Đề đọc hiểu + viết bài văn nghị luận phân tích truyện thần thoại Ngu Công dời núi

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận.

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

NGU CÔNG DỜI NÚI

Ở núi Bắc Sơn, có một ông già tên là Ngu Công, đã chín mươi tuổi. Nhà của Ngu Công ở đối diện với hai ngọn núi là núi Thái Hàng và núi Vương Ốc. Hai ngọn núi này chu vi bảy trăm dặm, cao tới vạn nhẫn, khiến cho việc đi lại, ra vào ngôi nhà của Ngu Công rất bất tiện. Mỗi lần đi lại đều phải theo đường vòng dưới chân núi.

     Một hôm, Ngu Công họp tất cả người nhà lại nói: “Hai quả núi kia thực đáng ghét, cản trở việc đi lại, ra vào của chúng ta. Vậy, hãy đào hai quả núi ấy mà mang đi chỗ khác, mở đường thông tới phía nam Dự Châu, tới bắc sông Hán Thuỷ, có được không?”. Con cháu Ngu Công đều nghe lời, chung sức làm theo. Riêng vợ Ngu Công thì không tin tưởng, nói với Ngu Công rằng: “Ông ơi, tính toán lại đi đã, đến quả đồi nhỏ như cái gò Khôi Phụ ông cũng không di chuyển đi chỗ khác được, nữa là di chuyển hai quả núi Thái Hàng và Vương Ốc to lớn như thế kia. Mà nếu ông có đào được núi đi nữa, thì đất đá của hai quả núi chuyển đi đâu được?”. Các con cháu của Ngu Công đồng thanh nói: “Đem gánh đến bờ biển Bột Hải, phía bắc Ấn Thổ ấy mà chất đống ở đấy không được hay sao?”.

     Thế là mọi người đồng lòng nhất trí bắt tay vào công việc đào núi. Họ đào núi, gánh đất đá đổ thành đống lớn bên bờ biển Bột Hải. Người quả phụ họ Kinh Thành có một người con chừng bảy, tám tuổi cũng chạy lại đào bới giúp Ngu Công. Họ làm việc từ mùa đông tới mùa hạ mới về nhà một lần.

     Ở bên sông Hà Khúc có ông Trí Tẩu thấy họ làm việc cực nhọc như vậy thì cười trong bụng và đến bảo với Ngu Công rằng: “Này ông ơi, đừng có hăng tiết vịt như thế, đã chín mươi tuổi rồi, sắp đến lúc chết rồi, làm sao ông còn đủ thời gian để chuyển dời hai quả núi to như thế kia! Thôi bỏ đi, đừng làm cái việc ngu ngốc ấy nữa!”. Ngu Công bèn trả lời Trí Tẩu: “Tư tưởng của ông thật là ngoan cố, không bằng người qủa phụ và đứa nhỏ kia. Ông đừng nhiều lời! Sao ông không nghĩ rằng nếu tôi chết đi thì còn các con tôi làm, các con tôi chết đi thì còn các cháu tôi làm. Các cháu tôi rồi cũng đẻ con. Nếu chúng chưa làm xong việc di chuyển hai quả núi kia thì các con của chúng sẽ làm tiếp. Đời đời nối tiếp. Con cái, cháu chắt, chút chít…của tôi kế tiếp nhau đào núi và vận chuyển đất đá đến bờ biển Bột Hải. Hai qủa núi thì vẫn là hai quả núi, số lượng đất đá thì không tăng thêm. Còn dòng dõi của tôi thì cứ sinh sôi mãi mãi, sớm muộn thì sẽ đến lúc công việc dời núi phải được làm xong”. Trí Tẩu không biết phản bác lại như thế nào.

     Không ngờ, câu chuyện của Trí Tẩu và Ngu Công nói với nhau lại bị thần núi nghe thấy. Vị thần này sợ Ngu Công và con cháu của ông ta dời hai quả núi Thái Hàng và Vương Ốc đo chỗ khác, bèn vội tâu lên Thiên Đế. Cảm kích ý chí kiên cường của Ngu Công, Thiên Đế sai hai con trai thuộc dòng dõi bộ tộc Khoa Nga cõng hai qủa núi ấy trên lưng mang đi, một đặt ở Sóc Đông, một đặt ở Ung Nam. Hai quả núi to lớn trước kia liền một dải, từ đó bị đặt ra hai nơi rất xa nhau.

     Từ đó, trước cổng nhà Ngu Công là một vùng đất bằng phẳng, đi lại rất thuận tiện, từ mặt nam Kí Châu tới mặt bắc sông Hán Thủy không còn bị núi lớn ngăn trở nữa.

(Thần thoại Trung Hoa, Dương Tuấn Anh tuyển chọn, NXB Giáo dục Việt Nam, H, 2009, tr.95,96,97).

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?

  1. Biểu cảm.
  2. Miêu tả.
  3. Tự sự.
  4. Thuyết minh.

Câu 2: Văn bản trên thuộc thể loại thần thoại nào?

  1. Thần thoại suy nguyên.
  2. Thần thoại sáng tạo.
  3. Cả 2 đáp án trên đều đúng.
  4. Cả 2 đáp án trên đều sai.

Câu 3: Nhân vật chính trong văn bản trên là ai?

  1. Ngu Công.
  2. Trí Tẩu.
  3. Thái Hàng.
  4. Vương Ốc.

Câu 4: Vì sao Ngu Công lại muốn dời núi Thái Hàng và Vương Ốc đi?

  1. Vì hai ngọn núi này liền một dải.
  2. Vì hai ngọn núi này nằm chắn trước nhà của Ngu Công.
  3. Vì cần có đất đá của hai ngọn núi này mới lấp được biển Bột Hải.
  4. Vì vùng Sóc Đông và Ung Nam không có núi nên Ngu Công muốn đem hai núi Thái Hàng và Vương Ốc đến đây.

Câu 5: Lời can ngăn của vợ Ngu Công và Trí Tẩu cho thấy có những điều bất khả thi nào trong công việc dời núi của Ngu Công?

  1. Hai ngọn núi to lớn vô cùng, khó có thể di chuyển được.
  2. Ngu Công tuổi đã cao, không còn nhiều thời gian để thực hiện công việc dời núi.
  3. Đất đá của hai ngọn núi rất nhiều, không biết đổ đi đâu cho xuể.
  4. Cả 3 đáp án trên đều đúng.

Câu 6: Câu trả lời của Ngu Công trước Trí Tẩu cho thấy công việc dời núi hoàn toàn khả thi dựa trên yếu tố nào là chính?

  1. Sự đông đảo của con cháu dòng dõi Ngu Công.
  2. Sự giúp đỡ của mọi người.
  3. Ý chí quyết tâm của Ngu Công và con cháu.
  4. Sự trợ giúp của Thiên Đế.

Câu 7: Theo anh/chị, văn bản trên nhằm lý giải hiện tượng tự nhiên nào?

  1. Sự xuất hiện của núi Thái Hàng và Vương Ốc ở đất Kí Châu và Hán Thuỷ.
  2. Sự biến mất của núi Thái Hàng và Vương Ốc ở đất Kí Châu và Hán Thuỷ.
  3. Sự xuất hiện của núi Thái Hàng và Vương Ốc ở đất Sóc Đông và Ung Nam.
  4. Sự biến mất của núi Thái Hàng và Vương Ốc ở đất Sóc Đông và Ung Nam.

Câu 8: Theo anh/chị, có thể bỏ chi tiết: “Người quả phụ họ Kinh Thành có một người con chừng bảy, tám tuổi cũng chạy lại đào bới giúp Ngu Công” được không? Vì sao?

Câu 9: Sự xuất hiện và trợ giúp Ngu Công của Thiên Đế trong phần cuối truyện có vai trò như thế nào trong văn bản? Chi tiết này có tương tự về mặt ý nghĩa với chi tiết ông Trời mách kế giúp Đăm Săn chiến thắng Mtao-Mxây trong đoạn trích “Chiến thắng Mtao-Mxây” (trích Sử thi Đăm Săn) không?

Câu 10: Từ câu nói của Ngu Công: “Hai quả núi thì vẫn là hai quả núi, số lượng đất đá thì không tăng thêm. Còn dòng dõi của tôi thì cứ sinh sôi mãi mãi, sớm muộn thì sẽ đến lúc công việc dời núi phải được làm xong”, anh/chị có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa sức mạnh con người và sức mạnh thiên nhiên? Viết đoạn văn ngắn (từ 6-8 câu) trình bày suy nghĩ của mình?

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 2: Vì sao Ngu Công lại muốn dời núi Thái Hàng và Vương Ốc đi?

Câu 3: Lời can ngăn của vợ Ngu Công và Trí Tẩu cho thấy có những điều bất khả thi nào trong công việc dời núi của Ngu Công? Thái độ của Vương Công trước những lời can ngăn ấy là gì?

Câu 4: Anh/chị rút ra được bài học gì từ câu chuyện Ngu Công dời núi?

Câu 5: Có ý kiến cho rằng, thay vì dời núi, Ngu Công có thể dời nhà để tiết kiệm thời gian và công sức. Anh/chị có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Câu 6: Từ câu nói của Ngu Công: “Hai qủa núi thì vẫn là hai quả núi, số lượng đất đá thì không tăng thêm. Còn dòng dõi của tôi thì cứ sinh sôi mãi mãi, sớm muộn thì sẽ đến lúc công việc dời núi phải được làm xong”, anh/chị có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa sức mạnh con người và sức mạnh thiên nhiên? Viết đoạn văn ngắn (từ 6-8 câu) trình bày suy nghĩ của mình?

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhân vật Ngu Công trong văn bản trên?

 

 

ĐÁP ÁN CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

  1. ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đề 1: Trắc nghiệm và tự luận

Câu Nội dunng Điểm
1 C 0,5
2 B 0,5
3 A 0,5
4 B 0,5
5 D 0,5
6 C 0,5
7 C 0,5
8 Không thể bỏ chi tiết: ““Người quả phụ họ Kinh Thành có một người con chừng bảy, tám tuổi cũng chạy lại đào bới giúp Ngu Công” được vì chi tiết này khẳng định tính đúng đắn trong công việc dời núi của Ngu Công cũng như ý nghĩa lớn lao của công việc ấy, bởi thế nó khiến cho từ phụ nữ đến trẻ em (là những người yếu ớt nhất trong xã hội) không tiếc thời gian và công sức của mình để trợ giúp cho Ngu Công.  

 

 

0,5

9 –         Sự xuất hiện và trợ giúp Ngu Công của Thiên Đế trong phần cuối truyện có những vai trò sau:

+ Đây là yếu tố kì ảo, hư cấu để làm tăng thêm tính lôi cuốn, hấp dẫn cho câu chuyện.

+ Đây cũng chính là lời khẳng định đanh thép nhất cho công việc mà Ngu Công cùng con cháu đang thực hiện, là lời ngợi ca ý chí quyết tâm cùng tinh thần bền bỉ của Ngu Công. Chính ý chí ấy đã khiến Thiên Đế cảm phục và giúp đỡ Ngu Công hoàn thành công việc dời núi.

–         Chi tiết này có vai trò tương tự chi tiết chi tiết ông Trời mách kế giúp Đăm Săn chiến thắng Mtao-Mxây trong đoạn trích “Chiến thắng Mtao-Mxây” (trích Sử thi Đăm Săn) khi khẳng định việc làm đúng đắn của nhân vật chính sẽ luôn được thần linh ủng hộ, giúp đỡ; đồng thời tăng thêm vẻ đẹp kì ảo cho thể loại thần thoại, sử thi.

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

10 Học sinh có thể trình bày quan điểm của mình theo nhiều cách, song cần đảm bảo những ý sau:

–         Về dung lượng: từ 6-8 câu.

–         Về kết cấu: đoạn văn có đủ 3 phần: mở đoạn – thân đoạn – kết đoạn.

–         Về nội dung: cần có các ý chính như:

+ Giải thích câu nói của Ngu Công: Sức mạnh của thiên nhiên đúng là rất to lớn nhưng ngàn đời không thay đổi; trong khi đó ý chí của con người muốn chinh phục tự nhiên thì luôn lớn lên theo từng ngày, bởi thế, sớm muộn gì con người cũng sẽ chiến thắng thiên nhiên.

+ Bày tỏ quan điểm cá nhân kèm theo dẫn chứng thuyết phục (đồng tình hay không đồng tình, kèm phân tích, lý giải), ví dụ: đồng tình với quan điểm này của Ngu Công bởi lịch sử phát triển của xã hội loài người về thực chất chính là lịch sử của con đường chinh phục thiên nhiên, từ chỗ luôn sợ hãi trước các biểu hiện của thiên nhiên đến chỗ cải tạo và bắt thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của con người v.v…

+ Rút ra bài học sâu sắc cho bản thân (ví dụ: Sức mạnh thiên nhiên quả thực rất to lớn và luôn tồn tại như một thách thức với con người; nhưng sức mạnh của con người, đặc biệt là sức mạnh ý chí còn lớn hơn sức mạnh của thiên nhiên. Đây chính là lý do con người đã tồn tại và phát triển bất chấp mọi khắc nghiệt mà thiên nhiên đem đến).

1,0

Đề 2: Tự luận

Câu Nội dung Điểm
1 Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: Tự sự. 0,5
2 Ngu Công muốn dời núi Thái Hàng và Vương Ốc đi vì hai ngọn núi này nằm chắn trước nhà của Ngu Công, khiến cho việc đi lại, ra vào ngôi nhà của Ngu Công rất bất tiện. Mỗi lần đi lại đều phải theo đường vòng dưới chân núi. 0,5
3 Lời can ngăn của vợ Ngu Công và Trí Tẩu cho thấy có ba điều bất khả thi nào trong công việc dời núi của Ngu Công:

–         Hai ngọn núi to lớn vô cùng, khó có thể di chuyển được.

–         Đất đá của hai ngọn núi rất nhiều, không biết đổ đi đâu cho xuể.

–         Ngu Công tuổi đã cao, không còn nhiều thời gian để thực hiện công việc dời núi.

Trước những lời can ngăn này, Ngu Công đều không lung lay ý muốn của mình, thậm chí Ngu Công còn dễ dàng tìm ra cách giải quyết những điều bất khả thi nói trên, đó là:

–         Cùng hợp sức con cháu trong toàn gia đình để dời núi.

–         Đem gánh đất đá của hai ngọn núi đến bờ biển Bột Hải, phía bắc Ấn Thổ mà chất đống lên.

–         Con cái, cháu chắt, chút chít…của Ngu Công sẽ kế tiếp nhau đào núi và vận chuyển đất đá đến bờ biển Bột Hải cho đến khi nào hoàn thành công việc dời núi mới thôi.

0,5

 

 

 

 

 

 

 

0,5

4 Học sinh có thể rút ra nhiều bài học khác nhau, miễn có liên quan đến câu chuyện và mang tính giáo dục, ví dụ:

–         Cần có ý chí kiên định vào lựa chọn của bản thân.

–         Cần bền bỉ, kiên trì và giàu ý chí trong lao động.

–         Cần biết tập hợp sức mạnh của những người cùng chung lý tưởng để hoàn thành công việc lớn lao mà mình đang theo đuổi.

–         ……

1,0
5 Học sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến được đưa ra, miễn có kiến giải hợp lý, ví dụ:

–         Đồng tình vì đó là cách giải quyết đơn giản nhất, rất linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh.

–         Không đồng tình vì nếu dễ dàng thay đổi bản thân trước những khó khăn mà ngoại cảnh mang lại thì chúng ta sẽ luôn lệ thuộc vào thế giới khách quan và không bao giờ đạt được mục tiêu như mình mong muốn.

1,5
6 Học sinh có thể trình bày quan điểm của mình theo nhiều cách, song cần đảm bảo những ý sau:

–         Về dung lượng: từ 6-8 câu.

–         Về kết cấu: đoạn văn có đủ 3 phần: mở đoạn – thân đoạn – kết đoạn.

–         Về nội dung: cần có các ý chính như:

+ Giải thích câu nói của Ngu Công: Sức mạnh của thiên nhiên đúng là rất to lớn nhưng ngàn đời không thay đổi; trong khi đó ý chí của con người muốn chinh phục tự nhiên thì luôn lớn lên theo từng ngày, bởi thế, sớm muộn gì con người cũng sẽ chiến thắng thiên nhiên.

+ Bày tỏ quan điểm cá nhân kèm theo dẫn chứng thuyết phục (đồng tình hay không đồng tình, kèm phân tích, lý giải), ví dụ: đồng tình với quan điểm này của Ngu Công bởi lịch sử phát triển của xã hội loài người về thực chất chính là lịch sử của con đường chinh phục thiên nhiên, từ chỗ luôn sợ hãi trước các biểu hiện của thiên nhiên đến chỗ cải tạo và bắt thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của con người v.v…

+ Rút ra bài học sâu sắc cho bản thân (ví dụ: Sức mạnh thiên nhiên quả thực rất to lớn và luôn tồn tại như một thách thức với con người; nhưng sức mạnh của con người, đặc biệt là sức mạnh ý chí còn lớn hơn sức mạnh của thiên nhiên. Đây chính là lý do con người đã tồn tại và phát triển bất chấp mọi khắc nghiệt mà thiên nhiên đem đến.

1,5
  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, song cần đảm bảo hệ thống luận điểm dưới đây:

  1. Mở bài: Giới thiệu nhân vật và vấn đề cần phân tích: Nhân vật Ngu Công cùng kì tích dời núi.
  2. Thân bài:

* Phân tích bối cảnh, các sự kiện chính:

– Bối cảnh: Do hai ngọn núi Thái Hàng và Vương Ốc nằm chắn trước nhà của Ngu Công, khiến cho việc đi lại, ra vào ngôi nhà của Ngu Công rất bất tiện, mỗi lần đi lại đều phải theo đường vòng dưới chân núi nên Ngu Công đã quyết định dời hai ngọn núi này đi.

– Các sự kiện chính:

+ Ngu Công muốn dời núi Thái Hàng và Vương Ốc nên đã tập hợp con cháu cùng mình làm việc, bất chấp người vợ của mình can ngăn.

+ Trong quá trình dời núi, Ngu Công đã nhận được sự giúp đỡ của một người quả phụ và đứa con bảy, tám tuổi của người đàn bà này.

+ Cũng trong quá trình dời núi, Ngu Công đã bị Trí Tẩu cười chê và khuyên Ngu Công nên từ bỏ; nhưng Ngu Công đã dùng lí lẽ sắc sảo của mình khiến Trí Tẩu không phản bác được nữa.

+ Câu chuyện Ngu Công và Trí Tẩu thông qua thần núi đã được Thiên Đế biết tới. Cảm phục trước ý chí của Ngu Công, Thiên Đế đã sai hai người thuộc dòng dõi Khoa Nga cõng núi Thái Hàng và Vương Ốc đi nơi khác.

+ Cuối cùng, phần đất phía trước nhà Ngu Công đã bằng phẳng đúng như mong muốn của ông.

* Phân tích về tính cách, phẩm chất của nhân vật.

– Có ý định táo bạo và lớn lao.

– Có ý chí kiên định, không gì lung lay được.

– Có tinh thần làm việc bền bỉ, quyết tâm cao độ.

– Có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh ý chí của con người sẽ chiến thắng sức mạnh vĩ đại của tự nhiên.

* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật

– Đặt nhân vật vào một tình huống oái oăm và một quyết định khác thường để nhân vật bộc lộ cho hết những phẩm chất của mình.

– Để nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ qua lời nói trực tiếp, từ đó cho thấy tầm tư tưởng sâu sắc và lớn lao của nhân vật.

– Sử dụng chi tiết kì ảo, hư cấu cuối truyện để khẳng định và đề cao nhân vật.

* Cảm nhận, suy ngẫm của bản thân về nhân vật

– Ngưỡng mộ việc làm kì tích của Ngu Công.

– Cần phải học hỏi những phẩm chất cao đẹp của Ngu Công.

  1. Kết bài:

– Khái quát thành công của tác giả qua việc xây dựng nhân vật.

– Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

BÀI VIẾT THAM KHẢO

Kho tàng thần thoại Trung Hoa có rất nhiều câu chuyện li kì, mang ý nghĩa sâu sắc với nhiều bài học nhân sinh để lại cho hậu thế muôn đời, một trong số đó phải kể tới chuyện “Ngu Công dời núi”. Xuất phát từ chỗ hai ngọn núi Thái Hàng và Vương Ốc nằm chắn trước nhà của Ngu Công, khiến cho việc đi lại, ra vào ngôi nhà của Ngu Công rất bất tiện, mỗi lần đi lại đều phải theo đường vòng dưới chân núi nên Ngu Công đã quyết định dời hai ngọn núi này đi. Để làm được công việc lớn lao này, Ngu Công đã tập hợp con cháu cùng mình làm việc, bất chấp người vợ của mình can ngăn. Quá trình dời núi của Ngu Công vừa nhận được sự giúp đỡ của một người quả phụ và đứa con bảy, tám tuổi của người đàn bà này nhưng cũng vấp phải không ít sự chê cười, đàm tiếu, đặc biệt là sự can ngăn của Trí Tẩu khi cho rằng Ngu Công: “Đã chín mươi tuổi rồi, sắp đến lúc chết rồi, làm sao ông còn đủ thời gian để chuyển dời hai quả núi to như thế kia”. Đáp lại lời Trí Tẩu, Ngu Công khẳng định đanh thép rằng: “Con cái, cháu chắt, chút chít…của tôi kế tiếp nhau đào núi và vận chuyển đất đá đến bờ biển Bột Hải. Hai quả núi thì vẫn là hai quả núi, số lượng đất đá thì không tăng thêm. Còn dòng dõi của tôi thì cứ sinh sôi mãi mãi, sớm muộn thì sẽ đến lúc công việc dời núi phải được làm xong”. Chính tinh thần sắt đá, không gì lay chuyển được của Ngu Công trong việc dời núi đã khiến Thiên Đế cảm động, sai người cõng núi đi giúp Ngu Công. Câu chuyện khép lại bằng cảnh tượng cả một vùng bằng phẳng trải ra trước cửa nhà Ngu Công, như lời khẳng định đanh thép cho ý chí kiên định, không khó khăn nào lung lay được của Ngu Công cũng như tinh thần làm việc bền bỉ, quyết tâm cao độ của cả một tập thể người tin vào Ngu Công. Với việc đặt nhân vật vào một tình huống oái oăm và một quyết định khác thường để nhân vật bộc lộ cho hết những phẩm chất của mình; với việc để Ngu Công tự bộc lộ suy nghĩ qua lời nói trực tiếp, từ đó cho thấy tầm tư tưởng sâu sắc và lớn lao của nhân vật; đặc biệt sự xuất hiện của các chi tiết kì ảo, hư cấu cuối truyện đã trở thành lời ngợi ca ý chí quyết tâm cùng tinh thần bền bỉ của Ngu Công cũng như niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh ý chí của con người sẽ chiến thắng sức mạnh vĩ đại của tự nhiên trong con người thời cổ đại. Câu chuyện cùng tấm gương của Ngu Công vì thế sẽ mãi mãi là một điển tích nhắc nhở hậu thế hãy luôn mang trong mình những ý định táo bạo và lớn lao; hãy bền bỉ theo đuổi ước mơ của bản thân dẫu xung quanh nhiều người cho rằng ước mơ ấy thật điên rồ và không thể thành hiện thực; hãy luôn tin rằng khó khăn trong đời giống như “số lượng đất đá thì không tăng thêm” còn sức mạnh ý chỉ của con người lại giống như: “dòng dõi của tôi thì cứ sinh sôi mãi mãi, sớm muộn thì sẽ đến lúc công việc dời núi phải được làm xong”!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *