Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11, đề 4

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN LỚP 11
Thời gian làm bài:180 phút
(Đề thi gồm có 01 trang)
Câu 1 (8,0 điểm)
Anh/Chị hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi: Chúng ta có nên bước qua các ranh giới trong cuộc sống?
Câu 2 (12,0 điểm)
Viết truyện ngắn đều phải kiêng kỵ hai điều: hết chuyện là hết văn và hết văn là hết chuyện.
(Trích Văn học và nhân cách, Nguyễn Thanh Hùng, NXB Văn học, 1994, tr.90)
Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Qua một số truyện ngắn của Văn học Việt Nam 1930-1945 trong chương trình Ngữ văn 11 hãy làm sáng tỏ vấn đề.
Tác giả: Vũ Thị Hoa, Đặng Thanh Huyền
YÊU CẦU CHUNG
– Học sinh có kiến thức xã hội và văn học chính xác, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.
Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.
YÊU CẦU CỤ THỂ
 
Câu 1 (8,0 điểm)
Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; những dẫn chứng thực tế phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:
a) Mở bài. Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận. (0,5 điểm)
b) Thân bài
 *Giải thích                                                                                   (1,0 điểm)                                                                                                               
Ranh giới: Đường phân giới hạn giữa hai khu vực, hai địa hạt, hai phạm trù… liền nhau.
Bước qua ranh giới: Vượt qua, phá vỡ làn đường giới hạn để chuyển từ bên này sang bên kia.
* Bàn luận (5,0 điểm)
– Có những ranh giới không nên, không thể bước qua. Đó là những ranh giới giúp ta giữ được giá trị làm người; đảm bảo sự an toàn, phát triển tốt đẹp của xã hội. Nếu bị phá vỡ hậu quả sẽ khôn lường.                                    (2,0 điểm)
(Thí sinh lấy dẫn chứng thực tế làm sáng tỏ vấn đề)
– Đôi khi cần bước qua ranh giới để mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, khẳng định giá trị của bản thân, tạo nên những thay đổi cần thiết, tăng tính hiệu quả, tìm ra cái mới mang tính đột phá, đi được xa hơn, có được nhiều hơn trên một địa hạt khác. Đó là những ranh giới kìm hãm con người, xã hội.                                                                   (2,0 điểm)
(Thí sinh lấy dẫn chứng thực tế làm sáng tỏ vấn đề)
– Ranh giới trong cuộc sống nhiều khi rất mong manh. Để không phá bỏ hay vượt qua được ranh giới luôn cần có sự tỉnh táo, sáng suốt, bản lĩnh…                                    (0,5 điểm)
– Phê phán những hành động liều lĩnh, cực đoan bất chấp ranh giới; sự hèn nhát, thu mình… (0,5 điểm)
* Bài học nhận thức và hành động.                                               (1,0 điểm)
c) Kết bài.               (0,5 điểm)
 
Câu 2 (12,0 điểm)
Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của dạng đề nghị luận văn học về một vấn đề lí luận văn học; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; phân tích được một số truyện ngắn của Văn học Việt Nam 1930-1945 trong chương trình Ngữ văn 11để làm nổi bật vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm sáng tỏ một vấn đề lí luận văn học, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:
a) Mở bài. Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận. (0,5 điểm)
b) Thân bài
b.1. Cách hiểu ý kiến (3,5 điểm)
*Giải thích                                                                                       (1,0 điểm)                                                                                                                
Truyện ngắn: Tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: Đời tư, thế sự hay sử thi nhưng cái độc đáo của nó là ngắn.
Điều phải kiêng kỵ – tránh, không được phép mắc vào của nhà văn khi viết truyện ngắn: Hết chuyện là hết văn và hết văn là hết chuyện
+ Chuyện: Sự việc được kể lại bằng lời văn.
+ Văn: Ngôn từ, lời kể của tác phẩm văn học.
Hết chuyện là hết văn: Sự việc khi đã kể xong mà lời văn của truyện ngắn không có khả năng gợi suy ngẫm, không còn âm vang trong tâm trí bạn đọc.  → Yêu cầu: Chuyện kể đã hết nhưng điều muốn nói đằng sau câu chuyện, lời kể lại phải bắt đầu. Sự việc trong truyện ngắn đòi hỏi phải nhiều trữ lượng mới có khả năng khơi gợi ở độc giả những suy tưởng.
Hết văn là hết chuyện: Lời văn dừng, những điều viết ra trên bề nổi câu chữ đã khép lại là chuyện muốn nói cũng hết. Tác phẩm không để độc giả viết tiếp câu chuyện, không đặt ra được những chuyện nhân sinh  → Yêu cầu: Lối viết trong truyện ngắn phải có khả năng tạo nhiều vùng trắng, dồn nén, có độ mở lớn.
→ Từ chỗ nêu ra những điều nhà văn phải kiêng kỵ, ý kiến đã đề cập đến yêu cầu về phẩm chất quan trọng gắn với đặc trưng của thể loại truyện ngắn: Tác phẩm đã dừng nhưng những sự việc, lời văn lại có khả năng khơi gợi, nói được nhiều điều.
* Cơ sở lí luận văn học (2,5 điểm)  
– Đặc trưng của văn chương nghệ thuật: quá trình sáng tác văn học chính là quá trình kí hiệu hóa, nhà văn phản ánh đời sống và tư tưởng tình cảm của mình thông qua hình tượng nghệ thuật. Hơn nữa văn chương coi trọng tính hàm súc, ý tại ngôn ngoại. Truyện ngắn nói riêng và văn học nói chung không chỉ nói ở những điều viết ra trên bề mặt câu chữ mà còn nói ở tầng sâu, tầng chìm từ những vùng trống, chỗ trắng, khoảng im lặng giữa các con chữ, lời văn.
– Đặc trưng của thể loại truyện ngắn: Truyện ngắn là ngắn nên tất cả phải cô đặc, dồn nén. Bởi vậy mỗi sự việc, chi tiết, hình ảnh, ngôn từ, hành văn …trong truyện ngắn đều phải có sức chứa lớn, có dư lượng dồi dào hơn nhiều những gì trên bề mặt…                                                                                          
b.2. Làm sáng tỏ vấn đề qua một số truyện ngắn của Văn học Việt Nam 1930-1945 trong chương trình Ngữ văn 11 (6,0 điểm)
Thí sinh phải chọn đúng một số truyện ngắn theo yêu cầu và bám sát đề khi phân tích để làm nổi bật được vấn đề: Chuyện kể của tác phẩm đã hết, câu chữ đã dừng nhưng tác phẩm không khép kín bưng mà lại có khả năng mở ra được nhiều điều.
b.3. Bàn luận mở rộng và ý nghĩa của vấn đề. (1,5 điểm)
Bàn luận mở rộng: Những điều cấm kỵ khác khi viết truyện ngắn, so sánh một số vấn đề với tiểu thuyết…                                                                       (1,0 điểm)
Ý nghĩa của vấn đề đối với người sáng tác và người đọc.                          (0,5 điểm)
c) Kết bài.  (0,5 điểm)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *