Chuyên đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia. Lí thuyết và bài tập đọc hiểu soạn theo cấu trúc mới, bám sát chương trình của Bộ
Những vấn đề về cơ sở lí luận
1.Mục đích.
– Chuyên đề giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, học sinh học tập hiệu quả và nâng cao chất lượng đổi mới giáo dục trong nhà trường.
– Giúp giáo viên có nguồn tài liệu phục vụ trực tiếp trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu chuyên môn.
– Giúp học sinh có được kĩ năng, phương pháp làm bài đọc – hiểu, rèn luyện kỹ năng tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập; kỹ năng tích cực chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập; kỹ năng trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập.
2. Phạm vi đối tượng nghiên cứu.
Chuyên đề tập trung vào vấn đề Đọc – Hiểu , áp dụng cụ thể đối với chủ đề hướng dẫn học sinh làm bài đọc hiểu Ngữ văn,
3. Phương pháp nghiên cứu.
3.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận:
Dựa vào CT, Chuẩn kiến thức, kĩ năng để xây dựng kế hoạch dạy học.
3.2. Phương pháp nghiên cứu thực tế:
Thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau (sách, báo, truy cập Internet, trải nghiệm thực tế…).
3.3. Phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp:
Từ các tài liệu thu thập được kết hợp với kiến thức trong chương trình sách giáo khoa và ngoài sách giáo khoa, tiến hành phân tích, xử lý để hoàn thành kế hoạch giảng dạy.
- Nội dung chuyên đề
- Những kiến thức lý thuyết cơ bản về phần đọc – hiểu
1/ Cấu trúc phần thi đọc hiểu trong đề thi THPT Quốc gia môn Văn
– Phần thi đọc hiểu là phần thi bắt buộc trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn 2016, chiếm 3/10 điểm toàn bài và có 1 phần đọc cùng 4 câu hỏi. Năng lực đọc hiểu của học sinh đang được coi trọng, nhất là từ năm học 2013 – 2014, các đề thi cấp quốc gia (tốt nghiệp, đại học) đều có một phần bài tập kiểm tra đánh giá năng lực này. Xu hướng kiểm tra đánh giá mới là thay vì kiểm tra đánh giá sự ghi nhớ những kiến thức của học sinh (kiến thức do giáo viên đọc hộ, hiểu hộ, cảm hộ), thì các đề thi kể từ năm học 2013 – 2015 chuyển sang kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh, năng lực tự mình cảm thụ, tìm hiểu, khám phá văn bản. Phần kiểm tra đánh giá này chiếm 30% tổng số điểm trong đề thi THPT quốc gia với 1 văn bản và 4 câu hỏi nên chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt về kiến thức và kĩ năng để có thể đạt điểm cao.
– Cấu trúc của một đề bài kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu như sau:
Phần 1: Đưa ra một văn bản (văn bản văn học hoặc văn bản nhật dụng, văn xuôi hoặc thơ, có thể là một văn bản hoàn chỉnh hoặc một đoạn trích…)
Phần 2: Đưa ra các câu hỏi theo các mức độ nhận thức từ thấp đến cao: từ nhận biết -> thông hiểu -> vận dụng thấp -> vận dụng cao.
+ Câu hỏi nhận biết thường đưa ra yêu cầu thí sinh chỉ ra các phương thức biểu đạt, phong cách chức năng ngôn ngữ, các hình thức ngôn ngữ, biện pháp tu từ, thao tác lập luận, kiểu liên kết hay các lỗi diễn đạt … trong văn bản.
+ Câu hỏi thông hiểu thường yêu cầu thí sinh xác định nội dung chính của văn bản hay một câu, một đoạn trong văn bản.
+ Câu hỏi vận dụng thấp thường yêu cầu nêu tác dụng của các phép tu từ hay việc sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, sử dụng từ ngữ … trong văn bản.
+ Câu hỏi vận dụng cao thường là dạng câu hỏi bày tỏ quan điểm thái độ hoặc liên hệ thực tế đời sống (liên hệ hiện tượng nào và đưa ra giải pháp).
2/ Phạm vi của phần đọc – hiểu
– Văn bản văn học (Văn bản nghệ thuật):
+ Văn bản trong chương trình (Nghiêng nhiều về các văn bản đọc thêm)
+ Văn bản ngoài chương trình (Các văn bản cùng loại với các văn bản được học trong chương trình).
– Văn bản nhật dụng (Loại văn bản có nội dung gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như: Vấn dề chủ quyền biển đảo, thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, ma tuý, … Văn bản nhật dụng có thể dùng tất cả các thể loại cũng như các kiểu văn bản song có thể nghiêng nhiều về loại văn bản nghị luận và văn bản báo chí).
– Xoay quanh các vấn đề liên quan tới:
+ Tác giả
+ Nội dung và nghệ thuật của văn bản hoặc trong SGK hoặc ngoài SGK.
– Dài vừa phải. Số lượng câu phức và câu đơn hợp lý. Không có nhiều từ địa phương, cân đối giữa nghĩa đen và nghĩa bóng.
3/ Yêu cầu cơ bản của phần đọc – hiểu
– Nhận biết về kiểu (loại), phương thức biểu đạt, cách sử dụng từ ngữ, câu văn, hình ảnh, các biện pháp tu từ,…
– Hiểu đặc điểm thể loại, phương thức biểu đạt, ý nghĩa của việc sử dụng từ ngữ, câu văn, hình ảnh, biện pháp tu từ.
– Hiểu nghĩa của một số từ trong văn bản.
– Khái quát được nội dung cơ bản của văn bản, đoạn văn.
– Bày tỏ suy nghĩ bằng một đoạn văn ngắn.
- Những kiến thức cần có để thực hiện việc đọc – hiểu văn bản
4.1. Kiến thức về từ:
– Nắm vững các loại từ cơ bản: Danh từ, động từ, tính từ, trợ từ, hư từ, thán từ, từ.
– Hiểu được các loại nghĩa của từ: Nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa gốc, nghĩa chuyển, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu thái…
4.2. Kiến thức về câu:
– Các loại câu phân loại theo cấu tạo ngữ pháp.
– Các loại câu phân loại theo mục đích nói (trực tiếp, gián tiếp).
– Câu tỉnh lược, câu đặc biệt, câu khẳng định, câu phủ định,…
4.3. Kiến thức về các biện pháp tu từ:
– Tu từ về ngữ âm: điệp âm, điệp vần, điệp thanh, tạo âm hưởng và nhịp điệu cho câu,…
– Tu từ về từ vựng, ngữ nghĩa: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, tương phản, chơi chữ, nói giảm, nói tránh,
thậm xưng,…
– Tu từ về cú pháp: Lặp cú pháp, liệt kê, chêm xen, câu hỏi tu từ, đảo ngữ, đối, im lặng,…
4.4. Kiến thức về văn bản:
– Các phép liên kết: thế, lặp, nối, liên tưởng, tưởng tượng
– Các loại phong cách ngôn ngữ: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, khoa học, hành chính
– Các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, thuyết minh, hành chính, nghị luận, biểu cảm
– Các thao tác lập luận: phân tích, chứng minh, giải thích, bình luận, bác bỏ, so sánh
– Các cách kết cấu văn bản: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành, tổng hợp…
Các dạng câu hỏi đọc – hiểu và cách làm đọc – hiểu
Dạng câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong phần đọc hiểu bao gồm:
Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản ?
Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản ?
Xác định thao tác lập luận văn bản ?
Xác định thể thơ và cách gieo vần ?
Xác định biện pháp tu từ và nêu hiệu quả biểu đạt của nó ?
Nêu nội dung chính của văn bản hoặc nêu chủ đề của văn bản ?
Ý nghĩa của hình ảnh, câu thơ…?
Hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề được đặt ra từ văn bản?
Để làm tốt phần đọc hiểu, các em cần:
2.1. Để xác định chính xác phương thức biểu đạt, các em nên lưu ý :
+ Nắm vững kiến thức cơ bản về khái niệm, đặc điểm của từng phương thức biểu đạt.
+ Một số dấu hiệu để nhận biết các phương thức biểu đạt:
* Cách nhận biết phương thức tự sự: có cốt truyện, có nhân vật, có diễn biến sự việc, có những câu văn trần thuật.
* Dấu hiệu nhận biết phương thức miêu tả : Có các câu văn, câu thơ tái hiện lại hình dáng, diện mạo, màu sắc,… của người và sự vật ( tả người, tả cảnh, tả tình,….)
* Dấu hiệu nhận biết phương thức biểu cảm : có các câu văn, câu thơ miêu tả cảm xúc, thái độ của người viết hoặc của nhân vật trữ tình.
* Dấu hiệu nhận biết phương thức nghị luận : Có vấn đề bàn luận, có quan điểm của người viết
* Phương thức hành chính công vụ thường ít xuất hiện trong đề đọc hiểu.
Ví dụ:
“... Trên thực tế, không một lòng đố kị nào có thể ngăn cản được người khác thành công, cho nên lòng đố kị chỉ có hại cho bản thân kẻ đố kị. Nó vừa làm cho kẻ đố kị không thể sống thanh thản, luôn dằn vặt khổ đau vì những lí do không chính đáng, lại vừa có thể dẫn họ đến những mưu đồ xấu xa, thậm chí phạm tội ác. Kẻ đố kị không hiểu rằng “ngoài trời còn có trời ” (cao hơn), “ngoài núi còn có núi” (cao hơn), mình tài giỏi còn có người tài hơn.”
(Theo Băng Sơn)
Hãy chỉ phương thức biểu đạt của văn bản ?
Đáp án:
Trong đoạn văn trên, tác giả nêu ra vấn đề cần bàn luận đó là “Lòng đố kị gây nên nhiều tác hại trong cuộc sống “, người viết bày tỏ quan điểm phê phán đối với những con người có lòng đố kị.
-> Vậy phương thức biểu đạt của văn bản: Nghị luận.
=> Trong đề thi nếu có câu hỏi : Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản, thì các em chỉ cần nêu một phương thức chính. Nếu đề bài hỏi xác định phương thức biểu đạt hoặc những phương thức biểu đạt thì có thể trả lời nhiều phương thức.
2.2. Nhận biết văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ : Cần dựa vào các xuất xứ ghi dưới văn bản và dựa vào đặc trưng của phong cách ngôn ngữ để chọn phong cách báo chí, khoa học, nghệ thuật, sinh hoạt, chính luận hay hành chính công vụ.
– Một số dấu hiệu nhận biết về PCNN:
NGUỒN TRÍCH DẪN CỦA CÁC PCNN:
+ Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: văn bản có thể được trích đoạn hội thoại trong giao tiếp hằng ngày, hoặc trích đoạn một bức thư, nhật kí
+ Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: Trong đề đọc hiểu, nếu thấy trích đoạn nằm trong một bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, … và các tác phẩm văn học nói chung.
+ Phong cách ngôn ngữ chính luận: Trong đề đọc hiểu, có thể trích dẫn trong các văn bản chính luận ở SGK hoặc lời phát biểu của các nguyên thủ quốc gia trong hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự , …
+ Phong cách ngôn ngữ báo chí:
Văn bản báo chí rất dễ nhận biết khi đề bài trích dẫn một bản tin trên báo và ghi rõ nguồn bài viết ( ở báo nào? ngày nào?)
+ Phong cách ngôn ngữ hành chính: Nhận biết văn bản hành chính rất đơn giản chỉ cần bám sát hai dấu hiệu mở đầu và kết thúc:
Có phần tiêu ngữ ( Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ở đầu văn bản
Có chữ kí hoặc dấu đỏ của các cơ quan chức năng ở cuối văn bản
Ví dụ : Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện yêu cầu :
Ví dụ: ” Hút thuốc là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo Tổ chức lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc. ”
(Theo chuyên mục sức khỏe, Báo tuổi trẻ. net)
Hãy xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?
Đáp án:
– Dựa vào nguồn trích dẫn: Văn bản đã ghi rõ nguồn bài viết “Theo chuyên mục sức khỏe, Báo tuổi trẻ. net ”
– Dựa vào đặc trưng của PCNN báo chí:
+ Văn bản đã cung cấp cho người đọc thông tin thời sự cập nhật về tác hại của thuốc lá, đảm bảo chất lượng thông tin (Tính thông tin thời sự )
+ Lượng thông tin của văn bản cao (Tính ngắn gọn)
-> Vậy PCNN của văn bản là PCNN báo chí.
2.3. Để nhận biết chính xác các thao tác lập luận cần nắm vững đặc điểm của từng thao tác
Ví dụ:
“Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài ca của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang…”
(Trích Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc – Phạm Văn Đồng, Ngữ văn 12- Tập 1)
Hãy chỉ ra thao tác lập luận của văn bản ?
Đáp án:
Văn bản đã đối chiếu hai tác phẩm – Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó làm nổi bật vẻ đẹp và đóng góp riêng của mỗi tác phẩm: Hai tác phẩm ra đời ở hai thời đại khác nhau, nhưng đều ca ngợi những người dân anh hùng của một dân tộc anh hùng.
-> Thao tác lập luận của văn bản: So sánh
2.4. Để nhận biết chính xác các biện pháp nghệ thuật, các em cần:
– Nắm vững kiến thức về các biện pháp tu từ, đặc trưng của từng biện pháp tu từ
– Tác dụng của các biện pháp tu từ có tác dụng làm rõ nội dung nói đến, tăng thêm gợi cảm, gợi hình ảnh, âm thanh, màu sắc, làm đối tượng hấp dẫn, sâu sắc.
2.5. Để xác định chính xác nội dung của 1 văn bản hoặc chủ đề của văn bản, các em nên:
– Tìm câu chủ đề trong văn bản. Dựa vào câu chủ đề để xác định nội dung.
– Hoặc xác định chính xác nội dung của từng đoạn văn bản, rồi tổng hợp lại thành nội dung bao quát toàn văn bản.
2.6. Đặt nhan đề cho văn bản: Cơ sở để đặt nhan đề là phải dựa vào nội dung văn bản và dựa vào câu chủ đề. Nhan đề đòi hỏi phải đúng trọng tâm, ngắn gọn, hay.
2.7. Ở những phần yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về vấn đề nào đó. Để viết được một đoạn văn đạt điểm cao:
Trước tiên cần xác định rõ vấn đề cần viết (nội dung của đoạn văn), viết trong bao nhiêu dòng? (dung lượng), sau đó tiến hành tìm ý cho đoạn văn. Việc tìm ý cho đoạn văn sẽ giúp học sinh hình dung được những ý cần viết, tránh tình trạng viết lan man dài dòng, không trọng tâm.
– Chú ý: Đoạn văn cũng có bố cục 3 phần: Mở đoạn- Thân đoạn- Kết đoạn
* Câu mở đầu có nhiệm vụ dẫn dắt vấn đề. Đối với đoạn văn trong đề đọc hiểu, các em nên dẫn dắt từ nội dung của văn bản được trích dẫn.
* Các câu nối tiếp: Dựa vào các ý chính vừa ghi trên giấy nháp, chúng ta tiến hành viết đoạn văn.
* Câu kết của đoạn có nhiệm vụ kết thúc vấn đề. Câu kết có thể nêu cảm xúc cá nhân, mở rộng vấn đề, hoặc tóm lược vấn đề vừa trình bày.
Hình thức trình bày của đoạn văn có thể theo: Quy nạp; diễn dịch; hoặc tổng – phân – hợp. Nhưng cách đơn giản nhất là trình bày theo kiểu diễn dịch, tức là câu chủ đề nằm ở đầu đoạn. Các câu sau triển khai ý cho câu mở đầu.
Chẳng hạn : Đề bài yêu cầu đọc hiểu về đoạn thơ trong Trường ca “Những người đi tới biển” – Thanh Thảo, sau đó yêu cầu viết đoạn văn khoảng 7- 10 dòng về trách nhiệm của thanh niên với đất nước.
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Tuổi hai mươi làm sao không tiếc?
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc?
(Trường ca “Những người đi tới biển” – Thanh Thảo)
Đoạn văn có các ý sau :
+ Câu mở đầu dẫn dắt vấn đề : Những câu thơ trên của Thanh Thảo nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta hôm nay: Bất cứ thời đại nào, mỗi con người chúng ta nhất là thế hệ thanh niên cũng luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước.
+ Các ý chính của đoạn : có thể tham khảo một số gợi ý sau :
– Thế hệ trẻ phải xác định tư tưởng, tình cảm, lí tưởng sống của mình
+ Yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc
+ Lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ Quốc cần.
+ Phải rèn luyện sức khỏe để có khả năng cống hiến và bảo vệ đất nước
– Thời đại ngày nay, thanh niên cần tỉnh táo trước hành động của mình không bị kẻ xấu lợi dụng, lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm phạm chủ quyền biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ Quốc
+ Câu cuối bàn bạc mở rộng vấn đề, nhấn mạnh trách nhiệm của thanh niên với đất nước: Như vậy, xây dựng và bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của thanh niên nói riêng và của mỗi con người Việt Nam nói chung.
Sau khi làm xong, các em cũng nên kiểm tra lại và sửa lỗi (nếu có).
III. Luyện tập
Đội 12G
Đề bài: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi (từ câu 1 đến câu 4).
Học trò con trai ma qủy
học trò con gái thần tiên
thầy bắt thần tiên ngồi kèm ma qủy
Bén hơi ma qủy ghẹo thần tiên
lập lòe đom đóm vĩnh cửu
ô mai đổi kẹo bạc hà
Lấm láp trang đời mỗi dày mỗi kịch
tuổi học trò đồng nghĩa với trang thơ
thời gian không mất trắng bao giờ
Câu chuyện học trò không đầu không cuối
tình ý học trò quả me chua loét
lưu bút mùa hoa phượng cháy không nguôi
Lá thư học trò vu vơ dấm dúi
nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau
đẹp như là không đâu vào đâu
(Kính gửi tuổi học trò – Nguyễn Duy)
Câu 1. Bài thơ trên được tác giả viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Tìm các từ ngữ, hình ảnh gợi nhắc về kỉ niệm tuổi học trò trong bài thơ trên?
Câu 3. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong hai câu thơ: Học trò con trai ma quỉ- học trò con gái thần tiên? Nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật ấy.
Câu 4. Câu thơ “nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau”gợi cho anh/chị suy nghĩ gì? (trả lời bằng một đoạn văn từ 5 đến 7 dòng).
Đội 12E
Đề bài: Đọc văn bản và trả lời câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5).
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.
(Trần Nhuận Minh)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên ?
Câu 2. Nêu ý nghĩa của cách dùng từ “hành khất” mà không phải là “người ăn mày” trong câu đầu ?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc “Con không…” ?
Câu 4. Lời dặn con của người cha qua hai câu thơ:
“Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào?”
Câu 5. Anh/chị có suy nghĩ gì về bài học rút ra mà người cha nói với con qua bài thơ ?
Đội 12D
Đề bài: Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5)
Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông
Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la
Và sao không là phù sa rót mỡ màu cho hoa
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư
Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư
(Lời bài hát Khát Vọng – Phạm Minh Tuấn)
Câu 1. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Chủ đề của văn bản trên?
Câu 3. Nêu tác dụng của phép điệp trong văn bản trên?
Câu 4. Lời bài hát đem đến cho anh/chị cảm xúc gì?
Câu 5. Sau khi đọc lời bài hát, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn phát biểu suy nghĩ của mình về lối sống của tuổi trẻ học đường ngày nay?
Đội 12H
Đề bài: Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi (từ Câu 1 đến Câu 4)
“Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa
Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra”
( Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc ở Trường Sa)
Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả của phép tu từ được sử dụng trong câu thơ: Các anh đứng như tượng đài quyết tử.
Câu 3. Hai từ bồn chồn, thao thức thể hiện tình cảm gì đối với Trường Sa?
Câu 4. Câu thơ Để một lần Tổ quốc được sinh ra gợi cho anh/ chị những suy nghĩ gì? (Trả lời từ 5 đến 7 dòng)
Hướng dẫn trả lời
Đội 12G
- Bài thơ được viết theo thể thơ tự do (0,25 điểm)
- Các từ ngữ, hình ảnh gợi nhắc về kỉ niệm tuổi học trò trong bài thơ: ô mai, kẹo bạc hà, quả me chua loét, mùa hoa phượng, lá thư học trò (0,25 điểm)
(Thí sinh phải trả lời được từ 3 hình ảnh trở lên mới cho 0,25 điểm)
- – Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ: Học trò con trai ma qủy- học trò con gái thần tiên: Thí sinh chỉ ra được 1 biện pháp nghệ thuật cũng khuyến khích cho 0,25đ
+ Nghệ thuật thuật đối con trai – con gái, ma qủy – thần tiên
+ Nghệ thuật so sánh: con trai – ma quỷ, con gái – thần tiên
+ Nghệ thuật lặp cấu trúc: học trò con trai… học trò con gái…
– Hiệu quả: Thể hiện vẻ đẹp của tuổi học trò, vừa nghịch ngợm vừa duyên dáng, trong sáng, hồn nhiên. (0,25 điểm)
- Thí sinh viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 dòng) đáp ứng đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, sau đây là gợi ý:
– Tuổi học trò là quãng thời gian đẹp nhất trong đời người: sống hồn nhiên, trong sáng trong tình thầy cô, bè bạn… Tuổi học trò để lại nhiều kỉ niệm đẹp, trở thành “nỗi nhớ suốt đời” của mỗi con người
– Cần biết trân trọng, nâng niu quãng thời gian tươi đẹp này
– Phê phán những kẻ không biết trân trọng tình bạn, tình thầy cô…, đánh mất tuổi học trò ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Đội 12E
Phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự.
2. “Hành khất”, “ăn mày”: đều chỉ người kém may mắn trong cuộc sống, phải đi lang thang xin ăn.
Từ “Hành khất” là một từ Hán Việt thể hiện thái độ tôn trọng của tác giả đối với những người không may cơ nhỡ trong cuộc sống.
3. Tác dụng:
+ Phép điệp Thể hiện sự giáo dục nghiêm khắc của người cha với con, mong muốn con mình thấu hiểu và sống đúng với đạo lí làm người: trân trọng, không chế nhạo những người cơ nhỡ.
+ Nhấn mạnh ý, tạo nhịp điệu, âm hưởng cho bài thơ
4. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người, những người hành khất vì cơ nhỡ mà có người phải bỏ quê hương đi tha hương cầu thực, thậm chí còn có những người không có quê hương. Người cha dặn dò con không nên hỏi quê hương của họ bởi vì nhắc đến quê hương là nhắc đến nỗi nhớ, nhắc đến niềm đau.. Từ đó, người cha muốn con hiểu được, đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống, quan tâm giúp đỡ những người tha hương cầu thực, không chỉ về mặt vật chất mà trên hết vẫn là sự đồng cảm về mặt tinh thần.
5. Bài học rút ra: Cần tôn trọng ,đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Đội 12D
1.Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
2.Chủ đề: lối sống có trách nhiệm, ước mơ, có ý nghĩa.
- Điệp ngữ :
Hãy sống như..
Và sao không là…
Sao không là…
->>Phép điệp tạo âm hưởng du dương, nhẹ nhàng, bay bổng cho bài hát, nhấn mạnh về ý, biểu đạt cảm xúc
4.Học sinh có thể nêu cảm nhận cá nhân về bài hát, tuy nhiên cảm xúc phải chân thành, không khuôn sáo ,gượng ép. Sau đây là một số gợi ý về bức thông điệp của bài hát:
Hãy sống thật với lòng mình! Hãy sống bằng tất cả tấm chân tình để yêu hơn cuộc sống này:Hãy hóa thân vào những gì đẹp đẽ nhất của thế gian:Là gió, là mây, là phù sa, là bài ca, là mặt trời…Hãy biết ước vọng và sống sao cho mạnh mẽ: hãy là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông…Chúng ta hãy sống trong cuộc đời này với tất tình yêu và khát khao hòa nhập.
Đất mẹ và lòng mẹ luôn bao dung cho những đứa con kể cả những đứa con bị lầm lỡ. “Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung ” Khát vọng trở thành” đàn chim gọi bình minh thức giấc”, những hình tượng tuyệt đẹp để hướng về tương lai “Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc “Khát vọng trở thành “mặt trời” là nơi đem lại ánh sáng, sự sống và niềm tin cho con người, niềm tin chân chính và vô tư, không chút vị kỷ.
Đội 12H
Câu 1. Thể thơ tám tiếng
Câu 2
Phép tu từ so sánh thể hiện sự dũng cảm, kiên cường, quyết chiến với kẻ thù của những người chiến sĩ trong nhiệm vụ bảo vệ đảo quê hương.
Câu 3
Hai từ láy thể hiện rõ tâm trạng lo lắng, sẻ chia, yêu thương của những Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt dành cho Trường Sa.
Câu 4 :
Gợi ý:
– Ý thơ gợi nhiều suy nghĩ trước những hy sinh to lớn của chiến sĩ Gạc Ma: cảm phục, trân trọng , ghi sâu công ơn những người anh hùng đã Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
– Vai trò của người chiến sỹ cũng chính là vai trò của nhân dân- những con người làm nên Đất nước.
– Từ đó, thế hệ hôm nay cần nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với Trường Sa, với đất nước.
Xem thêm Bài tập đọc hiểu có đáp án : http://vanhay.edu.vn/tag/de-doc-hieu