TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV TRƯỜNG THPT CHUYÊN TỈNH HÀ GIANG |
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI: 10 Đề thi gồm có 02 trang |
Câu 1 (8,0 điểm)
Một ngày sống cả trăm năm – thái độ sống này được Phạm Thị Huế, sinh năm 1996, quê Thái Bình, lựa chọn trong gần bảy năm qua, sau khi cô biết mình mắc bệnh ung thư. Và lựa chọn ấy đã khiến Huế trở thành một bệnh nhân ung thư đặc biệt: sống như một người bình thường trong những ngày còn được sống. Có thể sẽ không trọn vẹn như cách nghĩ nhưng Huế luôn muốn sống một ngày của mình bằng rất nhiều ngày của nhiều người cộng lại.
Trong gần bảy năm đi cùng bệnh tật, Huế học xong THPT, sau đó tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với luận văn làm rượu vang từ thanh long đỏ.
Trong những ngày tháng chiến đấu với bệnh tật, Huế vẫn tham gia dự án cộng đồng “Hành trình Memento Mori, đi qua sự chết để nghĩ về sự sống”. Huế đi khắp nơi để diễn vai diễn được xây dựng từ một nhân vật có thật trong cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” (tác giả Đặng Hoàng Giang).
Trong vở kịch, Huế vào vai Liên, một cô gái có nhiều hoài bão, ước mơ nhưng bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy. Trong Liên luôn có những đấu tranh nội tâm để tìm cho mình ý nghĩa của cuộc sống và cuối cùng đến với cái chết một cách thanh thản. Phạm Thị Huế đã nhập vai nhân vật Liên bằng tất cả những trải nghiệm từ cuộc đời mình. Hành trình của Huế là năng lượng tích cực cho rất nhiều người đang loay hoay tìm ý nghĩa của từng ngày sống[…]
[…]Cuộc rong chơi ngắn ngủi 24 năm của Phạm Thị Huế ở trần gian, trong đó có bảy năm chiến đấu với căn bệnh ung thư đã ngừng lại vào cuối tháng tư vừa qua. Có lẽ, điều tiếc nuối nhất của cô, là ước mong hiến tặng giác mạc cho người nào đó đang ở lại, đã không thành.
(Theo Báo Điện tử Tuổi trẻ ngày 24/ 9/2018 và ngày 03/04/2019)
Câu 2 (12,0 điểm)
Trong truyện ngắn Bụi quý, K Paux-tốp-xki có viết: “Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm – tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh“Bông Hồng Vàng” của ta – truyện, tiểu thuyết hay là thơ.”
(K Paux-tốp-xki , Bông hồng vàng và bình minh mưa, NXB Văn học, 2003, tr20)
Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, anh chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
………………………HẾT……………………..
Lưu ý: – Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:…………………………………………Số báo danh:………………….
Người ra đề: Nguyễn Kim Anh – THPT Chuyên Hà Giang
HƯỚNG DẪN CHẤM
MÔN NGỮ VĂN 10
(Hướng dẫn chấm gồm 05 trang )
Hướng dẫn chung
– Giám khảo cần nắm bắt được nội dung bài làm của thí sinh để đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm. Khuyến khích những bài viết tuy chưa toàn diện nhưng có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề sáng tạo, có chất văn.
– Hướng dẫn chấm chỉ xác định những yêu cầu và mức điểm cơ bản, giám khảo cân nhắc từng trường hợp cụ thể để lượng hóa điểm một cách chính xác.
- Đáp án và thang điểm
Câu 1 (8,0 điểm)
Yêu cầu về kỹ năng:
Đảm bảo kỹ năng của bài văn nghị luận:
– Bố cục bài văn khoa học, luận điểm sáng rõ, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
– Hành văn trong sáng mạch lạc, giàu cảm xúc, có khả năng liên hệ mở rộng.
– Trình bày sạch đẹp, không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt, chính tả…
Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể cảm nhận, suy nghĩ và trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau. Đồng thời, đây là một đề bài mở vì vậy thí sinh được quyền chọn vấn đề bàn luận. Tuy nhiên dù là vấn đề gì cũng cần phải có chính kiến rõ ràng và lập luận có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý mang tính định hướng:
Nội dung | Thang điểm | |
Mở bài | – Dẫn dắt vấn đề – Giới thiệu vấn đề nghị luận: tùy thuộc HS nhận ra thông điệp nhưng phải bám sát vào những thông tin về hành trình sống của Huế, có thể là một trong những thông điệp sau Một ngày sống cả trăm năm – sống trọn vẹn cuộc đời dù ngắn ngủi… Biết trân trọng những gì đang có… Không gục ngã trước nghịch cảnh…. |
0,5 |
Thân bài | a. Giải thích vấn đề nghị luận – Nêu cách hiểu về những thông tin đưa ra trong đề bài – Nêu và giải thích thông điệp bản thân rút ra qua câu chuyện về hành trình sống của nhân vật. |
2,0 |
b. Bình luận vấn đề – Khẳng định các tình huống trong đời sống: cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn, có thể ta đã và sẽ gặp phải những nghịch cảnh…. – Trình bày: Chọn cách sống như thế nào để dù trong khó khăn, dù cuộc đời ngắn ngủi vẫn “một ngày sống cả trăm năm” (gắn liền với thông điệp rút ra được qua câu chuyện). – Lí giải lựa chọn về cách sống của bản thân bằng các lí lẽ thích hợp. |
4,0 | |
c. Bài học về lẽ sống cho bản thân gợi ra qua câu chuyện |
1,0 | |
Kết bài | – Khái quát lại vấn đề nghị luận: giá trị của thông điệp nhân sinh gợi ra qua câu chuyện. – Liên hệ đời sống |
0.5 |
Câu 2 (12,0 điểm)
I.Yêu cầu về kĩ năng
-Thí sinh cần kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai luận điểm, biết kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ về vấn đề lí luận văn học, cụ thể là lí luận về hoạt động sáng tác văn học của nhà văn, mối quan hệ giữa văn học với hiện thực qua việc phân tích một vài tác phẩm đã học để làm rõ vấn đề.
– Bài viết có bố cục mạch lạc, văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau.
Nội dung | Thang điểm | |
Mở bài | – Dẫn dắt vấn đề – Giới thiệu vấn đề nghị luận: hoạt động sáng tạo của nhà văn là tích lũy những tinh hoa của hiện thực đời sống để đưa vào trang văn. |
0,5 |
Thân bài | a. Giải thích vấn đề nghị luận – Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra … là biểu hiện của hiện thực đời sống sống động với những gì diễn ra trong cuộc sống, thế giới tâm hồn con người, cảnh đẹp thiên nhiên … Tất cả là những hạt rất nhỏ của bụi vàng – nghĩa là nguyên liệu để nhà văn sáng tạo ra tác phẩm. – Nhà văn “bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim”: nhà văn tích lũy chất liệu sống từ hiện thực, tinh lọc lấy những gì phù hợp, có giá trị trong một thời gian dài. – Từ hợp kim đó ta đánh “Bông Hồng Vàng” của ta – truyện, tiểu thuyết hay là thơ: Nghiền ngẫm những gì lấy được từ đời sống, nhà văn thai nghén đứa con tinh thần và sáng tạo nên tác phẩm – đó là những tác phẩm chân chính như những bông hồng vàng. => Ý kiến đề cập đến lao động nghệ thuật nghiêm túc của nhà văn phải gắn liền với quá trình nghiền ngẫm hiện thực, tác phẩm văn học chân chính phải được xây lên từ những bụi quý của hiện thực. |
2,0 |
b. Bình luận – chứng minh vấn đề * Bình luận: – Tại sao nhà văn phải chắt lọc lấy bụi quý của hiện thực, phải nghiền ngẫm rồi mới thai nghén, sáng tạo ra tác phẩm: + Văn học gắn liền với hiện thực đời sống, văn học từ đời sống ra đi và trở lại với đời sống thì sẽ có những giá trị lâu bền: giá trị thẩm mĩ, giá trị nhận thức, giá trị hiện thực, nhân đạo… + Lao động nghệ thuật của nhà văn là thứ lao động sáng tạo khổ công nhưng chân mĩ: nhà văn phải lấy cảm hứng từ đời sống và nhào nặn nó qua tâm hồn và trí tuệ, từ đó mới có chất liệu để viết nên những trang văn đích thực. – Nếu nhà văn không quan sát, tích lũy từ đời sống thì sẽ ra sao: + Văn học sẽ xa rời đời sống, trở nên kì bí khó hiểu, không có giá trị nhân sinh. + Nhà văn nếu không bám lấy cuộc đời, hoặc nếu quá nóng vội đưa vào trang văn những hạt bụi đời chưa qua tinh lọc thì trang văn sẽ vô hồn, thiếu giá trị hoặc còn giản đơn, thô kệch. * Chứng minh: HS bằng trải nghiệm văn học của bản thân, lấy dẫn chứng từ các tác phẩm, nhưng cần bám sát vấn đề lí luận và đảm bảo theo hướng sau: – Chỉ ra các hạt bụi quý của đời sống được nhà văn chắt lọc từ hiện thực thể hiện trong tác phẩm: số phận con người, thế giới tâm hồn con người, bức tranh thiên nhiên,cuộc sống … – Từ các hạt bụi ấy nhà văn đã đúc nên những bông hồng vàng – những tác phẩm chân chính với những giá trị gì. |
3,0 5,0 |
|
c. Đánh giá – Ý kiến chỉ ra quy luật của sáng tạo văn học, bản chất của lao động nghệ thuật của những nhà văn chân chính. – Với hoạt động sáng tác: đây là kim chỉ nam để nhà văn đi đúng hướng và rèn mình. – Với tiếp nhận: đây là chìa khóa để người đọc khám phá, đánh giá tác phẩm. |
1,0 | |
Kết bài | – Khái quát lại vấn đề lí luận – Liên hệ đời sống văn học |
0.5 |