Đề thi về vở chèo Tôn Mạnh, Tôn Trọng chương trình SGK mới

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Tóm tắt vở kịch: Xưa có Tôn Dân ở huyện Vĩnh Gia (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) góa vợ từ khi còn rất trẻ. Tôn Dân đi bước nữa với người đàn bà tên gọi nàng Trinh Nguyên. Vài năm sau chồng mất, nàng Trinh Nguyên ở vậy một mình nuôi dạy con chồng là Tôn Mạnh và con đẻ là Tôn Trọng khôn lớn. Khi hai con đi học trở về nhà, vô tình gặp xác người bị giết liền chôn giúp nên bị mắc oan vào tội giết người. Vua xét xử giết một và tha cho một. Nàng Trinh Nguyên xin chết thay cho các con không được chấp thuận nên đã xin giết con đẻ của mình để con riêng của chồng được sống vì lý do nó đã thiệt thòi hơn. Trước hành động cao cả của Trinh Nguyên, cùng sự điều tra kỹ càng vụ án, nhà vua đã giải oan cho hai con, để cho mẹ con Trinh Nguyên được đoàn tụ vẹn toàn.

TÔN MẠNH: Con xin nói để dì hay

(nói sử) Trình lạy dì,

Anh em con học ở nhà thầy

Tiền gạo hết, nhớ nhà, nhớ mẹ

Con về tới quãng đồng vắng vẻ

Nhác trông ra thấy xác tử thi

Hai con nặng lòng thương nên vùi lấp nó đi

Gặp tuần lệnh buộc là hiếp sát

Dì ơi,

Con cũng toan liều mình một thác

Còn e rằng: phụ mẫu quên công

Dì nuôi anh em con chưa được cậy trông

Hiềm một nỗi từ thân còn chưa báo.

TRINH NGUYÊN (sử rầu)

Nghe con nói, mẹ trách lòng người điên đảo

Than thở cùng đất rộng trời cao

Thay con được dì nào có quản

(hát vãn) Hai con không khỏi nạn này

Thời mẹ cũng thác theo rày hai con.

VUA: Trinh Nguyên! Hai con mụ đứa nào không hiền, khá tâu lên cho trẫm biết.

TRINH NGUYÊN: Thưa thánh đế,

Hai con tôi hiền thảo cả hai

Tâu thánh đế lượng tình soi xét.

VUA: Mụ Trinh Nguyên,

Việc giết người không phải chuyện chơi

Truyền giết một ta tha cho một.

TÔN MẠNH: Em ơi, ngài dạy rằng giết một đứa đây

Anh em ta chẳng khỏi nạn này

Anh chịu chết để cho em về thờ phượng.

TÔN TRỌNG: Anh ơi,

Mạnh thời là trưởng

Trọng thời là em

Nhà ta nay thiếu Trọng cũng nên

Nếu thiếu Mạnh cậy ai thờ phượng.

TRINH NGUYÊN: Tâu vua muôn tuổi,

Tôi xin ngài giết thằng bé con này

Còn thằng lớn, ngài tha cho nó.

VUA: Mụ Trinh Nguyên, thế gian này ai chẳng yêu vì con nhỏ, cớ làm sao lại xin giết đứa bé, xin tha đứa lớn, khá tâu lên cho trẫm biết.

TRINH NGUYÊN: Tâu vua muôn tuổi,

Thằng bé con này là con tôi đẻ

Thằng lớn đây mẹ nó không còn

Xin ngài đừng giết nó làm chi

Trước là tôi thẹn với thiên tri

Sau lỗi đạo thờ chồng thất tiết.

VUA: Người sao hiền thảo

So trong đời chẳng kém mấy phân

Mẹ có đức, con lại có nhân

Truyền giải tỏa cho sang bên nọ

Nhân mạng này trẫm nghe đã tỏ

Đừng khảo tra nát kẻ dân lành

Tiền trong kho lấy đủ một trăm

Cho sở tại đem về tống táng

Mụ Trinh Nguyên trẫm thời trọng thưởng

Vàng một cân cho nức tiếng đồn

Lại phong cho liệt nữ trinh môn

Bảng vàng đó treo nhà mụ ở

TRINH NGUYÊN: Công ơn Thánh đức

Xét tỏ tình oan

Đầu bái tạ thiên nhan

Xin phản hồi gia nội.

(cùng hạ)

(Trích vở chèo Tôn Mạnh, Tôn Trọng, Hà Văn Cầu sưu tầm và chú thích, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1976, Tr. 250)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phương thức biểu đạt nào sau đây được sử dụng trong đoạn trích? (0,5 điểm)

Thuyết minh

Nghị luận

Tự sự

Hành chính công vụ

Câu 2. Phát biểu nào sau đây nói về đặc điểm của lời thoại trong đoạn trích? (0,5 điểm)

Lời thoại có vần như thơ

Lời thoại kết hợp cả hát và nói

Lời thoại bao gồm độc thoại và đối thoại

Cả A và B

Câu 3. Đâu là các nhân vật chính của đoạn trích trên? (0,5 điểm)

Tôn Trọng, Trinh Nguyên

Tôn Mạnh, Tôn Trọng

Trinh Nguyên, Tôn Mạnh

Tôn Mạnh, Tôn Trọng, Trinh Nguyên

Câu 4. Phát biểu nào sau đây nói về đề tài của đoạn trích? (0,5 điểm)

Đề tài đạo đức

Đề tài cuộc sống đời thường

Đề tài Phật giáo

Đề tài thần linh

Câu 5. Đâu là sự kiện chính của đoạn trích ? (0,5 điểm)

Tôn Mạnh, Tôn Trọng bị bắt

Tôn Mạnh, Tôn Trọng chôn xác chết vô danh ở bên đường và bị nghi oan

Trinh Nguyên xin vua giết Tôn Trọng để Tôn Mạnh được sống

Tôn Mạnh, Tôn Trọng được vua tha tội

Câu 6. Đoạn trích trên thể hiện đạo lí gì của dân gian? (0,5 điểm)

Ở ác gặp ác

Ở hiền gặp lành

Gieo nhân nào gặt quả ấy

Gieo gió gặt bão

Câu 7. Phát biểu nào sau đây nói về chủ đề của đoạn trích? (0,5 điểm)

Ca ngợi tấm lòng nhân hậu, giàu yêu thương của hai anh em Tôn Mạnh, Tôn Trọng

Ca ngợi tấm lòng trinh liệt của người mẹ Trinh Nguyên

Thể hiện ước mơ về một vị vua nhân từ, sáng suốt

Cả ba đáp án trên

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Thông điệp nào từ đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với bạn? (0,5 điểm)

Câu 9. Từ hành động tranh nhau nhận tội của hai anh em Tôn Mạnh và Tôn Trọng, bạn rút ra được bài học gì cho bản thân? (1,0 điểm)

Câu 10. Chọn đánh giá về một nhân vật trong đoạn trích đã để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc nhất. (Viết khoảng 5 – 7 dòng) (1,0 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 C 0.5
2 D 0.5
3 D 0.5
4 A 0.5
5 B 0.5
6 B 0.5
7 D 0.5
8 Học sinh được tự do rút ra thông điệp, miễn là có ý nghĩa và liên quan đến nội dung đoạn trích. Tham khảo:

– Trong cuộc sống, phải đặt tình nghĩa lên trên hết

– Trong cuộc sống, phải biết trung thực, ngay thẳng, ở hiền sẽ gặp lành.

0.5
9 Từ hành động tranh nhau nhận tội của hai anh em Tôn Mạnh và Tôn Trọng, bản thân rút ra bài học: Anh em trong gia đình cần phải biết yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, nhất là trong hoạn nạn. 1.0
10 Học sinh được tự do lựa chọn nhân vật mà bản thân có ấn tượng nhất, miễn là có những phân tích thấu đáo. Tham khảo:

– Nhân vật Trinh Nguyên

– Phân tích: Trinh Nguyên là một người mẹ từ tâm, yêu thương con hết mực. Bà còn là một người vợ giữ tròn đạo hiếu với chồng, với những người quá cố, bằng chứng là khi nhà vua xử giết một tha một, bà đã xin được tha cho đứa con riêng của chồng. Đó là một quyết định dũng cảm, đau đớn, nhưng nó cho thấy một đức hạnh vô cùng cao cả của Trinh Nguyên.

1.0
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu đoạn trích: Đoạn trích ở phần Đọc hiểu được trích ra từ vở chèo cổ đặc sắc “Tôn Mạnh Tôn Trọng” (hay còn có tên khác là “Trinh Nguyên”), một vở chèo thấm đẫm tinh thần nhân văn, chứa đựng nhiều bài học cao đẹp về lẽ sống.

– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích nói trên.

II. THÂN BÀI

1. Tóm tắt đoạn trích: Tôn Mạnh, Tôn Trọng trên đường về thăm mẹ đã bắt gặp một cái xác người vô danh ở bên đường. Động lòng thương, hai anh em đã an táng cho người đó, nhưng lại bị lính tuần vu cho tội hiếp sát và bắt giải về kinh. Nhà vua tiến hành xét xử và ra quyết định một trong hai phải chết. Mẹ của Tôn Mạnh và Tôn Trọng là Trinh Nguyên xin vua giết Tôn Trọng, tha cho Tôn Mạnh, vì Tôn Mạnh là con riêng của chồng với người vợ trước. Cảm động trước tấm lòng của Trinh Nguyên, nhà vua đã tha bổng cho hai anh em, còn sai ban thưởng cho ba mẹ con rất trọng hậu.

2. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề:

a. Xác định chủ đề: Thông qua cảnh xét xử vụ án, đoạn trích ca ngợi tấm lòng nghĩa hiệp, tình yêu thương nhau cũng như sự hiếu thảo của hai anh em Tôn Mạnh Tôn Trọng; đoạn trích cũng ca ngợi tấm lòng trinh liệt, cao cả của người mẹ Trinh Nguyên. Đồng thời, đoạn trích cũng thể hiện ước mơ về một xã hội mà ở đó có những vị vua, vị quan nhân từ, sáng suốt, công bằng.

b. Phân tích, đánh giá chủ đề: Chủ đề của đoạn trích mang tính nhân văn sâu sắc:

– Thứ nhất, đoạn trích là bài ca ca ngợi thái độ nghĩa hiệp, giàu lòng trắc ẩn của hai anh em Tôn Mạnh và Tôn Trọng: Khi nhìn thấy cái xác bên đường, hai anh em đã không làm ngơ, mà trái lại, đã tiến hành chôn cất tử tế.

– Đoạn trích cũng ca ngợi tình nghĩa anh em sâu nặng giữa hai anh em Tôn Mạnh và Tôn Trọng: Trong tình cảnh nguy nan, phải đối mắt với cái chết, họ vẫn giành lấy phần nguy hiểm về mình, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì người còn lại. Cuộc đối thoại giữa hai anh em cũng cho thấy họ là những người con hiếu thuận, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, họ vẫn lo nghĩ đến bổn phận của một người con đối với mẹ của mình.

– Đoạn trích còn là bài ca về tấm lòng trinh liệt, cao thượng của người mẹ Trinh Nguyên. Bà chấp nhận đau lòng hy sinh đứa con đẻ để giữ lại đứa con riêng, nhằm làm tròn đạo hiếu với những người đã khuất.

– Đoạn trích cũng ngầm thể hiện ước mơ, khát vọng của người xưa về một xã hội công bằng, ở đó có những vị vua, vị quan nhân từ, anh minh sáng suốt.

3. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật:

– Nghệ thuật xây dựng tình huống: Đoạn trích tạo dựng một tình huống khá gây cấn và oái oăn, ở đó con người bị đẩy vào bước đường phải đưa ra những quyết định chọn lựa vô cùng khắc nghiệt giữa sự sống và cái chết. Nhưng chính tình huống này đã giúp thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của các nhân vật; đồng thời cũng góp phần thể hiện thông điệp đầy tính nhân văn của tác phẩm, cũng như thể hiện khát vọng của tác giả dân gian đã gửi gắm.

– Xây dựng nhân vật: Toàn bộ các nhân vật trong đoạn trích đều là nhân vật chính diện, được khắc họa với những phẩm chất tốt đẹp:

+ Tôn Manh, Tôn Trọng là những chàng trai nghĩa hiệp, tốt bụng, cũng là những con người giàu tình nghĩa với anh em, hiếu thuận với mẹ cha.

+ Trinh Nguyên là bà mẹ hết mực yêu thương con, có tấm lòng trinh liệt, cao cả.

+ Nhà vua là người trị vì có tấm lòng nhân hậu, trí tuệ sáng suốt, xét xử phân minh.

– Lời thoại: mang đặc trưng của lời thoại chèo, có sự kết hợp giữa nói và hát, mang tính vần điệu. Lời thoại đã góp phần thể hiện nội tâm và khắc họa tính cách nhân vật.

III. KẾT BÀI

– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của đoạn trích: Đoạn trích trên là một đoạn trích có nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, được thể hiện qua những yếu tố nghệ thuật độc đáo.

– Nêu ý nghĩa của đoạn trích đối với bản thân và người đọc: Đoạn trích là một bài học ý nghĩa về tình thương yêu, lòng hiếu thảo, đức hy sinh vì người khác. Nó là lời nhắc nhở chúng ta, để chúng ta trở thành con người tốt hơn trong cuộc đời này.

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *