Chất hoạ và chất nhạc trong bài thơ Tây Tiến- Quang Dũng

CHẤT HỌA VÀ CHẤT NHẠC TRONG TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG

Bài làm :
Mỗi người nghệ sĩ thường gắn bó với một vùng đất nào đó, nếu Hoàng Cầm là sông Đuống, thì với Quang Dũng đó là con sông Mã. Mỗi lần đọc lại Tây Tiến, ta luôn thấy một hồn thơ Quang Dũng rất đỗi hồn nhiên, một cái tôi hào hoa thanh lịch và hết sức lãng mạn. Là một nghệ sĩ có rất nhiều tài năng, Quang Dũng làm thơ, vẽ tranh rồi soạn nhạc. Có phải chăng chính vì vậy mà chất họa chất nhạc luôn hào quyện vào thơ ông, khiến những bài thơ ông viết đều có sức tạo hình và ngân nga trong lòng người đọc? Và điều làm nên thành công, sự độc đáo, sức ngân vang của Tây Tiến chính là việc Quang Dũng đã phát huy và kết hợp một cách nhuần nhuyễn hai yếu tố hội họa và âm nhạc trong thơ.
Chất liệu của hội họa là màu sắc, đường nét. Chúng thể hiện sự cảm nhận trực tiếp thế giới và con người của nhà văn. Còn chất liệu của âm nhạc là âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu.. Nhà văn, nhà thơ dùng âm thanh làm phương tiện diễn đạt tư tưởng, tình cảm. Khi khám phá tính nhạc trong thơ nghĩa là xem việc tác giả đã sử dụng, kết hợp từ ngữ như thế nào để tạo ra hài hòa về âm thanh, sự nhịp nhàng cho thơ.
Với Tây Tiến, mạch cảm xúc bao trùm của bài thơ chính là sự hồi tưởng, kỉ niệm này gọi là kỉ niệm kia như những đợt sống tuôn trào. Tất cả hiện lên thật sống động qua sự kết hợp nhuần nhuyễn của yếu tố họa và yếu tố nhạc.
Khúc dạo đầu là nỗi nhớ “chơi vơi”, vừa xa xăm, sâu lắng, vừa thiết tha, quyến luyến:
“Sông Mã … chơi vơi”.
Từ biểu cảm “ơi” kết hợp với từ láy “chơi vơi” tạo nên âm hưởng thiết tha ngân mãi trong lòng người, vọng mãi vào thời gian, năm tháng. Sông Mã xa rồi, Tây Tiến cũng xa rồi, nhưng tất cả cứ ùa về trong kí ức, xâu chuỗi những kỉ niệm để người đi còn nhớ mãi. Từ đây, tất cả những kỉ niệm thời Tây Tiến được hiện về trong nỗi nhớ mang màu sắc lung linh, đẹp kì lạ. Kí ức này chi phối việc lựa chọn phối thanh, phối màu trong bức tranh Tây Tiến.
Đầu tiên là hình ảnh:
“Sài Khao … quân mỏi”.
Câu thơ có sức tạo hình rất lớn. Chỉ một vài nét chấm phá, ta như tưởng tượng ra cảnh những người chiến binh phải hành quân trong mù sương dày đặc thăm thẳm lạnh lẽo. Sương dày bủa vậy như che lấp cả đoàn quân. Đoàn quân cứ đi, đêm nối đêm, ngày nối ngày, dãi dầu trong gian khó:
“Dốc lên … mưa xa khơi”.
Quang Dũng đã vẻ nên một bức tranh đầy hiểm trở, dữ dội, khúc khuỷu của rừng miền Tây. Hàng loạt những từ ngữ giàu tính tạo hình được huy động “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”, “sung ngửi trời”, … đã diễn đạt thật “trúng” sự dữ dội của núi đèo. Đọc những câu thơ này, người đọc như thấy hiện ra trước mắt mình những ngọn dốc vừa khúc khuỷu, vừa cao ngất trời lại vừa thăm thẳm. Từ “heo hút” vừa gợi ra độ cao của núi, vừa gợi ra độ sâu của dốc và cả cái vắng lặng, hoang vu đến rợn người. Cảnh núi đèo quả là dữ dội và hiểm trở!. Nếu như hai câu đầu là cái nhìn lên, thì đến câu thứ ba, nét vẽ của Quang Dũng lại diễn tả cái nhìn xuống: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Chính bút pháp tương phản và nét vẽ gân guốc đã làm nổi bật tính tạo hình, nói như người xưa là “thi trung hữu họa”. Nhưng xen vào những nét vẻ gân guốc ấy là những nét vẽ rất mềm mại, như xoa dịu cả khổ thơ:
“Nhà ai… xa khơi”.
Gam màu lạnh này làm ta hình dung ra cảnh những người lính tạm dừng chân bên một dốc núi, họ phóng tầm nhìn ra xa.
Bên cạnh việc sử dụng thật tài tình yếu tố hội họa, đoạn thơ còn thấm đẫm chất nhạc. Chất nhạc được tạo ra bởi những âm hưởng đặc biệt qua hình ảnh:
“Dốc lên… ngửi trời”.
Việc sử dụng toàn thanh trắc: “dốc”, “khúc khuỷu”, “thẳm”, “hút”, “sung”, “ngửi” … như làm cho độ cao của núi, độ dốc của đèo, độ khúc khuỷu hiểm trở của con đường cứ tăng lên mãi, diễn tả sự khó khan hiểm trở của núi rừng. Nhưng câu thơ thứ tư lại toàn thanh bằng:
“Nhà ai … xa khơi”
Nhịp thơ trầm xuống, như xoa dịu những trúc trắc ở trên. Cách phối thanh đã đem đến hiệu quả rõ rệt cho lời thơ: người đọc cảm thấy được thư giãn sau những phút căng thẳng.
Trở lại với đoạn đầu bài Tây Tiến, qua sự phối thanh, phối màu độc đáo, cảnh núi rừng hiện lên vừa có núi, có vực sâu, có mưa rừng, sương lấp, cọp dữ lại vừa có “hoa về” trong đêm hội lãng mạn. Làm cho nỗi nhớ của người lính thêm lưu luyến, khắc khoải.
Giữa hoàn cảnh khó khăn, gian khổ vẩn có hương hoa rừng thoang thoảng đưa về trong mịt mù sương khuya. Cảnh đẹp tựa như mơ. Đoạn thơ kết thúc bằng một đường nét và âm điệu hết sức đầm ấm:
“Nhớ ôi … nếp xôi”
Khói của cơm, hương thơm của lúa nếp ngày mùa khiến lòng thi sĩ ấm lại. Hai câu thơ với than từ “ôi” đã tạo nên một âm điệu êm dịu, tha thiết, ấm áp vô cùng.
Đoạn thơ thứ hai, Quang Dũng sử dụng những đường nét mêm mại và đặc biệt tinh tế. Qua nét vẽ tài hoa ấy, người đọc như “bừng ngộ” trước vẻ đẹp nên họa, nên thơ của núi rừng. Nhà thơ khao khát khám phá, tìm hiểu nó. Ấy là một đêm liên hoan văn nghệ dưới ánh đuốc bập bùng:
“Doanh trại … hồn thơ”
Với những nét vẻ khỏe khoắn say mê, Quang Dũng dẫn ta vào một đêm văn nghệ rất thực mà ngỡ như mơ: cả doanh trại bừng sáng dưới ánh lửa đuốc bập bùng. Trong ánh đuốc đó, cảnh vật, con người hiện lên vừa thực, lại vừa ảo. Những cô gái của núi rừng miền Tây hiện ra vừa lộng lẫy, vừa e thẹn, vừa tình tứ trong vũ điệu đậm màu sắc phương xa. Trong vẻ đẹp rực rỡ của ánh đuốc, trong nét dìu dặt của tiếng khèn, các anh lính đang nghĩ về ngày mai nơi đất bạn Lào.
Nhịp điệu của bốn câu thơ như nhịp nhặt khoan, dìu dặt của tiếng khèn, gợi vẻ khỏe khoắn, trẻ trung. Hai từ “kìa em” làm giọng đoạn thơ như cũng ngỡ ngàng, vừa ngạc nhiên, vừa say mê, vui sướng. Bốn câu thơ chan chứa màu sắc, âm thanh, vừa ấm áp tình người.
Từ nét vẽ khỏe khoắn trong đêm hội đuốc hoa, Quang Dũng chuyển sang nét vẽ tinh tế, mềm mại khi ta cảnh chiều sương Mộc Châu:
“ Người đi … đong đưa”.
Chỉ bằng một nét chấm phá đơn sơ nhưng tác giả đã gợi được cái thần, cái hồn của cảnh vật. Bốn câu thơ như một bức tranh lụa.
Trong đoạn hai này, chất nhạc và chất họa hòa quyện. Bốn câu đầu ru ta trong nhạc điệu cất lên từ men say của tâm hồn người lình Tây Tiến.
Bốn câu sau là những nét vẽ tài hoa gợi lên cái thần, cái hồn của tạo vật.
Xuân Diệu cũng thật có lý khi nói rằng: “Đọc Tây Tiến, ta có cảm tưởng như ngậm nhạc trong miệng”.
Đến đoạn thơ thứ ba, Quang Dũng đã làm sống lại thể “hành” cổ xưa với những câu thơ rắn rỏi, gân guốc:
“Tây Tiến… kiều thơm”.
Việc sử dụng nhiều thanh trắc đi liền nhau tạo nên vẻ bi tráng cho bức tượng đài tập thể về đoàn quân Tây Tiến. Cộng hưởng thêm nghệ thuật tương phản:
“Quân xanh màu lá/ dữ oai hùm”.
Càng làm nổi bật tư thế hiên ngang của những người chiến sĩ.
Nhà thơ không chỉ dừng lại ở những đường nét khắc họa bên ngoài mà còn thể hiện được thế giời tâm hồn đầy mơ mộng của họ:
“Đêm mơ… kiều thơm”.
Ở những câu thơ cuối, ta thấy hơi thở, nhịp thơ mang đậm chất “hành”.
Còn nhớ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, hay “Hàng phương Nam” của Nguyễn Bính. Cả hai đều mang âm vang của phương Bắc. Nhưng đến Tây Tiến, thể “hành” đã được “Việt hóa” rõ ràng hơn:
“Rải rác… độc hành”.
Giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ là niềm đau thương vô vạn của tác giả trước sự hy sinh của đồng đội. Nhưng Quang Dũng đã làm dịu lại niềm đau thương đó bằng sự kết hợp từ, vần và thanh.
Câu đầu “Rải rác.. viễn xứ”, gợi ra hình ảnh nấm mồ chiến sĩ rác rác nơi rừng hoang vắng. Nhưng bằng việc sử dụng từ Hán Việt “biên cương”, “viễn xứ” làm trang trọng hóa giọng thơ, biến nỗi đau bi lụy thành bi tráng.
Dường như Quang Dũng rất có tài trong việc sử dụng các thanh âm trắc. Tác giả đã đưa vào khổ thơ này với một mức độ dày đặt, khiến câu thơ rắn rỏi, gân guốc hơn. Và như được thể, tiếng gầm thét của con sông Mã cộng hưởng vào làm người đọc không thấy những niềm đau, bi lụy nữa mà họ thấy người lính Tây Tiến với vẻ đẹp kiêu hùng, bi tráng đến lạ thường!.
Sau những gân guốc ấy, ta lại thấy giọng đượm buồn:
“Tây Tiến… về xuôi”
“Không hẹn ước”, “một chia phôi”, “chẳng về xuôi”. Thật dứt khoát làm sao!. Làm âm hưởng đoạn thơ cuối dù thoáng buồn nhưng vẫn tráng lệ, hào hùng.
Như Đinh Minh Hằng, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng từng nói:“… Tây Tiến … nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi hứng. Nơi ấy, cuồn cuộn dòng chảy lạnh lùng và đa tình, hiện thực và lãng mạn, bi và tráng. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ… Tất cả đều gợi ấn tượng của sự “lạ hóa”, của những vẻ đẹp kì ảo khó gọi tên…”.
Vâng, Tây Tiến vẫn còn đó với con sông Mã yêu thương, lúc hiền hòa, lúc hào húng, tráng lệ.
Palaton đã nói: “Thơ là thần hứng” thơ chỉ ra đời trong những giây phút thăng hoa người người nghệ sĩ. Quang Dũng đã có được giây phút ấy khi viết Tây Tiến. Từ xưa đến nay, thơ phải là tiếng hát thật sự của tâm hồn, khi tâm hồn lên tiếng, thì nhà thơ không cần lý luận. Điều đó giải thích vì sao hơn nửa thế kỉ qua, Tây Tiến luôn được bạn độc yêu mến và nâng niu. Rồi khi gấp lại Tây Tiến, ta vẫn thương những vần thơ đầy chất nhạc, chất họa quyện hòa ấy.

Phạm Thoa

Xem thêm :Tuyển tập đề thi về các tác phẩm lớp 12

Tổng hợp những đề thi về bài Tây Tiến của Quang Dũng :http://vanhay.edu.vn/tag/tay-tien
Tổng hợp những đề thi về bài Việt Bắc Tố Hữu:http://vanhay.edu.vn/tag/viet-bac

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *