Trường TH, THCS và THPT ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 2 ( 2017 – 2018 )
TRƯƠNG VĨNH KÝ Môn: VĂN – Khối: 10
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi gồm 2 trang)
Họ và tên học sinh: …………………………………………………………………….. Lớp: …………………….
PHẦN ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
(…) Với những người có văn hóa, “cảm ơn” là lời nói được sử dụng hàng ngày, những lời luôn được cất lên bằng tất cả thái độ lịch sự và tình cảm chân thực nhất. Nhưng tiếc rằng, vẫn còn không ít thanh niên chưa nghĩ như vậy. Họ coi cảm ơn chỉ là những lời khách sáo, vì thế, chẳng cần phải nói ra. Hình như các bạn ấy vẫn nghĩ đơn giản rằng nói lời cảm ơn hay làm những cử chỉ biểu lộ lòng biết ơn là “vẽ chuyện”, chỉ làm mất đi sự thân tình và tăng thêm xa cách mà thôi.
Thế nhưng, cuộc sống hiện đại và yêu cầu về quy tắc giao tiếp giữa người với người đòi hỏi chúng ta phải tập làm quen với lời “làm ơn” và sau đó là “cảm ơn”. Thật hạnh phúc khi ta làm được một việc có ý nghĩa, một điều tốt đem lại hạnh phúc cho người khác và kéo mọi người lại gần nhau hơn. Và cũng sẽ hạnh phúc không kém khi chúng ta thấy mình đã không dửng dưng, bạc bẽo vì đã biết tri ân người giúp đõ mình bằng những lời nói xuất phát tự đáy lòng, chân thành, lịch thiệp: “Cảm ơn”.
(Theo bài viết tham gia diễn đàn Đem mọi người đến gần nhau hơn,
Báo Thanhnienonline, ngày 11.11.2006)
Câu 1: Văn bản trên sử dụng phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 3: Hình như các bạn ấy vẫn nghĩ đơn giản rằng nói lời cảm ơn hay làm những cử chỉ biểu lộ lòng biết ơn là “vẽ chuyện”, chỉ làm mất đi sự thân tình và tăng thêm xa cách mà thôi.
Anh (chị) có đồng tình với quan niệm của các bạn trẻ ấy không? Vì sao? (1,0 điểm)
Câu 4: Nếu được phát biểu trên diễn đàn này, anh (chị) sẽ gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất của mình đến ai? Vì sao? (1,0 điểm)
(Học sinh viết ngắn gọn trong khoảng 3 – 5 dòng)
PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
Anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của mình về giá trị của lời cảm ơn trong cuộc sống.
Câu 2 (4,0 điểm)
Nêu cảm nhận của anh (chị) về tâm trạng của người chinh phụ trong đoạn thơ sau:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm, thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.
Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng….”
(Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ – Trích Chinh phụ ngâm,
Đặng Trần Côn, bản dịch Đoàn Thị Điểm(?))
(Theo Sách giáo khoa Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Hà Nội)
———–HẾT————-
ĐÁP ÁN VĂN 10, HỌC KỲ 2, 2017 -2108
Câu 1
Phong cách ngôn ngữ chính luận
– Điểm 0,5: Trả lời đúng phương án trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2
Phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: nghị luận
– Điểm 0,5: Trả lời đúng phương án trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3
Đây là câu hỏi nhằm phát huy khả năng tư duy của học sinh, các em có nhiều hướng trả lời, Gv linh hoạt chấm điểm. Khuyến khích cho điểm tối đa khi các em trả lời nghiêm túc, phù hợp quy chuẩn đạo đức.
– Điểm 1,0:Trả lời đúng yêu cầu trên.
– Điểm 0,5: Có suy nghĩ đúng đắn nhưng chưa giải thích rõ.
– Điểm 0: Trả lời sai, lệch lạc hoặc không trả lời.
Câu 4
Đây là câu hỏi nhằm phát huy khả năng tư duy của học sinh, các em có nhiều hướng trả lời, Gv linh hoạt chấm điểm. Khuyến khích cho điểm tối đa khi các em trả lời nghiêm túc, phù hợp quy chuẩn đạo đức.
– Điểm 1,0:Trả lời đúng yêu cầu trên.
– Điểm 0,5: Có suy nghĩ đúng đắn nhưng chưa giải thích rõ.
– Điểm 0: Trả lời sai, lệch lạc hoặc không trả lời.
PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
* Yêu cầu chung:
– Viết đúng thể loại văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí.
– Có đủ 3 phần: nêu vấn đề, triển khai vấn đề, kết thúc vấn đề.
– Biết vận dụng, phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận…)
– Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0.5 điểm)
– Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn. Phần Mở đoạn biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân đoạn biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết đoạn khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên.
– Điểm 0: Thiếu Mở đoạn hoặc Kết luận, Thân đoạn viết lan man.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: giá trị của lời cảm ơn trong cuộc sống con người.
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp: Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận): biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1, 0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
– Ta cần nói lời cảm ơn khi nào? (Khi ta nhận được một món quà, một sự giúp đỡ, một lời góp ý chân thành, một lời động viên,một sự chia sẻ và cảm thông…
– Phân tích, chứng minh, bình luận – mở rộng, nâng cao :
+ Vì sao con người cần phải biết nói lời cảm ơn? Khi cảm ơn bạn sẽ nhận được nhiều hơn cái đã nhận: đó là sự quý mến trân trọng. Lúc ấy, bạn sẽ đẹp hơn trong mắt mọi người, vì đó là cách cư xử không chỉ hợp đạo lý làm người mà còn là văn hóa giao tiếp. Lời nói cảm ơn của chúng ta giúp tô điểm cho các mối quan hệ xã hội, đem mọi người đến gần nhau hơn.
+ Phê phán không ít người chỉ biết nhận và cho đó là điều đương nhiên mình được hưởng, không biết bày tỏ lòng biết ơn hoặc ngại nói lời cảm ơn với người đã giúp đỡ mình.
– Bài học nhận thức và hành động:
+ Cảm ơn đúng lúc, đúng chỗ. Phải thực sự chân thành khi nói. Phải là phản xạ tự nhiên của mỗi người, tập thành thói quen trong giao tiếp ứng xử.
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, phân tích, bình luận) còn chưa được đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng được 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 00: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 00: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm)
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2 (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung:
– Nắm vững phương pháp làm một bài văn nghị luận văn học: phân tích một đoạn thơ.
– Cách lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, thuyết phục, lời văn trong sáng, dễ hiểu.
– Trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng, bố cục sáng rõ.
* Yêu cầu cụ thể:
Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết luận khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận; Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích 16 câu thơ đầu đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (Đặng Trần Côn, bản dịch Đoàn Thị Điểm (?))
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp: Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2.0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
Nắm vững phương pháp làm bài phân tích tác phẩm thơ, bố cục rõ, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, …
Yêu cầu về kiến thức:
* Về nội dung:
– Trích dẫn chính xác đoạn thơ.
– Giới thiệu được tác giả, tác phẩm, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, chủ đề của đoạn trích.
– Phân tích:
+ Nỗi cô đơn của người chinh phụ được thể hiện qua nếp sinh hoạt hằng ngày:
Một mình đi dạo hiên vắng
Ngồi buông rèm, cuốn rèm (rủ thác)
=> Những hành động lặp đi lặp lại không mục đích, vô nghĩa thể hiện tâm trạng rối bời, nhung nhớ, cô đơn lẻ loi của người chinh phụ.
+ Nỗi cô đơn của người chinh phụ còn được thể hiện qua những yếu tố ngoại cảnh:
Chim thước: là loài chim báo tin lành nhưng chẳng thấy
Đèn: vật vô tri không thể hiểu được tấm lòng người chinh phụ
+ Nỗi sầu muộn triền miên của người chinh phụ được thể hiện qua thời gian tâm lí:
Âm thanh: Tiếng gà eo óc, tiếng trống năm canh.
Hình ảnh: Bóng cây hòe phất phơ.
Hành động:
Gượng đốt hương để tìm sự thanh thản nhưng tâm hồn lại thêm mê man.
Gượng soi gương nhưng nước mắt đầm đìa.
Gượng gảy đàn gợi đến hình ảnh lứa đôi những lại mang đến điều chẳng lành (dây uyên – đứt, phím loan – ngại chùng)
Từ láy: eo óc, phất phơ, đằng đẵng, dằng dặc – giàu sức tạo hình, tạo nhạc.
Biện pháp so sánh đã làm bật lên chiều dài vô tận của thời gian và chiều rộng mênh mông của không gian.
→ Tâm trạng người chinh phụ ở 16 câu thơ đầu: cô đơn lẻ loi, rối bời nhung nhớ đến ngẩn ngơ, buồn sầu.
– Cảm nhận chung về giá trị đặc sắc của đoạn thơ.
- Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 00: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.