Đề Đọc hiểu và Nghị luận VH lớp 10 ( sách mới) vở chèo Lưu Bình Dương Lễ

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Tóm tắt vở kịch: Dương Lễ và Lưu Bình là hai người bạn thân từ thuở thiếu thời. Hai người cùng dùi mài kinh sử và cùng đi thi, nhưng chỉ Dương Lễ đỗ đạt. Lưu Bình sinh ra buồn chán. Dương Lễ muốn giúp bạn thi lại, nên đã dùng kế khích tướng, ngoài mặt tỏ ra khinh bỉ Lưu Bình, nhưng bên trong bí mật sai vợ của mình là Châu Long đi theo giúp Lưu Bình để chàng có thời gian và tiền bạc để ôn thi. Năm đó Lưu Bình đỗ làm quan. Dương Lễ cho mời Lưu Bình đến chơi. Trong buổi gặp mặt này, Lưu Bình mới biết Châu Long là vợ của Dương Lễ. Lưu Bình vô cùng cảm động và kính phục trước tấm lòng của hai người dành cho mình.

TIỂU ĐỒNG: Bẩm quan: Có quan tân khoa sang chơi ạ.

DƯƠNG LỄ: Xuất môn tương tiếp

Bái tạ nhân huynh

Xin thỉnh lại tư dinh

Sẽ cùng nhau đàm đạo

(Lưu Bình không trả lời, hai người cùng ngồi)

DƯƠNG LỄ: Tiểu đồng! Quạt nước đây!

TIỂU ĐỒNG: Nào đi quạt nước nào!

[…]

DƯƠNG LỄ: Thưa với quan bác,

Tạm trà tô một chén giải lao

Rồi ta sẽ cùng nhau đàm đạo

(hai người lặng lẽ uống nước)

– Tiểu đồng, bãi trà!

Dạ thưa quan bác

Đường công danh anh em ta đã đành làm vậy

Còn đường thê thiếp quan bác được mấy phòng hầu

Đường tử tức được mấy anh nhiêu cùng chị ả.

LƯU BÌNH: Bác hỏi em, em càng thêm tủi.

Ba năm trước, em sang qua cửa bác

Trở ra về đến quán Nghinh Hương

Gặp một người nhan sắc phi thường

Đem vàng đến giúp công đăng hỏa

Vì nàng ấy nên em mới khá

Ba năm trường tuyết sạch giá trong

Khi em đi thi, nàng còn ngóng trông chừng

Em thi đỗ về, nàng đà ruồng bỏ

Đây có chú tiểu đồng trông rõ

Quán Nghinh Hương, bạch nhật, nàng phi thăng

Vậy cho nên em đau xót khôn lường

Sự như vậy trình anh được rõ.

DƯƠNG LỄ: Tiểu đồng! Cho con vào nhà trong mời cô ba ra chuốc rượu mừng mặt quan tân khoa giải sầu đây.

TIỂU ĐỒNG: Dạ! Mời cô ba ra ông đòi.

CHÂU LONG (hát từ trong)

Đố ai chừa được rượu tăm

Chừa ăn thuốc chín, chừa nằm chung hơi

Có tôi chừa được mà thôi

Chừa ăn thuốc chín, chung hơi cũng chừa.

(nói) Dạ, em có cơi trầu ra mời quan bác.

LƯU BÌNH (sụp lạy) Trăm lạy anh lượng bể khôn dò

Nghìn lạy chị nuôi em khó nhọc

Ba năm ròng em chăm việc học

Nên không biết rằng:

Là vàng của anh, công của chị giúp cho

Khen ai khéo tạc bể hồ

Bao nhiêu cá cả xô về một mạn.

ĐỒNG THANH: Quan Dương Lễ ở hết lòng cùng bạn

Nàng Châu Long dạ sắt gan vàng

Chú Hề đồng tận lực tận tâm

Ba người ấy chép trong pho sử.

TIỂU ĐỒNG: Thôi đừng cho con vào, con dẫm bét pho sử ra mất.

(Trích vở chèo Lưu Bình, Dương Lễ, Hà Văn Cầu sưu tầm và chú thích, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1976, Tr. 137)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Những nhân vật nào sau đây là nhân vật chính trong đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Lưu Bình, Dương Lễ
  2. Lưu Bình, Dương Lễ, Châu Long
  3. Lưu Bình, Dương Lễ, Tiểu Đồng
  4. Dương Lễ, Châu Long

Câu 2. Nhân vật Tiểu Đồng trong đoạn trích thuộc loại nhân vật nào trong chèo? (0,5 điểm)

  1. Nhân vật chính diện
  2. Nhân vật phản diện
  3. Nhân vật hề
  4. Nhân vật quần chúng

Câu 3. Những câu được để trong dấu ngoặc đơn là?

  1. Lời độc thoại của nhân vật
  2. Lời của quần chúng
  3. Lời chỉ dẫn sân khấu
  4. Tiếng đế

Câu 4. Nhận xét nào sau đây nói đúng về đặc điểm hình thức của lời thoại trong đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Lời thoại bao gồm cả lời hát lẫn nói
  2. Lời thoại bao gồm cả lời thoại nhân vật và tiếng đế
  3. Lời thoại có vần điệu như thơ
  4. Cả A và C

Câu 5. Phát biểu nào sau đây nói về đề tài của đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Đề tài đạo đức thế sự
  2. Đề tài Phật giáo
  3. Đề tài hôn nhân
  4. Đề tài tình yêu

Câu 6. Phát biểu nào sau đây nói lên tình huống chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Lưu Bình sang thăm Dương Lễ
  2. Dương Lễ mời Lưu Bình dùng trà
  3. Lưu Bình sụp lạy Dương Lễ
  4. Lưu Bình nhận ra người nuôi mình ăn học chính là vợ Dương Lễ

Câu 7. Phát biểu nào sau đây nói về chủ đề của đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Ca ngợi tình cảm vợ chồng giữa Châu Long và Dương Lễ
  2. Ca ngợi tình nghĩa bạn bè của Dương Lễ đối với Lưu Bình
  3. Ca ngợi tấm lòng trinh tiết của Châu Long
  4. Ca ngợi lòng trung thành của Tiểu Đồng

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Theo bạn, sự kiện nào trong đoạn trích đã làm chuyển hướng câu chuyện? Lí giải? (0,5 điểm)

Câu 9. Thông điệp nào từ đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với bạn? (0,5 điểm)

Câu 10. Từ cách đối xử của Dương Lễ đối với Lưu Bình, bạn rút ra được bài học gì cho bản thân? (1,0 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 A 0.5
2 C 0.5
3 C 0.5
4 D 0.5
5 A 0.5
6 D 0.5
7 B 0.5
8 Sự kiện trong đoạn trích làm chuyển hướng câu chuyện chính là sự xuất hiện của Châu Long. 0.5
9 Học sinh được tự do lựa chọn thông điệp, miễn là có ý nghĩa và liên quan đến nội dung đoạn trích. Tham khảo:

– Phải sống có tình có nghĩa với bạn bè của mình.

– Phải ghi nhớ công ơn người đã từng giúp đỡ mình

1.0
10   1.0
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu đoạn trích: Đoạn trích đã cho ở phần đọc hiểu được trích ra từ một vở chèo vô cùng nổi tiếng, đó là “Lưu Bình Dương Lễ”. Đây là một vở chèo không chỉ có giá trị nhân văn tốt đẹp, mà còn chứa đựng những yếu tố nghệ thuật đặc sắc.

– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích nói trên.

II. THÂN BÀI

1. Tóm tắt đoạn trích: Đoạn trích kể về việc Lưu Bình sau khi đỗ đạt, được Dương Lễ mời qua nhà chơi. Trong buổi găọ gỡ, Lưu Bình đã kể cho Dương Lễ nghe về một người phụ nữ đã có công nuôi mình ăn học, nhưng khi Lưu Bình vinh quy trở về thì người con gái đó đã bỏ đi. Dương Lễ bèn gọi Châu Long, vợ của mình ra chào bạn. Lưu Bình hố hoảng nhận ra Châu Long chính là người mà bấy lâu nay đã đi theo chăm sóc mình. Hiểu ra được tấm lòng cao thượng của Dương Lễ và Châu Long, Lưu Bình đã vô cùng cảm động.

2. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề:

a. Xác định chủ đề: Thông qua cuộc gặp gỡ của Lưu Bình, Dương Lễ và Châu Long, đoạn trích ca ngợi tình nghĩa bạn bè cao đẹp của Dương Lễ dành cho Lưu Bình, sự biết ơn mà Lưu Bình dành cho Dương Lễ. Đó quả là một tình bạn cao quý, hiếm gặp trong đời.

b. Phân tích, đánh giá chủ đề: Chủ đề của đoạn trích mang tính nhân văn sâu sắc:

– Nó cho ta thấy rằng: đã là bạn bè, con người phải biết sống vì nhau, hy sinh cho nhau, cùng giúp nhau trong hoạn nạn để bạn bè của mình có đủ sức mạnh để đứng lên.

– Nó cũng cho ta thấy, giúp đỡ người khác thì không cần công khai, khoe khoang với mọi người. Một sự thành tâm giúp đỡ, đó là một hành động âm thầm, mục đích là để giúp đỡ, chứ không phải để khoe khoang với người khác.

– Đoạn trích cũng nhắc nhở chúng ta rằng: khi được người khác giúp đỡ, chúng ta cần phải ghi lòng tạc dạ công ơn của người đã giúp đỡ mình.

3. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật:

– Nghệ thuật xây dựng tình huống: Đoạn trích đã tạo dựng được một tình hống độc đáo, gay cấn: đó là tình huống Lưu Bình phát hiện ra người phụ nữ bấy lâu nuôi mình ăn học lại chính là Châu Long, người vợ của bạn mình. Tình huống này chứa đựng nhiều ý nghĩa: Nó cho ta thấy được phẩm chất tốt đẹp của các nhân vật; cho thấy được tình nghĩa cao cả mà họ giành cho nhau.

– Lời thoại: Lời thoại của đoạn trích cũng mang đặc trưng của lời thoại chèo: kết hợp giữa hát và nói, có tính vần điệu. Lời thoại đã góp phần miêu tả diễn biến, thể hiện tính cách cũng như vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật.

– Xây dựng nhân vật: Hai nhân vật chính của truyện là Lưu Bình và Dương Lễ. Dương Lễ hiện lên là một con người điềm đạm, hết lòng vì bạn bè. Lưu Bình khi hiểu ra câu chuyện cũng cho thấy chàng là một người bạn tốt, chàng đã vô cùng xúc động trước sự giúp đỡ âm thầm của vợ chồng Dương Lễ. Nhân vật hề đồng xuất hiện góp phần làm tăng tính hài hước cho câu chuyện.

III. KẾT BÀI

– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của đoạn trích: Đoạn trích trên có thể nói là một đoạn trích đặc sắc về mặt nghệ thuật, chứa đựng nhiều giá trị nội dung sâu sắc.

– Nêu ý nghĩa của đoạn trích đối với bản thân và người đọc: Đoạn trích là một bài học quý giá về tình bạn nói riêng và đạo lí ứng xử giữa người với người nói chung, khiến ta soi xét lại bản thân, để từ đó biết sống tốt đẹp hơn.

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *