PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Kể ra: thích cho người sống mà ghét việc giết người, đó là một người tướng có nhân nghĩa; xét biết thời cơ mà lượng sức mình là một người tướng có tri thức. Ta kính vâng mệnh trời, lấy đại nghĩa chuyên việc đánh dẹp, nghĩ đến cơ đồ tổ tông bị nguy đổ, thương nỗi đời sống nhân dân phải lầm than, đánh thành lấy đất không giết một người. Cho nên đánh đông dẹp tây, không nơi nào không phục.
Thành Xương Giang nhỏ mọn kia dám chống lại mệnh trời, ta nổi giận đi đánh, nghĩa nên phải thế, sự không được đừng. Nhưng đem sức Thái Sơn đè bẹp quả trứng, sức không chịu được bao lâu; lấy lửa đỏ rực đốt cháy lông gà, thế khó đương được chốc lát. Lấy thuận mà đánh kẻ nghịch, lo gì không phải theo; lấy mạnh mà đánh kẻ yếu, lo gì không đánh được. Vậy mà ta còn lấy lời nói chăm chăm hiểu dụ, bởi vì nhân mạng trong thành là hệ trọng nên không nỡ làm cho thương tổn. Vả lại các xứ Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, thóc không phải là không nhiều, binh không phải là không giỏi, thế mà đô đốc họ Thái cùng các quan đều bỏ thành ra hàng, đem quân theo mệnh, vì họ hiểu rõ việc thành hay bại đều có mệnh trời nên không dám trái. Bọn các ngươi nếu biết trên xét thời trời, dưới suy việc người thì có thể giữ được vị lộc (vị trí và bổng lộc) đến vô cùng, khỏi để nhân dân một thành bị chém giết; lũ các ngươi được là người trí thức mà ta cũng không mất tiếng là một tướng có nhân nghĩa. Nếu mà cứ mê muội không hiểu biết gì, thì đến ngày thành bị hạ, ngọc đá không phân biệt, không phải là ta làm cho bạo ngược bừa bãi, mà là tự lũ các người làm ra tội nghiệt đó thôi. Đó thực là lúc còn mất nguy cấp đấy, nên tính cho kĩ, chớ để hối về sau. Thư nói không hết lời.
(Thư dụ hàng các tướng sĩ trong thành Xương Giang, Nguyễn Trãi, in trong Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản? (0,5 điểm) Câu 2. Nêu luận đề của văn bản? (0,5 điểm)
Câu 3. Văn bản trên có thể được chia làm mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần? (1,0 điểm)
Câu 4. Phân tích sức thuyết phục của nghệ thuật lập luận được thể hiện ở văn bản trên? (1,0 điểm)
Câu 5. Văn bản trên giúp anh/ chị rút ra được bài học gì cho cuộc sống của bản thân? Lí giải? (1,0 điểm)
PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự cần thiết phải biết nắm bắt cơ hội trong cuộc sống.
Câu 2. (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích hình tượng người mẹ được thể hiện trong đoạn thơ sau:
Con bị thương, nằm lại một mùa mưa Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ, Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.
[…]
Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.
Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả, Con nói mơ những núi rừng xa lạ Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!
(Trích Mẹ, Bằng Việt23, in trong Tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010)
23 Bằng Việt, tên khai sinh Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông làm thơ từ đầu những năm 60 của thế kỉ XXvà thuộc lớp nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, tràn đầy cảm xúc. Đề tài thơ thường đi vào khai thác những kỉ niệm, những kí ức thời thơ ấu và gợi những ước mơ tuổi trẻ.
ĐÁP ÁN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. | 0,5 | |
2 | Luận đề của văn bản: Thuyết phục tướng sĩ thành Xương Giang ra hàng. | 0,5 | |
3 | Văn bản có thể được chia làm 2 phần:
– Phần 1: Nêu lí lẽ khái quát về một người làm tướng có nhân nghĩa và tri thức. – Phần 2: Phân tích cho tướng giặc thấy sức mạnh của ta và thế yếu của kẻ thù, từ đó khuyên dụ kẻ thù mở thành đầu hàng. |
1,0 | |
4 | Phân tích sức thuyết phục của nghệ thuật lập luận được thể hiện ở văn bản:
– Mở đầu bức thư, Nguyễn Trãi đã đưa ra những lí lẽ khái quát về việc một tướng lĩnh cần biết nhân nghĩa, biết thời thế. Từ đó tác giả khẳng định: quân ta vì biết theo nhân nghĩa, biết thuận thời thế nên đánh đâu thắng đó. Đây chính là cơ sở lí luận để ông triển khai luận điểm tiếp theo. – Ở luận điểm thứ hai: Nguyễn Trãi chỉ cho tướng giặc thấy rõ sức mạnh và sự tất thắng của quân ta nếu đánh thành: + Ta là đạo quân chính nghĩa, thuận theo mệnh trời. + Thế trận của ta mạnh hơn địch rất nhiều: đem sức Thái Sơn đè bẹp quả trứng, sức không chịu được bao lâu; lấy lửa đỏ rực đốt cháy lông gà, thế khó đương được chốc lát. Lấy thuận mà đánh kẻ nghịch, lo gì không phải theo; lấy mạnh mà đánh kẻ yếu, lo gì không đánh được. Nhân đó, Nguyễn Trãi lí giải vì sao ta không đánh thành, đó là vì nhân nghĩa chứ không phải vì sợ giặc: + bởi vì nhân mạng trong thành là hệ trọng nên không nỡ làm cho thương tổn. + khỏi để nhân dân một thành bị chém giết. |
1,0 |
Cùng với việc phân tích lí lẽ cho tướng giặc hiểu, Nguyễn Trãi cũng phân tích cho tướng giặc thấy những lợi ích có được nếu ra hàng:
Bọn các ngươi nếu biết trên xét thời trời, dưới suy việc người thì có thể giữ được vị lộc (vị trí và bổng lộc) đến vô cùng, khỏi để nhân dân một thành bị chém giết; lũ các ngươi được là người trí thức mà ta cũng không mất tiếng là một tướng có nhân nghĩa. Đồng thời, ông cũng đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với bọn giặc nếu chúng không chịu đầu hàng: Nếu mà cứ mê muội không hiểu biết gì, thì đến ngày thành bị hạ, ngọc đá không phân biệt, không phải là ta làm cho bạo ngược bừa bãi, mà là tự lũ các người làm ra tội nghiệt đó thôi. Đó thực là lúc còn mất nguy cấp đấy, nên tính cho kĩ, chớ để hối về sau. ð Lời lẽ trong bức thư rất kín kẽ, lí lẽ khó bề bác bỏ; giọng điệu lúc nhẹ nhàng, lúc mạnh mẽ, cứng rắn. |
|||
5 | Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là có lí giải thuyết phục. Tham khảo: – Bài học: cần biết sống nhân nghĩa. – Lí giải: sống nhân nghĩa giúp con người không làm tổn hại đến người khác, được trời người đồng lòng giúp đỡ, có được cuộc sống thanh thản, hạnh phúc. |
1,0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự cần thiết phải biết nắm bắt cơ hội trong cuộc sống. | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Suy nghĩ về sự cần thiết phải biết nắm bắt cơ hội trong cuộc sống. |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
Sau đây là một số gợi ý: – Cơ hội có khi chỉ đến một lần trong đời, và một khi đã trôi qua, có thể ta sẽ bỏ lỡ nó mãi mãi. – Bởi vậy, việc biết nắm bắt cơ hội là rất quan trọng, giúp mở ra những con đường mới, giúp ta rút ngắn thời gian nỗ lực, giúp ta sớm đạt được mục đích của mình. – Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, chúng ta cần luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng, cần dũng cảm, chủ động khi thời cơ đến. |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0,5 | ||
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 |
2 | Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích hình tượng người mẹ được thể hiện trong đoạn thơ. | 4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài:
Nghị luận văn học. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: | 0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
– Xác định được các ý chính của bài viết – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: 1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận: – Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Bằng Việt thuộc lớp nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, tràn đầy cảm xúc. Đề tài thơ thường đi vào khai thác những kỉ niệm, những kí ức thời thơ ấu và gợi những ước mơ tuổi trẻ. Mẹ là bài thơ được Bằng Việt viết trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông. Đoạn thơ ở đề bài được trích ra từ bài thơ này. – Nêu vấn đề nghị luận: Cảm nhận về hình tượng người mẹ trong đoạn thơ. 2. Triển khai vấn đề nghị luận: Hình tượng người mẹ được nhà thơ tái hiện qua dòng hồi ức ngọt ngào, da diết. Đó là kỉ niệm về một mùa mưa, tác giả bị thương phải nằm lại trong ngôi nhà của một người mẹ miền Nam. – Cái đầu tiên hiện lên trong kí ức nhà thơ chính là hình dáng người mẹ: hình dáng ân cần mà lặng lẽ. Nó cho ta thấy được sự lo lắng, tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con xa lạ: vì yêu thương, lo lắng cho người con chiến sĩ, mẹ đã luôn bên cạnh để chăm lo, lại sợ đứa con giật mình tỉnh giấc nên mẹ luôn lặng lẽ, bước chân cũng nhẹ nhàng. – Người mẹ còn tận tình lo cho người chiến sĩ từng bữa ăn. Sự quan tâm của mẹ thật kịp thời, và luôn luôn làm sao để cho người con cảm thấy hài lòng nhất: Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào/ Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế. Mọi thức ăn của nhà quê mà mẹ có, người mẹ đều dành cho đứa con xa lạ: khoai nướng, ngô bung. Người chiến sĩ cảm thấy thật ngọt lòng, cái ngọt đó vừa là của vị giác, cũng là cái ngọt ngào mà người con cảm nhận được từ tấm lòng yêu thương của người mẹ miền Nam. Chính tình thương của mẹ đã làm cho căn nhà ấm áp, tình mẹ như bếp lửa, như ngọn khói sưởi ấm căn nhà, sưởi ấm lòng người con mỗi sớm mai. – Dù người mẹ và người chiến sĩ mới chỉ gặp gỡ lần đầu, nhưng người mẹ đã chăm sóc người chiến sĩ như người con ruột thịt của mình. Mẹ cũng có ba người con đi chiến đấu phương xa, nên đối với mẹ, mọi người chiến sĩ đều là những đứa con ruột rà của mẹ: Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả. Chính tình yêu thương ấy đã làm cho người con cảm thấy như đang ở nhà của mình. Tình thương của mẹ đã làm cho đất lạ hóa thành quê hương. – Bài thơ là một hồi ức ngọt ngào và da diết về tình quân dân, về tình cảm của những người mẹ miền Nam dành cho người chiến sĩ trong công cuộc vệ quốc vĩ đại. |
1,0 |
3. Đánh giá khái quát vấn đề ở đề bài. | |||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1,5 | ||
đ. Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn
bản. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 |