Đề HSG lớp 11 sách mới Mùa Hạ Xuân Quỳnh, Truyện ngắn Ông ngoại Nguyễn Ngọc Tư

 

SỞ GD&ĐT BẮC GIANG

CỤM THPT HIỆP HÒA

 

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

(Đề thi gồm 03 trang)

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI VĂN HÓA CẤP CƠ SỞ

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN THI: NGỮ VĂN – LỚP 11

Ngày thi: 19/3/2024

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Đọc bài thơ sau:

MÙA HẠ

(Xuân Quỳnh)

(1) Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả

Bước chân người bỗng mở những đường đi

 

(2) Đó là mùa không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.

(3) Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không kể xiết
Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu

(4) Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa

(5) Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.

(Trích Thơ Xuân Quỳnh, NXB Văn học, 2016, Trang 34)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ trên.

Câu 2. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc được sử dụng trong ở dòng thơ in đậm trong bài thơ trên.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ: “Từ những miền cay đắng hóa thành thơ”?

Câu 4. Qua bài thơ, anh/chị hãy nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.

VIẾT (15.0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm).

Người Nga có câu nói: Nếu có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng. Cả tâm hồn cũng cần phải được ăn uống.

Anh/Chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của mình về câu nói trên.

Câu 2 (10.0 điểm).

            Nói về truyện ngắn hiện đại, sách học sinh Ngữ văn 11, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định: Truyện ngắn hiện đại quan tâm diễn tả những thay đổi về tâm lí, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển của câu chuyện.

            Anh/Chị hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ qua truyện ngắn Ông ngoại của Nguyễn Ngọc Tư.

ÔNG NGOẠI

(Tóm tắt đoạn đầu: Gia đình cậu mợ của Dung đậu phỏng vấn và đi định cư ở nước ngoài. Mẹ Dung quyết định cho Dung sang ở với ông ngoại để tiện bề trông nom ông. Dung dù không muốn nhưng vẫn nghe lời mẹ.)

Sang bên ấy được hai hôm, Dung chạy về mẹ, than thở lướt sướt: “Ở với ông ngoại buồn muốn chết, đi học về, mở karaoke lại sợ ồn, nói chưa được mấy câu thì hết chuyện. Chẳng lẽ con lại nói chuyện tình yêu với ông ngoại à? Bọn bạn không dám lại nhà chơi. Ông khó lắm. Con mở nhạc cũng ngại, con nấu cơm khét ông mắng cả buổi. Suốt ngày ông cứ lo tỉa tót cho mấy chậu kiểng, mấy con cá vàng. Con hỏi: “Ngoại chăm sóc hoài không chán sao?”, ngoại nói “Cây cũng có linh hồn. Con không tin, ghé tai vào nghe thử, có cây nào than buồn, có cây nào thèm nghe Michael Jackson đâu”.

Mẹ cười:

– Con vì ông một chút, ông cũng vì con thôi, thử xem.

[…]

Thế nghĩa là có hai thế giới ở trong ngôi nhà. Thế giới của ông là mấy ông bạn già, là mấy chồng nhựt báo, là cái radio đâu hồi còn đánh nhau, là trầm tư suy ngẫm, là mảnh sân hoa trái. Thế giới của Dung là tiếng nhạc gào thét xập nh, là sắc màu xanh đỏ, là quả đất như nằm gọn trong bàn tay. Sáng nó dậy thật sớm để nấu cơm, sau đó đi học, chiều lại học, buổi tối nó vù xe đến bạn chơi hoặc về nhà nghe mấy đứa em cãi nhau ỏm tỏi. Hai thế giới vừa giành giựt vừa hoà tan nhau.

[…]

 Hôm bữa Dung nói với ông:

– Sao ông Chín bên nhà rủ ngoại đi tham gia câu lạc bộ gì đó, ngoại không đi?

Ông nhìn Dung thật lâu: “Ngoại sợ con ở nhà một mình buồn”. Dung chột dạ, có bao giờ đi chơi mà mình nghĩ tới ông không.

[…]

Có những sự thay đổi Dung không thể ngờ được. Bây giờ mỗi đêm Dung trở mình nghe ông ngoại ho khúc khắc. Nghe cây mai nhỏ nứt mình, nảy chồi. Dung nghiện hương trầm tối tối ông thắp lên bàn thờ bà ngoại. Lắm khi lũ em Dung sang, chúng nó phá phách quậy tung cả lên, Dung mắng, chúng nó trề môi “Chị hai khó như một bà già”, Dung giật mình. Có lẽ quen với cái tĩnh lặng trong sân mà mỗi chiều Dung giúp ông tưới cây, cái khoảng không xanh lạc lõng trong khói bụi, đâu đó, trên tàng me già, dăm chú chim hót líu lo. Dung quen dáng ông ngoại với mái tóc bạc, với đôi mắt hõm, cái cằm vuông, quen mỗi tháng một lần cọc cạch lên phường nhận lương hưu. Có một điều Dung ngày càng nhận ra tiếng ho của ông ngày càng khô và rời rạc như lời kêu cứu. []

Ngày 18 tháng 12, Dung mở tờ lịch mới, hôm nay là sinh nhật của nó. Hôm qua, mẹ cho Dung một món tiền kha khá, bọn bạn reo lên inh ỏi: “Party nghe Dung, làm xôm tụ, tụi này kéo lại”. Dung nói với ông, ông gật đầu:

– Ừ thì sinh nhật mà, con có mua bánh kem chưa? Ông biết làm đấy.

Dung tròn mắt:

– Thật ư?

Ông khẽ cốc đầu nó.

– Đừng có khinh ngoại.

Nói rồi hai ông cháu lăn vào khuấy bột, trộn sữa. Tay ông nhẹ nhàng, nắn nót mười tám nụ hồng trên mặt bánh, Dung thòm thèm mãi. Buổi sinh nhật thật rôm rả, bọn Dung khiêu vũ với nhau ông ngoại cũng nhảy, ông mặc chiếc áo màu xanh thắt nơ hoa rất đẹp. Lúc ông nắm tay nó, nhạc dạo bài Tango “Xa vắng”. Dung ngạc nhiên và buồn cười đến nỗi giẫm lên cả chân ông. Bọn bạn reo ầm lên, chúng khen bánh kem ngon, khen ông nhảy giỏi, Dung hãnh diện lắm….

(Trích Ông ngoại (In trong tập truyện ngắn cùng tên, Nguyễn Ngọc Tư[1], NXB Trẻ, 2001).

SỞ GD & ĐT BẮC GIANG

CỤM HIỆP HÒA

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI VĂN HÓA CẤP HUYỆN

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN THI: NGỮ VĂN – LỚP 11

(Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
 

 

 

I

  Đọc văn bản và trả lời câu hỏi 5,0
1 – Nhân vật trữ tình trong bài thơ: Tôi 0,5

 

2 – Biện pháp tu từ điệp cấu trúc: “Đó là mùa…” (0,25 đ)

– Hiệu quả nghệ thuật:

+ Làm cho bài thơ sinh động, giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, được liên kết chặt chẽ. (0,5 đ)

+ Nhấn mạnh vẻ đẹp phong phú, đa dạng của bức tranh mùa hạ. (0,5đ)

+ Qua đó thể hiện niềm tự hào và tình yêu của tác giả với mùa hè, với thiên nhiên và cuộc sống. (0,25 đ)

1,5

 

3 Ý nghĩa câu thơ: Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.

+ Miền cay đắng: khó khăn/ thử thách của cuộc sống. (0,25 đ)

+ Thơ: thơ mộng/ lãng mạn/ đẹp đẽ. (0,25 đ)

=> Cả câu muốn nói: Vượt qua những khó khăn trắc trở của thiên nhiên, cuộc sống để trở nên tốt đẹp hơn. (0,5 đ)

=> Qua đó tác giả muốn khuyên con người cần có ý chí, quyết tâm, nỗ lực vượt lên khó khăn để cuộc sống tươi đẹp hơn. (0,5 đ)

1,5

 

 

 

 

4 – Bài thơ là những cảm nhận của nhà thơ về một mùa hè rực rỡ, sinh động, tươi tắn và tràn đầy sức sống; thể hiện những khát khao, những ước mơ vẫn còn mãi dù những năm tháng tuổi trẻ đã đi qua… Tất cả thể hiện qua thể thơ tự do, ngôn ngữ thơ giản dị mà giầu sức gợi. (0,5)

– Nhận xét: Qua bài thơ ta thấy ở nhà thơ Xuân Quỳnh một tâm hồn:

+ Tinh tế, nhạy cảm; giàu tình yêu với thiên nhiên, đất nước; (0,5)

+ Những suy nghĩ tích cực thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha. (0,5)

1,5
 

II

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người Nga có câu nói: “Nếu có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng. Cả tâm hồn cũng cần phải được ăn uống.”

Anh/Chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của mình về câu nói trên?

5,0
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận

Có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài nêu được vấn đề cần nghị luận; Thân bài triển khai được các luận điểm của vấn đề; Kết bài kết luận được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cuộc sống của con người cần có sự cân bằng, hài hòa giữa những nhu cầu vật chất và tinh thần. 0,5
c. Triển khai vấn đề: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Thí sinh có thể viết theo nhiều cách nhưng cơ bản phải nêu được những ý chính sau:

1. Giải thích:

Bánh mì: Là biểu tượng cho những giá trị vật chất thiết yếu trong cuộc sống của mỗi con người như: cái ăn, cái ở, cái mặc, những tiện nghi phục vụ nhu cầu của cuộc sống…

Hoa hồng: Là biểu tượng cho những giá trị, nhu cầu tinh thần của con người trong cuộc sống.

-> Ý cả câu: Cuộc sống của con người cần có sự cân bằng, hài hòa giữa những nhu cầu vật chất và tinh thần.

2. Bàn luận: Câu nói của người Nga thể hiện quan điểm sống đúng đắn

Nhu cầu vật chất (ăn, ở, mặc, tiện nghi…) rất cần thiết trong cuộc sống của con người. Con người không thể sống được nếu thiếu đi những điều kiện vật chất tối thiểu. Nhưng quá coi trọng vật chất, con người dễ bị rơi vào lối sống ích kỉ, vô cảm, bản năng, …

– Tâm hồn (hay tinh thần) là một phần quan trọng khiến con người được là người với nghĩa đầy đủ nhất (chứ không phải là con vật, cũng không phải là cỗ máy). Cần nuôi dưỡng tâm hồn để con người được sống theo nghĩa đầy đủ nhất của cuộc sống (hưởng thụ vật chất phải đi đôi với hưởng thụ tinh thần). Nếu không nuôi dưỡng tâm hồn, chỉ quan tâm đến đời sống vật chất và những ham muốn tiền tài, địa vị thì tâm hồn con người sẽ trở nên nghèo nàn, cằn cỗi, bất hạnh, đau khổ…

– Để có đời sống tâm hồn phong phú thì con người phải có đời sống vật chất tương đối đầy đủ. Con người không thể có đời sống tâm hồn phong phú, giàu có nếu đời sống vật chất quá chật vật, nghèo nàn. Ngoài ra, con người cần có ý thức nâng cao giá trị đời sống tinh thần của mình.

3. Mở rộng vấn đề:

– Vẫn còn một số biểu hiện của một bộ phận nhỏ trong xã hội hiện nay có cái nhìn thực dụng khi đánh giá con người, hoặc quá đề cao vật chất mà hạ thấp đời sống tinh thần hoặc quá đề cao đời sống tinh thần mà chẳng chăm lo đến đời sống vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc vẹn toàn. Vậy nên chúng ta cần cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Tuy vậy, câu nói trên cần hiểu một cách linh hoạt bởi “nếu có hai cái” mới quyết định “sẽ bán một cái“- nghĩa là nhu cầu vật chất là nhu cầu trước tiên, quan trọng, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà nhu cầu tinh thần cũng nên được chú ý song hành với nhu cầu vật chất.

4. Bài học nhận thức và hành động:

– Cần nhận thức đầy đủ về hai nhu cầu làm nên cuộc sống của mỗi người: vật chất và tinh thần.

– Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng thế giới tâm hồn của mình, nhất là trong cuộc sống hiện nay.

– Lao động hết mình để đảm bảo nhu cầu vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình.

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

2,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và thuần phong mĩ tục. 0,5
e. Chính tả: Đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, ngữ pháp,… 0,25
 

2

 

 

 

 

 

          Nói về truyện ngắn hiện đại, sách học sinh Ngữ văn 11, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định: Truyện ngắn hiện đại quan tâm diễn tả những thay đổi về tâm lí, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển của câu chuyện.

          Anh/Chị hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ qua truyện ngắn Ông ngoại của Nguyễn Ngọc Tư.

 

10,0
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận

Có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được vấn đề cần nghị luận; Kết bài khái quát được nội dung cần nghị luận.

0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đặc điểm xây dựng tính cách nhân vật trong truyện ngắn hiện đại. 0,5
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể triển khai các luận điểm theo nhiều cách, dưới đây là một số nội dung định hướng chấm bài:

1. Giải thích ý kiến:

Truyện ngắn hiện đại là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, thể hiện nét riêng của tư duy thể loại. Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế. Do dung lượng bị giới hạn, truyện ngắn đòi hỏi sự chắt lọc, dồn nén của các chi tiết và việc vận dụng bút pháp chấm phá trong trần thuật.

quan tâm diễn tả những thay đổi về tâm lí, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển của câu chuyện: chú trọng diễn tả những thay đổi về tâm trạng, suy nghĩ, nhận thức, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển câu chuyện.

-> Nhận định khẳng định đặc điểm xây dựng tính cách nhân vật trong truyện ngắn hiện đại: Trong xây dựng tính cách, truyện ngắn hiện đại chú trọng diễn tả những thay đổi về tâm trạng, suy nghĩ, nhận thức, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển câu chuyện.

2. Bình luận ý kiến:

a. Cơ sở lý luận của ý kiến: Đây là một nhận định đúng đắn về đặc điểm xây dựng tính cách nhân vật trong truyện ngắn hiện đại.

– Xuất phát từ đặc trưng của văn học: Văn học phản ánh đời sống trên phạm vi rộng lớn và đa dạng. Trong đó, đối tượng phản ánh chủ yếu là con người với những mối quan hệ, với những nhận thức, suy nghĩ, tình cảm… phong phú.

–  Xuất phát từ quy luật của quá trình văn học: Văn học gắn bó với đời sống. Văn học không chỉ phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó với những biến động lịch sử của xã hội mà còn phản ánh tư tưởng của thời đại. Các nhà văn hiện đại chịu ảnh hưởng của triết học hiện đại: nhìn nhận sự vật và con người trong sự vận động và phát triển. Cho nên, khi phản ánh con người trong tác phẩm văn học, đặc biệt là trong truyện ngắn, các nhà văn luôn quan tâm diễn tả những thay đổi về nhận thức, suy nghĩ, tâm trạng và ứng xử của nhân vật.

– Xuất phát từ đặc trưng của truyện ngắn hiện đại: là thể loại tự sự cỡ nhỏ. Tuy nhiên truyện ngắn vẫn phải đáp ứng yêu cầu phản ánh đời sống. Vì vậy, khi xây dựng tính cách, các nhà văn thường đặt nhân vật vào những tình huống cụ thể để nhân vật bộc lộ những thay đổi nội tâm, ứng xử qua đó thể hiện bản chất của đời sống.

b. Cơ sở thực tiễn của ý kiến:

– Thí sinh làm sáng tỏ được nhận định, đi sâu phân tích cụ thể truyện ngắn Ông ngoại của Nguyễn Ngọc Tư.

– Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, song cần bám sát định hướng của đề, cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

– Nguyễn Ngọc Tư được xem là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại. Sáng tác của cô chủ yếu viết về những câu chuyện bình dị của con người vùng sông nước Nam Bộ. Nguyễn Ngọc Tư dành sự quan tâm yêu mến đặc biệt cho đối tượng trẻ em.

– Truyện Ngắn Ông ngoại trích từ tập truyện ngắn cùng tên (2001). Tác phẩm thể hiện rõ niềm yêu mến trẻ thơ, khát vọng đem tình người ấm áp hoá giải mọi ranh giới, mọi khoảng cách qua việc diễn tả những thay đổi trong suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật Dung.

*  Đặc điểm xây dựng tính cách trong truyện ngắn hiện đại được thể hiện qua nhân vật Dung:

– Dung được mẹ quyết định cho sang ở với ông ngoại để tiện trông nom ông khi cậu mợ của Dung đậu phỏng vấn và đi định cư ở nước ngoài. Ở với ông, Dung buồn muốn chết vì lối sống và sở thích của Dung và ông rất khác nhau. Thế giới của Dung là tiếng nhạc gào thét xập nh, là sắc màu xanh đỏ, là quả đất như nằm gọn trong bàn tay. Sáng nó dậy thật sớm để nấu cơm, sau đó đi học, chiều lại học, buổi tối nó vù xe đến bạn chơi hoặc về nhà nghe mấy đứa em cãi nhau ỏm tỏ. Còn ông suốt ngày cứ lo tỉa tót cho mấy chậu kiểng, mấy con cá vàng… Hai ông cháu khó nói chuyện bởi nói chưa được mấy câu thì hết chuyện.

– Dung thay đổi suy nghĩ, tâm trạng và ứng xử khi hôm bữa Dung nói với ông: “Sao ông Chín bên nhà rủ ngoại đi tham gia câu lạc bộ gì đó, ngoại không đi?” Ông nhìn Dung thật lâu:“Ngoại sợ con ở nhà một mình buồn”. Dung đã nhận ra mình chưa bao giờ quan tâm ông. Từ đó, Dung quan tâm đến ông hơn. Dung dần quen và yêu cuộc sống giản dị của ông. Dung trưởng thành hơn khi cô biết thương ông và lo lắng cho sức khoẻ của ông. Dung không còn buồn chán nữa. Trái lại, Dung rất vui và hãnh diện…

-> Diễn tả những thay đổi như vậy nhà văn đã cho thấy Dung là cô gái nhạy cảm, hiểu chuyện và rất thương ông, lo lắng cho ông. Qua nhân vật Dung, nhà văn đã gửi gắm thông điệp: Gia đình có nhiều thế hệ chung sống thường có những khác biệt về lối sống, sở thích…giữa các thế hệ. Để rút ngắn được khoảng cách, để tạo sự thuận hoà, niềm hạnh phúc thì mỗi người cần yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia công việc, trách nhiệm với nhau.

3. Bình luận mở rộng, nâng cao:

– Để tạo nên một truyện ngắn hay, có giá trị, nhà văn cần lựa chọn  hình thức thể hiện như ngôi kể, điểm nhìn, xây dựng kết cấu, nghệ thuật trần thuật…. đặc biệt là quan tâm diễn tả những thay đổi về tâm lí, ứng xử trong xây dựng nhân vật. Những yếu tố thuộc về hình thức của truyện sẽ góp phần là rõ tư tưởng mà tác giả gửi gắm đến người đọc.

– Nhận định đã  gợi nhắc và đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Với người sáng tác đặc biệt là người sáng tác truyện ngắn, cần có cái nhìn khách quan, biện chứng để phản ánh và lí giải các vấn đề của đời sống; luôn trau dồi tài năng nghệ thuật để đem đến cho độc giả những tác phẩm hay; hướng con người đến những giá trị chân – thiện – mĩ.

+ Với người tiếp nhận, cần trân trọng quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, nâng cao khả năng tiếp nhận. Từ mỗi tác phẩm truyện ngắn, mỗi người đọc hãy nhận thức về chính mình và cuộc đời để có hành động tích cực, ý nghĩa, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,5
e. Chính tả: Đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, ngữ pháp,… 0,5
Tổng điểm 20, 0

 Lưu ý khi chấm bài:

Giám khảo cần nắm vững yêu cầu chấm để đánh giá tổng quát bài làm cuả thí sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc, vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm.

[1] Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở Cà Mau. Giọng văn Nguyễn Ngọc Tư giàu chất Nam Bộ, lối kể nhẹ nhàng. Sáng tác của cô chủ yếu viết về những câu chuyện bình dị của con người vùng sông nước Nam Bộ – quê hương tác giả, mượn văn hóa Nam Bộ để bao bọc khát vọng đem tình người ấm áp hòa giải mọi ranh giới, mọi khoảng cách. Với trái tim nhân hậu, nhạy cảm, Nguyễn Ngọc Tư đã dành sự quan tâm yêu mến đặc biệt cho đối tượng trẻ em. Ông ngoại (trích từ tập truyện ngắn cùng tên, NXB Trẻ, 2001).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *