Đề đọc hiểu truyện ngắn Chị em họ – Phan Thị Vàng Anh

ĐỌC HIỂU:

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Chị em họ – Phan Thị Vàng Anh

Cả họ xem Hà như một tấm gương sáng. Hà sạch sẽ, vô cùng lễ phép, năm nào cũng đi thi học sinh giỏi văn. Thuỳ – một chị họ của Hà – nhận xét: “Thi giỏi văn có gì là hay?”. Dù thế ba mẹ Thuỳ vẫn quyết định đổi trường cho nó. Thuỳ mắt ngấn nước cãi: “Con không thích học chung với họ hàng! Con học ở đây quen rồi, ở đây có bạn nhiều!”. Hai người lớn nghiêm nghị bảo: “ở đâu cũng sẽ có bạn thôi!” và mọi chuyện coi như được khoá lại.

Trong nhà, Thuỳ không có bạn, nói đúng ra, không ai rảnh mà làm bạn với Thuỳ. Chỉ có ngoại, nhưng ngoại lại ở xa. Ngoại nói: “Nó như con bụi đời con!”. Ngày đầu từ trường mới về, Thuỳ đạp xe ngay đến nhà ngoại. Trên đường đất, mưa tuôn nhẹ nhàng, đều đều, tưởng như không bao giờ tạnh nổi. Thuỳ nằm dài trên phản gỗ, bảo: “Con Hà chán lắm ngoại ơi!”. Ngoại cười: “Đúng rồi!… nó ngoan nhưng cứ rù rì, buồn lắm… Thế hai chị em có đi với nhau không?”.

Thuỳ cau có, dài giọng: “Không!… ra chơi, nó đứng tựa lan can vài giây rồi vào lớp ngồi tiếp. Con hỏi: “Đi chơi không?”. Nó bảo ở dưới sân đông, mệt lắm. Thế là con phải ngồi lại vì con có quen ai đâu!”. Thuỳ nhìn mưa len lỏi qua những tàn dừa, buồn rầu. Nó nhớ lớp xưa, trường xưa, nhớ đám bạn lắm mồm, nói suốt 5 tiết vẫn không hết chuyện. Ngoại bảo: “Con mệt thì ngủ đi!” rồi an ủi: “Không sao đâu, con Hà hiền, ngoan lắm!”. Thuỳ mơ màng ngủ, nó mơ thấy mình hỏi Hà sỗ sàng: “Có bệnh gì không mà sống lờ đờ như người ốm vậy?”. Hà trả lời ngây ngô: “Không bệnh, nhưng sợ đông người!”. Trong mơ cũng có mưa, và gió ẩm ướt thổi quanh, mát rượi.

Mẹ hỏi: “Sao không rủ em Hà đi học cho vui?”. Thuỳ dắt xe lách qua khe cửa hẹp vanh, trả lời vội vàng: “Thôi, nó đi chậm như rùa, con lại thích đi học sớm!”. Nó tự nhủ: “Dở quá, từ đầu năm tới giờ, chưa khi nào mình là người đầu tiên vào trường cả!”. Luôn luôn có những kẻ đến sớm hơn Thuỳ, hoặc là một cái xe dựng cô độc trong bãi còn vắng tanh, hoặc một anh chàng đứng tựa lan can lớp học nhìn như quét khắp sân trường rộng lớn. Thuỳ tự an ủi: ” Chắc chúng nó gần nhà!” rồi ung dung vào lớp. Trên bảng đen, bài giảng lớp học chiều qua xen lẫn những câu viết đùa chữ to, chằng chịt. Thuỳ cất cặp rồi một mình giở ghế lên sẵn cho tổ trực, nó nghĩ: “Mình thật khoẻ, mình phải làm thật nhanh trước khi có người khác giúp!”. Xong việc, cũng là lúc tổ trực vác chổi vào, cả bọn xúc động, hỏi: “Thùy làm đấy à?”. Hầu như ngày nào cũng thế mà vẫn không hết bất ngờ, chỉ có Hà ái ngại nhìn Thuỳ, nó nói nhỏ: “Chị làm thế làm gì, việc tụi nó mà!”. Thuỳ đáp cụt lủn: “Rảnh thì làm!”, nó muốn nói thêm: “Tao cũng không thích mày, mày trốn quét lớp luôn!”, rồi lại thôi, nghĩ làm thế người ta sẽ cười hai chị em, đành lặng lẽ đi chơi chỗ khác.

Giỗ ông, tất cả đổ về vườn của bà. Thuỳ ngủ lại trước đó một đêm, giết gà, làm vịt. Xong việc, nó lấy xe chạy loăng quăng. Trên những con đường quê sau mưa thơm nồng hoa đêm, vài đứa trẻ con đi dạo dạo, dựa nhau hát vọng cổ ngân nga. Thuỳ nghĩ: “Tụi này vui thật!”. Buổi sáng, các dì, cậu khen: “Thuỳ thật là chăm!”. Mẹ bảo: ” Ui! lười học lắm!”. Thuỳ ngồi rửa rau, kêu to uất ức: “Con lười học hồi nào!”. Mẹ nghiêm mặt, ý bảo: “Hỗn! Không được cãi người lớn!”. Thuỳ im bặt. Nó nghe tiếng Hà nhỏ nhẹ: “Con chào ngoại, con mới tới! Con chào… Em chào… “. Mọi người lại khen với nhau: “Người lớn ghê!”. Hà đứng xa xa, hỏi: “Chị Thùy có cần gì không, em phụ?”. Thùy bảo: “Không! xong hết rồi!”. Hà lên nhà trên các dì chú lại khen Hà giỏi, nghe đâu lại mới đi thi gì đó cho trường. Thuỳ đổ chậu nước, nó nghĩ: “Không ai biết rõ nó bằng mình. Nếu mình kể ra nó ích kỷ, nó không có bạn chơi, mọi người sẽ nói là mình ganh nó giỏi!”. Rồi Thuỳ buồn bã nghĩ, mà sao mình không giỏi nhỉ? Hồi bé thầy vẫn khen mà? Hay tại lớn mình ham chơi? Nãy mẹ nói mình lười chắc cũng đúng… Nước trào ra khỏi chậu, ngoại giục: “Rửa đi Thuỳ! Con nghĩ gì vậy?” – ” Con không nghĩ gì cả!”. Rồi nó thả vào chậu nước đầy những nắm rau xanh ngắt.

Như cả họ đã dự đoán, cuối cùng Hà cũng lên truyền hình. Cả nhà chăm chú ngồi xem cảnh Hà ngồi đọc bài đêm khuya, bên cái đèn con mới tinh. Hà cầm chổi dịu dàng quét lớp.. Đến cảnh Hà giúp mẹ làm cơm, rửa chén… Thuỳ muốn kêu lên: “Ơ, mọi ngày dì Tư có để nó làm gì đâu!”, nhưng kìm được, sợ mọi người lại bảo mình ganh! Nó chỉ hét lên bực tức khi thấy nhỏ Sương đứng cười bẽn lẽn bên Hà, kiểu bạn thân, cùng tiến: “Con này vẫn hay nói xấu con Hà, thế mà cũng vác mặt lên đây được!”. Mẹ bảo: “Còn hơn mày không bao giờ được lên đâu!”.

Thuỳ nghĩ, có cho lên, khéo mình cũng xin thôi. Nếu chị phóng viên hỏi: “Hằng ngày em làm gì?” chẳng lẽ lại tả, em hùng hục đi học sớm để bưng ghế, kéo bàn, em hay đạp xe lăng quăng ngoài đường. Rồi còn bạn thân, biết chọn đứa nào, bỏ đứa nào, cả một lũ lau nhau, ai mà lên ti vi cho hết được, rồi khéo lại giận nhau, lại bảo: ” Mày quên tao” mà từ xưa tới nay, có khi nào Thuỳ quên ai được!.

(Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, NXB Trẻ, 2011)

Lựa chọn đáp án đúng:

u 1. Xác định ngôi kể?

  1. Ngôi thứ nhất Ngôi thứ hai
  2. Ngôi thứ ba Ngôi thứ hai và thứ ba

Câu 2. Xác định điểm nhìn trần thuật?

  1. Nhân vật Thùy
  2. Tác giả
  3. Nhân vật Hà
  4. Hai nhân vật: Thùy và Hà

Câu 3. Sắp xếp trình tự các sự việc?

  • Thùy đến lớp sớm mỗi ngày bê ghế, sắp bàn.
  • Thùy chuyển trường để học chung với Hà.
  • Hà được lên truyền hình.
  • Thùy và Hà về giỗ ông.
  1. 1, 4, 3, 2
  2. 2, 1, 4, 3
  3. 3, 4, 2, 1
  4. 4, 1, 2, 3

Câu 4. “Thuỳ nghĩ, có cho lên, khéo mình cũng xin thôi. Nếu chị phóng viên hỏi: “Hằng ngày em làm gì?” chẳng lẽ lại tả, em hùng hục đi học sớm để bưng ghế, kéo bàn, em hay đạp xe lăng quăng ngoài đường. Rồi còn bạn thân, biết chọn đứa nào, bỏ đứa nào, cả một lũ lau nhau, ai mà lên ti vi cho hết được, rồi khéo lại giận nhau, lại bảo: ” Mày quên tao” mà từ xưa tới nay, có khi nào Thuỳ quên ai được!”

          Trong đoạn văn trên, tác giả sử dụng:

  1. Lời của nhân vật
  2. Lời người kể chuyện
  3. Lời trần thuật trực tiếp
  4. Lời trần thuật nửa trực tiếp

Câu 5. Ý nào sau đây không thể hiện đặc điểm về nghệ thuật của truyện ngắn trên:

  1. Truyện không có cốt truyện
  2. Con người luôn lo âu, tự vấn, tìm kiếm, lí giải mọi tồn tại của mình
  3. Giọng văn lạnh lùng mà sâu sắc, nhẹ nhàng, vui tươi mà dồn dập, gấp gáp
  4. Truyện lồng truyện

Câu 6. Đâu là sự đối lập về tính cách của Thùy và Hà:

  1. Hà ngoan hiền, Thùy nghịch ngợm
  2. Thùy hòa đồng, Hà khép kín
  3. Hà chăm chỉ, Thùy lười biếng
  4. Thùy đố kị, Hà rộng lượng

Câu 7. Đâu là đặc điểm về thời gian và không gian nghệ thuật của truyện ngắn trên:

  1. Thời gian tâm trạng hòa với dòng thời gian sự kiện, không gian sinh hoạt nhỏ bé, đời thường
  2. Thời gian qua nhanh, gắn với khoảng khắc lo âu, vui buồn của con người; không gian nghệ thuật thường hẹp, dồn nén trong một góc nhỏ, một căn phòng
  3. Cả 2 đáp án A và B đều đúng
  4. Cả 2 đáp án A và B đều sai

 

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Xác định các nhân vật trong câu chuyện?

Câu 9. Qua nhân vật Thùy, nhận xét quan niệm về con người của nhà văn.

Câu 10. Thông điệp anh/ chị rút ra từ câu chuyện là?

HƯỚNG DẪN CHẤM

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 C 0,5
2 A 0,5
3 B 0,5
4 D 0,5
5 D 0,5
6 B 0,5
7  C 0,5
8. Các nhân vật trong truyện là: Thùy, mẹ Thùy, bà ngoại, Hà. 0,5
9 –         Thùy là cô gái trẻ luôn sống thật với lòng mình, nhạy cảm, hòa đồng, yêu thương bạn bè, luôn tự vấn bản thân rồi tự tìm câu trả lời cho mình. Thùy có lúc cô đơn, bị tổn thương nhưng rồi tự lấp đầy khoảng trống bằng trái tim chân thật, bằng sự sẻ chia với mọi người.

–         Quan niệm con người: trên hành trình đi tìm hạnh phúc, con người luôn cô đơn, tổn thương, u uất nhưng cuối cùng luôn muốn hòa nhập vào những vui buồn của mọi người.

1,0
10 Trả lời một trong các ý sau:

–         Hãy chia sẻ với mọi người để tìm thấy niềm vui và hạnh phúc từ đó.

–         Dù cuộc sống có ra sao thì hãy luôn mạnh dạn đối diện với nó.

–         Không nên chạy theo những điều đúng sai mà hãy mở rộng tâm hồn, bao dung, đón nhận tất cả và hướng về cái thiện.

1,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *