SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH |
ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB NĂM HỌC 2018 – 2019 Môn: Ngữ Văn – Lớp 11 Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian phát đề) |
Đề bài:
CÂU 1 (8 ĐIỂM)
“Mẹ ơi, mẹ bảo quả táo trên cây chín đỏ là nhờ có mặt trời. Thế thì củ cải đỏ lớn lên trong lòng đất vì sao mà đỏ?
Mẹ ơi, mẹ bảo gà trống gáy thì trời sáng, thế sao gà trống chết rồi mà trời vẫn sáng?
Mẹ ơi, mẹ bảo con không nên hỏi mẹ như vậy, vì làm mẹ thì không bao giờ sai. Vậy thì con cũng sẽ không bao giờ sai, vì sau này con cũng sẽ làm mẹ”.
(Giả Bình Ao, Hỏi)
Từ văn bản trên, trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc đặt ra những câu hỏi trong đời sống.
CÂU 2 (12 ĐIỂM)
Có ý kiến cho rằng: “Từ thơ trung đại đến Thơ mới là cả một cuộc cách mạng trong thơ ca”.
Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy làm sáng tỏ “cuộc cách mạng trong thi ca” ấy qua hai bài thơ tự chọntrong chương trình Ngữ văn THPT (một của thơ trung đại, một của Thơ mới).
——————————————–Hết——————————————–
Người ra đề: Nguyễn Thị Mai Lan
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1 (8 điểm)
- A) Yêu cầu về kĩ năng
Làm tốt kiểu bài nghị luận xã hội ; bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; hành văn trôi chảy; không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
- B) Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể luận giải vấn đề theo quan điểm riêng của mình song cần lôgic, hợp lí và đảm bảo những ý cơ bản sau:
1, Giải thích:
Bài thơ Hỏi của Giả Bình Ao đặt ra cho người đọc những suy nghĩ thú vị về việc hỏi.
Câu hỏi của đứa bé với mẹ dường như vô tận, thắc mắc những điều tưởng chừng phi lí mà có lí. Thậm chí, đứa trẻ sau khi hỏi mẹ còn có kết luận rất ngộ nghĩnh: “Mẹ ơi, mẹ bảo con không nên hỏi mẹ như vậy, vì làm mẹ thì không bao giờ sai. Vậy thì con cũng sẽ không bao giờ sai, vì sau này con cũng sẽ làm mẹ”.
Qua đó, Giả Bình Ao không chỉ cho thấy bản chất ngây thơ, hồn nhiên, hay tò mò khám phá của trẻ thơ mà còn đặt ra cho người lớn những suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa của việc hỏi.
Hỏi: Là một phản xạ tự nhiên của con người khi thắc mắc, quan tâm và cần thấu hiểu những vấn đề đang xảy ra . Hỏi là tên gọi khác của quá trình tư duy.
2, Bàn luận:
a, Ý nghĩa của việc đặt ra những câu hỏi trong đời sống?
– Vì sao cần hỏi? Vì những điều ta biết là chỉ là hạt cát giữa sa mạc, nên mỗi chúng ta cần không ngừng học hỏi.
– Hỏi giúp ta hiểu được bản chất của cuộc sống, khám phá những qui luật và giá trị cuộc sống.Tinh thần“Hoài nghi tất cả”(Các Mác) là cơ sở để con người khám phá thế giới xung quanh và khám phá chính bản thân mình.
+Thế giới muôn màu muôn vẻ xung quanh con người được khám phá bằng chính những câu hỏi . VD: Cách Niu-tơn khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn …
+Einstein: “Tôi không có sự thông minh đặc biệt nào, tôi chỉ tò mò một cách đam mê”, và “Quan trọng là người ta không ngừng hỏi”.
+ Các phát kiến địa lý, phát minh khoa học…trên thế giới đều xuất phát từ việc các nhà khoa học đã không bằng lòng với những định đề có sẵn mà không ngừng đặt ra những câu hỏi để tìm ra bản chất của sự thật. (VD…)
– Biết hỏi và không ngừng hỏi, con người còn khám phá ra sức mạnh của chính bản thân mình.
D/c: Cậu bé Glen Cunningham từng băn khoăn hỏi chính mình: “Đôi chân được chẩn đoán có thể bị cắt bỏ của mình liệu có thể đi lại được không?”. Chính câu hỏi đó đã tạo ra nguồn sức mạnh vô biên cho đôi chân anh tiếp tục bước đi trong cuộc sống. Có lẽ nếu như cậu bé ngày ấy không tự đặt ra cho mình câu hỏi trăn trở thì ngày nay thế giới vẫn không thể biết đến Cunningham – người được mệnh danh là “người nhanh nhất thế giới”.
– Người biết đặt câu hỏi là người cầu tiếnvà luôn hướng đến những giá trị sống tốt đẹp.
+ Nick Vujicic đã từng đặt ra vô vàn những câu hỏi về khiếm khuyết của cơ thể mình, để rồi nhận ra anh có thể mang đến những giá trị vĩ đại hơn cả những bất hạnh mà tạo hóa đã mang đến cho mình.
+ Kyto Aya tự hỏi điều gì là quan trọng nhất nếu cuộc sống của cô quá ngắn ngủi và lời đáp mà cô nhận được đó là lời “Cảm ơn”. Cô trân trọng từng khoảnh khắc cô tồn tại trong cuộc đời và dành lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả mọi điều mà cô đã nhận được.
– Việc biết đặt ra những câu hỏi chứng minh ta là một người có khả năng quan sát và đánh giá vấn đề tốt, biết quan tâm đến mọi người cũng như cuộc sống xung quanh mình.
“Những câu hỏi có thể dời non lấp bể, giúp các ý tưởng được “kích nổ’ ngay tức thì. Đó là những câu hỏi mà một khi dã được gợi lên, sẽ khiến loài người phải suy nghĩ theo hướng hoàn toàn khác biệt”- chuyên gia thiết kế nổi tiếng Steven Heller
– Những thắc mắc thông minh khiến bạn khám phá ra nhiều điều mới mẻ, đập vỡ những định kiến của chính bạn và mọi người. Lịch sử nhân loại đi lên chính nhờ những câu hỏi không ngừng, những thắc mắc dường như không có hồi kết của con người…
b, Con người cần học cách hỏi như thế nào?
– Không riêng gì trẻ thơ, bất cứ ai trong cuộc sống này đều có quyền hỏi và cần phải hỏi.
– Song con người cần học cách hỏi.Không phải ai cũng biết hỏi. Câu hỏi chỉ đến khi ta đã nung nấu, nghiền ngẫm về một vấn đề nào đó thật chín muồi. Cần đặt câu hỏi ở mọi khía cạnh: là gì, như thế nào, tại sao, khi nào…để tìm ra bản chất vấn đề.
Cần rèn luyện tư duy phản biện, không ngừng đặt “mười vạn câu hỏi vì sao”.
Đặt câu hỏi cho người khác và cho chính mình là một cách rèn luyện tư duy .
Lev Tolstoy : “Nếu muốn tìm ra lời giải đáp trong bất kì vấn đề gì, câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi mà bạn đặt ra”.
Câu hỏi hay phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng việc.
c, Liên hệ thực tế
Trong cuộc sống hiện nay, có người ngại hỏi, lại có những người không dám hỏi, hoặc không có gì để hỏi. Đó đều là biểu hiện tiêu cực của sự lười tư duy, sống vô cảm, thu mình trong vỏ ốc…
3, Bài học:
– “Những câu hỏi còn quan trọng hơn câu trả lời. Bởi nó là động lực khiến ta phải không ngừng học tập, kiến tạo, thử nghiệm và tiến bộ” (Pete Welter).
– Nói ra đừng sợ. Hỏi, bạn chỉ dốt trong giây lát, không hỏi, bạn dốt nát cả đời.
– Không thể tư duy thì không thể thay đổi bất kì thứ gì=> Con người cần tích cực tư duy. “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”.
– Tuy nhiên, hỏi không phải để đó mà để con người có trách nhiệm bắt tay vào hành động và sáng tạo, nhằm giải đáp các câu hỏi không ngừng phát sinh trong đời sống.
Biểu điểm:
– Điểm 8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, luận giải sắc sảo, tri thức phong phú.
– Điểm 6-7: Đáp ứng tương đối tốt yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc vài lỗi về chính tả, diễn đạt
– Điểm 4-5: Đáp ứng được khoảng một nửa số ý cơ bản, ít mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.
– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
Câu 2: (12 điểm)
- A) Yêu cầu về kỹ năng:
Thí sinh biết cách làm tốt kiểu bài nghị luận văn học; vận dụng tốt kiến thức văn học sử về thời kì văn học và tác phẩm văn học; biết so sánh làm nổi rõ vấn đề. Bài viết có bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, bình luận, chứng minh, so sánh, phân tích…Hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
- B) Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
1, Giải thích:
a, Là gì?
Thơ trung đại: Thời kì thơ xuất hiện từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, do tầng lớp trí thức Hán học sáng tác. Đặc trưng chủ yếu: Tính qui phạm, ước lệ, tính sùng cổ và phi ngã.
Thơ mới: Phong trào thơ xuất hiện trong giai đoạn 1932-1945, do tầng lớp trí thức Tây học khởi xướng, có sự đổi mới sâu sắc về mĩ học, quan điểm sáng tác, thoát li khỏi thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức văn học phương Tây. Tinh thần của Thơ mới: “nằm trong một chữ tôi”, “thơ cốt chơn”, “đem ý thật có trong tâm khảm mình mà tả ra bằng những câu thơ không vần, không niêm luật gì hết.”
“Cuộc cách mạng trong thi ca”: Một cuộc cách tân, một sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện, đem đến một bộ mặt mới, một chất lượng mới trong thi ca Việt Nam.
- Ý kiến đã khẳng định những sự khác biệt của Thơ mới với thơ trung đạivà đó cũng là những đóng góp mới mẻ, sâu rộng, toàn diện của Thơ mới trong tiến trình thơ ca dân tộc.
b, Tại sao?
- Do hoàn cảnh xã hội thay đổi…=> Tạo điều kiện để Thơ mới ra đời, thay thế thơ trung đại.
- Qui luật của văn học: Kế thừa và phát triển không ngừng: “cái hôm nay thai nghén từ hôm qua”…
2, Chứng minh, phân tích:
Thí sinh có thể tự do lựa chọn tác phẩm, song cần làm sáng tỏ “cuộc cách mạng thi ca” ấy trên hai bình diện chủ đạo: nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
Gợi ý : Thu điếu và Đây mùa thu tới, Nhàn và Vội vàng…
VD: Chọn Nhàn và Vội vàng.
*Từ “Nhàn” đến “Vội vàng” là “một cuộc cách mạng trong thi ca” về nội dung tư tưởng:
+ Hai bài thơ là sự khẳng định, đề cao hai tư tưởng, hai lối sống mang vẻ đẹp khác biệt, độc đáo, có ý nghĩa tích cực với mỗi thời đại:
- Nhàn: Lối sống nhàn(PT các biểu hiện cụ thể của lối sống nhàn và ý nghĩa)
- Vội vàng: Lối sống vội vàng(PT các biểu hiện cụ thể của lối sống vội vàng và ý nghĩa)
+ Sự khác biệt đó bắt nguồn từ quan niệm của hai nhà thơ, hai thời kì thơ về thời gian, đời người… (chứng minh qua 2 bài thơ).
+ “Cuộc cách mạng” trong cách thể hiện của chủ thể trữ tình:
Nhàn: Chủ thể trữ tình không xuất hiện trực tiếp, cái nhìn siêu ngã, siêu cá thể: “Một mai…nào”.
Vội vàng: Chủ thể trữ tình dõng dạc xưng “tôi”, khẳng định khát vọng, cảm xúc mãnh liệt và trực tiếp: “tôi muốn…”, “ta muốn…”.
=> Từ thơ trung đại đến thơ mới là cuộc cách mạng của chữ ta và chữ tôi. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân, sự bộc lộ, giãi bày cái tôi nội cảm tràn đầy cảm xúc là một nội dung tư tưởng mới mẻ, chưa từng có của thơ mới so với thơ trung đại.
*Từ “Nhàn” đến “Vội vàng” là “một cuộc cách mạng trong thi ca” về nghệ thuật:
– Ngôn ngữ: từ chữ “đúc” đến chữ “nước” (chứng minh qua hai bài thơ)
-Hình ảnh: Từ hình ảnh ước lệ, tượng trưng, sử dụng điển cố đến hình ảnh chân thực, có nhiều sáng tạo tân kì, mới mẻ.
– Thể thơ: Từ thể thơ thất ngôn bát cú đóng băng niêm luật, đối xứng tề chỉnh đến thể thơ tự do, lối thơ vắt dòng…
– Giọng điệu; từ đĩnh đạc ung dung đến vội vàng gấp gáp, “bản hành khúc của lòng ham sống”, từ đơn thanh đến đa thanh.
– Bút pháp, thủ pháp: Từ ước lệ tượng trưng đến lãng mạn, tương giao…
3, Bình luận:
- Ý kiến đúng đắn, khẳng định ý nghĩa, sự đóng góp của phong trào Thơ mới trong tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc.
- Ý nghĩa của “một cuộc cách mạng trong thi ca” :
+ Đem đến cho thơ ca Việt Nam một diện mạo mới mẻ, một sức sống mới, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thời đại.
+ Đem đến nhiều phong cách nghệ thuật độc đáo.
+ Làm giàu đẹp thêm cho văn học dân tộc.
- Tuy nhiên, bất cứ cuộc cách mạng nào cũng đều bắt nguồn từ quá khứ, kế thừa để phát triển. Không có thành tựu thơ trung đại, không có Thơ mới.
- Bài học cho người sáng tác và thưởng thức.
+ Người sáng tác: Không ngừng sáng tạo, làm mới mình.
+ Người thưởng thức: Biết mở lòng đón nhận những cái mới, những cuộc cách mạng trong văn học.
* Biểu điểm:
– Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, tri thức phong phú, lập luận sắc sảo.
– Điểm 10-11: Đáp ứng được hầu hết các ý cơ bản, mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
– Điểm 8-9: Đáp ứng được phần lớn những ý cơ bản, mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
– Điểm 6-7: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 4-5: Bài viết sơ sài, tri thức lí luận văn học nghèo nàn, phân tích dẫn chứng hời hợt, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, kĩ năng làm văn đuối, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
* Lưu ý:
– Giám khảo nắm yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
– Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải linh hoạt, đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong nhóm chấm.
– Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài./.
——-HẾT——-