Sáng kiến kinh nghiệm : Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu

Sáng kiến kinh nghiệm : Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu. Tổng hợp sáng kiến và các chuyên đề môn văn. Tài liệu tham khảo dành cho giáo viên

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 1.TÊN SÁNG KIẾN

Vận dụng phương pháp dạy học theo dự án vào việc dạy học môn Ngữ Văn ở trường THPT (Áp dụng cụ thể vào dạy học tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” tích hợp nghị luận xã hội trong chương trình lớp 12)

2.  NỘI DUNG SÁNG KIẾN

Giải pháp cũ thường làm
Đã từ rất nhiều năm nay, việc dạy học môn Ngữ Văn ở Việt Nam vẫn theo phương pháp truyền thống là giáo viên giảng bài, học sinh ghi chép, ghi nhớ kiến thức sau đó viết lại những kiến thức đó trong các bài kiểm tra, bài thi. Gần đây, theo yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học, việc dạy học môn Ngữ Văn cũng có một số thay đổi nhất định như chú ý đối thoại hai chiều giữa giáo viên và học sinh, tăng cường thảo luận nhóm để học sinh tự tìm hiểu…Tuy nhiên nhìn chung sự đổi mới đó còn nặng về hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Đa phần các giờ học Văn vẫn rất thụ động: giáo viên giảng bình theo cách hiểu của giáo viên, học sinh ghi chép và nhớ… Phương pháp dạy và học như trên có những ưu, nhược điểm như sau:
* Ưu điểm:
– Cung cấp cho học sinh kiến thức chuẩn của từng bài, đảm bảo nhu cầu nắm “cấp tốc” kiến thức để phục vụ kiểm tra, thi cử.
* Nhược điểm: Có thể nói nhược điểm của phương pháp truyền thống là rất nhiều:
– Người học càng ngày càng mất hứng thú học tập; hạn chế, thậm chí triệt tiêu sự sáng tạo, luôn thụ động ghi nhớ kiến thức máy móc. Thực tế cho thấy càng ngày học sinh càng không thích học môn Ngữ Văn. Nếu học chỉ là học thuộc để chống đối với các kì thi.
– Kiến thức thu nhận từ các bài học không gắn với thực tế cuộc sống, không phát triển năng lực, kĩ năng sống…cho học sinh. Trong khi đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu của giáo dục nói chung và việc dạy học môn Ngữ Văn trong nhà trường.
– Phương pháp cũ cũng không đáp ứng được yêu cầu tích hợp, liên môn theo hướng đổi mới giáo dục hiện nay.
Giải pháp mới cải tiến
Sau một thời gian vận dụng phương pháp dạy học cũ, tôi và nhiều đồng nghiệp càng nhận ra những mặt hạn chế đã nêu. Với mong muốn cải tiến phương pháp để hiệu quả giảng dạy được tốt hơn, tôi đã tìm hiểu và nhận thấy cần phải tích cực hơn nữa trong việc vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại trong dạy học môn Ngữ Văn. Theo sự tìm hiểu về các phương pháp dạy học, dựa vào đặc thù bộ môn, tôi nhận thấy phương pháp phù hợp nhất, có khả năng khắc phục được hầu hết các nhược điểm của phương pháp truyền thống, có tính khả thi cao chính là phương pháp dạy học theo dự án.
2.1. Khái quát về phương pháp dạy học theo dự án
2.1.1. Khái niệm: Dạy học theo dự án (DHDA) là một hình thức dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện. Làm việc nhóm là hình thức cơ bản của DHDA.
2.1.2 Đặc điểm của DHDA
Trong các tài liệu về dạy học dự án có rất nhiều đặc điểm được đưa ra. Các nhà sư phạm Mỹ đầu thế kỷ 20 khi xác lập cơ sở lý thuyết cho PPDH này đã nêu ra 3 đặc điểm cốt lõi của DHDA: định hướng HS, định hướng thực tiễn và định hướng sản phẩm. Có thể cụ thể hoá các đặc điểm của DHDA như sau:
Định hướng thực tiễn: Chủ đề của dự án xuất phát từ những  tình huống của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp cũng như thực tiễn đời sống. Nhiệm vụ dự án cần chứa đựng những vấn đề phù hợp với trình độ và khả năng của người học.
Có ý nghĩa thực tiễn xã hội: Các dự án học tập góp phần gắn việc học tập trong nhà trường với thực tiễn đời sống, xã hội. Trong những trường hợp lý tưởng, việc thực hiện các dự án có thể mang lại những tác động xã hội tích cực.
Định hướng hứng thú người học: HS được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với khả năng và hứng thú cá nhân. Ngoài ra, hứng thú của người học cần được tiếp tục phát triển trong quá trình thực hiện dự án.
Tính phức hợp: Nội dung dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều lĩnh vực hoặc môn học khác nhau nhằm giải quyết một vấn đề mang tính phức hợp.
Định hướng hành động: Trong quá trình thực hiện dự án có sự kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và vận dung lý thuyết vào trong hoạt động thực tiễn, thực hành. Thông qua đó, kiểm tra, củng cố, mở rộng hiểu biết lý thuyết cũng như rèn luyện kỹ năng hành động, kinh nghiệm thực tiễn của người học.
Tính tự lực cao của người học : Trong DHDA, người học cần tham gia tích cực và tự lực vào các giai đoạn của quá trình dạy học.  Điều đó cũng đòi hỏi và khuyến khích tính trách nhiệm, sự sáng tạo  của người học. GV chủ yếu đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ. Tuy nhiên mức độ tự lực cần phù hợp với kinh nghiệm, khả năng của HS và mức độ khó khăn của nhiệm vụ.
Cộng tác làm việc: Các dự án học tập thường được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự cộng tác làm việc và sự phân công công việc giữa các thành viên trong nhóm. DHDA đòi hỏi và rèn luyện tính sẵn sàng và kỹ năng cộng tác làm việc giữa các thành viên tham gia, giữa HS và GV cũng như với các lực lượng xã hội khác tham gia trong dự án. Đặc điểm này còn được gọi là học tập mang tính xã hội.
Định hướng sản phẩm: Trong quá trình thực hiện dự án, các sản phẩm được tạo ra. Sản phẩm của dự án không giới hạn trong những thu hoạch lý thuyết, mà trong đa số trường hợp các dự án học tập tạo ra những sản phẩm vật chất của hoạt động thực tiễn, thực hành. Những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố, giới thiệu.
2.1.3. Các dạng của dạy học theo dự án
DHDA có thể được phân loại theo nhiều phương diện khác nhau. Sau đây là một số cách phân loại dạy học theo dự án:

  1. Phân loại theo chuyên môn

– Dự án trong một môn học: trọng tâm nội dung nằm trong một môn học.
– Dự án liên môn: trọng tâm nội dung nằm ở nhiều môn khác nhau.
– Dự án ngoài chuyên môn: Là các dự án không phụ thuộc trực tiếp vào các môn học, ví dụ dự án chuẩn bị cho các lễ hội trong trường.

  1. Phân loại theo sự tham gia của người học: dự án cho nhóm HS, dự án cá nhân. Dự án dành cho nhóm HS là hình thức dự án dạy học chủ yếu. Trong trường phổ thông còn có dự án toàn trường, dự án dành cho một khối lớp, dự án cho một lớp học
  2. Phân loại theo sự tham gia của GV: dự án dưới sự hướng dẫn của một GV, dự án với sự cộng tác hướng dẫn của nhiều GV.
  3. Phân loại theo quỹ thời gian:

– Dự án nhỏ: thực hiện trong một số giờ học, có thể từ 2-6 giờ học.
– Dự án trung bình: dự án trong một hoặc một số ngày (“Ngày dự án”), nhưng giới hạn là một tuần hoặc 40 giờ học.
– Dự án lớn: dự án thực hiện với quỹ thời gian lớn, tối thiểu là một tuần (hay 40 giờ học), có thể kéo dài nhiều tuần (“Tuần dự án”).

  1. Phân loại theo nhiệm vụ

Dựa theo nhiệm vụ trọng tâm của dự án, có thể phân loại các dự án theo các dạng sau:
– Dự án tìm hiểu: là dự án khảo sát thực trạng đối tượng.
– Dự án nghiên cứu: nhằm giải quyết các vấn đề, giải thích các hiện tượng, quá trình.
– Dự án thực hành: có thể gọi là dự án kiến tạo sản phẩm, trọng tâm là việc tạo ra các sản phẩm vật chất hoặc thực hiện một kế hoạch hành động thực tiễn, nhằm thực hiện những nhiệm vụ như trang trí, trưng bày, biểu diễn, sáng tác.
– Dự án hỗn hợp: là các dự án có nội dung kết hợp các dạng nêu trên.
Các loại dự án trên không hoàn toàn tách biệt với nhau. Trong từng lĩnh vực chuyên môn có thể phân loại các dạng dự án theo đặc thù riêng.
2.1.4. Tiến trình thực hiện DHDA
Dựa trên cấu trúc chung của một dự án trong lĩnh vực sản xuất, kinh tế nhiều tác giả phân chia cấu trúc của dạy học theo dự án qua 4 giai đoạn sau: Quyết định, lập kế hoạch, thực hiện, kết thúc dự án. Dựa trên cấu trúc của tiến trình phương pháp, người ta có thể chia cấu trúc của DHDA làm nhiều giai đoạn nhỏ hơn. Sau đây trình bày một cách phân chia các giai đoạn của dạy hoc theo dự án theo 5 giai đoạn.
– Chọn đề tài và xác định mục đích của dự án : GV và HS cùng nhau đề xuất, xác định đề tài và mục đích của dự án. Cần tạo ra một tình huống xuất phát, chứa đựng một vấn đề, hoặc đặt một nhiệm vụ cần giải quyết,  trong đó chú ý đến việc liên hệ với hoàn cảnh thực tiễn xã hội và đời sống. Cần chú ý đến hứng thú của người học cũng như ý nghĩa xã hội của đề tài. GV có thể giới thiệu một số hướng đề tài để học viên lựa chọn và cụ thể hoá. Trong trường hợp thích hợp, sáng kiến về việc xác định đề tài có thể xuất phát từ phía HS. Giai đoạn này được K.Frey mô tả thành hai giai đoạn là đề xuất sáng kiến và thảo luận sáng kiến.
– Xây dựng kế hoạch thực hiện: trong giai đoạn này HS với sự hướng dẫn của GV xây dựng đề cương cũng như kế hoạch cho việc thực hiện dự án. Trong việc xây dựng kế hoạch cần xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.
– Thực hiện dự án : các thành viên thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra cho nhóm và cá nhân. Trong giai đoạn này HS thực hiện các hoạt động trí tuệ và hoạt động thực tiễn, thực hành, những hoạt động này xen kẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Kiến thức lý thuyết, các phương án giải quyết vấn đề được thử nghiệm qua thực tiễn. Trong quá trình đó sản phẩm của dự án và thông tin mới được tạo ra.
-Thu thập kết quả và công bố sản phẩm : kết quả thực hiện dự án có thể được viết dưới dạng thu hoạch, báo cáo, luận văn… Trong nhiều dự án các sản phẩm vật chất được tạo ra qua hoạt động thực hành. Sản phẩm của dự án cũng có thể là những hành động phi vật chất, chẳng hạn việc biểu diễn một vở kịch, việc tổ chức một sinh hoạt nhằm tạo ra các tác động xã hội. Sản phẩm của dự án có thể được trình bày giữa các nhóm sinh viên, có thể được giới thiệu trong nhà trường, hay ngoài xã hội.
– Đánh giá dự án: GV và HS đánh giá quá trình thực hiện và kết quả cũng như kinh nghiệm đạt được. Từ đó rút ra những kinh nghiệm cho việc thực hiện các dự án tiếp theo. Kết quả của dự án cũng có thể đuợc đánh giá từ bên ngoài. Hai giai đoạn cuối này cũng có thể được mô tả chung thành giai đoạn kết thúc dự án.
Việc phân chia các giai đoạn trên đây chỉ mang tính chất tương đối. Trong thực tế chúng có thể xen kẽ và thâm nhập lẫn nhau. Việc tự kiểm tra, điều chỉnh cần được thực hiện trong tất cả các giai đoạn của dự án. Với những dạng dự án khác nhau có thể xây dựng cấu trúc chi tiết riêng phù hợp với nhiệm vụ dự án. Giai đoạn 4 và 5 cũng thường được mô tả chung thành một giai đoạn (giai đoạn kết thúc dự án).
2.1.5. Ưu điểm và nhược điểm của dạy học theo dự án
* Ưu điểm
Các đặc điểm của DHDA đã thể hiện những ưu điểm của phương pháp dạy học này. Có thể tóm tắt những ưu điểm cơ bản sau đây của dạy học theo dự án:
– Gắn lý thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội;
– Kích thích động cơ, hứng thú học tập của người học;
– Phát huy tính tự lực, tính trách nhiệm;
– Phát triển khả năng sáng tạo;
– Rèn luyện năng lực giải quyết những vấn đề phức hợp;
– Rèn luyện tính bền bỉ, kiên nhẫn;
– Rèn luyện năng lực cộng tác làm việc;
– Phát triển năng lực đánh giá.
* Nhược điểm
– DHTDA không phù hợp trong việc truyền thụ tri thức lý thuyết mang tính trừu tượng, hệ thống cũng như rèn luyện hệ thống kỹ năng cơ bản
– DHTDA đòi hỏi nhiều thời gian. Vì vậy DHDA không thay thế cho PP thuyết trình và luyện tập, mà là hình thức dạy  học bổ sung cần thiết cho các PPDH truyền thống.
– DHTDA đòi hỏi phương tiện vật chất và tài chính phù hợp.
     Tóm lại DHDA là một hình thức dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học định hướng vào người học, quan điểm dạy học định hướng hoạt động và quan điểm dạy học tích hợp. DHDA góp phần gắn lý thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội, tham gia tích cực vào việc đào tạo năng lực làm việc tự lực, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp, tinh thần trách nhiệm và khả năng cộng tác làm việc của người học.
2.2. Ứng dụng cụ thể của phương pháp
Dựa trên lí thuyết về phương pháp DHTDA, tôi đã ứng dụng trong nhiều bài dạy. Việc vận dụng phương pháp mới này được thể hiện bằng những việc làm cụ thể sau:
– Đề xuất được quy trình thiết kế dự án dạy học cho việc dạy học bộ môn Ngữ Văn.
– Thiết kế được một số dự án dạy học từ các bài cụ thể trong chương trình.
2.2.1. Quy trình thiết kế dự án dạy học bộ môn Ngữ Văn theo phương pháp DHDA.
Chúng tôi đưa ra quy trình khái quát gồm 6 bước như sau:

Bước 1:        Xác định nội dung kiến thức có thể hình thành dự án
(Tìm trong chương trình những bài dạy có nội dung liên quan đến các vấn đề đang diễn ra trong thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các em)

 

Bước 2:         Thiết lập dự án (xây dựng dự án sao cho phù hợp với nội dung và phù hợp với trình độ nhận thức, khả năng thực hiện của người học)

 

Bước 3:         Giao nhiệm vụ (Phân chia học sinh thành các nhóm, giao nhiệm vụ cho từng nhóm, yêu cầu về thời gian, đưa ra tiêu chí đánh giá cụ thể)

 

Bước 4:         Thực hiện dự án (Học sinh trực tiếp thực hiện dự án, GV là người hướng dẫn, đôn đốc và giúp đỡ khi cần thiết)

 

Bước 5:          Trình bày sản phẩm (Tổ chức buổi tổng kết để các nhóm báo cáo kết quả, sản phẩm)


Bước 6:  Tổng kết, đánh giá (các nhóm và GV nhận xét, cho điểm. GV chốt lại những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp tới bài học)
 2.2.2 Quy trình tổ chức dạy học văn bản “Chiếc thuyền ngoài xa” tích hợp nghị luận xã hội theo phương pháp DHDA
Bước 1:    Xác định nội dung kiến thức có thể hình thành dự án
– Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm mang cảm hứng thế sự đời tư, khám phá cuộc sống con người trong phương diện đời thường. Vì vậy khá gần gũi với cuộc sống thực tế của học sinh.
– Nội dung cơ bản của tác phẩm là kể về việc nhân vật Phùng chứng kiến một cảnh tượng đen tối: cảnh người chồng vũ phu đánh vợ của mình một cách dã man. Nhưng khi được khuyên bỏ chồng thì người đàn bà nhất định không chịu bỏ. Từ nghịch lí này, Phùng đã vỡ lẽ biết bao nhiêu điều về cuộc sống, về cách nhìn con người và cuộc đời.
Nội dung trên liên quan mật thiết đến một hiện tượng khá nhức nhối trong thực tế xã hội Việt Nam: Nạn bạo hành gia đình. Đề tài này rất đáng được khảo cứu vì tính thực tế và những lợi ích thiết thực từ việc khảo cứu: Điều tra để nắm bắt thông tin, tự nhận thức và tuyên truyền về tình trạng bạo lực gia đình, cung cấp kiến thức và kĩ năng cho bài viết nghị luận xã hội…
Bước 2: Thiết lập dự án  
1) Mục tiêu dự án:
– Về kiến thức: Từ những phân tích nạn bạo hành gia đình ngoài thực tế cuộc sống, so sánh với câu chuyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” để hiểu sâu sắc giá trị hiện thực, quan niệm về cách nhìn đời, nhìn người và tư tưởng nhân đạo của nhà văn.
– Về kĩ năng: Rèn luyện kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hoạt động nhóm, kĩ năng sống, kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội…
– Về thái độ: Hình thành thái độ hứng thú, nghiêm túc trong học tập; thái độ cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh; ý thức đấu tranh chống lại, đẩy lùi nạn bạo hành gia đình…
2) Xây dựng nội dung công việc:
– Lập phiếu điều tra thông tin về tình trạng bạo hành gia đình ở địa phương cư trú, ở các gia đình có con em học ở lớp mình.
– Dựa trên kết quả điều tra, nhận xét về: Tỉ lệ các gia đình có biểu hiện bạo hành; những biểu hiện khác nhau của hiện tượng bạo hành gia đình; nguyên nhân và hậu quả của vấn nạn trên; đề xuất những giải pháp giảm thiểu nạn này.
– So sánh kết quả thực tế với cái nhìn của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm để thấy được những giá trị sâu sắc của tác phẩm.
– Viết bài thu hoạch theo yêu cầu của bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống.
3) Lập kế hoạch đánh giá:
– Phiếu đánh giá về tinh thần, thái độ làm việc.
– Phiếu đánh giá về các kĩ năng làm việc: kĩ năng hợp tác nhóm, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng khai thác thông tin, xử lí số liệu…
– Phiếu đánh giá chất lượng nội dung công việc: Kết quả thu nhận, so sánh để nhận ra giá trị của tác phẩm, viết bài nghị luận xã hội hoàn chỉnh…
Bước 3: Giao nhiệm vụ
-Phân chia học sinh thành các nhóm, giao nhiệm vụ cho từng nhóm (Chia nhóm dựa trên 2 nhiệm vụ: điều tra ở địa phương- Phạm vi xóm, làng; điều tra ở tập thể lớp)
– Yêu cầu về thời gian: 2 tuần.
– Công bố  tiêu chí đánh giá cụ thể
Bước 4: Thực hiện dự án
– Học sinh trực tiếp thực hiện dự án:
+ Nhóm thực hiện nhiệm vụ 1: Về các xóm làng nơi cư trú, trực tiếp phỏng vấn người dân để lấy thông tin điền vào phiếu điều tra. Có thể tìm hiểu thêm thông qua trưởng xóm, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…
+ Nhóm thực hiện nhiệm vụ 2: Phát phiếu điều tra tại lớp để các bạn tự điền thông tin. Chú ý không cần khai tên để thông tin khách quan.
GV là người hướng dẫn, đôn đốc và giúp đỡ khi cần thiết
Bước 5: Trình bày sản phẩm (Tổ chức buổi tổng kết để các nhóm báo cáo kết quả, sản phẩm)
– Mỗi nhóm cử đại diện báo cáo kết quả điều tra, cách xử lí, phân tích số liệu, rút ra ưu, nhược điểm, thuận lợi và khó khăn trong quá trình đi điều tra của mình.
– Các nhóm  nhận xét về kết quả và quá trình điều tra của nhóm còn lại, từ đó rút kinh nghiệm cho mình
– Các nhóm phản biện những kết luận của nhóm khác.
– Mỗi cá nhân trong nhóm nộp bài viết về tình trạng bạo hành gia đình theo yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội.
Bước 6:  Tổng kết, đánh giá.
– GV  chốt lại những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp tới bài học:
+ Hiện trạng nạn bạo lực gia đình ở Việt Nam
+ Nguyên nhân của nạn trên
+ Hậu quả
+ Giải pháp khắc phục
Từ thực tế đó liên hệ ngược với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” để đánh giá giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm; cách nhìn nhận con người và cuộc sống của tác giả…
– GV nhận xét, cho điểm theo các tiêu chí đã công bố.

3. HIỆU QUẢ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

Hiệu quả kinh tế
– Theo chính sự đánh giá của học sinh, khi áp dụng phương pháp DHDA vào việc dạy học tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xatích hợp nghị luận xã hội , giá trị lớn nhất của nó chính là khả năng tuyên truyền rộng rãi và sâu sắc về vấn nạn bạo hành gia đình ở Việt Nam. Vì vậy nó có thể thay thế, bổ sung cho hoạt động tuyên truyền chống bạo hành gia đình ở mọi nơi. Và đương nhiên, giá trị kinh tế mà nó mang lại là rất đáng kể:
– Giá trị tương đương với những pano, áp pic, khẩu hiệu tuyên truyền: Khoảng 1 triệu đồng/cái x số lượng học sinh tham gia dự án.
– Giá trị tương đương với nhiều cuộc tổ chức vận động, tuyên truyền của các đoàn thể, các cấp chính quyền (Mỗi cuộc chi phí khoảng 50 triệu đồng).
– Có thể dùng kết quả điều tra của học sinh phục vụ công tác điều tra xã hội của các ban ngành, đoàn thể nhằm giảm bớt chi phí đi điều tra.
Hiệu quả xã hội
Sau khi áp dụng phương pháp mới vào giảng dạy tôi đã thu được một số hiệu quả sau:
– Không khí lớp học: Khi GV đưa ra dự án và yêu cầu các nhóm thảo luận để hoàn thành mục tiêu bài học thì các em rất sôi nổi và hào hứng tranh luận, nêu ý kiến để hoàn thiện dự án; Rất tích cực, hào hứng tham gia dự án, mạnh dạn, nhiệt tình đi điều tra ; Thảo luận, tranh biện để rút ra kết luận của nhóm mình, đồng thời mạnh dạn trình bày kết quả, hồi hộp chờ đợi sự đánh giá của giáo viên. Đặc biệt các em đều thấy rất hứng thú với việc mở rộng kiến thức thực tế; thấy yêu môn Văn hơn vì nó thiết thực với cuộc sống hơn… Mỗi tiết học qua đi thật nhẹ nhàng, thoải mái nhưng vẫn hiệu quả với cả thầy và trò.
– Về kiến thức: kết quả dự án thể hiện học sinh  không chỉ nắm bắt được những nội dung kiến thức mà còn hiểu rộng hơn, sâu hơn nhiều vấn đề. Tự phát hiện và giải quyết các vấn đề trong nội dung kiến thức.
– Kĩ năng sống của các em được nâng cao rõ rệt: Kĩ năng làm việc nhóm; kĩ năng giao tiếp; phương pháp xử lí tình huống, số liệu…
            – Đặc biệt, với những kiến thức được cung cấp theo phương pháp dạy học mới, học sinh sẽ dễ dàng áp dụng những gì từ tác phẩm văn chương vào trong thực tiễn cuộc sống, làm thay đổi khá nhiều những nhận thức, tư tưởng, tình cảm, thái độ của các em với mong muốn làm cuộc sống này trở nên tốt đẹp, nhân văn hơn.

  1. KHẢ NĂNG ÁP DỤNG

– Sáng kiến này có thể áp dụng rộng rãi ở tất cả các trường THPT trên nhiều đối tượng học sinh khác nhau và ở các khu vực khác nhau. Đặc biệt, từ năm 2015, phân phối chương trình được xây dựng theo chuyên đề thì càng dễ vận dụng phương pháp dạy học này.

sưu tầm

Xem thêm :

  1. Về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, các bạn có thể xem thêm ở link này:  Chiếc thuyền ngoài xa
  2. Xem thêm 1 dãy sáng kiến kinh nghiệm tại đây : Sáng kiến kinh nghiệm môn văn
  3. Tải miễn phí 1 dãy Sáng kiến kinh nghiệm tại link này : Tải miễn phí tài liệu môn Văn
,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *