Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ Tô Hoài

Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài:
Bài làm:
Tô Hoài – là một cây đại thụ của nền văn học Việt Nam. Văn chương ông để lại là một gia tài vô giá, thể hiện một trái tim không khi nào vơi cạn tình yêu với cuộc đời và con người. Lần lên thăm vùng núi Tây Bắc, Tô Hoài đã được chứng kiến tận mắt cuộc sống, và ông đã có được một cơ hội quý giá để thâm nhập vào đời sống con người nơi đây. Chính vì sự am hiểu sâu sắc, ông đã viết lên một câu truyện cảm động về Vợ Chồng A Phủ, mà điển hình là nhân vật Mị. Qua đó, bộc lộ tư tưởng nội dung của mình. Và ta không thể không ấn tượng về Mị, sức sống tiềm tàng trong mị luôn khiến ta ám ảnh, day dứt lẫn cảm phục về cô gái trẻ đẹp này.
Tô Hoài đã từng thừa nhận một quan điểm sáng tác của mình, với ông: “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường dù có phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”, với Tô Hoài, viết văn, chính là quá trình lấy con tim và tài năng để thâm nhập vào hiện thực, và phơi bày sự thực ở đời. Cũng chính nhờ có tài năng thiên bẩm ấy, Tô Hoài đã cùng những kinh nghiệm, sự am huyển uyên bác về phong tục tập quán nơi vùng núi, đã diễn tả sinh động và hấp dẫn trong văn của Tô Hoài nói chung, và trong vợ chồng A Phủ nói riêng.
Truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ, là đứa con ra đời được sinh ra trong chuyến thăm miền núi phía Tây Bắc, nơi đây với những vẻ đẹp về thiên nhiên và con người, đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ, khó phai mờ trong Tô Hoài. Vợ Chồng A Phủ mang đậm hương vị đặc trưng của miền núi, nhân vật chính xoay quanh số phận của 2 nhân vật có cùng một nỗi khổ, nhưng chính yếu vẫn là Mị – một cô gái trẻ và khát khao yêu đời. Qua đó cũng là cách Tô Hoài phản ánh hiện thực và quá trình đấu tranh của con người nơi đây với chế độ phong kiến áp bức. Mị có những tính cách đan xen, hòa trộn, giữa sự nhận nhịn, vô cảm về số phận, với một sức sống tiềm tàng, hai điều này hòa quyện vào nhau, khiến ta như cảm nhận rõ hơn bi kịch của cô, và trong đó, đặc biệt với sức sống tiềm tàng của Mị, hiện lên qua khung cảnh đêm tình mùa xuân.
Mị đến với ta theo lời kể của Tô Hoài, Mị vốn là cô gái chân phác, hiền lành và hội tụ những phẩm chất cao đẹp của một cô gái miền sơn cước. Cô được hiện lên trong mắt ta không chỉ có một dung mạo xinh đẹp, mà cô còn có một tâm hồn trẻ trung, yêu đời và luôn khát khao tìm đến hạnh phúc, Mị còn tài hoa lắm, Mị còn biết “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo” vì thế mà “có bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Mị sống như một vẻ đẹp hiện thân của miền rừng núi, tự tin, lạc quan và yêu đời. Dù gia đình có khó khăn thiếu thốn, nhưng Mị vẫn vươn lên bằng thái độ cần cù, chăm chỉ siêng năng của mình. Mị còn hiếu thảo với cha, không chịu đầu hàng để đi làm con gái nhà giàu, mà nguyện ở lại giúp cha làm nương rãy. Mị nói: “nay con đã biết cuốc nương, làm ngô, con phải làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu” Lời nói ẩn chứa thái độ sống tích cực của cô, một niềm tin mạnh mẽ của cô vào tương lai, dù có gặp khó khăn cũng không buông bỏ bản thân.
Nhưng rồi, phần sau câu truyện, dường như ta lại nhìn thấy một sự hoán đổi thân xác và tính cách của Mị? Mị thay đổi, Mị bị bắt về làm con dâu nhà giàu, Mị bị thằng A Sử đánh đạp và hành hạ, Mị với hắn có tình gì đâu, cuộc sống của một người tôi tớ trong một gia đình giàu có tựa như kiếp con trâu con ngựa, mà Mị, còn không bằng con trâu con ngựa. “Suốt mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc” điều đó đã làm nổi bật một sự áp bức, bóc lột của bọn chúa đất phong kiến, một cô gái mạnh mẽ và kiên cường như Mị, vậy mà cũng có lúc phải rơi nước mắt, thế mới hiểu nỗi tủi cực trong Mị lớn dường nào. Lúc đầu Mị còn vì điều đó mà nghĩ đến việc ăn lá ngón tự vẫn, cự tuyệt cuộc sống, tìm một lối thoát tuy đen tối nhưng là sự giải thoát ngắn nhất và hiệu quả nhất. Nhưng trong Mị chữ hiếu vẫn lớn hơn cả, Mị không chết, Mị chết, người cha già của Mị sẽ phải làm sao? Mị từ bỏ, Mị chấp nhận, vì Mị là người con hiếu thảo. Thương thay cho Mị, một cô gái tốt nhưng bị đẩy đến đường cùng.
Sau khi cha chết, Mị “không buồn nghĩ đến cái chết nữa” trong óc Mị chỉ còn là công việc và công việc, những núi công việc sớm hôm đều lặp đi lặp lại. Mị sống như một cỗ máy trong nhà giàu, cuộc sống dần dần bị dồn đến mức tê liệt, Mị sống không còn sự phản kháng nào nữa. Mị chấp nhận, nhẫn nhục, và cam chịu số phận của mình. “Ta làm thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”, vậy đấy Mị chán chường, bỏ mặc tất cả, sự áp bức, những hủ tục quái dị ở vùng này đã giết chết tâm hồn Mị. “Mị lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, lúc nào gặp Mị ta cũng thấy Mị “cúi mặt, không nghĩ ngợi gì”, cô thu mình lại, cam chịu. Nhưng, trong những đoạn văn miêu tả ấy, dường như trong trái tim ta nghẹn lại, ta như cảm thấy một điều gì đó trong cách sống câm lặng và cô độc của Mị, một trái tim vẫn đang phản kháng một cách âm ỉ. Nó như một hòn than hồng, bị phủ lên lớp tro, và chỉ cần một điều gì đó như chất xúc tác, nó sẽ thổi bùng lên sự sống.
Và, điều đó ta gặp trong đêm tình mùa xuân, đây cũng là giai đoạn phản ánh một sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị. Tô Hoài đã đặt Mị vào trong tâm cảnh của một tình huống trữ tình. Với những hình ảnh đẹp, đặc tả vẻ tưng bừng, rộn rã của đêm xuân nơi “những chiếc váy hoa đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sắc sỡ” “tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”…  thực ra, tâm hồn Mị từ khi đặt chân về nhà A Sử, đã chỉ toàn những nỗi buồn. Kí ức gợi lại, vì mùa xuân năm nay đã khác hoàn toàn với những màu xuân năm trước, nên Mị càng buồn, tủi sầu và cay đắc bội phần. Nhất là tiếng sáo, tiếng sáo đã tác động mạnh mẽ nhất đến tâm hồn khát khao hạnh phúc, và trái ngược với tình cảm của Mị và A Sử hiện tại. Tiếng sáo của chàng trai nào đang tìm bạn đời, tiếng sáo vang xa, và ngân nga là một khách thể. Nhưng, nhờ tiếng sáo ấy, đã vẳng đến tai Mị và khi mị nghe thấy, Mị nghe tiếng sáo “thiết tha bồi hồi”, và trái tim Mị rung lên những giai điệu mở đầu của khát vọng tình yêu. Đặc biệt nhất là, Mị lén uống rượu “Mị lấy hũ rượu, uống ực từng bát”, trạng thái uống rượu này của Mị như muốn nuốt hết những đắng cay, tủi hờn vào trong lòng. Say để được quên đi những đau khổ ở hiện tại. Say để tìm đến những kí ức đã qua.
Khi tiếng sáo thứ hai, không còn là tiếng sáo “lấp ló đầu núi” mà đã chuyển thành tiếng sáo “gọi bạn đầu làng”. Tiếng sáo ấy đã thôi thúc tâm hồn của Mị, khiến Mị sống trở lại thủa trước, kí ức ùa về, Mị bừng bừng sức sống, Mị nhận ra mình hẵng còn trẻ lắm, kí ức những năm tháng thanh xuân ngập tràn trong lòng. “Mị muốn đi chơi”. Và khi ấy, tiếng sáo một lần nữa lại vang lên, giờ đây là “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường” tiếng sáo không còn được miêu tả bằng những từ ngữ gợi khoảng cách, mà giờ đây đã len lỏi “rập rờn trong đầu Mị”, đó giờ đây đã là tiếng sáo trong trái tim Mị đang trỗi dậy. “Mị đến góc nhà, lấy ống bơ, xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng”. Vây là Mị đã không còn chịu rằng buộc bởi bóng tối, bởi sự tăm tối và chìm đắm trong căn buồng u buồn đó nữa. Mị đang trỗi dậy, mà muốn sáng lên những hi vọng, nghị lực và trái tim đầy khát vọng của mình. “Mị cuốn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách”. Mị đã hoàn toàn lột xác, như một cô gái mạnh bạo đang tìm lối ra cho mình, Mị không còn tâm hồn của một cái bóng, một người máy nô lệ chỉ biết quanh năm suốt tháng cúi mặt lầm lũi làm việc. Giờ đây thay vào đó là thái độ phản kháng, đòi và tìm những niềm hạnh phúc từ cuộc sống, tự do và hạnh phúc, sự hồi sinh của một tâm hồn không còn nghèo nàn và khô khan, là là sự rạo rực say mê của tuổi trẻ.
Hình ảnh này như một mầm sống đang trỗi dậy, và như truyền cho ta một niềm tin và hi vọng vào những điều đẹp đẽ vẫn còn nương náu nơi trái tim cô gái trẻ. Lúc ấy, A Sử về, hắn nhận ra người phụ nữ này đang dần thay đổi, hắn chỉ hỏi “Mày muốn đi chơi à?” rồi lập tức trói đứng Mị bằng sợi dây đay. Tóc Mị xõa xuống, Mị không cúi được, cả cơ thể bị trói đau đớn và tê tái. Tất cả sự trỗi dậy trong tâm lí, một lần nữa bị kìm hãm bởi sự ác độc của chế độ phong kiến. Và qua đó, ta cũng nhận thấy rõ hơn sự ý thức về số phận cùa mình trong tâm hồn Mị, đêm tình mùa xuân như một chất xúc tác, chạm vào đời Mị và làm Mị thức dậy như ngọn lửa hồng lại dập dìu ánh đỏ…
Đọc xong vợ chồng A Phủ, nhất là đoạn trích diễn tả tâm hồn tái sinh của Mị trong đêm tình mùa xuân, ta như nghẹn lại trước sự thức tỉnh tâm hồn của Mị. Khiến ta tin tưởng vào sức sống bất diệt và sự tiềm tàng của mầm hi vọng niềm tin trong con người, dù đó có là cuộc sống khổ cực đến nhường nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *