BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Bản thân chúng ta là giá trị có sẵn
Lâu rồi, tôi có đọc được bài phỏng vấn Ngô Thị Giáng Uyên, tác giả cuốn sách được nhiều bạn trẻ yêu thích – “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”. Trong đó cô kể rằng khi đi xin việc làm ở công ty Unilever, có người hỏi nếu tuyển vào không marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Uyên nói có. Nhà tuyển dụng rất ngạc nhiên bởi hầu hết những người được hỏi câu này đều nói không. “ Tại sao phỏng vấn marketing mà lại làm sales?”. Uyên trả lời: “Tại vì tôi biết nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing cũng sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì sales không đồng ý cho tôi đi.”
Chi tiết này khiến tôi nhớ một câu chuyện khác về diễn viên Trần Hiểu Húc. Khi cô đến xin thử vai Lâm Đại Ngọc, đạo diễn Vương Phù Lâm đã đề nghị cô đóng vai khác. Hiếu Húc lắc đầu: “ Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu ông để tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói rằng Lâm Đại Ngọc đang đóng một vai khác”.
Đâu là điều giống nhau giữa họ? Đó chính là sự TỰ TIN. Và tôi cho rằng họ thành công là bởi vì họ tự tin.
Có thể bạn sẽ nói “Họ tự tin là điều dễ hiểu. Vì họ tài năng, thông minh, xinh đẹp, học giỏi… Còn tôi, tôi đâu có gì mà tự tin?”
Tôi không cho là vậy. Lòng tự tin thực sự không bắt đầu bởi những gì người khác có thể nhận ra, như gia thế, tài năng, dung mạo , bằng cấp, tiền bạc, quần áo,…Mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, tự sự BIẾT MÌNH. Biết mình có nghĩa là biết điều này: Dù bạn là ai thì bạn cũng luôn có sẵn trong mình những giá trị nhất định.
Gốc rễ vấn đề là ở chỗ đó, bản thân bạn không đủ để bạn tự tin sao?
Bản thân bạn-con người độc đáo nhất trên thế gian này. Bạn biết chăng, thế gian này có điều kỳ diệu, đó là không ai có thể là bản sao 100% của ai cả. Bởi thế, bạn là độc nhất, tôi cũng là độc nhất. Chúng ta đều là những con người độc nhất vô nhị, dù ta đẹp hay xấu, có tài hay bất tài, cao hay thấp, mập hay ốm, có năng khiếu ca nhạc hay chỉ biết hát lào khào như con vịt đực….
Vấn đề không phải là vịt hay thiên nga. Vịt có giá trị của vịt, cũng như thiên nga có giá trị của thiên nga. Vấn đề không phải là hơn hay kém, mà là sự riêng biệt. Và bạn phải biết trân trọng chính bản thân mình. Người khác có thể đóng góp cho xã hội bằng tài kinh doanh hay năng khiếu nghệ thuật,thì bạn cũng có thể đóng góp cho xã hội bằng lòng nhiệt thành và sự lương thiện.
Bạn có thể không bẩm sinh mà học giỏi, nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay, nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp, nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba, và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.
Hơn thế nữa, nếu bạn thực sự tự tin, bạn cũng sẽ biết tôn trọng người khác. Bởi nếu bạn đã hiểu được giá trị của bản thân mình, chắc chắn bạn sẽ hiểu được giá trị của mỗi người bạn gặp. Bạn sẽ nhìn thấy sự giống nhau giữa một ca sĩ nổi tiếng và một người quét rác vô danh, giữa một danh nhân xuất khẩu hàng nghìn tấn thuỷ sản đi nước ngoài và một bà cụ bán cá tươi trong chợ. Bạn sẽ trân trọng những người đó như nhau.
Bản thân mỗi chúng ta là giá trị có sẵn. Nếu bạn muốn có một cơ sở để xây dựng lòng tự tin thì hãy bắt đầu từ đó. TỪ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH.
(Nếu biết trăm năm là hữu hạn…, Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2016, tr 49,50)
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1: Vấn đề trọng tâm được đề cập ở văn bản trên là gì?
Câu 2: Chỉ ra các luận điểm được tác giả sử dụng trong văn bản.
Câu 3: Văn bản sử dụng những yếu tố bổ trợ nào ?
Câu 4: Ở phần đầu văn bản, tác giả kể hai câu chuyện nhằm mục đích gì ?
Câu 5: Nêu tác dụng của phép điệp cấu trúc và liệt kê được sử dụng trong đoạn văn:
Bạn có thể không bẩm sinh mà học giỏi, nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay, nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp, nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba, và nấu ăn rất ngon.
Câu 6: Phân tích cách tác giả dùng lí lẽ và bằng chứng để trình bày quan điểm của mình nhằm thuyết phục người đọc ở đoạn văn sau:
Hơn thế nữa, nếu bạn thực sự tự tin, bạn cũng sẽ biết tôn trọng người khác. Bởi nếu bạn đã hiểu được giá trị của bản thân mình, chắc chắn bạn sẽ hiểu được giá trị của mỗi người bạn gặp . Bạn sẽ nhìn thấy sự giống nhau giữa một ca sĩ nổi tiếng và một người quét rác vô danh, giữa một danh nhân xuất khẩu hàng nghìn tấn thuỷ sản đi nước ngoài và một bà cụ bán cá tươi trong chợ. Bạn sẽ trân trọng những người đó như nhau.
Câu 7: Anh/ chị có đồng tình với ý kiến: “Nếu bạn muốn có một cơ sở để xây dựng lòng tự tin thì hãy bắt đầu từ đó. TỪ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH” không ? Vì sao?
Câu 8: Có thể vận dụng câu: “Dù bạn là ai thì bạn cũng luôn có sẵn trong mình những giá trị nhất định” để khuyên người khác hoặc bản thân mình trong hoàn cảnh nào?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề:
Hãy biết quan tâm và chia sẻ
Hướng dẫn đáp án chi tiết
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Vấn đề trọng tâm của văn bản: Bản thân mỗi chúng ta là giá trị có sẵn. | 0,5 | |
2 | Các luận điểm trong văn bản:
– Tự tin vào bản thân vì bạn là con người độc đáo nhất trên thế gian. – Chính bạn phải nhận ra những giá trị có sẵn của bản thân. – Nếu bạn tự tin vào giá trị của bản thân, bạn sẽ trân trọng giá trị của người khác. |
0,5 | |
3 | Những yếu tố bổ trợ trong văn bản: -Tự sự, miêu tả, biểu cảm. |
0,5 | |
4 | Ở phần đầu văn bản, tác giả kể hai câu chuyện nhằm mục đích:
-Đưa bằng chứng về những con người đã thành công bằng sự tự tin vào giá trị của bản thân. -Tạo cách đặt vấn đề ấn tượng, gây hứng thú, dẫn dắt người đọc vào mạch lập luận của người viết. |
1,0 | |
5 | Tác dụng của phép điệp cấu trúc và liệt kê:
-Làm nổi bật, nhấn mạnh những giá trị riêng của mỗi người, và chính mỗi người phải nhận ra được giá trị đó. -Tăng giá trị biểu đạt, sức thuyết phục cho đoạn văn, tạo nhịp điệu hài hòa… |
1,0 | |
6 | -Đoạn văn thuyết phục người đọc về quan điểm: nếu thực sự tự tin vào giá trị của bản thân, bạn sẽ trân trọng giá trị của người khác.
– Để làm rõ quan điểm đó, tác giả đưa ra lí lẽ nếu bạn hiểu được giá trị của bản thân thì sẽ hiểu được giá trị của người khác và biết trân trọng họ; tác giả sử dụng bằng chứng là giá trị của một ca sĩ nổi tiếng, người quét rác vô danh, danh nhân thành đạt, người bán cá – ai cũng đều có giá trị riêng đáng trân trọng. |
1,0 | |
7 | -Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến: “Nếu bạn muốn có một cơ sở để xây dựng lòng tự tin thì hãy bắt đầu từ đó. TỪ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH”
-Cần có sự lí giải hợp lí, rõ ràng Gợi ý: -Nếu đồng tình: vì phải hiểu được, biết được giá trị của bản thân mình thì mới có thể có niềm tin, sự tự tin vào bản thân. -Nếu không đồng tình: đưa lí do hợp lí
|
1,0 | |
8 | Có thể vận dụng câu nói để khuyên người khác và bản thân mình trong các hoàn cảnh:
– Khi cảm thấy tự ti, mặc cảm về bản thân – Khi nghe lời đánh giá không tốt về giá trị của bản thân – Khi có những định kiến, cách nhìn không tốt về người khác …
|
0.5 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề | 0.5 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề:
Bàn về sự quan tâm và chia sẻ |
0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau: |
2.0 | ||
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
– Cuộc sống bộn bề vội vã khiến ta đôi lúc quên đi những điều đáng quý, đáng trân trọng ấy là quan tâm, sẻ chia với người khác. Sự quan tâm, sẻ chia chân thành sẽ làm cho con người và cuộc sống tươi đẹp, giàu ý nghĩa hơn. |
|||
2. Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống – Quan tâm là biết đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ. Sẻ chia là san sẻ, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn. -Sự quan tâm, sẻ chia đến từ tình cảm chân thành, bộc lộ bằng những cử chỉ, lời nói, hành động tự nhiên nhất. |
|||
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
-Sự quan tâm, sẻ chia giúp niềm vui được nhân lên và làm vơi bớt nỗi buồn, niềm đau, đem đến hi vọng, niềm tin, ánh sáng cho những con người đang gặp khó khăn, bế tắc. – Quan tâm, sẻ chia với người khác giúp bản thân mình mở rộng tấm lòng, biết sống nhân ái, yêu thương. Người biết quan tâm, sẻ chia với người khác là người biết “cho và nhận”, cuộc sống của họ sẽ trở nên ý nghĩa. – Trong cuộc sống, sự quan tâm sẻ chia là nền tảng để gắn kết con người với con người, tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp. Giúp con người gắn kết với cộng đồng, tập thể. Góp phần xây dựng một xã hội phát triển, nhân văn. |
|||
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
-Có người cho rằng, cuộc sống của bản thân có quá nhiều thứ phải lo lắng, chỉ lo cho mình là đủ, cần gì phải bao đồng đi quan tâm tới người khác. Đó là quan niệm sai lầm của những người ích kỉ, hẹp hòi, chỉ biết sống cho bản thân mình. -Phân biệt sự quan tâm xuất phát từ tình cảm chân thành và sự quan tâm mang tính chất vụ lợi. |
|||
+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
Cuộc sống ngày nay càng cần tới sự quan tâm, sẻ chia chân thành để tránh rơi vào cô đơn, tuyệt vọng do áp lực công việc, cuộc sống, tránh lối sống ích kỉ, cá nhân. |
|||
3. Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
– Sự quan tâm và sẻ chia chân thành làm cuộc sống thêm nhiều sắc màu tươi đẹp. Biết quan tâm sẻ chia chính là trao đi yêu thương thì cũng sẽ nhận lại yêu thương. |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. | 0.5 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.5 |
Bài viết tham khảo
Tôi còn nhớ câu chuyện của diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a về một cậu bé bốn tuổi chiến thắng trong cuộc thi tìm ra đứa trẻ biết quan tâm nhất. Chuyện kể rằng người hàng xóm của em vừa mới mất vợ. Nhìn thấy ông lão khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi như thế rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện gì với ông ấy, cậu bé trả lời: “Không có gì đâu ạ! Con chỉ để ông ấy khóc”. Câu chuyện xúc động ấy đã theo tôi mãi đến tận bây giờ để tôi nhận ra rằng sự đồng cảm, sẻ chia giữa con người với con người sẽ làm cho cuộc sống này thật tươi đẹp, ý nghĩa biết bao.
Quan tâm nghĩa là biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông, thấu hiểu họ. Còn sẻ chia là san sẻ, giúp đỡ người khác nhất là khi họ đang mang nặng nỗi buồn, gặp khó khăn, hoạn nạn. Sự quan tâm, sẻ chia đến từ tình cảm chân thành sẽ được bộc lộ bằng những cử chỉ, lời nói, hành động tự nhiên nhất.
Trong cuộc sống bộn bề, tất bật ngày hôm nay, sự quan tâm, sẻ chia thực sự có ý nghĩa lớn lao. Nó giúp niềm vui được nhân lên và làm vơi bớt nỗi buồn, niềm đau, gieo hi vọng, niềm tin, thắp lên ánh sáng cho những con người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, bế tắc. Một lời động viên khi ta đang gặp chuyện buồn. Một lời chúc và cái nắm tay thật chặt khi ta chuẩn bị bước vào kì thi quan trọng của một người bạn. Một người sẵn sàng ngồi nghe ta trút nỗi niềm tâm sự… Chẳng phải những điều giản dị ấy đã đem đến sự ấm áp trong lòng ta sao!
Khi ta biết quan tâm, sẻ chia với người khác cũng chính là lúc ta mở rộng tấm lòng của mình, biết sống nhân ái, yêu thương. Cô hoa hậu “quốc dân” Hhen Nie tỏa sáng ở đỉnh cao nhan sắc và thể hiện tấm lòng thật đẹp khi biết hướng về những đứa trẻ nghèo khổ, ít được học hành ở quê hương cô. Một người công nhân đi xuất khẩu lao động như Quang Linh vẫn biết giúp người dân bản xứ đào giếng lấy nước, gieo trồng, xây trường, tặng gạo. Biết bao con người đã nhường cơm xẻ áo, chung tay giúp đỡ đồng bào trong lũ lụt, trong dịch bệnh, khó khăn…Tấm lòng của họ thật đáng trân trọng. Những người biết quan tâm, sẻ chia với người khác là người biết “cho và nhận”, cuộc sống của họ sẽ trở nên ý nghĩa.
Từ muôn đời nay, sự quan tâm sẻ chia là nền tảng để gắn kết con người với con người, tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp. Giúp con người vượt lên được sự ích kỉ, hẹp hòi của cá nhân để gắn kết với tập thể, cộng đồng. Đó là động lực để thúc đẩy mỗi con người sống tốt hơn, góp phần xây dựng một xã hội phát triển, nhân văn.
Có người cho rằng: “Cuộc sống của bản thân có quá nhiều thứ phải lo lắng, chỉ lo cho mình là đủ, cần gì phải bao đồng đi quan tâm tới người khác”. Đó hẳn là quan niệm sai lầm của những người ích kỉ, hẹp hòi, chỉ biết sống cho bản thân mình. Bởi sự quan tâm sẻ chia với người khác không làm bạn “nghèo” đi vì “cho” mà còn khiến bạn “giàu” hơn vì được “nhận”. Bởi trao đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Khi trái tim không biết “cho đi” thì tâm hồn bạn cũng trở nên khô cằn, tăm tối. Cuộc sống ngày nay càng cần tới sự quan tâm, sẻ chia chân thành hơn nữa, để con người khỏi thu mình vào ốc đảo của sự cô đơn, tuyệt vọng do áp lực công việc, cuộc sống, tránh lối sống ích kỉ, cá nhân.
Nếu có một gia vị làm tăng thêm hơi ấm và ý nghĩa cuộc sống thì đó chính là sự quan tâm, sẻ chia. Tình cảm chân thành xuất phát trừ trái tim và tình yêu thương sẽ là tình cảm thiêng liêng giúp ta vượt qua mọi chông gai, thử thách. Vì thế, hãy mở rộng lòng mình, mở rộng vòng tay để lắng nghe, thấu hiểu và san sẻ nhiều hơn, để tình người được lan tỏa. “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” (Trịnh Công Sơn) để yêu thương, để quan tâm và chia sẻ…