ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KỲ I
Môn: Ngữ văn – Lớp 10
(Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề)
ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản:
CHÂN QUÊ
Nguyễn Bính
Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(Nguồn: https://www.thivien.net)
Lựa chọn đáp án đúng nhất:
Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?
- Song thất lục bát
- Lục bát
- Tự do
- Thất ngôn bát cú
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là
- nghị luận.
- tự sự.
- miêu tả.
- biểu cảm.
Câu 3. Hình ảnh nào không phải là nét chân quê của cô gái trong bài thơ ?
- Khăn nhung, quần lĩnh
- Chiếc nón quai thao
- Cái yếm lụa sồi
- Áo cài khuy bấm
Câu 4. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong đoạn thơ:
Nào đâu cái yếm lụa sồi ?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
- Nhấn mạnh nét hiện đại của cô gái
- Nhấn mạnh sự thay đổi ngoại hình của cô gái
- Nhấn mạnh sự mất mát của chàng trai trước sự thay đổi của cô gái
- Nhấn mạnh sự nuối tiếc, hụt hẫng của chàng trai trước sự thay đổi của cô gái
Câu 5. Ngôn ngữ của tác giả trong bài thơ là ngôn ngữ:
- giản dị, mộc mạc, gần gũi với ngôn ngữ dân gian.
- mộc mạc, quê mùa, hóm hỉnh, gần gũi với người dân quê.
- cổ kính mà hiện đại.
- hiện đại, cách tân táo bạo.
Câu 6. Chàng trai muốn nhắn nhủ điều gì qua câu thơ ?
“Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa”
- Nhắn nhủ cô gái giữ gìn những nét đẹp thôn quê
- Nhắn nhủ cô gái giữ gìn những nét đẹp truyền thống
- Nhắn nhủ cô gái giữ gìn những nét đẹp dân dã
- Nhắn nhủ cô gái đừng chạy theo trào lưu hiện đại
Câu 7. Qua bài thơ, từ “chân quê” được hiểu là:
- sự mộc mạc, giản dị của người nông dân.
- sự quê mùa, lạc hậu của chàng trai.
- sự mộc mạc, chân chất, đằm thắm của vẻ đẹp truyền thống.
- sự mộc mạc, chân chất của trang phục truyền thống.
Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Chàng trai thể hiện thái độ gì trong hai câu thơ sau:
Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Câu 9. Anh/ chị có đồng tình với quan niệm “giữ nguyên quê mùa” của chàng trai trong bài thơ không? Vì sao ?
Câu 10. Anh/ chị cần làm gì trong việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống?
VIẾT (4.0 điểm)
Đọc bài thơ :
Công danh đã được hợp về nhàn,
Lành dữ âu chi thế nghị khen.
Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
Bui* có một lòng trung lẫn hiếu,
Mài chăng** khuyết, nhuộm chăng đen.
(Thuật hứng 24 – Nguyễn Trãi, Trích Luận đề về Nguyễn Trãi, NXB Thanh
Niên, 2003, tr.87)
*Bui: duy, chỉ có
**chăng: chẳng, không
Thực hiện yêu cầu:
Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về lối sống thanh nhàn của tác giả qua bài thơ.
………………………..
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn: Ngữ văn lớp 10
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | B | 0,5 | |
2 | D | 0,5 | |
3 | B | 0,5 | |
4 | D | 0,5 | |
5 | A | 0,5 | |
6 | B | 0,5 | |
7 | C | 0,5 | |
8 | Thái độ của chàng trai: chân thành, tha thiết, tâm huyết trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm. * Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được. |
0,5 | |
9 | Học sinh có thể trả lời đồng tình / không đồng tình hoặc là kết hợp cả hai
– Đồng tình: trong thời hội nhập, việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống là cần thiết, cần phát huy. – Không đồng tình: vì con người cần thay đổi cho phù hợp môi trường hội nhập, xã hội hiện đại. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời đúng 1 ý: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm. * Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được. |
1.0 | |
10 | Học sinh có thể nêu những việc cần làm trong việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống theo nhiều cách khác nhau, miễn hợp lí, thuyết phục, chẳng hạn:
– cần trân trọng, yêu quý những giá trị văn hoá truyền thống – cần tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá thời hội nhập – ……. Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời tương đương 1 trong 2 ý như đáp án: 1,0 điểm. – Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 🡪 0,75 điểm. – Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
1.0 |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Lối sống thanh nhàn của nhà thơ Nguyễn Trãi. Hướng dẫn chấm: – Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm. – Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm. |
0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới: |
2.0 | ||
– Coi thường danh lợi, lánh xa nơi chốn thị phi
– Lối sống giản dị, thanh cao, hòa hợp với thiên nhiên. Hướng dẫn chấm: – Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm. – Trình bày chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 1,75 điểm. – Trình bày chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm. |
|||
– Đánh giá chung:
+ Thuật hứng thể hiện tâm hồn thanh cao, lối sống thanh nhàn, hòa hợp với thiên nhiên, nhưng lúc nào cũng giữ trọn lòng trung hiếu son sắt, thuỷ chung với dân với nước. + Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn hàm súc, hình ảnh thơ gần gũi giàu cảm xúc, lời thơ nhẹ nhàng sâu sắc. Hướng dẫn chấm: – Trình bày được 2 ý: 0,5 điểm. – Trình bày được 1 ý; 0,25 điểm. |
0,5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0,5 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0,5 | ||
I + II | 10 |