Đọc hiểu tác phẩm kí: Tản văn Đi bắt cua đồng

  1. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Những ngày tháng sáu này thường khiến tôi nhớ đến cái nắng chang chang trên cánh đồng ký ức. Khi đó, tôi cùng lũ trẻ trong xóm thường trốn ngủ trưa, rủ nhau ra đồng bắt cua. Nắng như đổ lửa, đội chiếc mũ nan trên đầu, mỗi đứa một cái giỏ, nhoay nhoáy lội ruộng. Nắng như muốn đun sôi nước dưới đồng, nhiều chú cua không chịu sức nóng liền chui ra khỏi hang bò lên bờ tìm bụi cỏ rúc vào trốn tạm.

Tôi vạch bụi cỏ nhìn đôi mắt đen láy của chú cua rồi bắt lấy bỏ ngay vào giỏ. Cũng có khi cua tìm ống cống chạy vào, bò đầy lên thành cống. Với những chú cua cố thủ trong hang, chỉ còn cách thò tay vào bắt. Quê tôi đất cằn sỏi đá, hang cua cũng đầy đá dăm sắc nhọn. Mỗi lần thọc tay vào là bị đá cào cho rách ra chảy máu. Nhưng không gì có thể ngăn được lũ trẻ chúng tôi. Cũng lạ thay, nắng nóng là thế mà không đứa nào ốm, chỉ có làn da bị cháy nắng, và nụ cười nhuốm màu đồng ruộng…

Cua bắt được, mẹ tôi cho vào cối giã. Giã thật nhuyễn, lọc lấy nước mang nấu canh. Chao ôi, mùa hè mà được tô canh cua thì tốn cơm phải biết. Canh cua mẹ nấu với rau đay, rau ngót, rau mồng tơi hái trong vườn nhà. Hôm nào được nhiều cua, mẹ nấu một nồi canh to, rồi mang chia cho hàng xóm. Cả nhà quây quần bên bữa cơm có tô canh cua với mấy quả cà pháo cũng đủ ăm ắp tiếng cười.

Ngày đó nghèo nhưng hạnh phúc giản đơn quá đỗi. Những câu chuyện thường xoay quanh chuyện học hành của mấy anh em tôi, chuyện mùa màng, lúa ngô, khoai sắn. Anh em tôi lớn lên một phần nhờ ruộng đồng đã chắt chiu từng con cua mớ tép, con trai, con hến. Nên dù ra phố nhiều năm, tôi vẫn không thể nào quên được gốc gác quê nhà. Tôi ngỡ như chân mình còn thoảng mùi bùn. Trên làn da của mình còn ngăm ngăm vị nắng.

Bây giờ đồng ruộng còn đấy nhưng ít cấy hái hơn xưa. Phần vì làm nông vất vả, phân đạm đắt, công thuê máy móc giá cao. Phần vì chính sách ly nông bất ly hương, các khu công nghiệp mọc lên trên khắp các vùng quê. Người già không còn sức ra đồng, hàng ngày quanh quẩn trông cháu con và chăm sóc rau trái vườn nhà. Người trẻ còn sức lao động thì không mấy thiết tha với đồng ruộng nữa. Ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Mùa nắng, ruộng cạn, nứt nẻ khắp nơi. Những mương nước cạn dần, ngay cả vũng trâu đằm cũng không còn nữa. Nên cua tép cũng vì thế mà ít dần trên những cánh đồng.

Cha tôi vẫn giữ thói quen đi soi cua đêm. Ánh đèn pin loang loáng trên cánh đồng trước nhà. Bước thấp bước cao, bờ trên bờ dưới, vất vả là thế mà lần nào về cũng chỉ được mấy con cua, đủ nấu cháo cho đứa cháu còn đang tuổi ăn dặm. Cũng có năm trời mưa nhiều, mọi người thi nhau đi bắt cua. Ai bắt được nhiều mang ra chợ bán. Vài lần đi chợ, tôi bắt gặp những chú cua mắt đen láy, nhoay nhoáy bò trong thau khi có ai đó chạm vào. Tôi như tìm thấy mình trong hình dáng một đứa nhỏ nào đó theo mẹ đi chợ bán cua. Trong bữa cơm hôm ấy, tô canh cua có thêm vị ngọt của ký ức. Chưa chạm môi đã đủ bùi ngùi…

(Vũ Thị Huyền Trang, Tản văn Đi bắt cua đồng, Ký & Tản văn,

Văn học Sài Gòn, 09/8/2022)

Trả lời các câu hỏi dưới đây:

Câu 1. (0.5 điểm) Theo tác giả, vì sao đồng ruộng còn đấy nhưng ít cấy hái hơn xưa?

Câu 2. (0.5 điểm) Xác định 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu văn sau:

Vài lần đi chợ, tôi bắt gặp những chú cua mắt đen láy, nhoay nhoáy bò trong thau khi có ai đó chạm vào. Tôi như tìm thấy mình trong hình dáng một đứa nhỏ nào đó theo mẹ đi chợ bán cua. Trong bữa cơm hôm ấy, tô canh cua có thêm vị ngọt của ký ức. Chưa chạm môi đã đủ bùi ngùi…

Câu 3. (1.0 điểm) Phân tích hiệu quả của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản.

Câu 4. (1.0 điểm) Chỉ ra cách kết hợp từ độc đáo và phân tích hiệu quả của cách kết hợp đó trong câu văn sau:

Cũng lạ thay, nắng nóng là thế mà không đứa nào ốm, chỉ có làn da bị cháy nắng, và nụ cười nhuốm màu đồng ruộng…

Câu 5. (1.0 điểm) Nhận xét về cái tôi trữ tình được tác giả thể hiện trong văn bản.

Câu 6. (1.0 điểm) Văn bản khơi dậy lên cho anh/chị cảm xúc gì về những kỉ niệm tuổi thơ?

Câu 1 Bây giờ đồng ruộng còn đấy nhưng ít cấy hái hơn xưa vì:

– Làm nông vất vả, phân đạm đắt, công thuê máy móc giá cao.

– Chính sách ly nông bất ly hương, các khu công nghiệp mọc lên trên khắp các vùng quê.

Người già không còn sức ra đồng, hàng ngày quanh quẩn trông cháu con và chăm sóc rau trái vườn nhà. Người trẻ còn sức lao động thì không mấy thiết tha với đồng ruộng nữa.

Ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Mùa nắng, ruộng cạn, nứt nẻ khắp nơi. Những mương nước cạn dần, ngay cả vũng trâu đằm cũng không còn nữa. Nên cua tép cũng vì thế mà ít dần trên những cánh đồng.

Hướng dẫn chấm

Trả lời như đáp án: 0.5 điểm

0.5
Câu 2 HS xác định được 01 biện pháp tu từ trong những câu văn trên.

– Nhân hoá: chú cua.

– So sánh: như tìm thấy mình trong hình dáng một đứa nhỏ nào đó theo mẹ đi chợ bán cua.

– Ẩn dụ: …tô canh cua có thêm vị ngọt của ký ức.

Hướng dẫn chấm

Trả lời được 01 biện pháp tu từ như đáp án: 0.5 điểm

0.5
Câu 3 – Trong văn bản, yếu tố tự sự và trữ tình của thể loại tản văn đã được tác giả kết hợp xuất sắc yếu tố tự sự và trữ tình, cụ thể như:

+ Yếu tố tự sự: kể về kí ức tuổi thơ của những ngày tháng sáu “tôi” cùng lũ trẻ đi bắt cua đồng, cùng gia đình quây quần bên bữa cơm có tô canh cua, đến giờ cha vẫn giữ thói quen soi cua…

+ Yếu tố trữ tình: tác giả thể hiện được nỗi nhớ bùi ngùi, da diết với những ngày tháng tuổi thơ; tình cảm yêu thương, trân trọng gia đình và quê hương gắn liền với đồng ruộng.

Hiệu quả của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản: giúp tác giả thể hiện một cách sâu sắc nỗi nhớ quê hương và những kỉ niệm thời thơ ấu. Đồng thời giúp bài viết trở nên hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc.

Hướng dẫn chấm

+ HS chỉ ra được yếu tố tự sự (0,25) và trữ tình (0,25) trong văn bản và nêu được hiệu quả (0,5) của sự kết hợp đó.

+ HS trả lời sai hoặc không có câu trả lời: 0 điểm

1.0
Câu 4 – Sự phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường ở đây là tác giả sử dụng những từ ngữ độc đáo để nói về nụ cười.

– Hiệu quả: làm nổi bật vẻ đẹp vô tư, hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ thôn quê trong kí ức tuổi thơ.

– Hướng dẫn chấm

HS nêu đúng 1 ý: 0.5 điểm

HS nêu đúng 2 ý: 0.75 điểm

1.0
Câu 5

 

HS nhận xét được về cái tôi trữ tình được tác giả thể hiện trong văn bản.

Cái tôi trữ tình của tác giả:

–  Cái tôi tinh tế, nhạy cảm, giàu tình yêu thương gia đình và gắn bó với quê hương xứ sở.

–  Cái tôi với cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo, giàu hình ảnh nhưng gần gũi, mộc mạc, giản dị mang hơi thở làng quê, đồng ruộng…

– Hướng dẫn chấm

+ HS nêu đúng một ý  0.5 điểm

+ HS nêu đúng hai ý: 1.0 điểm

1.0

 

Câu 6 HS có thể linh hoạt trả lời câu hỏi này.

Gợi ý: Văn bản đã khơi dậy nơi tâm hồn người đọc về ý nghĩa của những kỉ niệm tuổi thơ trong cuộc đời: là miền kí ức đẹp, không thể quên; đánh thức những giá trị xưa cũ giúp ta biết trân trọng cuộc sống hiện tại; là động lực thôi thúc ta vượt qua khó khăn thử thách trong cuộc sống…

– Hướng dẫn chấm

+ HS nêu được 1 ý: 0.5 điểm

+ HS nêu được 2 ý: 0.75 điểm

+ HS nêu được 3 ý trở lên: 1.0 điểm

1.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *