Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 12

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức

Nguyễn An Ninh

Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pe-ri-ê (Pérrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu. Nhiều người An Nam bị Tây hoá hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm tường của phong hoá châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là họ đã được đào tạo theo kiểu Tây phương.

Thái độ mù tịt về văn hoá châu Âu như thế không nên làm chúng ta ngạc nhiên. Vì chỉ có những người đã hiểu biết vững một nền văn hoá rồi mới có khả năng thưởng thức một nền văn hoá ngoại bang. Những kiểu kiến trúc và trang trí lai căng của những ngôi nhà thuộc về những người An Nam được hun đúc theo cái mà những người ở Đông Dương gọi là văn minh Pháp, chứng tỏ rằng những người An Nam bị Tây hoá chẳng có được một thứ văn minh nào. Việc từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ phải làm cho mọi người An Nam tha thiết với giống nòi lo lắng.

Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. […] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình…

Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiên rằng tiếng nước mình còn nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?

Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?

Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?

Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này:

“Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”. […]

Chúng ta không thể tránh né châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu. Nhưng những kiến thức thu thập được, họ không được giữ riêng cho mình. Đồng bào của họ cũng phải được thông phần nữa. Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình. […]

(Trích “Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức” – Nguyễn An Ninh)

 

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Tác giả đã đưa ra những bằng chứng nào để khẳng định: tiếng nước ta không nghèo nàn?

Câu 2. Theo bài viết, tiếng nói có vai trò quan trọng như thế nào đối với vận mệnh dân tộc?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của các câu hỏi tu từ được sử dụng trong văn bản?

Câu 4. Nhận xét về thái độ của tác giả được thể hiện trong đoạn văn: Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pe-ri-ê (Pérrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu. Nhiều người An Nam bị Tây hoá hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm tường của phong hoá châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là họ đã được đào tạo theo kiểu Tây phương.

Câu 5.Từ vấn đề mà Nguyễn An Ninh đặt ra trong tác phẩm, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về thực trạng sử dụng ngôn ngữ Gen Z của giới trẻ hiện nay? Vì sao (Trả lời trong một đoạn văn từ 7 – 10 câu).

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Anh/ chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), trình bày nhận xét về nghệ thuật lập luận của tác giả Nguyễn An Ninh trong văn bản ở phần đọc – hiểu?

Câu 2 (4.0)

Theo thống kê từ Hiệp Hội Nhựa Việt Nam, hiện Việt Nam đang là 1 trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nilon nhất châu Á. Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 – 7 bao bì nilon/ ngày. Đa phần các túi nilon đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải. Chính thói quen lạm dụng bao bì nilon ấy đã để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường, nền kinh tế và sức khoẻ cộng đồng.

Từ thực tế ấy, anh/ chị hãy viết một bài luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về những điều bản thân cần thay đổi để “nói không với bao bì nilon vì một môi trường xanh, sạch, thân thiện với sức khỏe con người”

 

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung cần đạt Điểm
I PHẦN ĐỌC – HIỂU 4.0
1 Những bằng chứng mà tác giả đưa ra để khẳng định tiếng nước ta không nghèo nàn:

-Ngôn ngữ phong phú trong các tác phẩm của Nguyễn Du.

-Người An Nam có thể dịch được các tác phẩm Trung Quốc sang tiếng nước mình thì cũng có đủ ngôn ngữ để sáng tác ra các tác phẩm tương tự.

– “Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”. […]

0.5
2 Theo bài viết, tiếng nói có vai trò quan trọng đối với vận mệnh dân tộc, là: Người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập dân tộc, giúp giải phóng các dân tộc bị trị. 0.5
3 Chỉ ra và nêu tác dụng của các câu hỏi tu từ được sử dụng trong văn bản?

Câu trả lời của học sinh cần đảm bảo:

-Chỉ ra được câu hỏi tu từ: 0,25 điểm.

+ Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?

+Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?

+Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?

-Nêu tác dụng: 0.75 điểm”

+Gián tiếp khẳng định tiếng nước ta không nghèo nàn.

+Thể hiện thái độ dứt khoát và quyết liệt của người viết đối với những kẻ cho là ngôn ngữ dân tộc ta nghèo nàn.

+Gây chú ý, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.

1.0
4 Nhận xét về thái độ của tác giả được thể hiện trong đoạn văn:

-Thái độ của tác giả: Phê phán, châm biếm nhẹ nhàng những kẻ sùng ngoại, không thạo tiếng Tây nhưng lại thích ra vẻ người Tây.

-Nhận xét: đây là một thái độ đúng đắn, cho thấy rõ những suy tư, trăn trở, lo lắng của tác giả trước thực trạng một bộ phận con người thích học đòi Tây hóa, bập bẹ vài ba chữ tiếng Tây mà quên đi tiếng nói của dân tộc mình

1.0
5 Từ vấn đề mà Nguyễn An Ninh đặt ra trong tác phẩm, em hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về thực trạng sử dụng ngôn ngữ Gen Z của giới trẻ hiện nay? Vì sao (Trả lời trong một đoạn văn từ 7 – 10 câu).

Câu trả lời của học sinh cần đảm bảo:

-Về hình thức: một đoạn văn ngắn từ 7 đến 10 câu được 0.25 điểm

-Về nội dung: học sinh đảm bảo được các ý sau hoặc có các diễn đạt tương tự: được 0.75 điểm:

+Giải thích ngắn gọn ngôn ngữ Gen Z là gì?

+Phân tích mặt tích cực và tiêu cực của ngôn ngữ Gen Z:

Tích cực:

Thể hiện cá tính năng động, tạo không khí giao tiếp vui vẻ, cởi mở, gần gũi của giới trẻ.

Xét ở một góc độ nhất định, ngôn ngữ Gen Z cũng góp phần bổ sung thêm từ ngữ mới, làm phong phú ngôn ngữ tiếng Việt. VD từ “say nắng”

Tiêu cực:

Gây khó hiểu, mất thời gian suy đoán, nhất là với những người lớn tuổi.

Nếu lạm dụng trong giao tiếp có thể gây sự hiểu nhầm, thiếu nghiêm túc trong giao tiếp

Làm méo mó, mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

=>Vừa sáng tạo nhưng phải vừa gìn giữ, phát huy vẻ đẹp truyền thống của tiếng Việt để không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

1.0
II PHẦN VIẾT  
1 Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), trình bày nhận xét về nghệ thuật lập luận của tác giả Nguyễn An Ninh trong văn bản ở phần đọc – hiểu 2.0
a.Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0.25
b.Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Xác định đúng vấn đề nghị luận: nhận xét về nghệ thuật lập luận của tác giả Nguyễn An Ninh trong văn bản ở phần đọc – hiểu

0.25
c.Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.

-Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

+Kết cấu chặt chẽ

+Luận điểm rõ ràng

+Lập luận giàu sức thuyết phục

+Bằng chứng thực tế sinh động, tác động trực tiếp vào nhận thức của tầng lớp tri thức lúc bấy giờ.

+Ngôn ngữ linh hoạt, sắc bén vừa mạnh mẽ, dứt khoát; vừa thấm đẫm cảm xúc.

+Quan điểm, lập trường rõ ràng, nhất quán: khi châm biếm, mỉa mai nhẹ nhàng: “Thái độ mù tịt về văn hoá châu Âu như thế không nên làm chúng ta ngạc nhiên.”; khi lại châm thành, tha thiết: “Việc từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ phải làm cho mọi người An Nam tha thiết với giống nòi lo lắng.”; khi lại thể hiện rõ niềm tự hào, tình yêu tha thiết dành cho tiếng Việt: “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị”

⇒bài viết với phong cách chính luận xuất sắc

-sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm, bố cục ủa kiểu đoạn văn.

0.75
d.Viết đoạn văn cần đảm bảo các yêu cầu sau:

-Lựa chọn các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt phù hợp để triển trai vấn đề nghị luận: nhận xét về nghệ thuật lập luận của tác giả Nguyễn An Ninh.

-Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

-lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0.25
đ.Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt; liên kết câu trong đoạn văn.

0.25
e. Sáng tạo

Thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đath mới mẻ.

0.25
2 Theo thống kê từ Hiệp Hội Nhựa Việt Nam, hiện Việt Nam đang là 1 trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nilon nhất châu Á. Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 – 7 bao bì nilon/ ngày. Đa phần các túi nilon đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải. Chính thói quen lạm dụng bao bì nilon ấy đã để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường, nền kinh tế và sức khoẻ cộng đồng. Từ thực tế ấy, em hãy viết một bài luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về những điều bản thân cần thay đổi để “nói không với bao bì nilon vì một môi trường xanh, sạch, thân thiện với sức khỏe con người” 4.0
a.Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:

Mở bài: Nêu vấn đề cần bàn luận, hướng bàn luận và ý nghĩa chung của việc bàn luận về vấn đề

Thân bài: Triền khai các nội dung thành một chỉnh thể, thống nhất, làm rõ các yêu cầu của đề bài.

Kết bài: :  Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề

0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Suy nghĩ về những điều bản thân cần thay đổi để “nói không với bao bì nilon vì một môi trường xanh, sạch, thân thiện với sức khỏe con người”

0.5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm mạch lạc, lập luận chặt chẽ, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

* Miêu tả khái quát hoàn cảnh đời sống dẫn đến hiện tượng lạm dụng bao bì nilon trong cuộc sống hiện nay.

-Nhịp sống vội vã, người người lao vào guồng quay của công việc, nên thường tận dụng những khoảng thời gian rỗi rãi để đi mua sắm đồ ăn thức uống, những vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, quần áo, thuốc men,… và khi ấy, bao bì nilon trở thành vật dụng hữu hiệu nhất để bao chứa tất cả những đồ vật mà người mua cần mua hoặc người bán cần bán.

-Nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng bao bì nilon:

 +Tính tiện ích: bao bì nilon rất nhẹ nhàng, dễ dàng gấp gọn, được sản xuất theo đủ loại kích cỡ, màu sắc, phù hợp để chứa thức ăn hay các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày.

+Giá thành rẻ, thậm chí là người bán cho không người mua.

=>Thói quen đi chợ, đi mua sắm không cần mang theo vật dụng chứa đồ vì đã có túi nilon; sử dụng túi nilon vô tội vạ: mỗi thứ để trong một túi khác nhau, dùng xong vất đi ngay, không cần tái sử dụng,…

* Phân tích lần lượt từng khía cạnh của vấn đề theo trình tự từ hẹp đến rộng hoặc từ rộng đến hẹp với những lí lẽ và bằng chứng phù hợp.

+Cấp độ quốc gia.

+Tại địa phương

+Tại hộ gia đình (Cá nhân)

* Sự cần thiết phải nhận thức đầy đủ về tác hại của bao bì nilon:

-Tác hại đối với sức khỏe con người:

+Dùng túi nilon đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể.

+Khi đốt túi nilon sẽ sinh ra những khí cực độc gây nhiều bệnh nghiêm trọng cho con người

+Rác thải từ túi nilon tạo thành nhiều ổ dịch bệnh

-Tác hại đối với môi trường sống:

+Với túi nilon khó phân hủy khi bị vùi trong lớp đất cát, các hóa chất sẽ hòa vào làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn, làm cho đất không giữ được nước và nguồn dinh dưỡng.

+Nếu túi nilon bị vứt xuống các ao hồ, sông ngòi dễ làm tắc cống rãnh, kênh mương và gây ứ đọng dẫn đến việc sinh sản nhiều vi khuẩn gây ra bệnh tật cho chính sức khỏe của con người.

+Bên cạnh đó túi nilon cũng là thủ phạm gây ra cái chết của nhiều sinh vật biển vì chúng không phân biệt được đâu là túi rác, đâu là con mồi thật sự.

-Tác hại đối với nền kinh tế:

+Chi phí cho việc mua bao bì nilon ngày càng nhiều do thói quen lạm dụng sử dụng bao bì nilon.

+Chi phí cho việc xử lí môi trường do chất thải nilon gây ra.

+Chi phí cho điều trị bệnh tật từ việc sống trong môi trường bị ô nhiễm.

* Nêu trải nghiệm của bản thân với vấn đề được bàn luận

-Thực trạng sử dụng bao bì nilon của bản thân.

-Bản thân đã nhận thức được đầy đủ tác hại của bao bì nilon hay chưa?

-Bản thân đã có hành động cụ thể như thế nào để “nói không với bao bì nilon vì một môi trường xanh, sạch, thân thiện với sức khỏe con người” (học sinh phải nêu được cụ thể hành động của bản thân đã, đang và sẽ tiếp tục hành động)

Gợi ý:

+Nói KHÔNG với việc mua hay sử dụng túi nilon mới. Thay vào đó, hãy chọn mua và tin dùng các loại túi vải, túi giấy tái chế.

+Giặt sạch và tái sử dụng các túi nilon mới dùng 1, 2 lần.

+ Bỏ túi nilon đã qua sử dụng vào thùng rác, không tự ý đốt hay chôn lấp trái quy định.

+……….

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

-Nhiều người chưa nhận thức một cách đầy đủ về tác hại của túi nilon nên sử dụng nó một cách thoải mái dẫn đến thực trạng khối lượng bao bì nilon vẫn tăng lên theo từng tháng, từng năm.

-Nhiều người dù nhận thức rất rõ về tác hại của túi nilon, nhưng vẫn thản nhiên sử dụng vì tính lợi ích của nó.

2.5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0.5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *