Đề 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
( Trích Nỗi thương mình, Trang 107, Ngữ văn 10, Tập II,NXBGD, 2006)
1/ Văn bản trên có ý chính gì? Xác định phương thức biểu đạt của văn bản ?
2/ Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật hình thức đối xứng trong văn bản?
3/ Những hình ảnh bướm lả ong lơi, lá gió cành chim, cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm, Tống Ngọc, Trường Khanh sử dụng biện pháp nghệ thuật gì ? Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là gì?
4/ Nhà thơ Nguyễn Du tỏ thái độ như thế nào với xã hội phong kiến qua văn bản trên ?
Trả lời:
1/ Văn bản trên có ý chính : tả cảnh sinh hoạt ở lầu xanh của Tú Bà.
Phương thức biểu đạt của văn bản : miêu tả, tự sự, biểu cảm
2/ -Đối xứng nhỏ nhất: tách 2 từ ghép để tạo thành một cụm từ mới: ong bướm / lả lơi thành bướm lả /ong lơi.
– Đối xứng trong từng câu thơ: Cuộc say đầy tháng / trận cười suốt đêm; Sớm đưa Tống Ngọc / tối tìm Trường Khanh,…
Hiệu quả nghệ thuật: Có tác dụng cụ thể hoá hơn nét nghĩa: bọn khách làng chơi ra vào dập dìu, nhộn nhịp.
3/Những hình ảnh bướm lả ong lơi, lá gió cành chim, cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm, Tống Ngọc, Trường Khanh sử dụng biện pháp nghệ thuật ước lệ quen thuộc trong thơ văn trung đại;
Hiệu quả nghệ thuật: vừa tả cảnh sống thực của Thuý Kiều – làm kĩ nữ ở lầu xanh vừa giữ được chân dung cao đẹp của nhân vật mà Nguyễn Du yêu quý, trân trọng.
4/ Nhà thơ Nguyễn Du tỏ thái độ phê phán, lên án gay gắt cảnh lầu xanh nhơ nhớp trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Đề 2: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Gìơ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
( Trích Nỗi thương mình, Trang 108, Ngữ văn 10, Tập II,NXBGD, 2006)
1/ Nêu ý chính của văn bản trên .
2/ Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật nhịp thơ và phép điệp của câu thơ Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
3/ Xác định biện pháp tu từ ( về từ) trong văn bản và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó ?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ của em về vẻ đẹp tâm hồn của Thuý Kiều qua văn bản.
Trả lời:
1/ Ý chính của văn bản trên: Tâm trạng của Thuý Kiều khi đã trải qua những ngày tháng nhục nhã ê chề ở lầu xanh.
2/ – Câu thơ Giật mình, mình lại thương mình xót xa. có nhịp 2/1/3/2.
Hiệu quả nghệ thuật : Nhịp thơ thay đổi, chậm lại, trở thành khoảng lặng đau đớn về nỗi cô đơn tê tái và sự tự ý thức phẩm giá của nàng Kiều.
-Từ “mình” được lặp lại ba lần trong câu thơ, nó thể hiện nỗi niềm đang tràn ngập tâm trạng của Kiều.
Hiệu quả nghệ thuật :
-Kiều đang đối thoại với chính mình. Hai “mình” trong một con người Kiều đang soi vào nhau. Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, nàng luôn khao khát về một cuộc sống tốt đẹp. Thế mà giờ đây, nàng lại rơi vào một hoàn cảnh cực kì trái ngang, bi đát. Vì thế, đã có biết bao đêm một mình nàng suy nghĩ, một mình nàng trăn trở, một mình nàng xót xa cho thân phận mình sao lại bị đẩy đưa đến nông nỗi này.
-“Giật mình”, chính là sự tự ý thức chua chát về nỗi đau, nỗi nhục nhã, ê chề của thân phận trên cơ sở sự trỗi dậy của nhân phẩm, của bản chất tốt đẹp vốn có trong Kiều. Chỉ có những khoảnh khắc này, Kiều mới được sống thực với con người mình, trở về với bản chất tốt lành, phẩm giá cao quý của mình.
3/Biện pháp tu từ( về từ) trong văn bản :
- So sánh : Gìơ sao tan tác như hoa giữa đường.
- Hoán dụ : Mặt sao ; Thân sao
- Ẩn dụ: Phong gấm rủ là ( hạnh phúc) ;dày gió dạn sương(sự từng trải) ;bướm chán ong chường( thân phận bị ruồng bỏ, rẻ rúng) ; mây Sở mưa Tần( quan hệ thân xác) ; xuân ( tuổi trẻ, hạnh phúc)
Hiệu quả nghệ thuật : Tất cả những biện pháp tu từ đó biến đoạn thơ thành lời độc thoại nôi tâm của nhân vật, trực tiếp diễn tả tâm trạng của nàng Kiều một cách cụ thể và chân thực. Đó là tâm trạng xót thương cho bản thân mình, số phận của mình.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, lập luận chặt chẽ ;
-Nội dung: Vẻ đẹp tâm hồn của Kiều thể hiện :
+ Nàng ý thức rất rõ và rất đau đớn về cảnh ngộ, nỗi cô đơn tận cùng khi phải sống trong lầu xanh nhơ nhớp ;
+ Một loạt những từ ngữ để hỏi : khi sao, giờ sao, thân sao…diễn tả sự chất vấn, tự giày vò, tự kết án chính mình của Kiều. Đó cũng là sự chất vấn số phận của nàng ;
+ Trong hoàn cảnh ê chề, Thuý Kiều đã có ý thức về nhân phẩm, giá trị nhân cách bản thân, ý thức về quyền sống của mình.
Đề 3: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bể trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
( Trích Nỗi thương mình, Trang 108, Ngữ văn 10, Tập II,NXBGD, 2006)
1/ Nêu ý chính của văn bản trên.
2/ Nêu sáng tạo của Nguyễn Du khi sử dụng nghệ thuật ước lệ trong văn bản trên ?
3/ Cách sắp xếp từ ai trong câu thơ Ai tri âm đó mặn mà với ai?có gì đặc biệt ? Nêu ý nghĩa của vệc sắp xếp đó.
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về sự giống nhau và khác giữa giữa câu thơ của Nguyễn Du :
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
với câu thơ của Đặng Trần Côn trong Chinh phụ ngâm ;
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun
Trả lời:
1/ Ý chính của văn bản trên: Bí kịch tâm trạng của nhân vật Thuý Kiều khi sống trong cảnh lầu xanh.
2/ Sáng tạo của Nguyễn Du khi sử dụng nghệ thuật ước lệ trong văn bản:
- Khi tả cảnh, thơ cổ thường dùng ước lệ: phong (gió), hoa, tuyết, nguyệt ( trăng); cầm( đàn), kì(cờ), thi ( thơ), hoạ ( vẽ);
Trong văn bản , Nguyễn Du vận dụng nghệ thuật tả cảnh theo bút pháp ước lệ trên nhưng không “bê nguyên xi” hình ảnh thơ cổ mà có cách đưa vào thơ mình một cách khéo léo: gió tựa hoa kề ; tuyết ngậm;trăng thâu; nét vẽ câu thơ;Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
3/Cách sắp xếp từ ai trong câu thơ Ai tri âm đó mặn mà với ai?đặc biệt ở chỗ: 1 từ Ai đầu câu thơ và 1 từ ai cuối câu thơ gợi khoảng cách xa vời vợi. Chữ ai thứ nhất chỉ người tri kỉ cách xa chữ ai thứ hai chỉ khách làng chơi như một trời một vực. Chúng ở hai đầu câu thơ nên chẳng bao giờ có sự tri ngộ.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, lập luận chặt chẽ ;
-Nội dung:
+ Giống nhau : bút pháp tả cảnh ngụ tình, một trong những đặc trưng cơ bản của thi pháp thơ trung đại ;
+ Khác nhau :
++ Thơ của Đặng Trần Côn thể hiện mối quan hệ giữa cảnh và người. Cảnh buồn kéo theo người buồn. Sự mòn héo, tàn tạ của của cảnh vật : cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun làm cho lòng người chinh phụ càng tê tái trong lòng ;
++ Thơ của Nguyễn Du thể hiện mối quan hệ giữa người và cảnh. Người buồn thì cảnh cũng buồn theo. Cảnh vật trở thành linh hoạt như có một tâm hồn hay một nỗi xúc cảm riêng tư nào đó. Tâm trạng con người đã lan tỏa sang cảnh vật một cách thật tự nhiên và hợp lí.