Đề HSG 10 hội các trường chuyên duyên hải và ĐBBB 2023

HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

VÙNG DH&ĐB BẮC BỘ

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

 

(Đề thi gồm 01 trang)

 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

LẦN THỨ XIV, NĂM 2023

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi: 15 tháng 7 năm 2023

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong cuốn sách Mình phải sống như biển rộng sông dài, tác giả Raxu Nguyễn (tác giả trẻ thuộc thế hệ 9x) viết:

Điểm khác nhau cơ bản giữa tôi và bạn là: bạn sống để mọi người yêu thích, còn tôi sống để chính mình không phải hối hận sau này (dù có phải chống lại cả thế giới).

Anh/chị sẽ lựa chọn cách sống nào?

 

Câu 2 (12,0 điểm)

Bàn về ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, có ý kiến cho rằng:

“Lạ hóa” không có nghĩa lúc nào cũng vặn vẹo làm biến dạng ngôn từ tự nhiên, giản dị. Bản thân ngôn từ tự nhiên, giản dị cũng là một vẻ đẹp và một cách thể hiện nghệ thuật cao cường. Đó là sự giản dị mà phong phú.

(Lí luận văn học, tập 1, NXB Đại học Sư phạm, 2011, tr.107)

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

………………………HẾT………………………

 

 

Họ và tên thí sinh: …………………………………   Số báo danh:…………………

 

Lưu ý: – Thí sinh không được sử dụng tài liệu

– Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

VÙNG DH&ĐB BẮC BỘ

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

 

(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

LẦN THỨ XIV, NĂM 2023

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

 

  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo; tránh đếm ý cho điểm.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

 

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ

 

Câu Ý Yêu cầu cần đạt Điểm
1   Trong cuốn sách “Mình phải sống như biển rộng sông dài”, tác giả Raxu Nguyễn (tác giả trẻ thuộc thế hệ 9x) có viết:

“Điểm khác nhau cơ bản giữa tôi và bạn là: bạn sống để mọi người yêu thích, còn tôi sống để chính mình không phải hối hận sau này (dù có phải chống lại cả thế giới)”.

Anh/chị sẽ lựa chọn cách sống nào?

(Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – tỉnh Bình Dương)

8.0
  * Yêu cầu về hình thức, kĩ năng

– Đáp ứng yêu cầu của bài làm văn nghị luận xã hội.

– Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn.

1.0
  * Yêu cầu về nội dung

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần hướng đến những ý sau:

7.0
1.1 Giải thích 2.0
  – “Sống là khái niệm chỉ sự tồn tại có ý nghĩa của con người.

Sống để được mọi người yêu thích: cách sống phù hợp với quan niệm, mong muốn của những người xung quanh để nhận được thiện cảm.

– “Sống để chính mình không phải hối hận sau này”: cách sống theo quan niệm, mong muốn của chính mình, cho dù vấp phải sự phản đối từ số đông.

=> tác giả đã chia sẻ về sự lựa chọn của mình: sống theo ý mình chứ không sống theo ý mọi người.

 
1.2 Bàn luận vấn đề 4.0
  a/ Nhận thức về hai cách sống  
* Cách sống thứ nhất (sống để được mọi người yêu thích)

– Sống để được mọi người yêu thích mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao:

     + Có được những mối quan hệ tốt đẹp

+ Có cơ hội để hoàn thiện bản thân

+ Được mọi người ghi nhận, tôn vinh…

– Sống để được mọi người yêu thích có thể dẫn đến những bất cập:

      + Không được sống với những nhu cầu, khát vọng của chính mình

+ Mất nhiều cơ hội để sáng tạo, khẳng định, phát triển bản thân

+ Phải sống trong hối hận và nuối tiếc…

1.0
* Cách sống thứ hai (sống để không phải hối hận sau này)

 Sống để chính mình không phải hối hận sau này (dù có phải chống lại cả thế giới) mang lại nhiều giá trị:

+ Được theo đuổi những mục tiêu của mình, được sống với nhu cầu, khát vọng của mình.

+ Có cơ hội khẳng định sở trường, bản lĩnh cá nhân (dám nghĩ, dám làm, dám chống lại cả thế giới).

–  Sống để chính mình không phải hối hận sau này (dù có phải chống lại cả thế giới) cũng có thể dẫn đến những bất cập:

+ Thường bị cô lập, chê trách

+ Phải vượt qua sự phản đối, ngăn cản

+ Dễ trở thành kẻ ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa…

(Thí sinh cần chọn dẫn chứng phù hợp, lập luận thuyết phục.)

 

1.0

b/ Sự lựa chọn của bản thân  
– Học sinh cần nhận thức được mỗi cách sống đều mang lại những giá trị riêng, đồng thời tiềm ẩn những điều bất cập.

– Học sinh có thể đưa ra lựa chọn của mình, song cần có lí lẽ thuyết phục (hướng tới cân bằng, hài hòa giữa 2 cách sống: vừa sống với những nhu cầu, mong muốn, khát vọng của mình; vừa biết hòa đồng với mọi người; biết trân quý những giá trị cá nhân đồng thời biết hướng tới tập thể).

2.0
1.3 Mở rộng vấn đề 1.0
  – Nhận thức rõ được ý nghĩa trong việc lựa chọn cách sống của bản thân, từ đó hình thành cho mình quan điểm sống đúng đắn, phù hợp.

– Cần tránh cách sống cực đoan: hoặc cá nhân chủ nghĩa, tách rời tập thể hoặc chạy theo số đông, đánh mất chính mình. Sống làm sao để không phải hối tiếc là cách sống trọn vẹn cả cho mình và cho mọi người.

– Tuy nhiên, thực tế cuộc sống rất phức tạp, đôi khi không thể cầu toàn; cần biết chấp nhận hoặc buông bỏ…

 
2   Bàn về ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, có ý kiến cho rằng:

“Lạ hóa” không có nghĩa lúc nào cũng vặn vẹo làm biến dạng ngôn từ tự nhiên, giản dị. Bản thân ngôn từ tự nhiên, giản dị cũng là một vẻ đẹp và một cách thể hiện nghệ thuật cao cường. Đó là sự giản dị mà phong phú”

 (“Lí luận văn học”, tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, 2011, tr.107).

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

                  (Trường THPT Chuyên Bắc Ninh – tỉnh Bắc Ninh)

12.0
  * Yêu cầu về hình thức, kĩ năng

– Đáp ứng yêu cầu của bài làm văn nghị luận xã hội.

– Trình bày vấn đề một cách khoa học, hấp dẫn

1.0
  * Yêu cầu về nội dung

Thí sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau:

11.0
2.1 Giải thích 2.0
  Ngôn từ mang tính “lạ hóa”: cách biểu đạt mới lạ, bất ngờ, độc đáo của ngôn từ trong tác phẩm văn học.

“Lạ hóa không có nghĩa lúc nào cũng vặn vẹo làm biến dạng ngôn từ tự nhiên, giản dị”: sự vặn vẹo làm biến dạng ngôn từ là cách diễn đạt quá cầu kì, kiểu cách dẫn đến những cách hiểu mơ hồ, lệch lạc.

– “Bản thân ngôn từ tự nhiên, giản dị cũng là một vẻ đẹp và một cách thể hiện nghệ thuật cao cường. Đó là sự giản dị mà phong phú”: những từ ngữ quen thuộc, dễ hiểu trong đời sống vẫn có thể trở thành “lạ hóa” trong văn học nhờ “nghệ thuật cao cường” của tác giả, tạo ra sự đa dạng, sâu sắc, mới mẻ trong biểu đạt.

=> ý kiến trên đã khẳng định khả năng “lạ hóa” ngôn từ tự nhiên của người nghệ sĩ trong tác phẩm văn học.

 
2.2. Bàn luận, chứng minh 8.0
  * Bàn luận vấn đề  
Ngôn từ nghệ thuật mang tính “lạ hóa” vì gắn với đặc trưng của văn học. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Văn học cần phải có sự sáng tạo bởi “lặp lại là cái chết của nghệ thuật”. Những từ ngữ dù mới mẻ, độc đáo đến mấy rồi cũng đến lúc trở thành cũ kĩ, sáo mòn, nhàm chán.  
– Ngôn từ nghệ thuật mang tính “lạ hóa” song không đồng nghĩa với sự xa lạ, cầu kì, tùy tiện. Bắt nguồn từ ngôn ngữ đời sống, đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của người đọc. Khi ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ đời sống bị “vặn vẹo, biến dạng”, nó không thể đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của người đọc, chỉ có thể nhận được sự chú ý mang tính nhất thời…  
– Ngôn ngữ tự nhiên, giản dị được sử dụng quen thuộc, phổ biến trong đời sống hàng ngày vẫn có khả năng “lạ hóa” bởi “nghệ thuật cao cường” của người nghệ sĩ:

+ Lựa chọn từ ngữ chính xác (đến mức không thể thay thế)

+ Sắp xếp từ ngữ theo một cấu trúc ngữ pháp đặc biệt

+ Tổ chức từ ngữ một cách khéo léo, tài hoa (phối thanh, hiệp vần, ngắt nhịp…)

+ …

=> chất liệu ngôn ngữ tự nhiên, giản dị trong đời sống vẫn để lại ấn tượng mạnh mẽ, tăng cường hiệu quả biểu đạt theo hướng hàm súc, tinh luyện; đa đạng, sâu sắc; mới mẻ, hấp dẫn hơn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

– Ngôn ngữ tự nhiên, giản dị mà vẫn có khả năng “lạ hóa” mang đến cho người đọc những bất ngờ, thú vị và sự thán phục, ngưỡng mộ dành cho tác giả.  
* Chứng minh: Thí sinh chọn và phân tích dẫn chứng đảm bảo những yêu cầu sau:

– Chọn được dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận

– Phân tích dẫn chứng theo hướng chỉ ra được sự “lạ hóa” của ngôn từ tự nhiên ở hai phương diện:“nghệ thuật cao cường” của nghệ sĩ, sự “giản dị mà phong phú” của ngôn ngữ tự nhiên…

 
2.3 Đánh giá, mở rộng 1.0
  – Quan niệm trên về “lạ hóa” trong sáng tác văn chương rất đúng đắn, sâu sắc, ý nghĩa (khích lệ người nghệ sĩ trong việc khai thác và phát huy sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc, tạo ra những cách biểu đạt độc đáo, mới mẻ, giàu tính thẩm mĩ; gợi ý đối với người đọc trong việc đánh giá tác giả, tác phẩm,…).

– Thủ pháp “lạ hóa” có những biểu hiện đa dạng gắn với khả năng sáng tạo vô hạn của người nghệ sĩ, trong đó có nhiều khám phá và thử nghiệm cần có sự thử thách, sàng lọc của thời gian…

 
    TỔNG ĐIỂM TOÀN BÀI 20.0

    Lưu ý: Xem xét cả hai yêu cầu về kĩ năng, hình thức và nội dung để cho điểm.

——HẾT——

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *