Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 11

ĐỀ MINH HỌA

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

                                                  Trăng hè

Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa,

Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ.

Bóng cây lơi lả bên hàng dậu,

Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ.

 

Ông lão nằm chơi ở giữa sân,

Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân.

Thằng cu đứng vịn bên thành chõng,

Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân.

 

Bên giếng, dăm cô gái xứ quê,

Từng đàn vui vẻ rủ nhau về,

Trên vai trĩu nặng đôi thùng nước,

Kĩu kịt đi vào lối cổng tre.

 

Trong xóm giờ lâu quá nửa đêm,

Tiếng chày giã gạo đã ngừng im.

Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi,

Đom đóm bay qua dải nước đen.

 

Tiếng ốc trên chòi rúc thiết tha,

Gió lay cót két rặng tre già.

Sao trời từng chiếc rơi thành lệ,

Sương khói bên đồng ủ bóng mơ.

(Đoàn Văn Cừ, Trăng hè, theo Thi nhân Việt Nam,

NXB Văn học, 2006, tr. 175)

 

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định chủ thể trữ tình của văn bản trên.

Câu 2. Những khung cảnh nào được miêu tả trong bài thơ.

Câu 3. Nêu tác dụng của các từ láy: kẽo kẹt, kĩu kịt, cót két được sử dụng trong bài thơ.

Câu 4. Anh/Chị có nhận xét gì về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên?

Câu 5. Hiện thực nào trong cuộc sống của người dân quê khi xưa được gợi ra từ văn bản trên để lại ấn tượng đậm nét nhất trong anh/chị? Vì sao?

  1. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ hiệu quả nghệ thuật lập luận trong đoạn trích sau:

Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hy vọng giải phóng giống nòi

                                                            (Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức)

Câu 2. (4,0 điểm)

Cuộc sống luôn tồn tại những khoảnh khắc mà khi đó con người có thể cháy hết mình với đam mê hoặc buông xuôi bất lực trước số phận.

Anh/ chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc

===HẾT===

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Giám thị không giải thích gì thêm.

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Chủ thể trữ tình: chủ thể ẩn (tác giả)

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Những khung cảnh được miêu tả trong bài thơ:

– Khung cảnh ngôi nhà dưới đêm trăng hè (khổ 1, khổ 2)

– Khung cảnh các cô thôn nữ vui vẻ gánh nước về (khổ 3)

– Khung cảnh thiên nhiên tịch mịch, vắng lặng khi xóm làng chìm vào giấc ngủ đêm khuya (khổ 4)

– Khung cảnh bình minh lên, mọi người trở dậy chuẩn bị cho ngày lao động mới. (khổ 5)

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án, diễn đạt còn sơ sài: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Hiệu quả của các từ láy:

– Các từ láy lần lượt diễn tả âm thanh của tiếng võng đưa, tiếng đòn gánh và rặng tre già. Ba âm thanh ở ba nơi và vào ba thời điểm khác nhau.

– Khắc họa cụ thể, chân thực và sống động khung cảnh làng quê, gợi lên nhịp điệu thanh bình của đêm quê vừa thân quen vừa sâu lắng, vừa da diết, khắc khoải.

– Tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt của nhà thơ.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1.0
4 – Vẻ đẹp tâm hồn:

 Rung cảm tinh tế với cảnh quê, tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với nếp sống, nếp nghĩ của nguời dân quê.

– Nhận xét: Đây là vẻ đẹp của một tâm hồn người viết nặng lòng hồi cố nhớ quê. Tình yêu đối với nét quê, hồn quê cũng chính là tình yêu quê hương, đất nước.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
5 Học sinh có thể tùy chọn theo cảm nhận riêng và có sự lý giải phù hợp. Sau đây là một vài gợi ý:

+ Nếp sinh hoạt quen thuộc của con người vào những đêm trăng hè: nằm chõng tre đặt giữa sân nhà để ngắm trăng, hóng mát; gánh nước đêm…

+ Cuộc sống lao động của người dân quê

……..

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án nhưng chưa rõ ràng, thuyết phục: 0,5 – 0,75

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hiệu quả nghệ thuật lập luận trong đoạn trích văn bản Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ: Câu đầu nêu luận điểm khái quát, hai câu sau nêu hai thái cực khác nhau – tôn trọng và bảo vệ tiếng nói dân tộc là góp phần giải phóng dân tộc, còn khinh miệt và vứt bỏ tiếng nói dân tộc thì cũng khước từ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

– Giàu cảm xúc, truyền cảm khi coi trọng tiếng nói dân tộc, coi việc tự hào về tiếng nói dân tộc, làm cho nó phong phú chính là việc quan trọng nhất giúp giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị.

1.0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: Hiệu quả của nghệ thuật lập luận trong đoạn trích văn bản Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
2 2 Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị với chủ đề: Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

Giải thích:

+ Sống: không phải là sự tồn tại về mặt sinh học mà là sự tồn tại có ý nghĩa; trọn vẹn: đầy đủ, không thiếu mặt nào; khoảnh khắc: khoảng thời gian rất ngắn ngủi, một đi không trở lại.

+ Ý nghĩa: nhấn mạnh giá trị quý báu của từng khoảnh khắc một đi không trở lại trong cuộc đời mỗi người, từ đó khuyên mỗi người không ngừng nỗ lực, cố gắng không ngừng trong từng phút giây để mang lại những điều ý nghĩa cho cuộc sống.

Bàn luận:

+ Mỗi khoảnh khắc trôi qua là một sự trải nghiệm vô giá, để lại dấu ấn quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Nhờ nó, con người có thể làm được những việc không chỉ có ích cho bản thân mà còn có thể tạo ra bước ngoặt có giá trị, ý nghĩa lớn lao cho cả cộng đồng. Cuộc đời mỗi người được tạo nên từ nhiều khoảnh khắc. Không sống trọn vẹn từng khoảnh khắc sẽ khó có thể sống trọn vẹn hết một cuộc đời.

+ Mỗi khoảnh khắc mất đi, đồng nghĩa với sự tàn phai, mất mát đang dần hiện hữu, xâm chiếm đời sống. Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc để làm việc, tận hưởng và tận hiến niềm hạnh phúc là cách sống có ý nghĩa nhất để chống lại sự tàn phai, mất mát đó.

+ Cần phân biệt sống trọn vẹn từng khoảnh khắc với lối sống vội, sống gấp, sống thực dụng, phê phán những người sống lãng phí thời gian, không biết trân quý những khoảnh khắc trong cuộc đời mình.

+ Bài học nhận thức và hành động: nhận ra quy luật và giá trị của thời gian để sống trọn vẹn từng khoảnh khắc có ý nghĩa; quản lí thời gian để làm chủ cuộc sống; sáng tạo ra cái Đẹp trong dòng thời gian miên viễn.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

 

 

 

 

 

 

2.5

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5
Tổng điểm 10,0

 

===HẾT===

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *