SỞ GD& ĐT THÁI NGUYÊN TRƯỜNG THPT CHUYÊN
|
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV – 2019 MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI: 10 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Đề thi gồm có 01 trang |
Câu 1 (8,0 điểm)
Mỗi người sinh ra trên thế giới này
Đều đại diện cho một điều mới mẻ
Một điều chưa từng tồn tại trước đó,
Nguyên bản và duy nhất
Bổn phận của chúng ta là phải biết:
Chưa có ai giống như mình từng xuất hiện trên đời,
Vì nếu ta chỉ là bản sao của ai đó
Thì sự tồn tại chẳng còn nghĩa lý gì ?
Mỗi người là một điều mới mẻ
Được thế giới gọi tên
Để sống thực với chính mình
Trong cuộc đời này.
( Martin Bubber, Dám chấp nhận – bộ sách Hạt giống tâm hồn, tr.27, , NXB Tổng hợp TPHCM )
Anh / chị hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về thông điệp được gửi gắm trong những câu thơ trên.
Câu 2 (12,0 điểm)
“Nghệ thuật thực sự đòi hỏi cả tài năng và tâm hồn, cả sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm vượt lên trên thời gian – lịch sử.”
(Nhà văn và quá trình sáng tạo, Lê Ngọc Trà, NXB Trẻ, tr.237, TPHCM, 2018)
Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về tác giả, tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 10, hãy làm sáng tỏ.
………………………HẾT……………………..
Người ra đề: 1/ Nguyễn Thị Bích Dậu – 0962719911
2/ Lê Thị Mai Ngân – 0982348344
SỞ GD& ĐT THÁI NGUYÊN TRƯỜNG THPT CHUYÊN
|
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV – 2019 MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI: 10 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) HDC gồm có 04 trang |
Câu | Nội dung chính cần đạt | Điểm |
1 | Suy nghĩ về những câu thơ của M. Bubber | 8,0 |
I. Yêu cầu về kĩ năng – Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội, biết huy động các kiến thức sách vở, kiến thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình để làm bài. – Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau: |
||
1. Giải thích – Mỗi người sinh ra trên thế giới này đều đại diện cho một điều mới mẻ, nguyên bản và duy nhất : Mỗi con người sinh ra trên đời đều là nguyên bản (bản gốc) duy nhất với những sự khác biệt độc đáo về năng lực, sở trường, thiên hướng, đam mê,…. – Bổn phận chúng ta là phải biết trân trọng sự khác biệt độc đáo của bản thân, đùng cố gắng trở thành bản sao của ai đó, đừng chỉ biết bắt chước, sao chép, chạy theo người khác, chạy theo đám đông. Điều đó sẽ khiến bạn trở nên nhạt nhẽo, đơn điệu và dễ đánh mất giá trị của bản thân. => Thông điệp : Hãy trân trọng sự khác biệt của bản thân, trân trọng những gì thuộc về bạn và sống thật với nguyên bản của mình. Đừng là bản sao của bất cứ ai trong cuộc đời này. |
1,5 |
|
2. Bình luận – Mỗi chúng ta sinh ra trên thế gian này là một cá thể biệt lập và đầy mới mẻ để làm nên một xã hội đa dạng, phong phú. Cần biết trân trọng bản thân, yêu quý cả thế mạnh và hạn chế, năng lực và điểm yếu của mình bởi chẳng có ai sinh ra là một cá thể hoàn hảo. Cần biết khơi dậy năng lực tiềm ẩn bên trong con người bạn để thành công và sống có ý nghĩa. – Sống thực với bản thân luôn tự biết cân bằng cuộc sống, tự diều chỉnh cuộc sống của mình cho phù hợp, không lệ thuộc vào sự xoay chuyển của định kiến và những biến động của xã hội. Sống thực với chính mình khiến ta luôn tự tin khẳng định bản thân và có nhiều bứt phá độc đáo, kiến tạo nên những điều mới mẻ cho cuộc sống của bản thân. – Sống thực với bản thân còn mang lại niềm tin tưởng cho người khác, hình thành mối quan hệ xã hội thân thiện, tốt đẹp giữa con người với con người. – Trong cuộc sống hiện đại, khi thế giới công nghệ thông tin càng phát triển, lối sống ảo chỉ thích bắt chước đua đòi chạy theo đám đông từ ăn mặc đến thói quen, suy nghĩ…khiến rất nhiều người tự đánh mất nguyên bản của mình. Cố gắng trở thành bản sao của người khác, bạn sẽ đánh mất mình, sẽ cảm thấy mệt mỏi và chán nản, sẽ trở nên nhạt nhòa và chìm nghỉm trong một thế giới luôn đề cao sự khác biệt. Sống thực với chính mình sẽ khiến chúng ta luôn biết khẳng định vị trí bản thân trong xã hội. – Sống như một bản sao của kẻ khác sẽ để lại nhiều tác hại: thói quen không chịu độc lập suy nghĩ sáng tạo mà chỉ thích chạy theo, bắt chước. Vì thế họ sẽ là kẻ chỉ theo sau và tụt hậu. (Học sinh lấy dẫn chứng và phân tích dẫn chứng) |
4,0 |
|
3. Mở rộng, nâng cao vấn đề, bài học nhận thức – Để lại bài học nhân sinh sâu sắc: mỗi chúng ta hãy luôn sống là chính mình. Nếu chúng ta cứ chạy theo người khác thì ta luôn là bản sao của họ và tự đánh mất cái tôi riêng của mình – Tuy nhiên, sống thực với chính mình không đồng nghĩa với lối sống lập dị, thích làm điều khác người điên rồ, lố lăng, kệch cỡm, dị hợm…. |
2,5 | |
2 | “Nghệ thuật thực sự đòi hỏi cả tài năng và tâm hồn, cả sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm vượt lên trên thời gian – lịch sử.” (Nhà văn và quá trình sáng tạo, Lê Ngọc Trà, NXB Trẻ, tr.237, TPHCM, 2018) Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về tác giả, tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 10, hãy làm sáng tỏ. |
12,0 |
I. Yêu cầu về kĩ năng – Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài. – Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau: |
||
1. Giải thích – Nghệ thuật thực sự: những tác phẩm chân chính giàu tính thẩm mĩ, thực hiện xuất sắc sứ mệnh cao cả của nghệ thuật và có sức sống lâu bền với thời gian – … đòi hỏi cả tài năng và tâm hồn, cả sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm vượt lên trên thời gian – lịch sử: Tác phẩm nghệ thuật thực sự luôn kết tinh sự từng trải, vốn sống, tư tưởng, tình cảm, những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc, có ý nghĩa muôn đời của người cầm bút. Nói cách khác, tác phẩm nghệ thuật chứa đựng trong đó cái tâm và cái tài, trí tuệ và tình cảm của nghệ sĩ. Cái gốc tình cảm ở nghệ sĩ là lòng trắc ẩn – niềm cảm thương sâu kín tới mọi nông nỗi kiếp người; giá trị quan trọng trong tư tưởng của nghệ sĩ là ở những chiêm nghiệm sâu sắc vượt thời đại về cuộc sống và nhân sinh. -> Nhận định đề cập đến vấn đề đặc trưng của văn học và vai trò của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật |
1,5 |
|
2. Bàn luận – Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, của sự sáng tạo. Bởi vậy nó đòi hỏi ở người nghệ sĩ những tố chất đặc biệt: sự mẫn cảm, óc quan sát tinh tế, trí tưởng tượng dồi dào, trí tuệ sắc sảo, vốn sống phong phú và cá tính riêng biệt,… Không thể cố mà có thể trở thành nhà văn nhà thơ, bởi ngoài sự dày công khổ luyện, trau dồi tài năng, nghệ sĩ còn cần những tố chất thiên bẩm. Để viết nên những tác phẩm văn chương thực sự có giá trị, nhà văn phải là kẻ nhạy cảm với sự sáng tạo từ trong bản năng, biết rung động với cái đẹp trong tự nhiên và trong cuộc sống, có thể nhìn ra cái vô hình vô ảnh, nhìn xuyên thấu mọi ngóc ngách của miền nhân sinh, rọi tới cái thăm thẳm trong hồn người và từ đó khái quát lên những vấn đề muôn thuở của nhân sinh, của hiện thực và lịch sử. – Văn học phản ánh và nhận thức đời sống thông qua việc xây dựng thế giới hình tượng. Hình tượng nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ, nó kết tinh trong đó tất cả tài năng và tâm hồn, trí tuệ và tình cảm, những suy tư, chiêm nghiệm, những thông điệp sâu sắc mà tác giả muốn truyền gửi tới người đọc nhiều thế hệ. Hình tượng chính là phương tiện giao tiếp quan trọng giữa nhà văn và độc giả, là thước đo tầm vóc của nhà văn và định giá giá trị tác phẩm. -> Nhận định đúng đắn, cho ta căn cứ tương đối chuẩn xác và đầy đủ để đánh giá giá trị thực sự của tác phẩm nghệ thuật. |
3,0 | |
3. Chứng minh: học sinh tự chọn một số tác phẩm phù hợp trong chương trình Ngữ văn 10, phân tích, làm nổi bật: – Tài năng của nhà văn trong xây dựng hình tượng – Tâm hồn và tình cảm, cái gốc nhân đạo sâu vững của nhà văn. – Sự thông minh, trí tuệ của nhà văn trong tư tưởng của tác phẩm, những suy tư, chiệm nghiệm vượt lên mọi không gian và thời đại của nghệ sĩ trong tác phẩm. |
6,0 |
|
4. Đánh giá, mở rộng, nâng cao – Đây là ý kiến đúng đắn, làm nổi bật được đặc trưng của văn học. – Nhận định đã đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận: + Người sáng tác: mài sắc tư tưởng, tình cảm, trau dồi tài năng. + Người tiếp nhận: nâng cao vốn hiểu biết, văn hóa, có khả năng khám phá chiều sâu tư tưởng và những thông điệp vượt thời đại đặt ra trong tác phẩm. |
1,5 | |
TỔNG | ĐIỂM TOÀN BÀI | 20,0 |
…………………………………HẾT……………………………..
Lưu ý:
– Giám khảo tránh đếm ý cho điểm, cần vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
– Giám khảo làm tròn điểm tổng bài thi đến 0,5 điểm.