SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO YÊN BÁI TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TẤT THÀNH |
ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB NĂM HỌC 2018 – 2019 Môn: Ngữ văn – Lớp 11 Thời gian làm bài 180 phút |
Câu 1 (8,0 điểm)
“Bông hoa càng vươn cao về phía mặt trời thì rễ của nó càng ăn sâu vào lòng đất”. (F. Grim)
Suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Câu 2 (12,0 điểm)
Bàn về truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu cho rằng: Phải dồn nén tư tưởng vào trong một cốt truyện thật ngắn gọn, tự nhiên.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào ?
Bằng việc phân tích một số truyện ngắn đã học trong chương trình Ngữ văn 11, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.
————————————————————————————————————————–
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO YÊN BÁI TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN TẤT THÀNH |
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB NĂM HỌC 2018 – 2019 Môn: Ngữ văn – Lớp 11 |
CÂU 1. (8 điểm)
- Yêu cầu về kỹ năng
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
- Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu ý nghĩa nhận định, bài làm của thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng:
- Giải thích (1,0 điểm)
– Bông hoa: Những cái đẹp, những giá trị, tài năng trong cuộc sống.
– Vươn cao về phía mặt trời: Hướng tới những điều lớn lao, cao cả; được tỏa sáng, được khẳng định mình giữa cuộc đời.
– Rễ ăn sâu vào lòng đất: Cội nguồn của những cái đẹp, những giá trị, tài năng ấy xuất phát từ sự nỗ lực tích lũy để có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững vàng nhất.
-> Sử dụng cách nói ví von, F. Grim muốn đề cao sự nỗ lực tích lũy mỗi người để có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm – yếu tố quyết định đi đến thành công và khẳng định được mình giữa cuộc đời.
- Bình (4,0 điểm)
– Không phải ai sinh ra cũng có những tố chất đặc biệt, hơn người. Phần lớn là do quá trình học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ sách vở và từ cuộc sống. Do đó, muốn thành công, muốn tạo ra được những giá trị lớn lao và khẳng định mình thì chúng ta càng phải nỗ lực học hỏi => Thành công bền lâu phải dựa trên một nền tảng tri thức vững vàng.
– Càng có tri thức càng biết hướng về những điều tốt đẹp.
– Càng thành công, con người càng biết trân quí những giá trị thân thuộc, bình dị quanh mình như tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu những giá trị truyền thống của dân tộc….
- Bàn luận, mở rộng vấn đề (2,0 điểm)
– Thành công rực rỡ đôi khi lại xuất phát từ những gì rất thầm lặng; người càng khiêm tốn càng thành công…
– Phê phán kiểu người có hiểu biết nông cạn nhưng hay khoe khoang kiến thức; có một chút tiếng tăm đã vội quên cội nguồn;…
– Để thành công, con người cũng cần thiết lập các mối quan hệ khác. (như bông hoa không chỉ hút dinh dưỡng từ đất mà còn cần đến ánh sáng, không khí…)
- 4. Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)
III. Cách cho điểm
– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.
– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.
– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .
– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.
CÂU 2 (12,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học có liên quan đến lí luận về đặc trưng của truyện ngắn.
– Sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận giải quyết một vấn đề văn học theo định hướng yêu cầu của đề bài: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ…
– Bài viết có bố cục chặt chẽ, khoa học, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo rõ các ý sau:
- Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận, trích nhận định. (1 điểm)
- Giải thích (2 điểm)
– Truyện ngắn: Là một thể loại tự sự cỡ nhỏ, nội dung bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống, nhằm khắc họa một hiện tượng, phát hiện một đặc tính trong mối quan hệ của con người, một khoảnh khắc nội tâm con người…
– Cốt truyện: Là biến cố, trình tự sự việc được kể theo trật tự nhất định, có mở đầu và kết thúc.
– Tư tưởng: là phát ngôn của nhà văn về một sự vật, hiện tượng nào đó. Truyện ngắn hàm chứa tư tưởng là hàm chứa lời nhận xét, đánh giá của tác giả.
– Truyện ngắn phải dồn nén tư tưởng vào trong một cốt truyện thật ngắn gọn, tự nhiên:
+ Ngắn gọn: Điển hình (chọn sự vật, hiện tượng tiêu biểu nhất đặt trong tương quan cùng loại), chọn chỗ đáng kể nhất để kể (chỗ con nhện nằm để chăng cả một cái lưới rộng, rút một sợi tơ là động cả lưới) => Lược đi những yếu tố rườm rà, tập trung vào yếu tố cơ bản).
+ Tự nhiên: Là tính liên tục của các sự kiện, chứa đầy cái khả nhiên mà vẫn tuân theo định hướng nghệ thuật của nhà văn, tạo ra được tính chỉnh thể của phạm vi đời sống.
=> Ý kiến của Nguyễn Minh Châu đã nêu lên một đặc điểm cơ bản của truyện ngắn: Trong một lượng ngôn từ ít nhất, nhà văn phải xây dựng được hình tượng điển hình, vừa tuân theo qui luật khách quan, vừa hàm chứa tư tưởng chủ quan của nhà văn về đời sống.
- Chứng minh và bình luận (7 điểm)
- Truyện ngắn phải ngắn gọn
– Dung lượng ngắn hơn so với tiểu thuyết và truyện vừa. (So sánh dung lượng một số truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn 11 với tiểu thuyết Số đỏ về số trang, số nhân vật, sự xuất hiện các sự kiện, tình tiết…)
– Cốt truyện chỉ nhằm khắc họa một hiện tượng, phát hiện một đặc tính trong mối quan hệ của con người, một khoảnh khắc nội tâm con người (Hai đứa trẻ, Chí Phèo, Đời thừa, Chữ người tử tù, Vi hành, Tinh thần thể dục…)
– Tạo nên những điển hình:
+ Văn học lãng mạn thường tạo nên các điển hình nghệ thuật (Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù)
+ Văn học hiện thực sáng tạo cả điển hình xã hội và điển hình nghệ thuật (Chí Phèo, Đời thừa…)
- Truyện ngắn phải tự nhiên
– Tác phẩm văn học dù là sản phẩm từ trí tưởng tượng của nhà văn nhưng nó vẫn phải xuất phát từ hiện thực của đời sống. Theo đó, các sự kiện trong truyện ngắn cũng phải có tính liên tục, cái này vừa là kết quả của cái kia, vừa là nguyên nhân của cái khác, chúng vừa thúc đẩy, vừa lí giải lẫn nhau, tạo thành một chỉnh thể bền chặt, vừa thống nhất, vừa đa nghĩa.
– Cốt truyện chứa đầy cái khả nhiên mà vẫn tuân theo định hướng nghệ thuật của nhà văn, tạo ra được tính chỉnh thể của phạm vi đời sống.
(Chứng minh qua Hai đứa trẻ, Chí Phèo, Đời thừa,…)
- Đánh giá, mở rộng nâng cao (2 điểm)
– Ý kiến của Nguyễn Minh Châu đã thể hiện tiêu chuẩn để đánh giá một truyện ngắn đích thực và giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của truyện ngắn đối với cuộc sống và với chính người nghệ sĩ.
– Tuy nhiên, để có được sự ngắn gọn và tự nhiên, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một vốn sống sâu sắc, phong phú; phải nắm vững các quy luật của đời sống, của nghệ thuật; biết khái quát những hiện tượng trong cuộc sống thành những điển hình nghệ thuật. Phải là những nhà văn thực sự tài năng mới làm được điều đó.
– Bài học với nghệ sĩ và độc giả.
III. Thang điểm:
– Điểm 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
– Điểm 10: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ không đáng kể.
– Điểm 8: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu, có thể có một vài chỗ chưa hoàn thiện.
– Điểm 6: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu, có thể thiếu ý hoặc mắc một số lỗi.
– Điểm 4: Bài sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc quá nhiều lỗi các loại.
– Điểm 2: Bài viết quá sơ sài, có quá nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.
– Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
Lưu ý:
Giám khảo linh hoạt vận dụng biểu điểm, có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo khi tổng điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25.
————————HẾT———————-