SỞ GD&ĐT HÀ NỘI KÌ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG
TRƯỜNG THPT QUẢNG OAI
Khóa ngày: 06-4-2019
Môn: Ngữ văn
Họ và tên:…………………………….. Lớp 10 THPT
Số báo danh:……………….. Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
— Đề gồm có 01 trang —
Đề thi
Câu 1. ( 8.0đ )
Suy nghĩ của Anh ( chị) về ý nghĩa xã hội được gợi ra từ câu chuyện sau.
TÀI NGHỆ CON LỪA
Đất Kiềm(1) xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự(2) tải một ít lừa đến đấy nuôi. Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi, đá lại, quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy mừng, bụng bảo dạ rằng: “Tài nghề con lừa ra chỉ có thế mà thôi”. Rồi hổ gầm thét, chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa, đoạn rồi đi.
Liễu Tôn Nguyên
( Theo “Cổ học tinh hoa” NXB Văn học – 2002)
Chú giải
(1) Kiềm: nước Sở thời Chiến Quốc, tức là huyện Nguyên Lăng, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) bây giờ.
(2) Hiếu sự: hay bày việc, sinh việc.
Câu 1. ( 12.0đ )
Bàn về sự nghiệp văn học của đại thi hào Nguyễn Trãi có ý kiến cho rằng: “ Văn chương Nguyễn Trãi hội tụ hai nguồn cảm hứng lớn của văn học dân tộc là yêu nước và nhân đạo.” ( SGK Ngữ văn 10 tập 2 trang 12)
Suy nghĩ của Anh (chị) về ý kiến trên.
…………………………………….Hết.………………………………………………..
SỞ GD&ĐT HÀ NỘI KÌ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG
TRƯỜNG THPT QUẢNG OAI
Khóa ngày: 06-4-2019
Môn: Ngữ văn
Lớp 10 THPT
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM
Câu | Yêu cầu cần đạt | Điểm |
1 | Chia sẻ suy nghĩ từ câu chuyện Tài nghệ con Lừa |
8,0 |
1. Kĩ năng : đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận xã hội, hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt. | 1,0 | |
2. Kiến thức : cần đảm bảo những kiến thức cơ bản sau : | 7,0 | |
a. Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận. | 0,5 | |
b. Tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện – Bài này có ý chê người khờ dại không biết giữ thân cho kín đáo, để đến nỗi người ta dòm được tâm thuật của mình mà làm hại mình, như con lừa bị con hổ hại vậy. => Câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng một bài học nhân sinh sâu sắc. Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa. |
2,0 | |
c. Suy nghĩ về ý nghĩa xã hội của câu chuyện – Phân tích, lí giải: + Vì sao trong cuộc sống phải giữ bản thân mình cho kín đáo? + Vì sao con người khi mới quen nhau thì thường còn nể nang khách sáo, đến khi quen rồi lại tỏ ra suồng sã, khinh khi. – Chứng minh bằng dẫn chứng cụ thể. – Bình luận câu chuyện. |
3,5 | |
d. Bài học – Bài học về nhận thức. – Bài học về hành động |
1,0 | |
2 | Bàn về sự nghiệp văn học của đại thi hào Nguyễn Trãi có ý kiến cho rằng: “ Văn chương Nguyễn Trãi hội tụ hai nguồn cảm hứng lớn của văn học dân tộc là yêu nước và nhân đạo.” ( SGK Ngữ văn 10 tập 2 trang 12) Suy nghĩ của Anh (chị) về ý kiến trên. |
12,0 |
1. Kĩ năng : đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận văn học, có hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt. | 1,0 | |
2. Giải thích phân tích chứng minh bình luận: Cần đảm bảo những kiến thức cơ bản sau | 10,0 | |
*) Giải thích ý kiến: – “Cảm hứng yêu nước ” là tình yêu quê hương, đất nước, yêu cảnh sắc thiên nhiên, xứ sở. Đó là ý chí chống xâm lăng vì khát vọng ấm no, hạnh phúc, được sống trong tự do, độc lập, hòa bình bền vững. Đó là niềm tự hào về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hiến Việt Nam lâu đời, giàu bản sắc. Đó còn là ý thức tự lập, tự cường, xây dựng và bảo vệ đất nước muôn đời giàu đẹp. – “Cảm hứng nhân đạo” là những nguyên tắc về đạo lí làm người, những thái độ đối xử tốt lành trong các mối quan hệ giữa con người với nhau. Là cảm thông sâu sắc với những nỗi khổ của con người.Đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người, những giá trị tốt đẹp của cuộc sống; niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn của những kiếp người nhỏ bé trong xã hội.Lên tiếng tố cáo các thế lực trong xã hội đã chà đạp lên quyền sống của con người; cất tiếng nói bảo vệ và đòi quyền sống xứng đáng cho những kiếp đọa đày đau khổ. *) Phân tích, chứng minh, bình luận về ý kiến. – Cảm hứng yêu nước: Có ý thức tự cường và tự tôn dân tộc, biết ơn những người anh hùng đã hi sinh vì nước, căm thù giặc, có tinh thần quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, yêu quê hương đất nước tha thiết, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương…(dẫn chứng). – Cảm hứng nhân đạo: Sự thấu hiểu cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người dân Việt Nam dưới sự tàn bạo của quân thù. Khao khát trừ bạo để an dân, là vẻ đẹp của người thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, là tiếng nói lên án tố cáo sự tàn bạo của quân thù. Là đề cao những ước mơ khát vọng chân chính của con người, là khát vọng về đất nước thái bình nhân dân được ấm no hạnh phúc…(dẫn chứng). |
|
|
3. Đánh giá khái quát về ý kiến – Đánh giá được ý nghĩa của ý kiến đối với việc tìm hiểu giá trị nội dung trong những sáng tác của nhà thơ Nguyễn Trãi. – Đánh giá được giá trị tư tưởng trong sáng tác, vị trí và những đóng góp của tác giả với nền văn học. |
1,0 |
Lưu ý chung: 1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm ở các phần nội dung lớn nhất thiết cần phải có 2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc 3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo, chấp nhận những bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ chính xác và lý lẽ thuyết phục 4. Không cho điểm cao với những bài chỉ nêu chung chung 5. Cần trừ điểm với những lỗi về hành văn, ngữ pháp, chính tả… |