Đề nghị luận về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các bạn có thể vào link này để xem thêm nhé : nghị luận xã hội về vệ sinh an toàn thực phẩm ( bài văn mẫu)
Hôm nay Admin giới thiệu với các em đề nghị luận về vấn đề lương tâm người sản xuất thực phẩm bẩn.
Đề bài : Đọc bản tin sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:
“Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT: Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được dư luận quan tâm, được các cấp, các ngành đầu tư nhiều thời gian, kinh phí và các giải pháp để cùng chung tay xóa bỏ vấn nạn “thực phẩm bẩn” như hiện nay.
Trong nhóm chất cấm trong chăn nuôi, thì salbutamol được sử dụng nhiều nhất. Buôn bán chất cấm salbutamol thậm chí còn lãi hơn cả buôn ma túy, nên những kẻ làm ăn vô lương tâm đã bất chấp đạo lý, pháp luật, lén lút buôn bán. Chất cấm nhóm Beta – Agonist (Nhóm β2-agonist) đã được các hộ chăn nuôi sử dụng để thúc heo “nở nạc bung đùi” trong thời gian cấp tốc 15-20 ngày để kiếm lời, mà không quan tâm đến hậu quả.
Nếu người Việt tiếp tục tự đầu độc đồng loại bằng chất cấm, sẽ làm hỏng cấu trúc gien của giống nòi…”
( Lược trích bài viết trên báo Điện tử Dân trí : Cục chăn nuôi: Buôn chất cấm dùng trong chăn nuôi lãi hơn ma túy)
Từ bản tin trên, anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề lương tâm người sản xuất thực phẩm bẩn.
Hướng dẫn cách làm :
Mở bài:
- Giới thiệu bài báo trong đề thi. Lưu ý : bản tin dài, các em không cần chép y nguyên vào phần mở bài, chỉ cần giới thiệu tên bài báo và nội dung chính.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận : Vấn đề lương tâm người sản xuất thực phẩm bẩn.
Mở bài tham khảo :
Trong cuộc sống hiện đại, con người dễ chạy theo đồng tiền mà đánh mất đi bản tính tốt đẹp của mình. Người ta chỉ lo lắng cho chiếc ví tiền đang mỏng dần mà không quan tâm đến tâm hồn mình đã bao phần khiếm khuyết bởi những suy nghĩ vị kỉ, vụ lợi. Gần đây, báo Điện tử Dân trí đăng câu chuyện “nóng” về chủ đề thực phẩm bẩn, việc thịt heo chứa chất tạo nạc gợi nhắc ta về thái độ sống hẹp hòi, ích kỉ của một số người hiện nay. Vấn đề lương tâm người sản xuất thực phẩm bẩn trong thời gian gần đây đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
Thân bài :
- Tóm tắt , phân tích nội dung bài báo để rút ra vấn đề
Bài báo nói về một thực tế trong xã hội ta : Nhiều kẻ làm ăn vô lương tâm đã bất chấp đạo lý, pháp luật, lén lút buôn bán , sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi. Thịt heo có chất tạo nạc là câu chuyện về sản xuất, buôn bán thiếu trung thực, vì lợi ích vị kỉ của người bán mà ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bài báo lên án thái độ sống ích kỉ, hẹp hòi chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài của nhiều người trong xã hội ta.
2. Bàn luận về lương tâm người sản xuất thực phẩm bẩn
+ Giải thích lương tâm là gì? có nhiều cách giải thích :
-Lương tâm là yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người tự khả năng đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình.
-Lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân.
Lương tâm chi phối những hành vi, ứng xử giữa người với người.
+ Bàn bạc về lương tâm người sản xuất thực phẩm bẩn
- Trước hết, chúng ta cần nhận định, hành vi của những người sản xuất , tiêu thụ thực phẩm bẩn là hành vi trái với lương tâm, đạo đức và pháp luật, đáng lên án và phê phán.
- Hiện tượng con người sản xuất, buôn bán, tiêu thụ chất cấm nhóm Beta – Agonist là một biểu hiện điển hình trong muôn vàn hành vi trái với đạo đức của người Việt Nam. ( dẫn chứng : không chỉ dùng chất toạ nạc, người Việt còn dùng nhiều hoá chất độc hại trong sản xuất thực phẩm như thuốc trừ sâu trong rau, chất vàng ô trong măng tươi, phẩm mầu công nghiệp trong bánh kẹo của trẻ em,… Học sinh có thể lấy những dẫn chứng cụ thể trong thời gian gần đây )
Nguyên nhân:
- Cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng xoáy của cải, vật chất. Đồng tiền như một thứ quyền lực vô hình có khả năng chi phối suy nghĩ, hành vi của không ít người. Người ta buôn bán, sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi sẽ thu được lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với những người làm ăn chân chính.
- Do ý thức của mỗi người : Buôn bán chất cấm salbutamol thậm chí còn lãi hơn cả buôn ma túy, nên những kẻ làm ăn vô lương tâm đã bất chấp đạo lý, pháp luật, lén lút buôn bán. Sự hẹp hòi, ích kỷ, hám lợi đã khiến con người ta bất chấp pháp luật để sản xuất, sử dụng chất độc hại trong chăn nuôi.Những con người này đang đầu độc chính đồng bào mình chỉ khoản lãi lời trước mắt . Họ không hề quan tâm tới hậu quả của những việc làm đó.
+Mở rộng vấn đề:
Người sống cá nhân, ích kỉ không bao giờ vươn tới sự an yên trong tâm hồn bởi trong họ luôn thường trực nỗi lo sợ mình thiệt thòi hơn người khác. Trong một tập thể, nếu ai cũng chỉ nghĩ cho bản thân thì tập thể sẽ khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung để theo đuổi và tan rã là kết cục không quá ngạc nhiên. Sự ích kỉ lớn dần trong xã hội cũng là một loại trở lực ghê gớm kìm hãm sự phát triển của cả một đất nước. Chỉ nói riêng về sức khỏe, nếu con người ta tiếp tục đầu độc nhau bởi thực phẩm bẩn, những cái chết vì ung thư sẽ còn nhân lên hoặc sức và lực của giống nòi cũng bị suy kiệt.
+Lật ngược vấn đề: Không vì sự lớn dần của thái độ sống thờ ơ, ích kỷ mà nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu xám hay dễ dàng thỏa hiệp, im lặng trước cái xấu, cái ác.Mỗi người cần lên án mạnh mẽ những hành vi trái với đạo đức và pháp luật
3. Nêu bài học rút ra:
Trước hết, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc về những nguy hại của lối sống ích kỉ, hẹp hòi. Là những chiếc nôi đầu tiên mà trí tuệ, nhận thức của cá nhân hình thành, gia đình và nhà trường phải tham gia tích cực vào việc giáo dục lối sống của người trẻ. Phê phán những hành vi là biểu hiện của lối sống ích kỉ, vụ lợi cá nhân; nhân rộng những việc làm hay, nghĩa cử cao đẹp vì lợi ích chung của tập thể.
Kết bài :Suy nghĩ ích kỉ, hẹp hòi, hành vi trái với lương tâm đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, để lại tác động tiêu cực đến mỗi cá nhân, tập thể, thậm chí đến cả một dân tộc. Người trẻ với sự thiếu thốn về kinh nghiệm sống, dễ dàng trở thành nạn nhân của lối sống ích kỉ cần tự nhắc nhở mình về mối nguy hại trong thái độ sống này; đấu tranh trong khả năng của mình để loại bỏ nếp nghĩ hẹp hòi, vị kỉ, xây dựng một cộng đồng xã hội nhân ái, bao dung.
Xem thêm : đề thi thử thpt quốc gia môn văn 2017 có đáp án
Bộ đề nghị luận xã hội lớp 12
Cái này là hiện tượng đời sống hay tư tưởng đạo lí vậy cô?
NLXH về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là dạng đề hiện tượng đời sống, nhưng về LUONG TÂM NGƯỜI SẢN XUẤT THỰC PHẨM BẨN thì là tư tưởng đạo lí, bàn về lương tâm con người nhé, khác nhau nhé