NGUYỆT THỰC
Văn Cao
Bỗng nhiên
Bóng người ấy che mất
Nửa mặt tôi
Một nửa mặt của tôi
Của tôi nửa mặt trắng
Miệng tôi nửa miệng đắng
Một con mắt tôi
Lặng lẽ lấp lánh
Sau bóng đen người ấy
Suy nghĩ của anh/ chị về triết lí nhân sinh được gợi ra từ bài thơ trên?
Yêu cầu về kiến thức Thí sinh có nhiều cách để trình bày suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, bài viết cần phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau đây: |
a. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
– Bài thơ gợi những suy ngẫm về sự tồn tại song hành như một quy luật của cái xấu và cái đẹp, cái ác và cái thiện… giữa cuộc đời cũng như bên trong mỗi con người. – Để sống tốt đẹp, giữ được nhân tâm ngay thẳng, trong sạch, con người luôn phải đấu tranh chiến thắng cái xấu, cái ác ngoài xã hội và cả trong chính bản thân mình. |
b. Giải thích, phân tích và chứng minh
* Giải thích, phân tích: – Nguyệt thực là nhan đề có tính ẩn dụ, nói về sự che lấp, lấn át của cái xấu, cái ác đối với cái tốt đẹp. Từ biểu tượng khuôn mặt bị che đi một nửa, còn lại “nửa mặt trắng, nửa miệng đắng“, “một con mắt lặng lẽ lấp lánh” tác giả phản ánh chân thực sự giao tranh, trộn lẫn phức tạp mà đau đớn giữa cái xấu xa với cái tốt đẹp trong xã hội cũng như trong một con người. – Ranh giới giữa thiện và ác, tốt và xấu, lí trí và bản năng, trắng và đen, chính và tà… nhiều khi rất mong manh, đặt con người vào một cuộc đấu tranh, giằng xé rất quyết liệt. – Dù trong hoàn cảnh nào, con người vẫn phải giữ được nhân cách, thiên lương. Như thế mới xứng đáng với danh hiệu Con Người. * Chứng minh: HS lấy dẫn chứng về sự tồn tại và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong xã hội và trong từng con người. |
c. Bàn luận vấn đề, liên hệ bản thân
– Thực trạng: Cuộc chiến chống cái xấu, cái ác là cuộc chiến thường trực, quyết liệt trong xã hội hiện nay và trong từng con người. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều người chưa kiên quyết, còn né tránh, buông xuôi… – Nguyên nhân: Bản chất đời sống và con người vốn phức tạp. Cuộc đời đa sự, con người đa đoan nên không bao giờ có sự thuần nhất… – Hậu quả: Khi cái xấu, cái ác không bị diệt trừ, nó có nguy cơ lấn át cái tốt đẹp, làm cho cái tốt đẹp dễ bị tha hóa. – Bài học nhận thức và hành động: + Phê phán, lên án sự thờ ơ, dung túng, nhượng bộ cái xấu và cái ác… + Đấu tranh không mệt mỏi cho sự lên ngôi, tỏa sáng của cái đẹp, cái thiện; kiên quyết loại trừ cái xấu, cái ác… + Định hướng lối sống đẹp cho bản thân. |