Chuyên đề ôn thi phần Kịch- Nghị luận lớp 12

CHUYÊN ĐỀ: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN KỊCH, NGHỊ LUẬN VÀ TẠO LẬP ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐƯỢC ĐẶT RA TỪ
VĂN BẢN KỊCH, NGHỊ LUẬN
MỤC TIÊU CẦN ĐẠT
– Giúp học sinh có kiến thức, kĩ năng cơ bản về Văn bản nghị luận và văn bản kịch trong chương trình Ngữ văn 11,12.
– Biết cách viết được đoạn văn nghị luận về một vấn đề xã hội rút ra từ văn bản kịch, nghị luận.
NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỘT: HỆ THỐNG GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CỦA CÁC VĂN BẢN KỊCH, VĂN BẢN NGHỊ LUẬN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 11, 12 VÀ KĨ NĂNG TẠO LẬP ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
VĂN BẢN KỊCH
Đặc trưng của văn bản kịch
1.1.  Xung đột:
+ Là mâu thuẫn vận động, phát triển ngày càng gay gắt, căng thẳng cho tới tình thế đòi hỏi phải giải quyết  bằng một kết cục nào đó. Đây là đặc trưng quan trọng của kịch so với các thể tự sự, trữ tình…(“Tình thế giàu xung đột là đối tượng ưu tiên của kịch” – Hê-ghen; “Xung đột tạo nên kịch tính” – Bi-ê-lin-xki)
+ Kịch được xây dựng trên cơ sở những mâu thuẫn lịch sử, xã hội hoặc những xung đột muôn thuở mang tính nhân loại như giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, ước mơ và hiện thực…; có xung đột bên ngoài và xung đột bên trong.
1.2. Hành động kịch:
+ Là sự cụ thể hóa của xung đột kịch, đó là sự tổ chức cốt truyện với các tình tiết, sự kiện, biến cố theo một diễn biến lôgic, chặt chẽ, nhất quán.
+ Thường dồn dập, gấp gáp, quyết liệt.
1.3. Nhân vật kịch: Hành động kịch được thực hiện bởi các nhân vật kịch.
1.4.  Ngôn ngữ kịch: các nhân vật được xây dựng bằng ngôn ngữ (lời thoại) của họ. Qua lời thoại, tính cách nhân vật, những vấn đề, những mâu thuẫn cũng như cuộc sống xã hội hiện dần lên. Ngôn ngữ kịch mang tính hành động, thường mang tính tranh luận, biện bác; gần gũi với đời sống (súc tích, dễ hiểu, mang tính khẩu ngữ); có các loại ngôn ngữ:
+ Đối thoại: lời của nhân vật nói với nhau
+ Độc thoại: lời của nhân vật bộc lộ tâm tư tình cảm của mình
+ Bàng thoại: lời nhân vật nói với người xem
(Chú ý: văn bản kịch có thêm lời chỉ dẫn sân khấu)

  1. Phân loại kịch

+ Theo ý nghĩa xung đột: bi kịch, hài kịch, chính kịch
+ Theo ngôn ngữ trình diễn: kịch nói, ca kịch,…

  1. Cách đọc kịch bản văn học

– Đọc kĩ lời giới thiệu, tiểu dẫn để có hiểu biết chung về tác giả, tác phẩm, thời đại tác phẩm ra đời, vị trí của trích đoạn trong toàn tác phẩm
– Tập trung vào lời thoại của nhân vật để xác định quan hệ của các nhân vật, tìm hiểu đặc điểm, tính cách từng nhân vật
– Phân tích hành động kịch, xung đột kịch (diễn tiến, kết quả của từng xung đột)
– Nêu chủ đề tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm.
            => Đặc trưng kịch và cách đọc- hiểu kịch cơ sở quan trọng để xây dựng câu hỏi đọc- hiểu văn bản thuộc thể này. Chẳng hạn có thể ra những câu hỏi về: xung đột kịch, ý nghĩa của hành động kịch, nhân vật kịch, ngôn ngữ kịch,…

  1. Hệ thống phạm vi kiến thức cần ôn tập

4.1. Kiến thức cơ bản

Lớp Chủ đề Mức độ cần đạt Ghi chú
11 Kịch hiện đại Việt Nam –  Hiểu những đặc sắc về nội dung tư­ tư­ởng và nghệ thuật của một trích đoạn kịch – Vũ Nh­ư Tô  Nguyễn Huy Tư­ởng: sự cảm thông sâu sắc của tác giả với bi kịch của ng­ời nghệ sĩ giàu khát vọng trong xã hội cũ; cách tạo mâu thuẫn và xung đột kịch.
–  Nhận biết một số đặc điểm cơ bản của thể loại kịch.
– Biết cách đọc – hiểu một trích đoạn kịch bản văn học…
Nhận biết một số yếu tố: hành động kịch, xung đột kịch, ngôn ngữ kịch.
Kịch
n­ước ngoài
 – Hiểu một số nét chính về giá trị nội dung và nghệ thuật của một đoạn trích trong vở kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét của U.Sếch-xpia: tư­ tưởng nhân văn; ngôn ngữ kịch giàu chất thơ.
– Biết cách đọc – hiểu một vở kịch nư­ớc ngoài.
12  Kịch hiện đại Việt Nam  –  Hiểu những đặc sắc về nội dung tư­ tư­ởng và nghệ thuật của một trích  đoạn kịch – Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ: sự chiến thắng của lương tâm, đạo đức đối với bản năng; đặc sắc về đối thoại, xung đột, ngôn ngữ…
– Nhận biết một số đặc điểm của thể loại kịch qua đoạn trích
 
 
 
Nhận biết về ngôn ngữ nhân vật, cách tổ chức xung đột, hành động kịch,…

 
4.2. Những mảng kiến thức trọng tâm
4.2.1. Bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

  1. Tác giả

– Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử và có đóng góp nổi bật nhất ở thể loại tiểu thuyết và kịch.
–  Bình sinh, ông luôn khao khát viết được những tác phẩm có quy mô lớn, dựng lên được những bức tranh, những hình tượng hoành tráng về lịch sử bi hùng của dân tộc; khao khát nói lên được những vấn đề có tầm triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống và nghệ thuật. Văn phong của ông vừa giản dị, trong sáng, vừa đôn hậu, thâm trầm, sâu sắc…
Hoàn cảnh sáng tác
–  Viết xong vào mùa hè năm 1941, đề tựa tháng 6 – 1942.
–  Là vở bi kịch lich sử năm hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517, dưới triều Lê Tương Dực.
Vấn đề trọng tâm về nội dung
– Hồi thứ năm hồi cuối bi kịch lịch sử “ Vũ Như Tô” xoay quanh một sự kiện chính: Sự kiện đốt phá Cửu Trùng Đài, bắt giết những người đã sáng tạo ra nó, chôn vùi họ trong tro tàn Cửu Trùng Đài và trong tro tàn của lịch sử một triều đại mục ruỗng của hôn quan bạo chúa. Bao trùm hồi kịch là một nỗi đau và một niềm hoang mang lớn thấm đượm một ý vị triết mỹ sâu xa. (Tóm tắt hành động sự kiện chính)
– Mâu thuẫn xung đột kịch đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Hai mâu thuẫn cơ bản của vở kịch đã hòa vào nhau: mâu thuẫn giữa nhân dân lao động khốn khổ lầm than và bọn hôn quân bạo chúa cùng các phe cánh của chúng và mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần tuý và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân.
→(Ý nghĩa của xung đột):Từ những mâu thuẫn, xung đột trên nhà văn đã:
+ Phản ánh sinh động nỗi khổ cực của nhân dân lao động cần lao dưới thời hôn quân Lê Tương Dực.
+ Thể hiện tấn bi kịch tinh thần đau đớn của Vũ Như Tô, vì quá đam mê thi thố tài năng mà trở thành nỗi oán giận của bao người, đến chết vẫn chưa tỉnh giấc mộng.
+Từ đó tác giả đặt ra vấn đề muôn thuở: mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống  NGHỆ THUẬT PHẢI VỊ NHÂN SINH thì nghệ thuật mới tồn tại và được nhân dân tôn thờ, nâng niu, bảo vệ.
            – Nhân vật Đan Thiềm và Vũ Như Tô  là cặp hình tượng bi kịch mang tính biểu tượng nghệ thuật cao.
+ Vũ Như Tô hiện lên như một tính cách bi kịch vừa bướng bỉnh vừa mềm yếu vừa kiên định vừa dễ hoang mang. Tính cách nổi bật nhất của Vũ Như Tô: là tính cách của người nghệ sĩ tài ba, hiện thân cho niềm khát khao và đam mê sáng tạo Cái Đẹp. Nhưng trong một hoàn cảnh cụ thể, cái đẹp ấy thành ra phù phiếm, nó sang trọng siêu đẳng thậm chí “cao cả và đẫm máu” như một “bông hoa ác”. Vì thế, đi tận cùng niềm đam mê khao khát ấy, Vũ Như Tô tất phải đối mặt với bi kịch đau đớn của đời mình, trở thành kẻ thù của dân chúng thợ thuyền mà không hay biết.
+ Tính cách của Đan Thiềm là tính cách của người đam mê Cái Tài, cụ thể là tài sáng tạo nên cái đẹp. “Bệnh Đan Thiềm” là bệnh mê đắm người tài hoa. Nhưng cái tài ở đây không phải cái tài nói chung mà là cái tài siêu việt, siêu đẳng. Đan Thiềm có thể quên mình để khích lệ bảo vệ cái tài ấy nhưng nàng luôn tỉnh táo sáng suốt trong mọi trường hợp vì nàng hiểu người, hiểu đời hơn, thức thời, mềm mại và dễ thích ứng với hoàn cảnh hơn Vũ Như Tô.
+ Ở hồi cuối, cả Vũ Như Tô và Đan Thiềm đều lâm vào trạng thái khủng hoảng với một nỗi đau chung: sự “vỡ mộng” thê thảm. Nhưng diễn biến tâm trạng của họ có chiều hướng vận động và biểu hiện khác nhau. Đan Thiềm cũng đau đớn nhận ra thất bại của giấc “mộng lớn” xây Cửu Trùng Đài nhưng nhạy bén sớm, kịp thời hơn Vũ Như Tô. Tâm trí của Đan Thiềm giờ đây không còn hướng vào thành bại của việc xây Cửu Trùng Đài mà hướng vào sự sống còn của Vũ Như Tô – người nghệ sĩ “tài trời”, nghìn năm có một. Vũ Như Tô trái lại vẫn không thể thoát ra khỏi trạng thái mơ màng, ảo vọng của chính mình, không thể tin rằng cái việc cao cả mình làm lại có thể bị xem là tội ác, cũng như không thể tin sự quang minh chính đại của mình lại bị rẻ rúng, nghi ngờ.
=> Sự “vỡ mộng” của Vũ vì thế đau đớn kinh hoàng gấp bội so với Đan Thiềm. Như vậy điễn biến tâm trạng của hai nhân vật ở hồi cuối này góp phần thể hiện tính cách bi kịch ở mỗi người cũng như những gì được xem là “đồng bệnh”, “tri âm”  ở họ đồng thời qua đó góp phần khơi sâu hơn  chủ đề của tác phẩm.
Vấn đề trọng tâm về nghệ thuật
– Bằng một ngôn ngữ kịch có tính tổng hợp rất cao,  nhà văn đã đồng thời khắc họa tính cách, miêu tả tâm trạng, dẫn dắt hành động xung đột kịch rất thành công tạo nên một bức tranh đời sống bi kịch rất hoành tráng trong nhịp điệu bão tố của nó.
            – Thực tại được phản ánh trong bi kịch theo lối cô đặc các mâu thuẫn bên trong phơi bày những xung đột sâu sắc của thực tại dưới dạng bão hòa và căng thẳng đến cực độ mang ý nghĩa tượng trưng nghệ thuật. Tác phẩm thường đặt độc giả trước những câu hỏi phức tạp hóc búa nhức nhối của cuộc sống.
+ Mâu thuẫn và tính không dứt khoát trong cách giải quyết mâu thuẫn này được thể hiện tập trung trong hồi cuối của vở kịch. Cửu Trùng Đài sụp đổ và bị đốt cháy nhân dân trước sau vẫn không hiểu gì việc sáng tạo của nghệ sĩ, không hiểu nổi Đan Thiềm, Vũ Như Tô cũng như “mộng lớn” của hai nhân vật hiện thân cho tài sắc này. Về phía khác, Đan Thiềm không cứu được Vũ Như Tô và họ Vũ vẫn không thể không bao giờ hiểu được việc làm của quần chúng và của phe cánh nổi loạn.
+ Mâu thuẫn mà vở bi kịch nêu lên thuộc loại mâu thuẫn không bao giờ và không ai giải quyết cho thật dứt khoát ổn thỏa được nhất là trong thời đại Vũ Như Tô. Mâu thuẫn này may ra có thể giải quyết được phần nào thỏa đáng khi mà đời sống vật chất của nhân dân thật bình ổn đời sống tinh thần nhu cầu về cái đẹp trong xã hội được nâng cao lên rõ rệt.
Một số dạng đề tham khảo
Đề 1
Phân tích bi kịch của Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích vở kịch “Vũ Như Tô”) của Nguyễn Huy Tưởng.
Gợi ý

  1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích và nhân vật Vũ Như Tô.
  2. Giải thích khái niệm “bi kịch” và nêu khái quát bi kịch của Vũ Như Tô.

– “Bi kịch” là “tình thế éo le, mâu thuấn đến đau thương” mà nhân vật rơi vào và không thể điều hòa được.
– Bi kịch của Vũ Như Tô: vốn là một nghệ sĩ chân chính, có tài năng, Vũ Như Tô có khát vọng nghệ thuật cao cả, song lại rơi vào một mẫu thẫn không thể hóa giải nổi: mâu thuẫn giữa tài năng, ước vọng cao cả, niềm khao khát và đam mê sáng tạo nghệ thuật với thực tế phũ phàng, ngang trái của xã hội.

  1. Phân tích bi kịch của Vũ Như Tô

– Vẻ đẹp của Vũ Như Tô:
+ Có tài năng: là một kiến trúc sư tài ba “ngàn năm chưa dễ có một”. Vũ Như Tô có thể “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng những lâu đài caocar, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”…
+ Có khát vọng cao cả, lớn lao: “đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”
+ Có bản lĩnh cứng cỏi, mạnh mẽ: không chịu khuất phục trước cường quyền, không bỏ trồn khi xảy ra loạn lạc mà khiên quyết bảo vệ Cửu Trùng Đài: “người quân tử không bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cũng phải cho mọi người biết rằng công việc của mình quang minh chính đại”.
– Thực tế đời sống:
+ Mục đích và bản chất của tầng lướp vua quan: Lê Tuwong Dực cũng khao khát xây Cửu Trùng Đài song không phải là để tạo cho đất nước một công trình nghệ thuật mà đớn đơn giản là để làm nơi vui chơi, huwongr lạc. Đài Cửu Trùng trong mục đích của Lê Tương Dực chính là hiện thân của cuộc sống xa hoa đầy lạc thú. Nó sẽ tiêu tốn tiền công khố, bòn rút mồ hôi xương máu của nhân dân.
+ Cuộc sống của nhân dân khi Cửu Trùng Đài được xây dựng: vô cùng lầm than khổ cực. Tình cảnh khốn khổ ấy tất sẽ sinh biến loạn: khi quân phản nghịch nổi lên, thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân địch.
– Bi kịch của Vũ Như Tô:
+ Bi kịch bị hiểu lầm và kết tội: vì mượn tay Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình nên Vũ Như Tô bị đánh đồng với kẻ xa hoa tàn ác, với tên hôn quân bạo chúa, bị coi là kẻ gây tội ác: “Ai cũng cho ông là thủ phạm…”. Trong hoàn cảnh ấy, cả Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài đã trở thành mục tiêu của sự oán giận, trở thành đối tượng để nhân dân và quân phiến loạn tàn phá, hủy hoại.
+ Bị vỡ mộng: Cho đến phút cuối cùng, Vũ Như Tô cũng không thể hiểu và không thể tin rằng việc mình làm là trái với quyền lợi của nhân dân, vẫn một mực khẳng định mình không có tội và không thể hiểu vì sao dân chúng lại nổi lên phá Cửu Trùng Đài, không hiểu vì sao xây Cửu Trùng Đài lại là việc làm hại nước, hại dân. Khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy cũng là lúc Vũ Như Tô vỡ mộng, bừng tỉnh, đau đớn đến tuyệt vọng: “Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài”

  1. Nguyên nhân và ý nghĩa của bi kịch

– Nguyên nhân: Do Vũ Như Tô quá đắm chìm trong niềm đam mê cái đẹp nên đã mơ mộng, ảo tưởng khi mượn tay Lê Tương Dực để xây Cửu Trùng Đài. Khát vọng nghệ thuật của ông là cao đẹp nhưng lại bị đặt nhầm chỗ, lầm thời và xa rời thực tế nên phải trả giá bằng cả sinh mạng và cả công trình nghệ thuật. Vũ Như Tô là hiện thân của tài năng, nhân cách và hoài bão lớn lao nhưng vì đi ngược lại với quyền lợi trực tiếp của nhân dân nên đã lâm vào bi kịch.
– Ý nghĩa: thể hiện vấn đề sâu sắc và có ý nghĩa muôn thuở về cái đẹp, về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và nhân dân, giữa những khát vọng nghệ thuật muôn thuở với quyền lợi trực tiếp của quần chúng.
+ Tài năng, khát vọng nghệ thuật của người nghệ sĩ rất đáng trân trọng song họ cần phải gắn bó với nhân dân, nghệ thuật chân chính phải xuất phát từ mục đích vì cuộc sống, vì con người. Chỉ khi nào giải quyết hài hòa quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa người nghệ sĩ và nhân dân thì nghệ thuật mới có cơ hội tồn tại và phát triển.

  1. Đánh giá

– Bằng một ngôn ngữ kịch có tính tổng hợp rất cao,  nhà văn đã đồng thời khắc họa tính cách và miêu tả sâu sắc bi kịch của Vũ Như Tô.
– Vũ Như Tô chính là điển hình của mẫu nghệ sĩ có tài năng, có nhân cách, có hoài bão lớn lao, đẹp đẽ. Song vì xa rời thực tế, ảo tưởng nên đã rơi vào bi kịch. Bi kịch của Vũ Như Tô có ý nghĩa như một bài học thức tỉnh những người nghệ sĩ đồng bệnh với ông.
Đề 2
Phân tích mâu thuẫn giữa nghệ thuật thuần túy và đời sống của nhân dân lao động qua “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích vở kịch “Vũ Như Tô”) của Nguyễn Huy Tưởng.
Đề 3
Trong lời tựa vở kịch “Vũ Như Tô”, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Đài Cửu Trùng không thành nên mừng hay nên tiếc? Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải […]. Than ôi Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với đan Thiềm
Dựa vào đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 4. So sánh nhân vật quản ngục trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân với Đan Thiềm trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích vở kịch “Vũ Như Tô”)  của Nguyễn Huy Tưởng.

Đề 5. So sánh cách nhìn nghệ thuật của nhân vật Vũ Như Tô trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích vở kịch “Vũ Như Tô”) của Nguyễn Huy Tưởng và Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

Đề 6. Quan niệm thẩm mỹ thể hiện trong hai tác phẩm “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân) và “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích vở kịch “Vũ Như Tô”) của Nguyễn Huy Tưởng.

4.2.2. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

  1. Tác giả:

– Là “hiện tượng” đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỉ XX, một trong những nhà soạn kịch tài năng của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
– Kịch của Lưu Quang Vũ là những trăn trở về lẽ sống, lẽ làm người, là khát vọng được là mình, là “tôi” trong cuộc đời và nghệ thuật để hào mình và dâng hiến. Kịch Lưu Quang Vũ đề cập đến những vấn đề thời sự của cuộc sống hang ngày, nhiệt hững công dân về trách nhiệm của người cầm bút trong cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội. Sức hấp dẫn của kịch Lưu Quang Vũ còn là chiều sâu những giá trị muôn thuở được thể hiện qua ngôn ngữ kịch vừa đời thường, vừa thấm đẫm chất thơ cùng màu sắc triết lí nhân sinh

  1. Hoàn cảnh sáng tác

– Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt: Viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới được công chiếu. Công cuộc đổi mới đất nước đã làm thay đổi đời sống xã hội và đời sống văn học.
+ Ngọn gió của không khí đổi mới tư duy và ý thức dân chủ trong xã hội đã ùa vào văn học. Số phận con người và số phận cá nhân cần được khám phá, thể hiện đầy đủ hơn, sâu sắc hơn.
+ Văn học phải tham gia vào cuộc đối thoại trực tiếp, trong bầu không khí dân chủ với công chúng về những vấn đề nóng bỏng của đời sống.
+ Đấu tranh chống tiêu cực trở thành cảm hứng nhiệt thành của khá nhiều cây bút
– Từ một câu chuyện cổ dân gian, nhà văn Lưu Quang Vũ đã sáng tạo thành vở kịch nói hiện đại và qua đó gửi gắm nhiều tư tưởng, triết lí nhân sinh sâu sắc.

  1. Vấn đề trọng tâm về nội dung

– Tình huống kịch trong đoạn trích
+ Tình huống kịch diễn biến qua các bước:
> Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống trong thân xác hàng thịt. Hồn muốn thoát khỏi thân xác kềnh càng, thô lỗ ấy.
>  Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác với sự giễu cợt, tự đắc của Xác khiến Hồn càng đau khổ và cảm thấy bế tắc, bần thần nhập vào thân xác hang thịt.
>  Những người thân trong gia đình đều thấy Trương Ba đã khác xưa, lệch lạc đi nhiều lắm. Đau đớn cực độ, Hồn Trương Ba lập cập đến bên cột nhà, đốt hương để gặp Đế Thích, tìm cách giải quyết bi kịch.
>  Cuộc gặp gỡ, đối thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích và quyết định dứt khoát chấm dứt nghịch cảnh đau khổ của một sự tồn tại trớ trêu có tên gọi “hồn Trương Ba, da hang thịt”.
+ Tình huống kịch nói trên thể hiện những mâu thuẫn, xung đột của Hồn Trương Ba và cách giải quyết mâu thuẫn của nhân vật này. Qua đó toát lên ý nghĩa tư tưởng sâu sắc của đoạn trích và cũng là ý nghĩa chung của vở kịch.
– Những mâu thuẫn, xung đột ở nhân vật Hồn Trương Ba
+ Mâu thuẫn, xung đột giữa Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt => Bi kịch tâm hồn thanh cao phải sống trong thân xác phàm tục.
+ Mâu thuẫn, xung đột giữa Hồn Trương Ba và những người thân => Bi kịch của con người rất yêu gia đình, người thân nhưng lại gây đau khổ cho những người mình yêu thương do đang bị thể xác xâm chiếm, lấn lướt, tha hóa linh hồn.
+ Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột: Trương Ba chấp nhận cái chết, không sống nhờ vào thân xác người khác (xin cho cu Tị sống lại, trả lại thân xác cho anh hàng thịt) để được “là tôi toàn vẹn”. Đó là một lựa chọn tất yếu, dũng cảm. Tất yếu bởi Trương Ba đã  thấm thía cái bi kịch đau đớn của cảnh không được là mình, đã “ngộ” ra nhận tức về lẽ sống và đó là kết quả của sự đấu tranh của một tâm hồn thanh cao, trong sáng, vượt lên nghịch cảnh.
– Ý nghĩa tư tưởng sâu sắc của đoạn trích
+ Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa phải là sự kết hợp hài hòa giữa linh hồn và thể xác. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục, tội lỗi. Ở trong con người luôn tồn tại cuộc đấu tranh giữa khát vọng vươn lên sự cao thượng, đẹp đẽ với sự níu kéo của dục vọng, bản năng tầm thường, thấp kém. Chiến thắng bản năng, cái giả dối trong mỗi con người là điều vô cùng khó khăn.
+ Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống bằng bất cứ cách nào, bằng bất cứ kiểu sống nào. Sống mà đánh mất bản thân, sống giả dối với mình và giả dối với mình hay sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá…là những lối sống không đáng sống.
+ Con người phải luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với cuộc sống của bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý => Khát vọng vướn tới hoàn thiện nhân cách.
+ Phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống bấy giờ: chạy theo những ham muốn vật chất tầm thường, nhấn mạnh đời sống tinh thần một cách cực đoan, tình trạng sống giả dối, không dám và không được là chính mình.

  1. Vấn đề trọng tâm vầ nghệ thuật

– Tình huống phát triển tự nhiên, hợp lí;
– Sự kết hợp giữa diễn biến hành động bên ngoài và bên trong;
– Ngôn ngữ giàu triết lí…

  1. Một số dạng đề

Đề 1.
Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong đoạn trích kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ (theo Ngữ văn 12, Tập hai) khi phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.
Gợi ý

  1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích và nhân vật Hồn Trương Ba.
  2. Giải thích khái niệm “bi kịch” và nêu khái quát bi kịch của Hồn Trương Ba

– “Bi kịch” là “tình thế éo le, mâu thuấn đến đau thương” mà nhân vật rơi vào và không thể điều hòa được.
– Bi kịch của Hồn Trương Ba:
+ Để được tiếp tục sống, Hồn Trương ba buộc phải trú nhờ trong thân xác anh hàng thịt. Trong thân xác “kềnh càng thô lỗ” đó, Hồn Trương Ba cao khiết, trong sạch có khả năng bị sai khiến, tha hóa.
+ Hoàn cảnh ấy làm nảy sinh bi kịch của Hồn Trương Ba: không còn được sống với con người thực của mình; hoàn toàn phụ thuộc vào Xác hàng thịt và bị nó sai khiến.

  1. Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba khi phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

– Sự tha hóa của Hồn Trương Ba trong hoàn cảnh phải sống nhờ thân xác anh hàng thịt:
+ Xác hàng thịt đã chỉ rõ sự tha hóa không tránh khỏi của Hồn Trương Ba khi dựa vào nó để tồn tại: “Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất , cây cối, người thân,… (…) ông cảm nhận thế giới này qua các giác quan của tôi”; “Xác hàng thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả linh hồn cao khiết của ông!”. Thực chất , khi phải chấp nhận hoàn cảnh trớ trêu, nghiệt ngã để tiếp tục duy trì sự sống, Hồn Trương Ba hầu như không còn được sống theo ý muốn của mình. Linh hồn ông hoàn toàn lệ thuộc vào những yếu tố vật chất của thể xác, tồn tại qua thân xác – cái thân xác không phải của mình.
+ Sự tha hóa của Hồn Trương Ba được thể hiện trên nhiều bình diện: ăn những món “tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi và đủ các thứ thú vị khác, theo khẩu vị của Xác hàng thịt, “tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…” khi đứng cạnh vợ anh hàng thịt…; không dạy con bằng những lời khuyên bảo nhẹ nhàng như trước đây mà tát thằng con “tóe máu mồm máu mũi” bằng bàn tay đồ tể; người làm vườn khéo léo khi xưa giờ trở nên vụng về: “bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non”  khi chiết cây cam, “chân ông to bè như cái xẻng giấm nát cả cây sâm quý mới ươm”; ông “làm gãy cả cái nan, rách cả giấy, hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý…”
Như vậy, khi sống trong thân xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba đã bị cái thân xác ấy đồng hóa, lôi kéo. Bi kịch của Hồn Trương Ba là lời cảnh báo: khi con người phải sống trong dung tục thì tất yếu cái dung tục sẽ ngự trị, thắng thế, lấn át hủy hoại những giá trị đẹp đẽ, cao quý.
– Tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng của Hồn Trương Ba trước sự tha hóa của bản thân: Nhận thức được sự tha hóa của mình, Hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ. Khi đối diện với những người ông yêu thương và đã từng yêu thương ông, Hồn Trương Ba càng nhận ra sự đau khổ mà mình đã gây cho họ và cũng thấy rõ hơn tình trạng tuyệt vọng của mình.
+ Vì ông mà tất cả những người thân yêu nhất đều phải khóc. Người vợ yêu thương rưng rưng trong dòng nước mắt tủi thân tủi phận, chua chát, dằn dỗi. Đứa cháu gái vỡ òa trong tiếng khóc tức tưởi không hiểu sao ông nội thân yêu lại trở thành một người “xấu lắm, ác lắm”. Chị con dâu – người thương và hiểu ông nhất, bàng hoàng trong dòng nước mắt sẻ chia và bế tắc, muốn thương, muốn níu giữ hình ảnh của thầy mà không biết phải làm sao.
+ Vì ông mà nhà cửa tan hoang. Con trai định bán khu vườn để mở cửa hàng thịt, vợ ông định bỏ đi thật xa để ông được thảnh thơi với cô vợ hàng thịt.
+ Những nỗi niềm ấy của người thân đã khẳng định sự tha hóa đáng buồn, đáng thương và cũng đáng sợ, đáng ghét của Hồn Trương Ba khi phải sống nhờ vào thân xác anh hàng thịt; đồng thời cũng tô đậm thêm nỗi đau khổ, tuyệt vọng của Hồn Trương Ba khi ý thức sâu sắc bi kịch đánh mất mình. Ông “thẫn thờ’ ôm đầu bế tắc, ông “cầu cứu” đứa cháu gái, ông “run rẩy” trong nỗi đau, ông “lặng ngắt như tảng đá” để rồi nhận thấy “Mày đã thắng rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta”. Một sự vỡ lẽ vừa bàng hoàng, vừa chua chát.
4. Đánh giá
– Với tình huống phát triển tự nhiên, hợp lí, ngôn ngữ giàu triết lí…, Lưu quang Vũ đã thành công trong việc thể hiện bi kịch của Hồn Trương Ba khi phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.
– Qua đó, nhà văn gửi đến người đọc những thông điệp sâu sắc:
+ Cuộc sống thật đáng quý nhưng không thể sống bẳng mọi giá;
+ Con người chỉ sống thực sự hạnh phúc và có ý nghĩa khi được sống là chính mình;
+ Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn;….
 
Đề 2. Phân tích đối thoại  giữa Hồn và Xác trong đoạn trích vở kịch  Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
Đề 3. Trong cuộc trò chuyện giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích, nhân vật Hồn Trương Ba nói: “Không thể bên trong một, đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Anh (chị) hãy phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ  để làm sáng tỏ lời thoại của nhân vật.
Đề 4. Giả định Đế Thích cho Trương Ba được sống trong xác cu Tị và Trương Ba đồng ý thì cuộc sống của Trương Ba sau đó sẽ như thế nào? Trình bày ý tưởng xây dựng lớp kịch ngắn của anh (chị) về điều đó.
Đề 5. Suy nghĩ của anh chị về những vấn đề nhân sinh mà Lưu Quang Vũ đặt ra trong tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
Đề 6
Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao trước khi đâm chết Bá Kiến và tự kết thúc cuộc đời mình đã nói: Ai cho tao lương thiện? ”
Nhân vật Trương Ba trong tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, khi gặp Đế Thích đòi trả lại thân xác người hàng thịt đã nói: “Không thể bên trong một, đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về những câu nói đó.
Đề 7
Hồn Trương Ba: A, mày cũng biết nói kia à? Vô lý mày không thể biết nói! Mày không có tiếng nói, mày chỉ là xác thịt âm u đui mù…
Xác hàng thịt: Có đấy! Xác hàng thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả linh hồn cao khiết của ông!
Hồn Trương Ba: Nói láo! Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!
Xác hàng thịt: Có thật thế không?
Hồn Trương Ba:Hoặc nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém mà bất cứ con thú nào cũng thèm được:Thèm ăn ngon, thèm rượu thịt..
Xác hàng thịt:Tất nhiên, tất nhiên. Sao ông không kể tiếp: Khi ông ở bên nhà tôi…Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… Đêm hôm đó suýt nữa thì…
Hồn Trương Ba: Im đi, đấy là mày chứ, chân tay mày hơi thở của mày…
Xác hàng thịt: Thì tôi có ghen đâu! Ai lại ghen với chính thân thể mình nhỉ? Tôi chỉ trách là sao đêm hôm ấy, ông lại tự dưng bỏ chạy, hoài của… Này nhưng ta nên thành thật với nhau một chút: Chẳng nhẽ ông không xao xuyến chút gì à? Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc được sao? Để thoả mãn tôi, chẳng nhẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì? Nào hãy thành thật trả lời đi!
Hồn Trương Ba: Ta ..ta .. đã bảo mày im đi!
Xác hàng thịt: Rõ là ông không dám trả lời. Giấu ai chứ không thể giấu tôi được! Hai ta đã hoà với nhau làm một!
Hồn Trương Ba: Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…
Xác hàng thịt: Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!
Hồn Trương Ba: (bịt tai lại)Ta không muốn nghe mày nữa!
(Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục 2008)
Cảm nhận bi kịch tha hóa của Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ với bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao để bình luận quan niệm nghệ thuật về con người mà các tác giả đã gửi gắm qua hai tác phẩm.

  1. VĂN BẢN NGHỊ LUẬN
  2. Đặc trưng văn nghị luận

– Nghị luận là luận bàn về một vấn đề nào đó (vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, văn học, nghệ thuật, triết học,..). Luận là nêu rõ vấn đề cần xem xét, rồi trình bày sự hiểu biết, suy nghĩ, quan điểm, thái độ, cách giải quyết của mình đối với vấn đề đó; thông qua sự phân tích, giải thích, chứng minh, qua sự khẳng định hoặc phê phán bằng sự kiện, lí lẽ, tình cảm. Giá trị của tác phẩm nghị luận phụ thuộc vào ý nghĩa của vấn đề được đặt ra, vào quan điểm xem xét và giải quyết vấn đề, vào sức thuyết phục của lập luận.
– Các đặc trưng chính:
+ Chủ yếu dùng lí lẽ, dẫn chứng để bàn luận về một vấn đề nào đó;
+ Ngôn ngữ mang tính xã hội, tính học thuật cao.

  1. Yêu cầu về đọc văn nghị luận

– Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm nghị luận, nhận xét về vấn đề nêu lên trong tác phẩm (xuất phát từ nhu cầu nào của thực tế, có tầm quan trọng như thế nào với cuộc sống, với lĩnh vực luận bàn…)
– Tóm lược các luận điểm và xác định mối quan hệ giữa chúng với nhau;
– Cảm nhận tâm tư, tình cảm của người viết thể hiện trong sự luận bàn;
– Phân tích nghệ thuật lập luận, cách nêu chứng cứ, sử dụng ngôn ngữ;
– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật biểu hiện của tác phẩm, rút ra bài học sâu sắc từ tác phẩm;
=> Đặc trưng và cách đọc – hiểu văn nghị luận là cơ sở quan trọng để xây dựng câu hỏi đọc – hiểu văn bản thuộc thể này. Chẳng hạn có thể ra những câu hỏi về: đối tượng của văn bản; mục đích của văn bản; đặc sắc về nghệ thuật lập luận; các thao tác lập luận; tâm tư, tình cảm của người viết;…

  1. Hệ thống phạm vi kiến thức cần ôn tập

3.1 Kiến thức cơ bản

Lớp Chủ đề Mức độ cần đạt Ghi chú
11  Nghị luận trung đại
Việt Nam
 – Hiểu một số nét đặc sắc về nội dung tư­ tư­ởng và nghệ thuật lập luận của tác phẩm Cầu hiền chiếu  Ngô Thì Nhậm; bài đọc thêm : trích đoạn trong Tế cấp bát điều  – Nguyễn Tr­ường Tộ;
– Nhận biết một vài đặc điểm cơ bản của nghị luận trung đại (thể loại chiếu).
– Biết cách đọc – hiểu một tác phẩm hoặc một đoạn trích nghị luận trung đại theo đặc trư­ng thể loại.
Hiểu vị trí, ý nghĩa, cách lập luận, ngôn ngữ biểu đạt của bài chiếu, điều trần.
 
Nghị luận hiện đại
Việt Nam
 
–  Hiểu ý nghĩa nội dung và nghệ thuật lập luận của các trích đoạn (Bàn về đạo đức Đông Tây Phan Châu Trinh ; Một thời đại trong thi ca  Hoài Thanh và Hoài Chân; bài đọc thêm: Tiếng mẹ đẻ, nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức  Nguyễn An Ninh): luận điểm mới mẻ, lập luận chặt chẽ, phong cách đa dạng.
– Nhận biết một vài đặc điểm cơ bản của văn nghị luận từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945.
– Biết cách đọc – hiểu tác phẩm nghị luận theo đặc trư­ng thể loại; biết cách vận dụng những hiểu biết về văn nghị luận để tạo lập văn bản.
Hiểu vấn đề trọng tâm đ­ược đề cập trong mỗi văn bản, cách triển khai lập luận, ngôn ngữ biểu đạt.
 
Bư­ớc đầu thấy được sự giống và khác nhau giữa nghị luận trung đại và hiện đại (về đề tài, ngôn ngữ).
– Nghị luận n­ước ngoài – Hiểu đ­ược nội dung tư­ t­ưởng và nghệ thuật của Bài phát biểu đọc trước mộ Các Mác  Ph. Ăng-ghen: những đóng góp to lớn của Mác đã đ­ược làm sáng tỏ qua các luận điểm sắc bén, cách lập luận tăng cấp.
12 Nghị luận hiện đại Việt Nam và n­ước ngoài
 
 
 
 
 – Hiểu những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các văn bản nghị luận (Tuyên ngôn Độc lập  Hồ Chí Minh ; Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc  Phạm Văn Đồng; bài đọc thêm Mấy ý nghĩ về thơ Bàn về thơ  Nguyễn Đình Thi): các luận điểm – tư tưởng, cách lập luận chặt chẽ, sắc bén, cách đ­ưa dẫn chứng – luận điểm  sinh động, thuyết phục, sử dụng ngôn ngữ chính xác, gợi cảm.
– Hiểu nội dung và nghệ thuật lập luận của bài đọc thêm Đốt-xtôi-ép-xki  – Tiếng sấm của sự nổi dậy rền vang  – S. Xvai-gơ.
–  Nhận biết một số đặc điểm cơ bản của văn nghị luận hiện đại.
– Biết cách đọc –  hiểu một văn bản nghị luận văn học hoặc nghị luận chính trị xã hội…
– Biết vận dụng những hiểu biết về văn nghị luận để làm bài văn nghị luận.
 
Hiểu đư­ợc vấn đề đặt ra trong mỗi tác phẩm, hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng, ngôn ngữ, giọng điệu.
 
 

 
3.2. Những mảng kiến thức trọng tâm
3.2.1. Bài  Tuyên ngôn độc lập
Tác giả
Hoàn cảnh sáng tác
– Hoàn cảnh hẹp
– Hoàn cảnh rộng
Vấn đề trọng tâm về nội dung
– “Tuyên ngôn độc lập” là áng văn yêu nước lớn của thời đại, của dân tộc. Bản Tuyên ngôn đã khẳng định nguyện vọng thiêng liêng, cao cả nhất của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc.
+ Phần mở đầu bản Tuyên ngôn: Khẳng định độc lập dân tộc trên cơ sở chân lí, lẽ phải không thể chối cãi.
+ Phần thứ hai: Khẳng định độc lập dân tộc trên cơ sở thực tiễn được soi sáng bởi chân lí, lẽ phải nêu ở phần mở đầu.
+ Phần cuối bản Tuyên ngôn: Khẳng định quyền độc lập dân tộc trên cơ sở chân lí, lẽ phải – công pháp quốc tế và thực tiễn – truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam.
– “Tuyên ngôn độc lập” là áng văn ngời sáng tư tưởng nhân văn
+ Khẳng định truyền thống nhân đạo của người Việt Nam.
+ Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền con người.
Vấn đề trọng tâm về nghệ thuật
– Kết cấu chặt chẽ, lập luận đanh thép, sắc bén:
+ Kết cấu chặt chẽ: 3 phần: phần đầu nêu chân lí, lẽ phải không thể chối cãi về quyền con người; phần hai, trên cơ sở chân lí, lẽ phải đã nêu ở phần mở đầu, soi vào thực tiễn để tố cáo tội ác của thực dân Pháp, từ đó phủ nhận quyền của Pháp đối với Việt Nam, để khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; phần cuối, tuyên bố độc lập và quyết tâm sắt đá để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
+ Lập luận đanh thép, sắc bén: Lập luận luôn hướng tới mục đích của tác phẩm – để khẳng định độc lập của dân tộc; luôn có sự kết hợp giữa lí lẽ và  thực tiễn để tăng tính thuyết phục.
– Giọng văn linh hoạt, phù hợp với đối tượng và nội dung truyền đạt.
+ Nói với công luận quốc tế, lời văn uyên bác, giàu chất trí tuệ. Nói với đồng bào trong nước, lời văn tình cảm, chân thành, tha thiết.
+ Giọng văn đĩnh đạc, trang nghiêm khi khẳng định quyền độc lập của dân tộc. Giọng văn xót xa, căm giận khi tố cáo kẻ thù. Giọng văn hùng hồn, đanh thép khi nói về tinh thần chiến đấu anh dũng của dân tộc ta.
– Ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật vừa súc tích, chính xác, vừa giàu sức biểu cảm.
+ Từ ngữ vừa chính xác, vừa gợi cảm.
+ Những quan điểm, tư tưởng chính trị được diễn đạt bằng những hình tượng sinh động, vừa dễ hiểu vừa có sức truyền cảm lớn.
Một số đề tham khảo
Đề 1
Phân tích đoạn văn mở đầu Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh) để cho thấy sự thống nhất  chặt chẽ giữa đối tượng, mục đích sáng tác với nội dung, hình thức của tác phẩm:
            Hỡi đồng bào cả nước,
            Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
            Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
            Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
            Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
(Trích Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh, Dẫn theo Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục 2007)
Đề 2
            Nhận xét đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập  của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng: “Đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ Tịch Hồ Chí Minh  vừa khéo léo vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc”. Bằng cảm nhận của mình về đoạn trích sau, anh/chị hãy làm sáng tỏ điều đó:
            Hỡi đồng bào cả nước,
          “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
            Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
            Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
            “Người ta sinh ra bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
            Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
            (Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2007)
Đề 3
Có ý kiến cho rằng: “Tuyên ngôn độc lập” là áng văn chính luận đặc sắc (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục).
Anh (chị) hãy phân tích bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh để làm nổi bật ý kiến trên.
Đề 4
Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá“. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”.
Từ việc cảm nhận về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập, anh (chị) hãy bình luận những ý kiến trên.
Trích từ tài liệu tập huấn thi THPT Quốc gia môn văn 2018,  Vanhay.edu.vn sưu tầm và giới thiệu
Link phần 2  http://vanhay.edu.vn/chuyen-de-on-thi-phan-kich-nghi-luan-lop-12-phan-2/
 
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *