VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
AI QUA BAO CHỐN XA
“Có một hôm, tình cờ lạc vào forum trường cũ, tôi đọc được câu này của một người bạn thân thiết thuở ấu thơ. “Bình yên – là khi được ra khỏi nhà”.
Tôi hiểu vì sao bạn viết vậy, và tôi đọc được phía sau dòng chữ ấy là một nỗi buồn vô hạn.
“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nhưng hàm nghĩa của nó thì có thể rất mênh mông.
“Nhà” trong nỗi buồn của bạn là căn biệt thự vắng người, và mỗi khi có người thì đầy tiếng cãi vã.
“Nhà” trong ký ức của tôi là nơi tôi chạy quanh chân ba trong cái sân nhỏ có trồng những cây cà chua khi tôi chưa đầy ba tuổi.
“Nhà” trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới kín cổng cao tường, chính là cái xóm nhỏ ồn ào mà thân mật, những ngôi nhà cũ có hàng rào thấp và thưa, nơi người này có thể đứng ngoài đường mà lơ đãng ngó vô phòng khách nhà người khác.
“Nhà” đối với những người xa quê hương chính là cái dải đất hình chữ S nhỏ nhắn bên bờ biển Đông, và đối với những phi hành gia làm việc trên trạm không gian, nhà có thể chính là viên ngọc xanh tuyệt đẹp ngoài vũ trụ kia đang quay rất chậm.
“Nhà” cũng có thể là tình yêu của một ai đó dành cho ta, là trái tim ấm áp của một ai đó, nơi mà ta luôn ao ước được chạy đến náu mình. Để tìm lại sự bình yên.
“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.
Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm.
Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thẻ bằng một giọt nước mát. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.
Bạn của tôi ơi, tôi còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, cùng ngồi chung một chiếc ghế mây dưới tán mận trong vườn nhà, mẹ của bạn đã hát cho chúng ta nghe câu hát này:
“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà…”
Tôi vẫn nhớ, cho đến bây giờ, vẫn nhớ bài hát ấy. Và tôi vẫn nghĩ rằng, nếu không nơi đâu bằng được mái nhà mình, thì điều tối thiểu ta có thể làm cho ký ức của mình, là đừng để nó trái nghĩa với sự bình yên. Và rằng đừng đợi đến khi ta “qua bao chốn xa” rồi mới thấy yêu thương nó, vì biết đâu, đến khi ấy thì ta đã không thể nào về lại được”.
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2015, trang 5-6).
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1: Xác định nội dung chính của văn bản.
Câu 2: Tác giả triển khai văn bản bằng những luận điểm nào?
Câu 3: Xác định một yếu tố bổ trợ được sử dụng trong đoạn mở đầu.
Câu 4: Mục đích, đối tượng, mục đích hướng đến của văn bản là gì?
Câu 5: Anh chị hiểu như thê snò câu văn sau: Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm.
Câu 6: Nhận xét nghệ thuật lập luận tác giả thể hiện trong văn bản.
Câu 7: Chỉ ra tác dụng của việc sử dụng các đại từ nhân xưng “tôi”, “bạn của tôi”,“ ta”, “bạn thân thiết tuổi ấu thơ” trong văn bản.
Câu 8: Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra được sau khi đọc văn bản.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận về vấn đề: Nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Nội dung chính của đoạn trích: Sự bình yên trong nhà.
Câu 2. Tác giả triển khai nội dung đó bằng những luận điểm:
– Luận điểm 1: Nhà là gì.
– Luận điểm 2: Nhà không đồng nghĩa với bình yên, hạnh phúc.
– Luận điểm 3: Cách thiết lập và tái thiết lập sự bình yên của nhà.
Câu 3. Yếu tố bổ trợ được sử dụng trong đoạn 1: Tự sự: Có một hôm, tình cờ lạc vào forum trường cũ, tôi đọc được câu này của một người bạn thân thiết thuở ấu thơ. “Bình yên – là khi được ra khỏi nhà”.
Câu 4. Mục đích, đối tượng, mục đích hướng đến của văn bản :
– Đối tượng: Người bạn của mình, các bạn trẻ, tất cả mọi người
– Mục đích: thuyết phục cho moọi người nhận ra giá trị của nhà và vai trò trách nhiệm của moõi thành viên xây dựn ngôi nhà trở thành tổ ấm bình yên, hạnh phúc.
Câu 5. Câu văn sau: Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm.được hiểu là:
– Nhà, gia đình bao gồm mái nhà che nắng che mưa, và những người trong ngôi nhà ấy là sẵn có, không thể thay đoỏi. Sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui, thấu hiểu trong gia đình là không có sẵn nhưng có thể thiết lập hoặc tái tạo được.
– Cho nên, tạo nên sự bình yên hạnh phúc trong gia đình là cần thiết và có thể, vì vậy, mỗi người cần ý thức vai trò trách nhiệm của mình trong việc cùng chia sẽ thấu hiểu cùng xây dắp nên gia đình yênn vui hạnh phúc.
Câu 6. Nghệ thuật lập luận tác giả thể hiện trong văn bản:
– Lập luận chặt chẽ, mạch lạc, logic, liên kết.
– Lí lẽ sắc sảo, dẫn dắt vấn đề tự nhiên, dễ hiểu
– Dẫn chứng cụ thể, thực tế, gần gũi.
– Sử dung các yếu tố bổ trợ hiệu quả: Tự sự, miêu tả, biểu cảm…
– Sử dụng các biện pháp nghệ thuật: liệt kê, điệp từ…
Câu 7. Tác dụng của việc sử dụng các đại từ nhân xưng “tôi”, “bạn của tôi”,“ ta”, “bạn thân thiết tuổi ấu thơ” trong văn bản :
– Xác lập vị thế người trong cuộc, người thân thiết, chứng kiến, trải nghiệm,
– Tạo giọng điệu đồng cảm, chia sẻ,
– Tăng tính thuyết phục cho vấn đề
Câu 8. Thông điệp sâu sắc nhất rút ra được sau khi đọc văn bản:
Có thể lựa chọn một trong các phương án sau và lí giải hợp lí:
– Nhà là bến đỗ bình yên nếu chúng ta cùng xây đắp tạo nên sự bình yên đó.
– Mỗi người đều có vai trò trách nhiệm như nhau trong việc xây dựng nên một mái ấm hạnh phúc, vui vẻ.
– Hãy xây dựng bằng những hành động cụ thể và bằng trái tim tha thiết, đừng buông xuôi.
LÀM VĂN
DÀN Ý:
1.Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận: nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống.
2.Thân bài
*Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
Nơi dựa là nơi để mỗi người nương tựa, là nơi tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, động lực sống, nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên….
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
– Bàn về nơi dựa của con người của con người trong cuộc sống qua những bằng chứng thực tế
+ Nơi dựa có thể là sự tự tin, nơi mang đến sự bảo vệ, và cảm giác an lành trong tâm hồn để đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống. Dù ta có mạnh mẽ và kiên cường đến đâu, có một thời điểm chúng ta có thể cảm thấy yếu đuối trước những sự kiện không mong muốn trong cuộc sống. Lúc đó, “nơi dựa” tinh thần là điều cần thiết để tăng thêm niềm tin và sức mạnh.
+ Nơi dựa có thể là lời chia sẻ, động viên, yêu thương và những hành động chăm sóc trong những khoảnh khắc yếu đuối nhất là nguồn sức mạnh không giới hạn giúp con người vượt qua mọi thách thức cuộc sống đặt ra.
-Bàn về nơi dựa của con người trong cuộc sống qua trải nghiệm
+ “Nơi dựa” có thể xuất phát từ tình thân, từ gia đình với vòng tay ấm áp và lòng bao dung. Nó cũng có thể bắt nguồn từ những lời động viên, sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp.
+ Nơi dựa có thể bắt nguồn từ chính bản thân mình, tự bản thân mình phải có đủ sức mạnh, lòng dũng cảm để đương đầu với những sóng gió cuộc đời.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
+ Trong cuộc sống nhiều người còn ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mà không chịu đứng lên bằng đôi chân của chính bản thân mình.
+ Có những người không biết trân trọng những giá trị cuộc sống xung quanh mình, thờ ơ với mọi người…
* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
Chỉ cần một “ nơi dựa” nó chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa của cuộc sống. Mỗi người chúng ta thực sự cũng có một “Nơi dựa” riêng, có lẽ chúng ta đang vượt qua khó khăn và sống một cuộc sống tốt hơn mà không nhận ra!
Kết bài : Ý nghĩa của nơi dựa trong cuộc sống
+ “Nơi dựa” không chỉ đơn thuần là nơi mang đến sự bình yên và ấm áp, mà còn là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ.
+ Khi chúng ta gặp khó khăn, “nơi dựa” chính là điểm tựa đáng tin cậy, nơi chúng ta tìm thấy sự hỗ trợ và sức mạnh để đối mặt với những thử thách.
+ “Nơi dựa” là nguồn động viên và sức mạnh quan trọng trong việc chinh phục thành công.
BÀI VIẾT THAM KHẢO
Archimedes từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả trái đất”. Đúng vậy! Cuộc sống mỗi người cần điểm tựa để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình hay những khó khăn trở ngại để chinh phục thành công. Điểm tựa đó chính là nơi dựa trong cuộc sống.
Nơi dựa trước hết là nơi để mỗi người nương tựa , là nơi tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, động lực sống, nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên sau những khó khăn, gian khổ, vấp ngã ở cuộc sống. Chỉ khi có nơi dựa , chúng ta mới có thể nhận ra được những giá trị trong cuộc sống xung quanh mình.
Nơi dựa có thể là sự tự tin, nơi mang đến sự bảo vệ, và cảm giác an lành trong tâm hồn để đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống. Dù ta có mạnh mẽ và kiên cường đến đâu, có một thời điểm chúng ta có thể cảm thấy yếu đuối trước những sự kiện không mong muốn trong cuộc sống. Có nơi dựa, một đứa bé sẽ không còn sợ hãi trong bóng tối. Có nơi dựa, một người trưởng thành sẽ không bao giờ gục gã. Có nơi dựa, một người già neo đơn sẽ không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng….
Nơi dựa có thể là lời chia sẻ, động viên, yêu thương và những hành động chăm sóc trong những khoảnh khắc yếu đuối nhất là nguồn sức mạnh không giới hạn giúp con người vượt qua mọi thách thức cuộc sống đặt ra. Đó là là một cái ôm khi ta đang rơi những giọt nước mắt, đó là lời động viên khi ta vấp ngã trên đường đời, đó còn là cái nắm chặt tay khi trong lòng ta đang cảm thấy cô đơn nhất….
Nơi dựa có thể xuất phát từ tình thân, từ gia đình với vòng tay ấm áp và lòng bao dung. Nó cũng có thể bắt nguồn từ những lời động viên, sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp. Gia đình thường là nơi dựa đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Đây là nguồn gốc của tình yêu, sự bảo vệ và hỗ trợ tinh thần. Gia đình không chỉ đem đến sự ấm áp và an toàn mà còn là nơi mà con người học hỏi, trưởng thành và hình thành nhân cách của mình. Sự hỗ trợ từ gia đình giúp mỗi người tự tin hơn khi đối mặt với thách thức trong cuộc sống. Hãy nhớ câu chuyện đầy cảm động về người cha nghèo, sống trong ống cống suốt hơn một thập kỷ để nuôi con học đại học. Tình thương và sự hy sinh của ông chính là động lực mạnh mẽ giúp hai người con trai đạt được thành công lớn ở Đại học Bách khoa và Đại học Y Hà Nội. Bên cạnh đó, bạn bè cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nơi dựa tinh thần. Họ là những người chúng ta chọn lựa, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cùng nhau trải qua những kỷ niệm đáng nhớ. Cuối cùng nơi dựa vững chắc nhất ở mỗi con người vẫn là chính bản thân mỗi chúng ta. Nếu con người tự tin, có năng lực, biết tận dụng tốt nhất những gì mình có thì vượt khó nhất cũng có thể vượt qua,từ đó đi lên trong cuộc sống. Điểm tựa trong đời ta đôi khi là những tấm gương sáng, thậm chí những con người bình thường trong xã hội. Thấy những anh xe ôm dám bắt cướp, thấy những suất cơm từ thiện, những tấm lòng dành cho đồng bào nghèo, cơ nhỡ hoặc gặp phải thiên tai, ta có nơi dựa để tin rằng cuộc đời còn nhiều người tử tế. Gặp một hoàn cảnh khuyết tật, gia cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên ta biết rằng mình còn là một điểm tựa mà thấy rằng mình còn hạnh phúc hơn bao người khác, vững tin với khả năng chịu đựng và vượt qua mọi thử thách của con người để từ đó phải cố gắng hơn.
Đúng là trong cuộc sống ta rất cần nơi dựa, nhưng đừng ỷ lại, dựa dẫm vào đấy quá nhiều. Cần lên án, phê phán những kẻ sức dài vai rộng nhưng vẫn sống bám vào bố mẹ già, những kẻ không chịu làm gì vì ỷ lại vào người khác. Nên nhớ rằng chỗ dựa chỉ hỗ trợ cho ta bước qua khó khăn chứ không thể làm thay ta mọi điều, hãy hiểu điểm tựa theo ý nghĩa tích cực nhất của nó. Nhắc lại ý trên, ta mới thì dẫu tìm cho mình một chỗ dựa nhưng quan trọng nhất vẫn chính là bản thân con người. Như lúc còn học phổ thông, Louis Pasteur chỉ là một học sinh trung học. Về môn hóa, ông đứng hạng 15/22 học sinh của lớp. Cuối cùng, ông đã trở thành một khoa học gia nổi tiếng. Walt Disney từng bị tòa soạn báo sa thải vì thiếu ý tưởng, từng nếm mùi phá sản rất nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland đến việc hợp tác cùng nhau. Chính vì vậy mà con người càng cần phải hợp tác cùng người khác nên mọi lĩnh vực, phải ủng hộ nhau, hợp lực với nhau để đẩy nhanh tiến độ phát triển. Trong thời buổi này không thể đóng khung mình trong chỗ dựa cho mình và lấy mình làm chỗ dựa cho họ, có vậy, chúng ta mới có thể đặt được thành công nhanh chóng.
Chỉ cần một “ nơi dựa” nó chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa của cuộc sống. Mỗi người chúng ta thực sự cũng có một “Nơi dựa” riêng, có lẽ chúng ta đang vượt qua khó khăn và sống một cuộc sống tốt hơn mà không nhận ra!
Nơi dựa không chỉ đơn thuần là nơi mang đến sự bình yên và ấm áp, mà còn là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ. Khi chúng ta gặp khó khăn, nơi dựa chính là điểm tựa đáng tin cậy, nơi chúng ta tìm thấy sự hỗ trợ và sức mạnh để đối mặt với những thử thách. Nơi dựa là nguồn động viên và sức mạnh quan trọng trong việc chinh phục thành công.