Đề đọc hiểu và Nghị luận truyện ngắn Hạt giống tâm hồn

ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ NGỮ VĂN 10

(Dùng chung cho cả 03 bộ sách)

TRUYỆN NGẮN

ĐỀ 1

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc truyện ngắn sau:

Một anh sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đang tìm việc làm đã tham dự một cuộc thi sáng tạo chuyên ngành do liên hiệp các trường đại học trong cả nước tổ chức. Sau nhiều vòng sơ khảo kéo dài cả tháng trời, anh được lọt vào nhóm những người xuất sắc nhất để dự thi vòng chung kết. Rồi anh cũng vất vả vượt qua các đối thủ trong cuộc đấu trí cuối cùng, kéo dài ba ngày liền căng thẳng và giành được giải nhất. Phần thưởng cho anh là một món tiền khá lớn mà cuộc đời sinh viên trước nay của anh chưng từng mơ ước tới. Sau khi rời khỏi hội trường và trốn nhanh khỏi ánh đèn camera của báo giới, anh vào bãi lấy xe ra về. Bất chợt một người phụ nữ tiến đến gần anh. Bà ta nghẹn ngào:

– Chú ơi! Chúc mừng chú, thật vinh dự cho chú khi đã đạt được giải nhất trong cuộc thi khó khăn này. Tôi có một chuyện muốn nói với chú nhưng không biết có tiện không. Nếu chí có con nhỏ chú mới hiểu được điều tôi sắp nói. Con của tôi đang bị ung thư nằm trong bệnh viện, nếu không có một khoản tiền để mổ, chắc em nó không qua khỏi được! Mà tôi thì…

– Thế bác cần bao nhiêu? – Anh sinh viên nhìn bà hỏi, lòng cảm thông thực sự.

Sau khi nghe người phụ nữ kể hết sự việc, anh liền rút phong bì đựng số tiền vừa được thưởng và trao hết cho bà.

– Cầu mong cho con bác qua được hiểm nguy. Bác về lo cho em ấy ngay đi – anh nói.

– Cảm ơn chú, không biết tôi phải lấy gì để đền ơn chú đây.

Nói rồi người phụ nữ với vẻ xúc động quày quả bước ra cổng.

Vài ngày sau anh có dịp quay lại trường. Một người trông thấy liền tới hỏi:

– Có người kể với tôi rằng tối hôm trước anh có gặp một người phụ nữ sau cuộc thi và anh đã cho bà ấy tiền để chữa bệnh cho đứa con sắp chết của bà ấy, phải không?

Người thanh niên gật đầu xác nhận.

– Vậy thì tôi phải báo với anh tin này để anh biết. Bà ta là một tay lừa đảo thật sự đấy. Bà ta chẳng có đứa con nào bị bệnh gần chết cả. Anh cả tin quá! Anh bị lừa rồi, anh bạn ạ!

Một thoáng im lặng, anh thanh niên hỏi lại:

– Có thật là không có đứa bé nào bị bệnh gần chết cả, đúng không?

– Đúng vậy. Tôi bảo đảm với anh như thế – người đàn ông quả quyết.

– Ồ, đó là tin tốt lành nhất trong ngày mà tôi được nghe đấy – người thanh niên nói.

Đoạn anh nói thêm:

– Chúng ta nên ăn mừng vì không có đứa trẻ nào phải chết cả.

(Trích từ “Hạt giống tâm hồn”, Tập 1, Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong truyện là: (0,5 điểm)

  1. Biểu cảm
  2. Thuyết minh
  3. Nghị luận
  4. Tự sự

Câu 2. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm)

  1. Ngôi thứ ba
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ nhất
  4. Ngôi thứ nhất và thứ ba

Câu 3. Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện? (0,5 điểm)

  1. Chỉ có lời nhân vật
  2. Chỉ có lời người kể chuyện
  3. Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật
  4. Bao gồm cả lời người kể chuyện, lời nhân vật và lời tác giả

Câu 4. Tình tiết nào sau đây giúp chuyển hướng câu chuyện? (0,5 điểm)

  1. Anh sinh viên nhận được giải thưởng
  2. Người phụ nữ xin anh sinh viên cứu đứa con mình
  3. Anh sinh viên cho người phụ nữ tiền
  4. Anh sinh viên được người khác cho biết anh đã bị lừa

Câu 5. Đáp án nào sau đây nói lên nội dung khái quát của truyện? (0,5 điểm)

  1. Kể về việc anh sinh viên bị lừa tiền và thái độ ứng xử của anh trước sự việc đó
  2. Kể về việc anh sinh viên được giải thưởng và bị người phụ nữ lừa hết tiền
  3. Kể về việc anh sinh viên giúp đỡ người phụ nữ và được một người khác cho biết rằng anh đã bị lừa
  4. Kể về việc anh sinh viên tham dự một cuộc thi sáng tạo và giành được giải thưởng

Câu 6. Chủ đề của truyện ngắn trên là: (0,5 điểm)

  1. Ca ngợi sự nỗ lực trong cuộc sống
  2. Ca ngợi lòng trắc ẩn trong cuộc sống
  3. Ca ngợi lòng cao thượng trong cuộc sống
  4. Cả B và C

Câu 7. Thông qua câu chuyện trên, người kể đã gián tiếp bộc lộ thái độ gì? (0,5 điểm)

  1. Thể hiện thái độ phê phán hành động lừa đảo của người phụ nữ
  2. Thể hiện sự khâm phục trước sự nỗ lực của anh sinh viên
  3. Thể hiện sự khâm phục trước tấm lòng của anh sinh viên
  4. Cả A và C

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Hãy thử đặt một nhan đề phù hợp cho truyện ngắn trên. (0,5 điểm)

Câu 9. Bạn có đồng tình với thái độ của anh sinh viên sau khi anh biết mình bị lừa không? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 10. Bạn có suy nghĩ gì sau khi đọc câu chuyện ở trên. (Viết khoảng 5 – 7 dòng) (1,0 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn đã cho ở phần Đọc hiểu.

ĐÁP ÁN ĐỀ 1

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 D 0.5
2 A 0.5
3 C 0.5
4 D 0.5
5 A 0.5
6 D 0.5
7 C 0.5
8 Học sinh được tự do đặt nhan đề cho câu chuyện, miễn là ngắn gọn và phù hợp với nội dung, chủ đề của câu chuyện. Tham khảo: Tấm lòng cao thượng; Được và mất; Cho đi là còn mãi; v.v… 0.5
9 Học sinh được tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lí giải thuyết phục. Tham khảo:

Phương án 1:

– Đồng tình

– Lí giải: Số tiền đó có thể quan trọng, nhất là đối với hoàn cảnh của anh sinh viên, nhưng số tiền đó đã bị mất đi, có tiếc nuối cũng chưa chắc gì đã lấy lại được, cho nên bình thản đón nhận, nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực cũng là một điều nên làm.

Phương án 2:

– Không đồng tình

– Lí giải: Nếu chúng ta cứ bình thản chấp nhận khi bị lừa tiền như vậy, thì chúng ta đang tiếp tay cho cái xấu, cái ác tồn tại và tiếp tục lộng hành.

1.0
10 Suy nghĩ sau khi đọc câu chuyện:

– Con người cần phải biết nỗ lực trong cuộc sống

– Con người sống cần có lòng yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó

– Con người cần luôn có cái nhìn tích cực, bình thản trước mọi vấn đề

– Trong cuộc sống, chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

1.0
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn đã cho ở phần Đọc hiểu.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu truyện kể: Trong cuộc sống, có rất nhiều câu chuyện để lại cho ta những bài học sâu sắc, một số những câu chuyện như thế đã được sưu tầm và làm thành một tuyển tập đắc sắc có tên là “Hạt giống tâm hồn”. Câu chuyện đã cho ở phần Đọc hiểu là một trong số những câu chuyện như thế.

– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của câu chuyện nói trên.

II. THÂN BÀI

1. Tóm tắt truyện: Một anh sinh viên vừa ra trường, tham gia một cuộc thi sáng tạo và giành được giải nhất cùng với một số tiền thưởng khá lớn. Khi ra về, một người phụ nữ tiến đến và trình bày với anh về việc đứa con của bà ta đang nằm viện và cần một số tiền lớn để phẫu thuật. Tin lời người phụ nữ, chàng sinh viên đã đưa cho bà ta tất cả số tiền. Hôm sau, anh sinh viên được một người bạn cho biết anh đã bị người phụ nữ nọ lừa. Sau một thoáng im lặng, anh sinh viên tỏ ra bình thản, vì theo anh, việc anh bị lừa sẽ không đáng gì nếu thực sự không có đứa trẻ nào bị bệnh gần chết cả.

2. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề:

a. Xác định chủ đề: Thông qua câu chuyện về việc anh sinh viên bị người phụ nữ lừa lấy tiền và thái độ của anh sinh viên sau khi biết mình bị lừa, câu chuyện hướng đến ca ngợi những tấm lòng bao dung, cao thượng trong cuộc sống. Truyện đồng thời cũng ca ngợi những con người có tinh thần lạc quạn, luôn nhìn mọi sự việc, vấn đề theo hướng tích cực.

b. Phân tích, đánh giá chủ đề:

– Câu chuyện trên đem đến những bài học quý giá cho tất cả mọi người. Đó là bài học về sự nỗ lực trong cuộc sống, bài học về lòng trắc ẩn, về lòng cao thượng, về tinh thần lạc quan. Thái độ và câu nói của anh sinh viên sau khi biết mình bị lừa thực sự là điểm nhấn của câu chuyện, gợi lên trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ.

– Câu chuyện như một lời “vẫy gọi nhau làm người”, để giúp cho mọi người suy ngẫm về mình, về đời, để từ đó có một thái độ sống, cách thế sống tốt hơn.

3. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật:

a. Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật chính của truyên là anh sinh viên, được xây dựng với nhiều phẩm chất tốt đẹp.

– Anh là một người có ý chí, biết không ngừng nỗ lực trong cuộc sống. Khi tham gia vào cuộc thi sáng tạo, anh đã để hết tâm sức của mình vào việc làm sản phẩm để tham dự, và cuối cùng, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của mình, anh đã giành được giải nhất trong cuộc thi.

– Anh là một người có tấm lòng trắc ẩn. Vừa mới ra trường, chưa có công ăn việc làm, tiền đối với anh lúc đó là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi nghe người phụ nữ kể về hoàn cảnh của mình, kể về đứa con bị ung thư đang cần tiền phẫu thuật để thoát chết, anh liền rút chiếc phong bì đựng tiền thưởng và đưa hết cho bà ta.

– Anh cũng là một con người có tấm lòng cao thượng, có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Khi biết mình bị lừa, anh không hề nổi giận, bực tức, không hề nguyền rủa chửi mắng người phụ nữ đã lừa mình. Trái lại, anh rất bình thản, vì theo anh, dù bị lừa tiền, thì vẫn có một cái được rất lớn trong câu chuyện này: người phụ nữ đó đã nói dối anh về đứa con bị ung thư sắp chết, và lời nói dối đó đồng nghĩa với việc: không có đứa trẻ nào ung thư sắp chết cả. Anh coi đó là một tin tốt lành, và lấy điều tốt đẹp đó làm điểm tựa để quên đi hành động xấu xa của người phụ nữ và sự xui xẻo của bản thân.

b. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện:

– Cốt truyện được xây dựng dựa trên ba sự kiện chính: sự kiện chàng sinh viên đạt giải nhất trong cuộc thi sáng tạo; sự kiện người phụ nữ lừa chàng sinh viên để lấy tiền; và sự kiện cuối cùng là thái độ và cách hành xử của chàng sinh viên sau khi biết mình bị lừa.

– Một trong những nét đặc sắc về cốt truyện của truyện ngắn này chính là nghệ thuật xây dựng tình huống độc đáo. Các tình huống giàu kịch tính được tạo dựng nối tiếp nhau và đều có độ bất ngờ rất cao. Tình huống thứ nhất là việc anh thanh niên sẵn sàng đưa hết số tiền mà anh phải tốn bao nhiêu thời gian và công sức mới có được, nó khiến cho người đọc cảm phục về tấm lòng trắc ẩn, giàu tình yêu thương con người của anh thanh niên. Ngay sau đó, tình huống anh thanh niên bị lừa lại gây cho người đọc cảm giác căm phẫn đối với người phụ nữ, và người đọc hẳn ai cũng dự đoán rằng: anh thanh niên sẽ rất tức giận, và rất thất vọng, buồn bã khi biết mình bị lừa. Nhưng tình huống sau đó lại trái ngược hoàn toàn: anh thanh niên không những không tức giận, buồn bã, mà trái lại, rất bình thản, và câu nói: Chúng ta nên ăn mừng vì không có đứa trẻ nào phải chết cả thực sự khiến cho người đọc sững sờ, để rồi sau giây phút sững sờ ấy, chúng ta thêm cảm phục về sự độ lượng, tình yêu thương con người sâu sắc và cái nhìn đời tích cực của chàng thanh niên. Hẳn ai sau khi đọc xong câu chuyện cũng sẽ gật gù tán thưởng, để rồi vỡ lẽ ra rất nhiều bài học quý giá.

c. Nghệ thuật trần thuật: có sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật, sự kết hợp giữa các phương thức tự sự, biểu cảm và nghị luận, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn, giúp khắc họa rõ nét tính cách nhân vật.

III. KẾT BÀI

– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của truyện: Câu chuyện đã cho ở phần Đọc hiểu là câu chuyện không chỉ đặc sắc về mặt nghệ thuật mà còn sâu sắc về mặt chủ đề, chứa đựng nhiều bài học cuộc sống vô cùng giá trị.

– Nêu ý nghĩa của truyện kể đối với bản thân và người đọc: Câu chuyện đã giúp ta hiểu được rằng: trong cuộc sống, cần phải có lòng trắc ẩn, tình yêu thương; và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy luôn nhìn theo hướng tích cực, tìm ra những điều tốt đẹp, để từ đó có tâm thế bình thản mà đón nhận, có động lực để vui sống mỗi ngày.

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *