Đề thi hsg Trại hè Hùng Vương Ngữ văn 10 năm 2019 Chuyên Hùng Vương

SỞ GD – ĐT PHÚ THỌ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG
(Đề thi gồm 01 trang)
   ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XV
                                 Môn: NGỮ VĂN 10
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
 

Câu 1 ( 8,0 điểm)
Hãy thù ghét
mọi ao tù
nơi thân ta rữa mục
,
 mọi thói quen
nếp nghĩ – mù lòa!

Hãy sống như
           những con tàu
            phải lòng
           muôn hải lý,
mỗi ngày
bỏ
sau lưng
nghìn hải – cảng – mưa – buồn!

(Bài thơ Việt Bắc – Trần Dần)
Suy nghĩ của anh/chị về lẽ sống được gợi ra từ đoạn thơ trên.
Câu 2 (12,0 điểm)
Banlzac từng nói: Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại.
Nữ văn sĩ Pháp Elsa Trisolet lại cho rằng: Nhà văn là người cho máu.
Bằng những trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy bình luận hai ý kiến trên.
————-Hết————-
Người ra đề: Phạm Thị Lệ Mỹ
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1 (8 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội, biết huy động các kiến thức sách vở, kiến thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình để làm bài.
– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau:
Xác định lẽ sống được gợi ra từ đoạn thơ (1,5 điểm)
– Các hình ảnh ẩn dụ:
+ Ao tù (cuộc sống quẩn quanh tù hãm), thói quen nếp nghĩ mù lòa (cách nghĩ, cách làm thiếu tỉnh táo, thiếu sáng suốt), nghìn hải cảng mưa buồn (nơi trú ngụ của nỗi buồn, sự trì trệ)
+ Những con tàu phải lòng muôn hải lý: Khát vọng lên đường đến với những chân trời rộng mở
=> Gợi ra hai thế giới đối lập: một thế giới tù hãm, trì trệ – nơi sẽ giết chết con người bằng nỗi buồn và sự vô nghĩa; một thế giới của khát vọng sôi nổi, của ý chí và quyết tâm lên đường đến với những chân trời rộng mở.
– Điệp từ “Hãy”: nêu lên yêu cầu khẩn thiết, cần thực hiện ngay.
=>  Đoạn thơ đưa ra những lời khuyên về lẽ sống với con người:
+ Phải biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt.
+ Hướng tới một lẽ sống tích cực: sống có khát vọng đến với những chân trời mới, biết vượt qua mọi nỗi đau buồn, luôn lạc quan, sôi nổi.
Bàn luận (4,0 điểm)
Phải biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt vì:
– Đó là cuộc sống mòn mỏi, vô nghĩa, giết chết ước mơ, khát vọng của con người.
– Nếu ai cũng sống như vậy, xã hội cũng trở nên trì trệ, không phát triển.
Phải có khát vọng đến với những chân trời mới, vượt qua mọi nỗi đau buồn vì:
– Con người sẽ có ý chí, nghị lực, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thành công.
– Biết phát huy tận độ những khả năng của mình để vươn lên, cống hiến cho xã hội.
– Cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Mở rộng, nâng cao vấn đề (1,5 điểm)
     – Biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt không có nghĩa là bất mãn với hiện thực.
– Sống có khát vọng đến với những chân trời mới, vượt qua mọi nỗi đau buồn không có nghĩa là trốn chạy thực tại.
4. Bài học (1,0 điểm)
– Nhận thức được đây là lẽ sống cần thiết
– Bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao tri thức, hiểu biết để thực hiện lẽ sống trên.
Câu 2 (12 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài.
– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích (1,5 điểm)
      Nhà văn: là chủ thể của quá trình sáng tác; là người sáng tạo ra tác phẩm văn học; nhà văn đóng một vai trò rất quan trọng bởi lẽ không có nhà văn thì không có tác phẩm và đương nhiên cũng không có nền văn học.
    Thư kí của thời đại: ghi chép lại tất cả những gì xảy ra trong hiện thực của thời đại. Ý kiến củaBanlzac khẳng định: nhà văn là người ghi chép lại hiện thực, công việc của nhà văn là phản ánh hiện thực thời đại.
Cho máu: truyền nhiệt huyết, tình yêu của bản thân đến mọi người. Ý kiến của Elsa Trisolet nhấn mạnh:  công việc của nhà văn chính là truyền nhiệt huyết và tình yêu đến với con người.
=> Hai ý kiến bổ sung nhau cùng thể hiện hai góc nhìn về công việc của nhà văn.
Bình luận (3,0 điểm)
      Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại
+ Văn học có mối quan hệ chặt chẽ với hiện thực đời sống; bất kì một tác phẩm văn học nào cũng phải xuất phát từ hiện thực; vì vậy nhà văn khi sáng tạo nên tác phẩm phải trung thành với hiện thực, phản ánh hiện thực thời đại mà nhà văn sống và sáng tác.
+ Tuy nhiên, nhà văn không bê chép nguyên xi hiện thực mà phản ảnh hiện thực một cách sáng tạo, thông qua lăng kính chủ quan của mình.
Nhà văn là người cho máu:
+ Văn học không chỉ phản ảnh thế giới khách quan mà còn thể hiện thế giới chủ quan của người viết. Vì vậy, công việc của nhà văn không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ phản ánh hiện thực khách quan của thời đại mà nhà văn còn phải phản ánh thế giới chủ quan, thế giới tình cảm bên trong của bản thân mình nói riêng và của con người nói chung.
+ Một trong những tư chất quan trọng hàng đầu của nhà văn giàu tình cảm, nhạy cảm, dễ xúc động. Một trong những giá trị cao đẹp của văn học là nhân đạo hóa con người, hình thành cho con người những suy nghĩ và tình cảm tốt đẹp. Hay nói khác hơn, nhà văn chính là người có “dòng máu nóng” và biết truyền đi nhiệt huyết cùng tình yêu đến với mọi người để hướng con người đến những nhận thức và tình cảm tốt đẹp.
Chứng minh (6,0 điểm)
 Học sinh dùng dẫn chứng phù hợp để chứng minh, làm nổi bật các ý:
– Nhà văn phản ánh hiện thực thời đại một cách chân thực.
– Nhà văn truyền đi nhiệt huyết, những tình cảm yêu thương, căm ghét, đau đớn xót xa đến độc giả qua trang viết.
Bình luận (1,5 điểm)
– Quan điểm của cả hai nhà văn đều đúng đắn: Hai ý kiến bổ sung cho nhau, hướng tới ngợi ca lao động sáng tạo của những nhà văn chân chính.
– Hai ý kiến góp phần định hướng cho người sáng tác và người tiếp nhận:
+ Đối với người sáng tác:  Mỗi nhà văn cần phải là “người thư kí trung thành của thời đại”, là “người cho máu”; phải nhận thức được thiên chức của mỗi nhà văn để lao động sáng tạo như một nhà văn chân chính.
+ Đối với người tiếp nhận: Trân trọng lao động sáng tạo của nhà văn.
Chú ý: Giám khảo cần tôn trọng ý kiến riêng, cách lựa chọn thể loại văn bản, lối hành văn riêng của thí sinh, miễn là bám sát yêu cầu của đề và bài viết có sức thuyết phục.
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *