TRƯỜNG THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG ————— Đề thi gồm: 01 trang |
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV MÔN: NGỮ VĂN. LỚP 10 Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (8,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Chàng thanh niên: Can đảm dám bình thường ư…?
Triết gia: Tại sao lại cần phải trở nên “đặc biệt”? Có lẽ là do không thể chấp nhận được một “tôi bình thường”. Vì thế, khi không đủ khả năng trở nên “đặc biệt ưu tú”, người ta sẽ hành động cực đoan để trở nên “đặc biệt hư hỏng”. Nhưng thử hỏi, làm người bình thường, không đặc biệt thì có gì không tốt, có gì đáng tự ti? Chẳng phải là ai cũng bình thường đấy sao? Đây là một điều cần suy xét thật kỹ.
Chàng thanh niên: … Thầy bảo tôi hãy làm “người bình thường” sao?
Triết gia: Chấp nhận bản thân là một bước tiến quan trọng. Nếu cậu có được “can đảm dám bình thường”, chắc chắn cách nhìn thế giới cũng sẽ thay đổi hẳn.
Chàng thanh niên: Nhưng…
Triết gia: Việc cậu từ chối làm người bình thường có lẽ là do cậu đang coi “người bình thường” đồng nghĩa với “không có tài cán”. Làm người bình thường không có nghĩa là không có tài cán gì. Chúng ta không cần phải phô trương sự vượt trội của bản thân.
Chàng thanh niên: Tôi công nhận cố gắng “trở nên đặc biệt” có nguy hiểm nhất định. Nhưng có cần phải lựa chọn làm người “bình thường”, sống cuộc đời nhàm chán, chẳng để lại giá trị gì, chẳng ai thèm nhớ đến và phải hài lòng rằng mình chỉ ở mức đó không? Thầy đùa tôi chắc! Tôi sẵn sàng vứt bỏ cuộc đời như thế không tiếc mảy may!
Triết gia: Dù gì cậu vẫn muốn “đặc biệt” phải không?
Chàng thanh niên: Không phải! Việc chấp nhận “bình thường” mà thầy nói chính là khẳng định một bản thân lười biếng, cho rằng mình chỉ đến mức này thôi, chỉ thế này là được rồi. Tôi từ chối một cuộc đời lười biếng như thế! Thầy có cho rằng Napoleon hay Alexandros Đại đế, Ernstem, Martin Luther King rồi cả Sokrates và Platon yêu quý của thầy cũng chấp nhận làm người “bình thường” không? Làm gì có chuyện đó! Chắc chắn họ đã sống với mục tiêu và lý tưởng lớn! Cứ theo lý lẽ của thầy thì sẽ chẳng có một Napoleon nào được sinh ra hết. Thầy đang hủy hoại thiên tài đấy!
Triết gia: Cậu cho rằng cuộc đời cần có mục tiêu cao cả?
Chàng thanh niên: Tất nhiên rồi!
(Dám bị ghét, Koga Fumitake – Kishimi Ichiro, NXB Lao động xã hội)
Cuộc đối thoại của chàng thanh niên và vị triết gia gợi cho anh/chị lựa chọn trở thành người thế nào: Người bình thường hay Người đặc biệt?
Câu 2 (12,0 điểm)
“Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn”. (M.L.Kalinine).
Bằng một vài đoạn trích/tác phẩm của văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam đã học trong chương trình lớp 10, anh/chị hãy làm sáng tỏ vấn đề
– Hết –
Người ra đề: Nguyễn Thị Lê Nguyệt
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 10
Câu | Nội dung chính cần đạt | Điểm |
1 | Cuộc đối thoại của chàng thanh niên và vị triết gia gợi cho anh/chị lựa chọn trở thành người thế nào: Người bình thường hay Người đặc biệt? | 8,0 |
I. Yêu cầu về kĩ năng – Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội, biết huy động các kiến thức sách vở, kiến thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình để làm bài. – Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. – Bài văn có cảm xúc, thể hiện được những suy nghĩ, quan niệm của người viết. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau: |
||
1. Giải thích – Tóm tắt nội dung câu chuyện : Cuộc trò chuyện giữa triết gia và chàng thanh niên về quan niệm sống. – Người bình thường :Con người sống cuộc đời bình thường, không nổi trội. Theo triết gia, người bình thường không có nghĩa là không có tài cán gì, chỉ là người không phô trương sự vượt trội của bản thân, chấp nhận bản thân. – Người đặc biệt : Con người sống cuộc đời khác thường, đặc biệt ; có hành động, trí tuệ nổi bật ; có những đóng góp lớn lao, phi thường. Theo quan niệm của chàng thanh niên, người đặc biệt có cuộc đời không nhàm chán. → Bằng hình thức là một cuộc đối đáp, trò chuyện giữa một triết gia (con người nhiều trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc), với một chàng thanh niên (con người trẻ tuổi, nhiều hoài bão, khát vọng), câu chuyện đưa ra quan niệm về giá trị con người. |
1,5 |
|
2. Bình luận và chứng minh HS đưa ra phương án lựa chọn của mình theo yêu cầu đề bài. Theo phương án đã lựa chọn, HS phải đưa ra các lí lẽ, dẫn chứng hợp lí, thuyết phục, có vận dụng quan điểm từ câu chuyện. * Trở thành người bình thường – Khẳng định giá trị của lựa chọn : + Trở thành người bình thường, là dám chấp nhận giá trị bản thân mình : không kiêu ngạo về những thành tựu, không tự ti về những điểm yếu, khiếm khuyết… Nhận thức rõ về bản thân và chấp nhận bản thân là cách để sống trọn vẹn nhất cuộc đời mình. + Trở thành người bình thường, sẽ tránh được những mong muốn, khát vọng cực đoan, không quá kì vọng vào cuộc đời, không quá thất vọng trước những trắc trở, vui lòng với những thành tựu đạt được. + Sống cuộc đời bình thường, con người dễ cân bằng các yếu tố, các mặt của đời sống : cống hiến và hưởng thụ, làm việc và vui chơi, học tập và nghỉ ngơi… để có chất lượng cuộc sống tốt. – Để trở thành người bình thường: Đòi hỏi sự cố gắng không ngừng. Con người luôn có khát vọng trở nên đặc biệt, nên dám làm người bình thường cũng là một lựa chọn dũng cảm. * Trở thành người đặc biệt – Khẳng định giá trị của lựa chọn : + Trở thành người đặc biệt, là để sống một cuộc đời khác thường, tạo ra những giá trị phi thường, trở nên khác biệt với mọi người. + Trở thành người đặc biệt, là cách khẳng định giá trị bản thân một cách triệt để nhất. + Sống cuộc đời đặc biệt, con người sẽ được tôn vinh, ghi nhớ. – Để trở thành người đặc biệt: Phải sống với những mục tiêu và lí tưởng lớn. (Học sinh nêu dẫn chứng và phân tích. Có thể kết hợp liên hệ bản thân, bộc lộ quan điểm cá nhân) |
4,0 |
|
3. Mở rộng, nâng cao vấn đề – Ở mỗi lựa chọn, chỉ ra những hạn chế : + Trở thành người bình thường, rất dễ nhầm là sống cuộc đời nhàm chán, lười biếng, vô giá trị. + Trở thành người đặc biệt có thể làm con người quên mất những giá trị, ý nghĩa bình thường nhưng cần thiết của đời sống. – Dù lựa chọn trở thành người thế nào, cũng cần hiểu đúng, sống đúng, sống tích cực và trân trọng cuộc đời mình. |
1,5 |
|
4. Bài học – Câu chuyện đem lại những suy nghĩ, nhận thức về sự lựa chọn cho cuộc đời. – Suy nghĩ, nhận thức đúng đắn về bản thân. |
1,0 | |
2 | 12,0 | |
I. Yêu cầu về kĩ năng – Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác phẩm để làm bài. – Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. – Bài văn có chất văn, thể hiện khả năng cảm thụ và diễn đạt về văn học. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau: |
||
1. Giải thích – Văn học là loại hình sáng tác tái hiện những vấn đề đời sống và con người. – Chức năng của văn học làm cho con người thêm phong phú: + Hiểu thêm về cuộc sống, con người mọi thời đại và có thêm nhận thức mới mẻ, thêm trải nghiệm về cuộc sống. + Cảm nhận được từng cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người; tâm hồn con người sẽ phong phú hơn, bồi dưỡng cho con người những tình cảm cao đẹp + Có thêm những bài học, triết lí ý nghĩa sâu sắc mới mẻ về cuộc sống. |
1,5 |
|
2. Bình luận a. “Văn học làm cho con người thêm phong phú” – Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học, con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình. – Mặt khác, văn học là “tiếng nói của tình cảm, là sự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà), qua văn học, con người tìm thấy mình trong đó, cảm nhận được những cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, được giãi bày, được đồng cảm, được sẻ chia, được gợi ra những tình cảm chưa có, được trui rèn những tình cảm sẵn có. – Hơn thế nữa, mỗi tác phẩm văn học là một cuộc trải nghiệm, là cơ hội để ta du hành qua không gian và thời gian, vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, trải nghiệm nhiều hơn, sống nhiều hơn qua những cuộc đời khác nhau, được nhìn cuộc đời dưới nhiều lăng kính, được lắng nghe nhiều luồng tư tưởng, được đối thoại với nhà văn… trở nên giàu có, phong phú hơn về trải nghiệm sống. b. Chính vì vậy, văn học “tạo khả năng giúp con người lớn lên” – Từ những trải nghiệm đó, văn học giúp con người lớn lên về mặt nhân cách, về mặt tâm hồn; sống cuộc đời phong phú hơn, có ý nghĩa hơn. – Con người biết cảm thông, sẻ chia, biết đồng cảm với niềm vui, nỗi đau của con người. – Đối tượng phản ánh của văn học chính là con người trong các mối quan hệ xã hội, soi chiếu dưới lăng kinh thẩm mỹ. Qua văn học, người đọc hiểu thêm về con người – cũng là hiểu thêm về chính mình. c. Những chức năng, giá trị ấy của văn học chỉ có thể phát huy cao độ khi: – Nhà văn phải là “người cho máu”, phải hiểu, thấu cảm và phản ánh được những buồn vui yêu ghét, lời ca tụng hân hoan hay tiếng thét khổ đau, những ước vọng tha thiết nhất của con người thời đại mình…; biết đặt ra những câu hỏi, và kiến giải một lối đi, một hướng phát triển cho thời đại. – Người đọc, khi tiếp nhận tác phẩm, cũng phải chạm vào được những dây đàn nhà văn đã căng sẵn nơi tác phẩm, để nó ngân rung lên những âm thanh, giai điệu của nó. Hiểu được tác phẩm, đồng cảm được với nhà văn, người đọc mới hoàn tất được quá trình văn học làm con người lớn lên. |
3,0 | |
3. Chứng minh: HS tự lựa chọn tác phẩm để làm rõ những phương diện sau: – Văn học làm cho con người phong phú về nhận thức, hiểu biết (xã hội, lịch sử, con người, triết lí cuộc sống) – Văn học làm cho tâm hồn con người ngày càng phong phú, bồi dưỡng những tình cảm cao đẹp. * Lưu ý: HS phải dẫn chứng tối thiểu ở hai tác phẩm khác nhau (thuộc văn học dân gian và văn học trung đại) |
6,0 |
|
4. Đánh giá, mở rộng, nâng cao – Ý kiến trên đã khẳng định chức năng cao cả của văn học: phục vụ cho con người, hướng con người đến cái chân- thiện-mỹ. – Từ nhận thức được chức năng của văn học cần ý thức vai trò quan trọng của học tác phẩm văn học, hình thành tình yêu, say mê học tập và trân trọng những giá trị văn học. |
1,5 | |
TỔNG | ĐIỂM TOÀN BÀI | 20,0 |