề tình yêu, khát vọng sống, niềm khát khao giao cảm với đời
Các tác phẩm trong chương trình lớp 12 | Các tác phẩm trong chương trình lớp 11 |
Sóng- Xuân Quỳnh |
Vội vàng- Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ- Hàn Mặc Tử, Tràng giang- Huy Cận, Tương tư- Nguyễn Bính; Tôi yêu em- Puskin; Bài thơ số 28- Tago… |
Yêu cầu:
Khi lập bảng hệ thống, cần cung cấp hoặc giúp học sinh rút ra những từ khóa. Việc cung cấp từ khóa nhằm khắc sâu cho học sinh đặc điểm nổi bật nhất về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm ấy. Từ đó, giúp học sinh không lạc nội dung, không lan man vô căn cứ.
Ví dụ:
– Tây Tiến: Thiên nhiên miền Tây Bắc: hùng vĩ- thơ mộng; người lính Tây Tiến: hào hùng- hào hoa; cảm hứng lãng mạn- tinh thần bi tráng; bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn, khoa trương, cường điệu; bức tượng đài người chiến sĩ Tây Tiến bằng thơ; chân dung tinh thần người chiến sĩ Tây Tiến.
– Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm: Tư tưởng Đất Nước Nhân Dân; chất liệu văn học dân gian…(chất dân gian, chất trữ tình, chính luận…)
– Việt Bắc: Bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp; bản tình ca về nghĩa tình cách mạng; tính dân tộc, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn…khúc hát ân tình ân nghĩa thuỷ chung cách mạng; tính dân tộc và âm hưởng thời đại; thơ cách mạng đã đạt đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình.
Cách làm:
Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh rút ra từ khóa trong quá trình đọc hiểu các văn bản trên lớp: Dựa vào phần Ghi nhớ sau mỗi bài; dựa vào nhan đề; dựa vào những từ ngữ lặp đi lặp lại; dựa vào các từ cùng trường của văn bản; dựa vào đặc điểm phong cách tác giả (thường được nêu ở phần tiểu dẫn của sách giáo khoa)…
Khi nắm chắc và thuộc lòng các thông tin cơ bản trên, HS có thể đạt từ 1,0 đến 1,5 điểm trong bài văn NLVH theo hướng đáp án của Bộ. (mở bài, đánh giá) và ít nhất HS không mất công viết lan man mà kém hiệu quả, không đáp được vào biểu điểm.
Từ các kiến thức cơ bản trên, GV định hướng và chốt cho HS những câu thơ tiêu biểu đặc sắc nhất minh chứng cho các giá trị nội dung nghệ thuật nổi bật của tác phẩm. Sau đó bình giảng cho HS hiểu kĩ, cảm nhận thấu đáo cái hay cái đẹp của các dẫn chứng đó. Mức này giúp HS có được chất bột để gột nên khoảng 2,0 nữa trong quá trình viết bài NLVH.
Ví dụ 1: Bức tranh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội mà lại rất đỗi thơ mộng, trữ tình:
“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống…/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ ..Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ..”
Người lính Tây Tiến hào hoa, lãng mạn: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi…/Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ…/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Ví dụ 2: Việt Bắc là bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp:
– Những ngày đầu khó khăn, gian khổ: Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai…/Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son…
– Những ngày Việt Bắc ra quân: Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng…
– Khúc ca vui chiến thắng: Tin vui chiến thắng trăm miền/Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về…
Còn để giúp HS được từ 3,0 đến 5,0 điểm cho bài NLVH thì cần luyện đề đọc hiểu và đề NLVH cụ thể sau đây:
PHẦN II. HỆ THỐNG CÂU HỎI LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU THEO 4 MỨC ĐỘ.
Gợi ý: Mỗi giai đoạn nêu trên tìm một đoạn/ bài thơ cùng tác giả, cùng đề tài, độ khó tương đương với các văn bản đã học để xây dựng hệ thống câu hỏi luyện tập kĩ năng đọc hiểu
Ví dụ:
Ví dụ 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi
ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Quang Dũng
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy núi Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em như nước giếng thôn làng
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?…
Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
1949
Câu1: Những hình ảnh nào của quê hương được gợi nhắc trong tâm tưởng của “tôi”?
Câu 2: Vì sao “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc”?
Câu 3: Chỉ ra nét tài hoa của hồn thơ Quang Dũng trong đoạn thơ sau: “Vầng trán em mang trời quê hương/Mắt em như nước giếng thôn làng/ Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em đã bao ngày em nhớ thương?”…
Câu 4: Từ bài thơ trên, theo anh (chị), muốn “làm tổ” trong lòng người đọc thơ cần nhất điều gì?
(Phần nghị luận xã hội: Từ những gợi ý trong bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, anh (chị) hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ với chủ đề: Quê hương trong tim tôi)
- Ví dụ 2:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây…
Tiếng ai thầm thĩ ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây…
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
– Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Bên bờ sông trắng nắng chang chang?
(“Mùa xuân chín”- Hàn Mặc Tử- Tinh hoa Thơ mới thẩm bình và
suy ngẫm, NXBGD,2003,tr121)
Câu 1. Ở khổ 1 của bài thơ, nhân vật trữ tình thấy “bóng xuân sang” qua những âm thanh, hình ảnh nào?
Câu 2. Cảm xúc của tác giả trong hai câu thơ: “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”?
Câu 3. Nêu tác dụng của các từ láy trong khổ thơ thứ 3 của bài?
Câu 4. Chỉ ra một nét tương đồng khi miêu tả khung cảnh mùa xuân trong hai câu thơ đầu của bài thơ với hai câu thơ sau: “Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (Trích “Chiều xuân”- Anh Thơ)
PHẦN III. NGHỊ LUẬN VĂN HỌC VỀ THƠ
Dạng đề bài theo hướng đề thi minh họa năm 2018 (có liên hệ so sánh với các tác phẩm thơ thuộc chương trình lớp 11)
+ So sánh về phương diện nội dung: đề tài, cảm hứng, chủ đề, cái “tôi”, các cung bậc cảm xúc, tâm trạng, ….
+ So sánh về phương diện nghệ thuật: cấu tứ, ngôn ngữ, hình tượng, bút pháp, …
+ So sánh về phong cách tác giả: cách nhìn (thể hiện qua cảm hứng chủ đạo, nội dung trữ tình,….), phương thức nghệ thuật (ngôn ngữ, hình tượng, thể thơ, nhạc điệu…)
Gợi ý hệ thống đề bài ở từng tác phẩm thơ theo hướng đề thi minh họa năm 2018
Bài “Tây Tiến” của Quang Dũng
+ Dạng 1: Những vấn đề về phương diện nội dung có thể so sánh: Thiên nhiên (núi rừng, dòng sông…), người lính, tình yêu quê hương đất nước, nỗi nhớ, cảm hứng lãng mạn, tinh thần bi tráng….
+ Dạng 2: So sánh về nghệ thuật: Nghệ thuật thể hiện tài hoa: Bút pháp lãng mạn, ngôn ngữ thơ giàu chất họa, chất nhạc…
+ Dạng 3: So sánh phong cách tác giả: Cái “tôi” tài hoa, lãng mạn của thi sĩ “xứ Đoài mây trắng”…
+ Một số đề bài gợi ý:
Đề số 1: Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ( Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2016). Từ đó liên hệ với người nghĩa sĩ trong bài Văn tế nghĩ sĩ Cần Giuộc (Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2016) để nhận xét về những điểm giống và khác giữa hai hình tượng này.
Đề số 2: Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ( Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2016). Từ đó liên hệ với bức tranh thiên nhiên trong Việt Bắc của Tố Hữu ( Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2016) để nhận xét về những điểm giống và khác giữa hai bức tranh thiên nhiên đó.
Đề số 3: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Từ đó liên hệ với “Từ ấy” của Tố Hữu để nhận xét về điểm giống và khác nhau về cảm hứng lãng mạn trong mỗi tác phẩm.
Đề số 4: Cảm nhận về đoạn thơ sau:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
(SGK Ngữ văn 12, tập một, NXBGD, 2017)
Từ đó liên hệ với đoạn thơ: Gió theo lối gió, mây đường mây/Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay? (SGK Ngữ văn 11, tập hai, NXBGD, 2017) để nhận xét điểm giống và khác nhau trong nét tài hoa của mỗi tác giả.
Đề số 5:
“Mỗi công dân có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ”
(Lê Đạt)
Bằng việc cảm nhận hai đoạn thơ sau anh (chị) hãy làm rõ ý kiến trên: (
- a) Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(SGK Ngữ văn 12, tập một, NXBGD, 2017)
- b) Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
(SGK Ngữ văn 12, tập một, NXBGD, 2017)
Bài “Việt Bắc” của Tố Hữu:
+ Dạng 1: Những phương diện nội dung có thể liên hệ, so sánh: Tình yêu quê hương, đất nước; thiên nhiên (núi rừng, bức tranh bốn mùa..), cuộc sống (gian khổ, nghĩa tình), con người (chịu thương chịu khó, hi sinh cho kháng chiến, gắn bó nghĩa tình thủy chung với cách mạng…), khuynh hướng sử thi (về phương diện nội dung: đề tài, nhân vật…), cảm hứng lãng mạn, nỗi nhớ, nghĩa tình quân dân kháng chiến…
+ Dạng 2: So sánh về nghệ thuật: Tính dân tộc, màu sắc dân gian, ngôn ngữ, bút pháp…
+ Dạng 3: So sánh phong cách tác giả: Phong cách thơ trữ tình chính trị….
+ Các đề bài gợi ý:
Đề bài 1: So sánh nỗi nhớ của nhân vật trữ tình trong hai đoạn thơ sau: “Mình về mình có nhớ ta. Ta về ta nhớ những hoa cùng người…thuỷ chung” và “Con sóng dưới lòng sâu…còn thức”.
Đề bài 2: Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là đặc điểm nổi bật của thơ Tố Hữu. Bằng việc cảm nhận đoạn thơ sau hãy làm sáng tỏ nhận định trên:
“Những đường Việt Bắc của ta/……Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”. Từ đó liên hệ với đoạn thơ sau: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/……Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” để nhận xét về điểm giống và khác nhau về hai đặc điểm nêu trên trong mỗi đoạn thơ.
Đề bài 3: Cảm nhận về đoạn thơ sau trong “Việt Bắc”:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Ngàn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
Từ đó liên hệ với bài thơ “Từ ấy” để nhận xét về đặc điểm phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu?
Đoạn trích “Đất Nước”- Nguyễn Khoa Điềm
+ Dạng 1: Những phương diện nội dung có thể liên hệ so sánh: Tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, vẻ đẹp con người (Nhân Dân), tư tưởng Đất Nước- Nhân Dân…
+ Dạng 2: So sánh về nghệ thuật: Tính dân tộc, chất liệu văn hóa dân gian, giọng điệu trữ tình- triết lí…
+ Dạng 3: Phong cách tác giả: Phong cách thơ trữ tình chính luận, nét độc đáo trong cách thể hiện tư tưởng Đất Nước Nhân Dân…
+ Các đề bài gợi ý:
Đề bài 1: Cảm nhận về đoạn thơ:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…
Từ đó liên hệ với đoạn thơ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hang cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
để nhận xét điểm giống và khác nhau trong cảm hứng về quê hương đất nước của mỗi nhà thơ.
Đề bài 2: Văn học Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đã sáng tạo nên hình tượng đẹp về Đất nước, nhân dân, về các tầng lớp, thế hệ con người VN vừa giàu phẩm chất truyền thống vừa mang đậm nét mới của thời đại.
Bằng hiểu biết của anh (chị) về đoạn trích “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Từ đó liên hệ với tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu để nhận xét về điểm giống và khác nhau trong quan niệm của mỗi tác giả về tư tưởng Đất Nước Nhân Dân.
Đề bài 3: Màu sắc dân gian trong đoạn trích sau:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Từ đó liên hệ với đoạn sau trong “Việt Bắc” của Tố Hữu: “Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng……Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” để nhận xét về điểm giống và khác nhau về tính dân tộc trong hình thức thể hiện của mỗi đoạn thơ.
Bài “Sóng”- Xuân Quỳnh
+ Dạng 1: So sánh về nội dung: Nỗi nhớ, khát vọng của nhân vật trữ tình, tình yêu lứa đôi, cái “tôi”…
+ So sánh về nghệ thuật: Xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo (sóng và em), âm điệu, ngôn ngữ, kết cấu…
+ Về phong cách thơ: Hồn thơ luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường, giàu trực cảm, nữ tính…
+ Đề bài gợi ý:
Đề bài 1: Tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước trong văn học 1945-1975 luôn đan xen hài hòa tạo nên tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam.
Bằng việc cảm nhận đoạn trích “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề bài 2: Cảm nhận về khát vọng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ: “Làm sao được tan ra… ngàn năm còn vỗ”. Từ đó liên hệ với khát vọng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ: “Tôi muốn tắt nắng đi… hương đừng bay đi” để nhận xét về điểm giống và khác nhau.
Đề bài số 3: Cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh qua bài thơ “Sóng”. Liên hệ với bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu để nhận xét về điểm giống và khác nhau trong cái “tôi” của mỗi tác giả?
Đề bài số 4: Cảm nhận về hình tượng sóng trong “Sóng” của Xuân Quỳnh. Từ đó liên hệ với “Tôi yêu em” của Puskin để nhận xét điểm giống và khác nhau trong cách bày tỏ tình yêu của nhân vật trữ tình trong mỗi tác phẩm.
Kĩ năng cơ bản để giải quyết dạng bài nghị luận về thơ theo hướng đề thi minh họa 2018
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
Có hai cách mở bài:
+ Cách mở bài thứ nhất: Trực tiếp: Là đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Biến đề bài thành mở bài, có sự thay đổi, thêm bớt một số từ ngữ cho phù hợp.
+ Cách mở bài thứ hai: Là không đi thẳng vào vấn đề ngay mà dùng những cách dẫn dắt phù hợp để đưa người đọc đến với vấn đề cần nghị luận. Dùng những câu thơ, câu hát, câu danh ngôn, những câu lí luận về thơ lấy từ các bài lí luận đã học (Tiếng nói văn nghệ, Mấy ý nghĩ về thơ- Nguyễn Đình Thi; Viên Mai bàn về thơ; Một số thể loại văn học: Thơ…) có liên quan đến vấn đề nghị luận để dẫn dắt, sau đó biến đề bài thành một phần của mở bài.
Lưu ý: Để tìm ra câu dẫn dắt phù hợp, có thể dựa vào: đề tài chung của hai tác phẩm (từ đề tài chung đó sẽ chọn ra những câu dẫn phù hợp), dựa vào kiến thức lí luận chung về thơ hoặc những câu nói về phong cách tác giả để dẫn dắt…
* Thân bài:
+ Nhận xét chung: Phần này chỉ áp dụng cho tác giả và tác phẩm nằm trong phạm vi nghị luận chính, không áp dụng cho tác giả, tác phẩm chỉ yêu cầu liên hệ, so sánh.
– Vài nét về tác giả (nếu là mở bài gián tiếp) (Nêu ngắn gọn về sáng tác, phong cách nghệ thuật)
– Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, khái quát chung về nội dung, nghệ thuật tác phẩm (phần ghi nhớ- sgk)(dùng các từ khóa đã có sẵn)
+ Nghị luận bài thơ, đoạn thơ theo yêu cầu của đề (trọng tâm, chiếm 60% số điểm)
Phần này cần bám sát yêu cầu nghị luận của đề. Phải có sự chia tách thành các luận điểm, luận cứ, biết lựa chọn dẫn chứng phù hợp để phân tích, chứng minh. Vận dụng các thao tác lập luận một cách nhuần nhuyễn. Nên triển khai mỗi luận điểm, luận cứ thành một hay nhiều đoạn văn (hết mỗi ý nên xuống dòng)
+ Đánh giá khái quát về đoạn thơ, bài thơ hoặc vấn đề thuộc bài thơ, đoạn thơ vừa nghị luận (chú ý cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật thể hiện)
+ Liên hệ so sánh theo yêu cầu của đề. (chiếm 30% số điểm)
– Sơ lược về tác giả, tác phẩm cần liên hệ so sánh (Có câu chuyển tiếp nối từ vấn đề nghị luận ở trên sang vấn đề liên hệ, so sánh)
– Chỉ ra nét chung, giống nhau (theo yêu cầu của đề, dựa trên các tiêu chí cụ thể: nội dung (đề tài, chủ đề, cảm hứng, “cái tôi”, các cung bậc cảm xúc…); nghệ thuật (bút pháp, ngôn ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ…); thời đại, ….
– Chỉ ra nét riêng, khác nhau: Lần lượt đi vào từng đoạn thơ, bài thơ để nêu và phân tích khái quát nét riêng, sự khác biệt (ưu tiên nêu và phân tích khái quát đối với tác phẩm chưa được nghị luận ở phần trên. Tác phẩm đã nghị luận rồi thì chỉ cần chốt những ý chính để so sánh). Việc chỉ ra nét riêng cũng bám sát vào yêu cầu của đề và phải căn cứ vào cùng tiêu chí: thời đại ra đời, nội dung, nghệ thuật, phong cách tác giả và phong cách thời đại…
+ Lí giải ngắn gọn vì sao có sự tương đồng và khác biệt giữa các tác phẩm (cần dựa vào các kiến thức cụ thể: về văn học sử, về hoàn cảnh ra đời, về tác giả, kiến thức về chung về lí luận: mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống -> văn học phản ánh cuộc sống, nên thời đại nào có văn chương thời đại đó. Tuy nhiênvới những tác phẩm bất hủ, vấn đề tác phẩm đặt ra không chỉ có tính thời đại, tính thời sự mà còn mang tính phổ quát, là vấn đề của muôn thời: nỗi buồn vũ trụ trong Thơ mới; khát vọng tình yêu, hạnh phúc;…; bản chất, quy luật của nghệ thuật là sự sáng tạo, là cái tôi, là bản sắc, dấu ấn riêng của người nghệ sĩ; tạo ra phong cách là vấn đề sống còn của nghệ thuật nói chung…).
* Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề được nghị luận ở các tác phẩm (trong việc thể hiện giá trị chung của tác phẩm, khẳng định “chỗ đứng” của tác giả, đóng góp vào các giả trị chung của thơ văn…)
Chốt lại những vấn đề cần chú trọng khi ôn tập về thơ
Phải hiểu về tác giả:
– Con người với những đặc điểm nổi bật về tâm hồn, cá tính (nếu có). Vì sao phải hiểu về con người. Vì “Người thơ phong vận như thơ vậy” (Hàn Mặc Tử).
– Phong cách nghệ thuật:
Phong cách là gì? Phong cách được hiểu đơn giản là nét riêng của mỗi nhà văn, nhà thơ thể hiện trong tác phẩm của mình. Nét riêng ấy phải lặp đi lặp lại và tạo nên những dấu ấn, những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Phong cách làm cho người này khác biệt với người kia. Cho nên người ta còn gọi “Phong cách là diện mạo của tâm hồn, là gương mặt riêng của mỗi tác giả”
“Mỗi công dân có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ” (Lê Đạt).
Ví dụ: Cùng viết về đề tài chiến tranh, về người lính, nhưng Quang Dũng, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, …mỗi người lại có cách viết khác nhau, cách cảm nhận khác nhau.
Cùng viết về đề tài tình yêu nhưng Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, Nguyễn Bính…mỗi người có những cách tiếp cận, phản ánh với những ý đồ nghệ thuật riêng…Một phần là do phong cách.
Phong cách nghệ thuật của tác giả: cách nhìn, cách thể hiện cái nhìn riêng độc đáo đó, cách sử dụng các phương tiện nghệ thuật…
Phải học thuộc văn bản thơ. Ban đầu là thuộc lòng. Sau khi đã thuộc thỉnh thoảng tự đọc thầm trong óc và để những câu thơ tự đến trong ý nghĩ với những dư âm của cảm xúc.
Phải nắm vững những nét chung về tác phẩm:
* Hoàn cảnh sáng tác: Thơ không trực tiếp kể về sự kiện nhưng mỗi bài thơ thường được gợi lên từ một sự kiện nào đó của cuộc sống. (GV cần phân tích cụ thể và kĩ lưỡng hơn bối cảnh văn hoá xã hội (những sự kiện lịch sử liên quan, những đặc điểm địa lí, kinh tế để tạo ra bối cảnh thời đại đặc biệt âm vang vào tác phẩm, nếu không hiểu được điều này, sự phân tích chỉ hời hợt, chưa thật thấu đáo)
Để hiểu sâu sắc về bài thơ cần đặt nó trong hoàn cảnh ra đời để thấy mối quan hệ giữa nội dung, ý nghĩa của nó với thời đại, để hiểu thông điệp thực sự tác giả muốn gửi tới người đọc là gì?
* Nhan đề bài thơ: Nhan đề mỗi tác phẩm là tên đứa con tinh thần của mỗi nhà thơ, nhà văn. Do vậy, mỗi nhan đề đều thường ẩn chứa những ý nghĩa. Là nơi gửi gắm tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Vì thế cần phải chú ý đến nhan đề, hiểu ý nghĩa nhan đề. Muốn vậy phải đặt nhan đề đó trong quan hệ với nội dung của tác phẩm.
* Những nét chính về nội dung và nghệ thuật:
Phần này thường được khái quát trong mục “Ghi nhớ” của sgk.
* Phải hiểu sâu sắc về một số chi tiết nghệ thuật đặc sắc, về những từ ngữ được coi là “nhãn tự” (con mắt thơ) (là từ ngữ chứa đựng cảm xúc, tư tưởng, tình cảm, chủ đề mà tác giả muốn gửi gắm).
Để bài nghị luận về thơ có sức thuyết phục, đạt điểm cao
+ Kiến thức cơ bản về tác phẩm phải chắc chắn.
+ Phải biết kết hợp các thao tác nghị luận: phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh…
+ Hành văn ngắn gọn, có cảm xúc
+ Có sự so sánh, liên hệ, lí giải ngắn gọn nét chung, nét riêng.
+ Có những câu mang chất lí luận (phần này có thể học qua các bài như: Tiếng nói văn nghệ; Ý nghĩa văn chương; Mấy ý nghĩ về thơ; Viên Mai bàn về thơ…) “cài” vào từng phần thích hợp.
Những điều học sinh cần hết sức tránh:
+ Tán thơ- nghĩa là nói suông không dựa trên cơ sở nghệ thuật hay những dấu hiệu nội dung cần thiết.
+ Chỉ có phân tích mà không trích dẫn.
+ Lối viết dàn trải, không để lại ấn tượng.
+ Chỉ thấy cây mà không thấy rừng (sau khi chia tách , mổ xẻ các câu thơ các đoạn thơ, không tổng hợp, nhận xét đánh giá khái quát, trả bài thơ nguyên trạng như chỉnh thể ban đầu mà nhìn nhận, đánh giá….)
PHẦN IV. NÂNG CAO HIỆU QUẢ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ THƠ QUA VIỆC KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KIẾN THỨC LÍ LUẬN VÀO BÀI VIẾT.
Tác dụng của việc đưa kiến thức lí luận vào bài viết:
– Làm cho nội dung bài viết sâu sắc, thấu đáo.
– Hành văn sắc sảo, giàu tính thuyết phục.
Cách khai thác, vận dụng, tăng cường “vốn” kiến thức lí luận cho học sinh:
– Bám sát tất cả các bài học và đọc thêm có trong chương trình toàn cấp (10, 11, 12) bàn về thơ ca.
– Khai thác những vấn đề lí luận trong các bài học này một cách triệt để và có hệ thống.
– Tóm gọn những vấn đề đó trong những câu đặc sắc nhất, cho học sinh ghi chép lại.
– Từ những câu nói thâu tóm được các vấn đề chính, GV mở rộng thêm một số câu có nội dung tương tự để học sinh có thêm “vốn”.
– Hướng dẫn học sinh thường xuyên, liên tục có ý thức vận dụng triệt để những vấn đề lí luận (đã được khái quát, thâu tóm vào những câu nói tiêu biểu trên) vào bài làm văn nghị luận. Ban đầu, đưa ra những “khung”, những “mô hình”, yêu cầu học sinh “lắp”, sau đó “tháo”, “thay” bằng các câu lí luận có vai trò tương tự nhau. Dần dần hình thành cho học sinh kĩ năng, biến kĩ năng thành “kĩ xảo”.
Ví dụ cụ thể
Những bài được học, đọc thêm trong chương trình:
+ Lớp 10: Tựa “Trích diễm thi tập” Hoàng Đức Lương, Viên Mai bàn về thơ
+ Lớp 11: Một số thể loại văn học: Thơ, Bài luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh, ngữ liệu số 2, (tr 121); Phần đọc thêm trong bài “Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn” (Phỏng vấn Tố Hữu về thơ) (Tr 183), Một thời đại trong thi ca- Hoài Thanh…
+ Lớp 12: Mấy ý nghĩ về thơ- Nguyễn Đình Thi, Phong cách văn học
Hệ thống các vấn đề có trong các bài học trên có thể khai thác.
+ Bản chất cốt lõi của thơ: Là tiếng nói tình cảm (Thơ là do cái tình sinh ra- chân lí cũ nhưng chưa bao giờ cũ, Vô tình bất thị tài- Viên Mai; Thơ là tiếng nói đầu tiên- tiếng nói thứ nhất của tâm hồn, cảm xúc là phần xương thịt nhất của thơ- Nguyễn Đình Thi; Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người- Tố Hữu…
+ Mối quan hệ giữa thơ và cuộc sống: Thơ là tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống- Nguyễn Đình Thi; Thơ không trực tiếp kể về sự kiện nhưng mỗi bài thơ thường được nảy lên từ một sự kiện nào đó của cuộc sống ( Một số thể loại văn học: Thơ)…
+ Tính hàm súc của thơ: Thơ văn là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon- Hoàng Đức Lương; Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ văn thì quý cong- Viên Mai; Thơ là sự tổng hợp, kết tinh- Nguyễn Đình Thi..
+ Quan niệm về thơ hay: Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác- Xuân Diệu; Bài thơ hay làm cho người ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người- Tố Hữu…
+ Phong cách tác giả: Mỗi công dân có một dạng vân tay/Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ- Lê Đạt…
Mở rộng “vốn”:
+ Bản chất cốt lõi của thơ: Thơ là tiếng lòng- Tố Hữu; Thơ khởi phát từ tâm hồn- Lê Quí Đôn; Cái gốc của thơ là tình cảm- Bạch Cư Dị; Thơ sinh ra từ tình yêu, từ nụ cười trong sáng hay từ những giọt nước mắt đắng cay- Gamzatop;….Thơ là tiếng hát trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn- Phương Lựu…Thơ là tình- tình vơi thì thơ chết
+ Mối quan hệ giữa thơ và cuộc sống: Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép- Chế Lan Viên; Bài thơ anh làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa do mùa thu làm lấy…; Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp- Sóng Hồng…
+ Tính hàm súc của thơ: Thơ phải chuốt lời để ngậm ý- Nguyễn Công Hoan; Phải phí tốn ngàn cân quặng chữ/ Chỉ để thu về một chữ mà thôi…Những câu thơ nối đất với đất/ Vẫn đi qua trời bằng một đường cong- Chế Lan Viên. Hương bay ở chỗ vắng trầm/ Thơ vang ở chỗ bặt câm ngôn từ…
+ Quan niệm về thơ hay: Câu thơ hay là làn sóng chấn động đôi bờ hư thực; Thơ hay như người con gái đẹp..
+ Phong cách tác giả: Qua giọng hát anh nhận ra người hát/ Qua nét khắc anh nhận ra người thợ bạc. Lêvitan suốt đời vẽ tranh phong cảnh/ Tề Bạch Thạch suốt đời vẽ tôm, cua, cá/ Vec-nơ suốt đời vẽ tranh khỏa thân/ Gô-ganh suốt đời vẽ đàn bà/ Suốt đời Nguyễn Phan Chánh vẽ lụa/ Suốt đời Vũ Xuân Phái vẽ phố/ Suốt đời Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác trên nền gốm cổ dân tộc/ Suốt đời họ tìm đến thành công…
Vận dụng vào bài làm văn nghị luận về thơ
Tùy từng bài cụ thể, GV hướng dẫn học sinh chọn câu thích hợp để đưa vào bài
Lưu ý: Có những câu có thể dùng chung cho mọi tác phẩm thì nên chọn lọc ra cho học sinh dễ học, dễ nhớ, dễ vận dụng
Tài liệu tập huấn thi THPT QG môn văn 2018. Sở GD ĐT Nam Định, vanhay.edu.vn sưu tầm và giới thiệu