|
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH CẤP THPT Môn: NGỮ VĂN LỚP 10 Thời gian làm bài: 180 phút (Đề thi có 01 trang, gồm 02 câu) |
Câu 1(8,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Cuộc sống là những va đập
Hãy nghe một viên sỏi kể về nguồn gốc của mình: “Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng đằng đẵng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối. Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ”.
(Theo Hạt giống tâm hồn – NXB TP. Hồ Chí Minh, 2004)
Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về bài học cuộc sống rút ra từ câu chuyện trên.
Câu 2 (12,0 điểm)
“Các tác giả văn học trung đại, đặc biệt là những tác giả tài năng, một mặt tuân thủ tính qui phạm, mặt khác lại phá vỡ tính qui phạm, phát huy cá tính sáng tạo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện”.
(Ngữ văn 10, Tập 1, NXB Giáo dục, 2011, tr 110)
Anh/Chị hiểu nhận định trên như thế nào ?
Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43) của Nguyễn Trãi để làm sáng tỏ vấn đề.
…………………..HẾT……………….
– Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:…………………………………………….Số báo danh:………………………….
HƯỚNG DẪN CHẤM CHỌN HSG TỈNH LỚP 10
Môn: NGỮ VĂN
Hướng dẫn chung
– Do đặc trưng của kì thi nên Giám khảo cần nắm vững được nội dung, yêu cầu của đề bài để đánh giá một cách tổng quát năng lực của thí sinh: năng lực hiểu biết, vận dụng, sáng tạo và khả năng tạo lập văn bản;
– Chủ động, vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm: nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản hoặc có những kiến giải một cách sáng tạo, thuyết phục thì giám khảo vẫn có thể cho điểm tối đa; tránh việc đếm ý cho điểm;
– Khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo, giàu chất văn, có lối tư duy phản biện; kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.
– Những bài mắc về lỗi về kiến thức, chính tả, dùng từ, ngữ pháp, diễn đạt tuỳ vào mức độ để cho điểm.
Hướng dẫn cụ thể
Câu | Hình thức, kĩ năng và nội dung kiến thức | Điểm |
Câu 1 | 1. Về hình thức và kĩ năng: – Đây là dạng đề nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Mỗi câu chuyện có thể nêu lên nhiều ý nghĩa (bài học) nhưng thường có một ý nghĩa chủ đạo (ý nghĩa chính). Ở đây, chỉ nêu ý nghĩa chung đó; người viết có thể có những cách hiểu riêng, tuy nhiên, cần có lý và có sức thuyết phục. – Về cấu trúc ý, bài viết có thể nêu và xây dựng theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, hệ thống ý cần hợp lý, thể hiện được lập luận chặt chẽ. 2. Về nội dung: a, Phân tích vấn đề được đặt ra từ câu chuyện để rút ra bài học cuộc sống – Viên sỏi tự kể về nguồn gốc của mình, từ núi cao về với sông suối, từ một tảng đá khổng lồ trở thành một hòn sỏi láng mịn. – Đó là một hành trình lâu dài (trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng), gian nan, khổ ải (mặt trời nung đốt, mưa bão, nước lũ cuốn, va đập, bị thương…) để hoàn thiện mình (từ tảng đá khổng lồ, đầy vết nứt trở thành viên sỏi láng mịn). – Từ đó, rút ra bài học cuộc sống: Cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn, sóng gió và vượt qua được thử thách chính là tự hoàn thiện bản thân. b, Suy nghĩ về bài học cuộc sống được rút ra từ câu chuyện – Cuộc sống khó khăn, thử thách nhiều lúc lại chính là môi trường tốt nhất để tôi luyện con người, giúp con người hoàn thiện nhân cách. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt giúp con người nhận ra sức mạnh, khả năng tiềm ẩn trong chính bản thân mình, là chất xúc tác, là bàn đạp thúc đẩy bước nhảy, sức bật ở mỗi người. – Khó khăn, thử thách không chỉ hiểu là yếu tố khách quan mà còn là những khó khăn, cản trở trong chính bản thân mỗi người (yếu đuối, thụ động, cám dỗ đời thường…). – Cuộc sống luôn chứa đựng những bất ngờ, những biến cố ngoài dự liệu. Điều quan trọng là cách nhìn, thái độ sống trước thực tế đó (không đầu hàng, không buông xuôi, giữ được niềm tin vào cuộc sống…). Mặt khác, con người có thể tác động, biến đổi hoàn cảnh theo chiều hướng tốt đẹp. – Tuy nhiên, không chủ quan, duy ý chí bởi có thể có những mơ ước không trở thành hiện thực được, có những nỗi đau khó liền sẹo nhưng nhờ đó, con người trở nên mạnh mẽ, trưởng thành, biết trân trọng những giá trị cuộc sống. – Phê phán một bộ phận người trong xã hội không vượt qua được hoàn cảnh, tự đánh mất mình. c. Bài học nhận thức và hành động: – Sự hoàn thiện của con người là cả một quá trình. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần phải có sự nỗ lực để vượt qua, để hoàn thiện bản thân, có ích cho xã hội. – Trân trọng hoàn cảnh sống tốt đẹp mà mình đang có. |
8,0 2,0 5,0 1,5 1,0 1,0 1,0 0,5 1,0 |
Câu 2 | 1. Về hình thức và kĩ năng Cần xác định đây là kiểu bài nghị luận văn học để triển khai bài làm đúng kiểu văn bản. Cần phát huy đồng thời hai năng lực: nắm bắt và làm sáng tỏ một đặc điểm của văn học trung đại, cụ thể là tính qui phạm và viêc phá vỡ tính quy phạm để thể hiện cá tính sáng tạo trên phương diện nội dung và nghệ thuật; phân tích, chứng minh được đặc điểm đó được biểu hiện qua một tác phẩm đã học. 2. Về nội dung 2.1. Làm rõ nội dung nhận định: a. Giải thích khái niệm: – Văn học trung đại: Văn học viết Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, là nền văn học tồn tại và phát triển trong xã hội phong kiến. – Tính qui phạm: Một đặc điểm nổi bật của văn học trung đại, là sự qui định chặt chẽ theo khuôn mẫu. Tính qui phạm thể hiện ở một số phương diện cơ bản sau: + Quan niệm văn học: Đề cao chức năng xã hội của văn học, coi trọng mục đích giáo huấn, thơ dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo. + Tư duy nghệ thuật: Lối tư duy trừu tượng, gián tiếp, quen nghĩ và phải nghĩ theo một kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn đã thành công thức gắn với tính ước lệ, tượng trưng, bút pháp gợi hơn tả… + Quan niệm thẩm mĩ: Cái đẹp của quá khứ là chuẩn mực, tạo nên tính sùng cổ, sử dụng nhiều điển tích, điển cố, nhiều thi liệu truyền thống… + Thể loại: Sử dụng những thể loại có kết cấu định hình. + Ngôn ngữ: uyên bác, trang trọng, đề cao phép đối, điển tích, điển cố… – Sự phá vỡ tính qui phạm thể hiện trên một số phương diện cơ bản sau: + Quan niệm văn học: hướng vào đời sống cá nhân, mô tả hiện thực khách quan… +Tư duy nghệ thuật: Xuất hiện lối tư duy trực quan cụ thể, đưa những hình ảnh chân thực của cuộc sống vào thơ. + Thể loại: những thể thơ mới, thay đổi tiết tấu, nhịp điệu… + Ngôn ngữ: Vận dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày, câu thơ mang ngữ điệu nói… – Cá tính sáng tạo: Là biểu hiện rực rỡ của các phạm trù cái chủ quan, cái cá biệt, cái không lặp lại trong tài năng của người nghệ sĩ. Cá tính sáng tạo biểu hiện tập trung ở cái nhìn nghệ thuật độc đáo, ở cách cảm, cách nghĩ riêng của nhà văn… b. Ý cả câu: Các tác giả trung đại, đặc biệt là các tác giả tài năng đã phá vỡ những qui định chặt chẽ, theo khuôn mẫu của văn học trung đại để thể hiện những nét riêng, mới mẻ trên phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. 2.2. Bàn bạc, mở rộng: – Tại sao các tác giả trung đại, đặc biệt là các tác giả tài năng, một mặt tuân thủ tính qui phạm, mặt khác lại phá vỡ tính qui phạm: + Văn học trung đại ra đời và phát triển trong xã hội phong kiến, chịu ảnh hưởng của văn hóa, văn học Trung Quốc, với những ràng buộc, phép tắc, ý thức cá nhân, cá thể chưa có điều kiện phát triển. Xã hội có phép tắc, văn học có khuôn mẫu. + Tính qui phạm khiến cho văn học bị hạn chế trong việc phản ánh hiện thực, coi trọng thuyết minh cho đạo lý gắn với con người bổn phận. Nhà văn sáng tác không bằng con mắt quan sát của cá nhân mà bằng những hình thức có tính cố định, hạn chế tối đa sự sáng tạo cua người nghệ sĩ. + Nhà văn tài năng là những người có bản lĩnh, có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, không chấp nhận cái cũ, sự rập khuôn, khao khát sáng tạo, khao khát thể hiện cái tôi, thể hiện bản sắc riêng. – Việc phá vỡ tính qui phạm của văn học trung đại có ý nghĩa như thế nào + Văn học mang hơi thở của cuộc sống, thúc đẩy văn học trung đại phát triển theo theo hướng dân tộc hóa, hiện đại hóa, thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc. + Bài học sáng tạo cho người cầm bút: trong sự chi phối của tính qui phạm vẫn thể hiện được cá tính sáng tạo với cách nhìn, cách miêu tả riêng. + Đối với người đọc, khi tìm hiểu văn học trung đại, cần chú ý đến việc phá vỡ tính qui phạm để nhận thức được đặc sắc của mỗi tác phẩm, đóng góp của mỗi tác giả. 2.3. Phân tích “Cảnh ngày hè”để làm sáng tỏ nhận định – Qua phân tích, thí sinh cần làm nổi bật được những khía cạnh mà nhận định đã đề cập. Bài viết có nhiều cách triển khai, song cần đảm bảo các yêu cầu nội dung như phần giải thích, bàn bạc vấn đề, với những định hướng cơ bản sau: – Tính qui phạm trong Cảnh ngày hè: + Quan niệm văn học: Nói chí tỏ lòng – lý tưởng dân giàu đủ khắp đòi phương + Tư duy nghệ thuât: Miêu tả cảnh ngày hè bằng những hình ảnh ước lệ (ngày hè, lựu, sen, lầu tịch dương…) + Sử dụng điển tích, điển cố gắn với quan niệm thẩm mĩ cái đẹp của quá khứ là chuẩn mực. + Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật – Sự phá vỡ tính qui phạm, thể hiện cá tính sáng tạo: + Nằm trong mục Bảo kính cảnh giới (gương báu răn mình) nhưng bài thơ này không nặng về giáo huấn, khuyên răn mà thể hiện cảm nhận tinh tế của một tâm hồn rất thi sĩ. + Sử dụng thể thơ thất ngôn đường luật phá cách, câu thơ thất ngôn xen lục ngôn, nhịp thơ, cấu trúc bài thơ thay đổi. + Thi nhân xưa đến với thiên nhiên bằng bút pháp vịnh, Nguyễn Trãi thiên về bút pháp tả. Hình tượng nghệ thuật là những gì gần gũi với cuộc sống thường ngày + Sử dụng ngôn ngữ tài tình, vừa giản dị, quen thuộc mà gợi cảm với những động từ mạnh, tính từ gợi tả. – Trong quá trình phân tích cần làm nổi bật: + Vẻ đẹp độc đáo của bức tranh thiên nhiên, cuộc sống + Vẻ đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi: Tâm hồn yêu thiên nhiên, tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống; tấm lòng ưu ái với dân với nước. Lưu ý: – Có thể chấp nhận cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng và cách trình bày theo hệ thống ý riêng nhưng với điều kiện phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục. – Việc phân tích tác phẩm cần phải được bám sát, soi chiếu từ lí luận, tránh phân tích tác phẩm chung chung, thuần tuý. |
12,0 2,5 2,0 0,5 2,5 7,0 2,5 4,5 |