Nghị luận xã hội: Tuổi trẻ học đường chung tay bảo vệ rừng

Đề bài: Tuổi trẻ học đường cần phải làm gì trước thực trạng hiện nay những khu rừng đang ngày càng bị tàn phá ?

Hướng dẫn làm:

1, Mở bài:

           Bác Hồ đã có lần nói đất nước ta là rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu; ấy thế mà ngày nay, rừng không còn là kho vàng nguyên vẹn nữa, mà đang bị vơi dần bởi bàn tay con người tàn phá. Đây quả là một thực sự rất đau lòng.

2, Thân bài:

A, Vai trò của rừng, của cây xanh đối với con người:

+ Ngay từ khi con người đang ở trong xã hội nguyên thủy, chủ yếu kiếm sống bằng săn bắt, hái, lượm thì rừng đã thành môi trường, ngôi nhà, nguồn sống của họ. Rừng cung cấp cho họ thực phẩm hàng ngày. Rừng là nguồn cung cấp củ, quả để con người tồn tại và phát triển, tiến hóa từ nguyên thủy đến văn minh.

+ Trong suốt trường kì kháng chiến chống giặc ngoại xâm lịch sử của dân tộc, rừng ngoài việc cung cấp một phần thực phẩm, lương thực mà còn cùng con người tham gia đánh giặc. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

                                                             “Nhớ khi giặc đến giặc lung

                                                               Rừng cây núi đá, ta cùng đánh Tây

                                                               Núi giăng thành lũy sắt dày,

                                                               Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.”

          Rừng Tây Nguyên, Tây Bắc đã cùng con người đứng lên để viết nên những chiến công sông Lô, Điện Biên, An Khê, Đồng Tháp oai hùng (oanh liệt).

        + Ngày nay, xã hội bước vào thời kì hiện đại hóa, chất thải công nghiệp đã làm mất cân bằng sinh thái, gây nên hiệu ứng nhà kính, làm thủng tầng ozon đẩy con người đến thảm họa diệt chủng. Trong bối cảnh đó, rừng đã trở thành vị cứu tinh của con người. Với chức năng hấp thụ khí cacbonic và nhả dưỡng khí Oxi, rừng đem lại sự sống cho con người, làm cân bằng sinh thái, biến Trái Đất thành ngôi nhà xanh – sạch – đẹp cho con người chúng ta.

          + Rừng cung cấp cho chúng ta biết bao loại gỗ quý như: đinh, lim, sến, táu và nhiều dược liệu quan trọng để chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ cho con người như: sâm, quế, sa nhân, tâm thất… Hay là những người bị bệnh lao phổi nếu sống ở gần rừng thông có thể chữa được bệnh.

         + Rừng có tác dụng phủ xanh đồi trọc, chống sói mòn, sạt lở đất, làm cho khí hậu điều hòa, mưa nắng phải thì, hạn chế thiên tai. Chưa kể rừng còn là nơi bảo tồn nguồn gen những loài động vật, thực vật quý hiếm như: tê giác, bò tót, voi, voọc, gấu, sao la, hổ…

B, Tình trạng chặt phá rừng hiện nay:

          Thế mà ngày nay, con người vì nông nổi, vì thiếu văn hóa, vì hám lợi mà đã phải chặt phá rừng không thương tiếc để lấy gỗ bán, lấy đất làm hàng hóa, trồng ngô,.. Một số đồng bào dân tộc còn đốt rừng làm nương rẫy,..

        Những kẻ phá rừng được nhân dân đặt cho cái tên: “lâm tặc”, nghĩa là những tên giặc rừng. Vì bọn chúng mà hàng ngày, hàng giờ những cánh rừng đang hấp hối phải lên tiếng kêu cứu. Vì bọn chúng mà những khu rừng Lạng Sơn, Quảng Nam, rừng quốc gia Cát Tiên đang bị triệt hại một cách dã man. Chúng phá rừng là đốt lá phổi của chúng ta, là giết màu xanh, sự sống thiêng liêng của nước ta.

C, Hậu quả:

        + Vì những cánh rừng đang bị thu hẹp lại bởi bàn tay của bọn “lâm tặc” bất nhân mà dẫn đến hậu quả mất cân bằng sinh thái, thiên tai, lụt lội, hạn hán, bão tố cảy ra liên miên và bất thường, Trái Đất không còn là ngôi nhà bình yên nữa. Hàng năm nhân dân ta phải gánh chịu biết bao tổn thất. Chỉ riêng năm 2008, theo thống kê của Chính Phủ: nước ta đã mất hơn 1.300 tỷ đồng và trên bốn trăm người chết do thiên tai. Đúng là một con số biết nói làm nhức nhối triệu triệu tái tim của những người lương thiện.

D, Trách nhiệm của tuổi trẻ chúng ta:

        Trước thực trạng trên, chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn bàn tay tàn bạo của bọn lâm tặc , tích cực tham gia trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, cần hiểu và tuyên truyền cho mọi người, từ trẻ em đến người già hiểu rõ lợi ích của rừng và việc phá rừng là một hành động tự sát.

3, Kết Bài:

   Rừng là bài ca của sự sống “khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về một rừng cây” (nhạc sĩ Trần Long Ẩn). Để bảo vệ đời người, hãy bảo vệ rừng, lá phổi xanh của đất nước chúng ta.

*** Biên soạn: Nguyễn Thế Anh – 12C – THPT Hoa Lư A – Ninh Bình ***

Xem thêm  : Những bài văn nghị luận xã hội hay lớp 12

1 bình luận trong “Nghị luận xã hội: Tuổi trẻ học đường chung tay bảo vệ rừng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *