Đề kiểm tra sử thi lớp 10 : Đẻ đất đẻ nước

ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ NGỮ VĂN 10

(Dùng chung cho cả 03 bộ sách)

 ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Rạng sáng

Người kêu nhau ầm ầm

Đi đến nhà Lang Cun Cần

Lang Cun Cần

Gọi lính vác chiếu trải ra

Lấy trầu lấy cau ra mời

Lang Cun Cần thay quần bảy gang

Mang áo chín sải

Dắt múi khăn như đầu rái

Thắt dây lưng tám sải màu đen

Đứng dậy rõ tướng con thú dữ

Nói oang như sấm

Nhưng nhắm mắt lại

Lang Cun Cần hiền hiền

Mở mắt ra

Lang Cun Cần cũng lành lành

Lang Cun Cần hỏi:

– “Mường ơi, mường à!

Hôm nay ngày tốt gió

Nước trong, nước đỏ, rừng yên

Mường nước gọi tôi đi săn

Hay đi quăng chài thả lưới”

Mường nước nói:

– “Không, không, Lang Cun Cần à!

Dạ, dạ Lang Cun Cần ơi!

Dân mường không gọi ông đi săn

Không gọi ông đi quăng chài thả lưới

Chúng tôi thấy,

Từ năm có trời

Dưới đất có người tìm ăn tìm ở

Đã cử Dịt Dàng, Lang Tà Cái

Cầm binh cho sang

Cầm mường cho yên cho ấm

Nhưng hai ông ra đến đầu mường

Bị ma ếm

Đành quay về nhà

Bây giờ Lang Cun Cần đừng chê rằng khó

Mường nước muốn rước Lang ra cầm mường”

Lang Cun Cần rằng:

– “Nghe chu chương nói

Tôi rối trong thân

Lo xa lo gần trong dạ

Sức bằng quả sung quả vả

Tài lại nhỏ như hột muồng muồng

Vâng, tôi sẽ đi ra cầm binh giữ mường

Nhưng còn sợ ma ếm

Chu chương phải đốt mười núi lớn

Để đuổi ma ra khỏi mường khỏi ngõ”

Trời nắng

Chu chương dọn cây

Để Lang Cun Cần có lối

Trời tối

Mường nước dọn cối dọn cành

Cho Lang Cun Cần ra đường

Kẻ đón trước, người rước sau

Ma chạy từng bầy trốn vào trong núi

Ma rồng sợ Lang Cun Cần trói

Thuồng luồng sợ Lang Cun Cần đánh…

(Trích sử thi Đẻ đất đẻ nước, in trong Tổng tập văn học Việt  Nam, tập 41, NXB Khoa học xã hội)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là: (0,5 điểm)

  1. Biểu cảm
  2. Tự sự
  3. Nghị luận
  4. Thuyết minh

Câu 2. Đoạn trích sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm)

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ ba
  3. Ngôi thứ hai
  4. Cả A và B

Câu 3. Phát biểu nào sau đây nói về đặc điểm của lời kể chuyện trong đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Chỉ có lời của người kể chuyện
  2. Bao gồm lời thoại của dân làng và Lang Cun Cần
  3. Bao gồm lời người kể chuyện và lời thoại của Lang Cun Cần
  4. Bao gồm lời người kể chuyện và lời nhân vật

Câu 4. Phát biểu nào sau đây nói về đặc điểm ngôn ngữ của sử thi được thể hiện trong đoạn trích: (0,5 điểm)

  1. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị
  2. Sử dụng các yếu tố chỉ dẫn bằng ngôn ngữ
  3. Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm
  4. Ngôn ngữ có vần, có nhịp

Câu 5. Phát biểu nào sau đây nêu đúng trình tự diễn biến của các sự kiện trong đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Lang Cun Cần đồng ý ra cầm mường – Dân làng kéo đến nhà Lang Cun Cần – Dân làng dọn đường cho Lang Cun Cần ra cầm mường – Lang Cun Cần tiếp đãi bà con dân làng
  2. Dân làng dọn đường cho Lang Cun Cần ra cầm mường – Lang Cun Cần tiếp đãi bà con dân làng – Lang Cun Cần đồng ý ra cầm mường – Dân làng kéo đến nhà Lang Cun Cần
  3. Dân làng kéo đến nhà Lang Cun Cần – Lang Cun Cần tiếp đãi bà con dân làng – Dân làng dọn đường cho Lang Cun Cần ra cầm mường – Lang Cun Cần đồng ý ra cầm mường
  4. Dân làng kéo đến nhà Lang Cun Cần – Lang Cun Cần tiếp đãi bà con dân làng – Lang Cun Cần đồng ý ra cầm mường – Dân làng dọn đường cho Lang Cun Cần ra cầm mường

Câu 6. Căn cứ vào nội dung đoạn trích, hãy cho biết Lang Cun Cần là người như thế nào? (0,5 điểm)

  1. Diện mạo, thần thái oai phong nhưng cũng rất hiền lành, khiêm tốn
  2. Diện mạo, thần thái oai phong nhưng có lúc lại nhút nhát, sợ sệt
  3. Diện mạo, thần thái oai phong nhưng không dám ra lãnh đạo mường
  4. Diện mạo, thần thoái oai phong nhưng không có tài lãnh đạo

Câu 7. Dân làng có thái độ như thế nào đối với Lang Cun Cần? (0,5 điểm)

  1. Tôn kính, ngưỡng vọng
  2. Tôn kính, yêu mến
  3. Tôn kính, sợ hãi
  4. Không bộc lộ thái độ

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Chi tiết: “Ma chạy từng bầy trốn vào trong núi/ Ma rồng sợ Lang Cun Cần trói/ Thuồng luồng sợ Lang Cun Cần đánh” cho thấy Lang Cun Cần là người như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 9. Bạn hiểu như thế nào về lời nói của Lang Cun Cần: “Sức bằng quả sung quả vả/ Tài lại nhỏ như hột muồng muồng”? Từ cách hiểu đó, bạn rút ra được thông điệp gì cho bản thân? (1,0 điểm)

Câu 10. Đoạn trích trên giúp bạn có hiểu biết gì về tính cách của con người Ê Đê? (Viết khoảng 5 – 7 dòng) (1,0 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

ĐÁP ÁN 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 B 0.5
2 B 0.5
3 D 0.5
4 D 0.5
5 D 0.5
6 A 0.5
7 B 0.5
8 Chi tiết: “Ma chạy từng bầy trốn vào trong núi/ Ma rồng sợ Lang Cun Cần trói/ Thuồng luồng sợ Lang Cun Cần đánh” cho thấy Lang Cun Cần là người có tài năng, có uy lực, khiến cho ma quỷ phải sợ hãi. 0.5
9 – Lời nói của Lang Cun Cần: “Sức bằng quả sung quả vả/ Tài lại nhỏ như hột muồng muồng” có thể hiểu là: Lang Cun Cần muốn nói sức mình yếu ớt, tài năng kém cỏi. Đây thực ra là cách nói khiêm tốn của Lang Cun Cần.

– Rút ra được thông điệp cho bản thân: Cần phải có thái độ sống khiêm tốn.

1.0
10 Đoạn trích cho ta thấy, người Ê Đê là những người coi trọng người tài; sống đoàn kết gắn bó với nhau; họ cũng là những con người có trách nhiệm, lo cho sự an nguy chung của cả cộng đồng; họ cũng đồng thời là những con người khiêm tốn, đúng mực. 1.0
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu truyện kể: “Đẻ đất đẻ nước” là một thiên sử thi vô cùng đặc sắc của người Mường. Đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu được trích ra từ bộ sử thi này.

– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích trên.

II. THÂN BÀI

1. Tóm tắt đoạn trích: Đoạn trích ở phần Đọc hiểu kể về việc người Mường kéo đến nhà Lang Cun Cần để đề nghị ông ra giúp dân làng lãnh đạo Mường. Lang Cun Cần khiêm tốn cho rằng tài sức của mình không đủ để gánh vác trọng trách, nhưng ông vẫn đồng ý nhận lãnh nhiệm vụ, với điều kiện dân làng phải đốt mười ngọn núi để đuổi con ma ra. Mọi người đã làm theo yêu cầu của Lang Cun Cần. Bằng uy danh của mình, sau khi ra cầm Mường, Lang Cun Cần đã khiến những con ma ếm sợ hãi mà bỏ chạy.

2. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề:

a. Xác định chủ đề: Đoạn trích nói trên thể hiện khát vọng của người Mường trong việc tìm người có đủ tài đức để lãnh đạo Mường; qua đó cũng ca ngợi tài năng và phẩm hành của người lãnh đạo Lang Cun Cần.

b. Phân tích, đánh giá chủ đề:

– Chủ đề của đoạn trích cho ta thấy được vẻ đẹp trong đời sống và tâm hồn của người Mường: Họ đoàn kết với nhau trong việc tìm một người lãnh đạo tài ba; họ cũng là những người tôn trọng và yêu mến người tài; sẵn sàng đồng sức đồng lòng vì sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.

– Hình ảnh Lang Cun Cần cũng cho ta thấy được người Mường đối đãi với nhau vô cùng thân tình, trọng thị. Ở họ cũng toát lên vẻ đẹp của lòng khiêm tốn.

3. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật:

a. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện:

– Cốt truyện của đoạn trích xoay quanh sự kiện dân làng đến nhà Lang Cun Cần, đề nghị ông ra cầm Mường và sau đó Lang Cun Cần đã đồng ý.

– Đây là một sự kiện có tính chất trọng đại, quyết định đến sự tồn tại, sự sống còn và sự lớn mạnh của Mường.

– Cốt truyện lôi cuốn hấp dẫn người đọc bởi thái độ khẩn thiết, chân thành trong lời thoại của dân làng, bởi sự khiêm tốn nhã nhặn nhưng cũng đầy tinh thần trách nhiệm của Lang Cun Cần. Chuyện cũng chứa đựng những yếu tố kì ảo, hoang đường (hồn ma ếm), lối nói phóng đại (đốt mười ngọn núi) để giúp tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

b. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

– Nhân vật chính được miêu tả trong đoạn trích chính là Lang Cun Cần. Đây là một nhân vật được dân làng ngưỡng mộ, trọng thị nên đã được dân làng mời ra giúp làng lãnh đạo Mường. Qua thái độ và lời nói của dân làng, ta có thể thấy Lang Cun Cần là một con người tài năng (có tài năng nên mới được dân làng mời ra cầm Mường); dũng cảm (vì theo dân làng, Lang Cun Cần sẽ không sợ hãi như những người đã được mời trước đây, sẽ khiến ma quỷ phải sợ); khiêm tốn (tự nhận sức mình nhỏ như quả sung quả vả, tài bé như hột muồng muồng); là người có tinh thần trách nhiệm (nhận lời ra lãnh đạo Mường); là người có uy danh (khiến ma quỷ bỏ chạy).

– Nhân vật quần chúng, tức dân làng (mường nước) xuất hiện ở trong đoạn trích vừa cho ta thấy được lối sống, lối suy nghĩ, tâm hồn của người Mường xưa; vừa giúp tô đậm vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Lang Cun Cần.

c. Nghệ thuật trần thuật:

– Nghệ thuật trần thuật có sự kết hợp giữa lời người kể và lời nhân vật (dân làng và Lang Cun Cần) làm cho mạch truyện diễn biến một cách sinh động, tự nhiên.

– Nghệ thuật trần thuật cũng mang đặc trưng của sử thi: giàu vần điệu, giàu hình ảnh, thấm đẫm chất thơ; sử dụng nhiều lối nói ví von, so sánh; sử dụng các yếu tố thậm xưng… Tất cả giúp làm tăng sức hấp dẫn cho truyện kể.

III. KẾT BÀI

– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của truyện: Đoạn trích nói trên là một đoạn trích sâu sắc về mặt chủ đề, đặc sắc về mặt nghệ thuật.

– Nêu ý nghĩa của truyện kể đối với bản thân và người đọc: Đoạn trích giúp chúng ta hiểu hơn về những nét đẹp của con người và văn hóa Mường; giúp ta thêm trân trọng những giá trị quý báu của kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *