Đề 1:
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Em tới rừng ớt, ngắt lá ớt ngồi chờ,
Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,
Tới rừng lá ngón ngóng trông.
Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi”
( Trích Lời tiễn dặn, SGK Ngữ văn 10, tập I, trang 94, NXBGD 2006)
1/ Nêu nội dung chính của văn bản ?
2/ Trong các loại loại lá ở 4 dòng thơ trên, lá nào là lá có độc tố nhiều nhất ? Nêu ý nghĩa sự xuất hiện của loại lá đó ?
3/ Các từ chờ, đợi, trông đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình?
4/ Qua văn bản, viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về tình yêu, hôn nhân trong cuộc sống hôm nay.
Trả lời:
1/ Nội dung chính của văn bản : diễn tả tâm trạng bồn chồn, đau khổ không yên của cô gái Thái, chân bước theo chồng nhưng lòng vẫn hướng về người yêu.
2/ Trong các loại loại lá ở 4 dòng thơ trên, lá ngón là lá có độc tố nhiều nhất . Ý nghĩa sự xuất hiện của loại lá ngón trong văn bản: vừa gợi màu sắc dân tộc, vừa khắc hoạ một không gian đặc trưng vùng núi, vừa dự cảm niềm hy vọng mong manh được gặp lại người yêu của cô gái. Lần tiễn đưa này là lần gặp cuối giữa cô và người yêu.
3/ Các từ chờ, đợi, trông đạt hiệu quả nghệ thuật trong việc diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình : Về hình thức, các từ trên xuất hiện cuối mỗi dòng theo theo cấp độ tăng tiến để diễn tả tâm trạng. Về nội dung, các từ trên gợi tình trạng đáng thương của cô gái, đó là cuộc hôn nhân không có tình yêu, không có hạnh phúc. Cô chờ đợi, trông ngóng chàng trai người yêu trong day dứt, bồn chồn. Qua đó, tác giả dân gian có cái nhìn cảm thông với nỗi đau thân phận của người phụ nữ miền núi, ca ngợi khát vọng tình yêu, hạnh phúc của họ.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
– Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung: từ tâm trạng của cô gái trong văn bản, thí sinh suy nghĩ về tình yêu, hôn nhân trong cuộc sống hôm nay. Đó là tình yêu chân chính, trên cơ sở tự nguyện, không bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến khắc khe. Đó là hôn nhân phải dựa trên cơ sở tình yêu mới có hạnh phúc. Phê phán tình yêu, hôn nhân vụ lợi. Rút ra bài học nhận thức và hành động.
Đề 2:
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
(1)“Tiễn dặm người yêu ( Xống chụ xôn xao) của dân tộc Thái là một chuyện thơ nổi tiếng trong kho tàng chuyện thơ các dân tộc thiểu xố.Với 1846 câu thơ, Tiễn dặn người yêu là lời nhân vật trong cuộc kể lại câu chuyện tình yêu-hôn nhân của vợ chồng mình. Hai người vốn làm bạn với nhau từ thời thơ ấu. Lớn lên, họ yêu nhau. Nhưng khi chàng trai nhờ người làm mối dẫn đến xin cho ở rễ thì cha mẹ cô gái gạt phắt. Họ đang lo lắng chưa biết tính sao thì một chàng trai lạ đến xin làm rễ. Dẫu kẻ này chuẩn bị lễ vật cẩu thả, ứng xử vừa hèn hạ, vừa thiếu lễ độ nhưng cha mẹ cô gái vì tối mắt trước tiền bạc, đã vội bằng lòng… »
( Trích Lời tiễn dặn, SGK Ngữ văn 10, tập I, trang 93, NXBGD 2006)
(2)Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
( Ca dao)
1/ Xác định lỗi sai và nêu cách sửa lại cho chính xác trong câu văn đầu tiên thuộc văn bản (1)?
2/ Tình duyên của cô gái trong văn bản (1) và (2) có điểm gì giống nhau ? Qua đó, tác giả dân gian phản ánh hiện thực gì trong xã hội phong kiến ?
3/ Xác định phép liên kết và phương tiện liên kết trong đoạn văn: Hai người vốn làm bạn với nhau từ thời thơ ấu. Lớn lên, họ yêu nhau. Nhưng khi chàng trai nhờ người làm mối dẫn đến xin cho ở rễ thì cha mẹ cô gái gạt phắt. Họ đang lo lắng chưa biết tính sao thì một chàng trai lạ đến xin làm rễ.
4/ Qua văn bản, viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ thái độ của em về thói tham lam của con người.
Trả lời:
1/ Tiễn dặm người yêu ( Xống chụ xôn xao) của dân tộc Thái là một chuyện thơ nổi tiếng trong kho tàng chuyện thơ các dân tộc thiểu xố.
- Có 2 lỗi sai :
+ Dùng từ sai : dặm
+ Sai chính tả : chuyện, xố
– Câu văn viết lại đúng là : Tiễn dặn người yêu ( Xống chụ xôn xao) của dân tộc Thái là một truyện thơ nổi tiếng trong kho tàng truyện thơ các dân tộc thiểu số.
2/ Tình duyên của cô gái trong văn bản (1) và (2) có điểm giống nhau: đều bị ép duyên nên không thể có hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân.
Qua đó, tác giả dân gian phản ánh hiện thực hôn nhân không xuất phát từ tình yêu trong xã hội phong kiến. Vì thế, biết bao chàng trai, cô gái phải ngậm đắng nuốt cay, sống trong tủi nhục do cha mẹ ép buộc.
3/ Phép liên kết và phương tiện liên kết trong đoạn văn :
- Phép thế đại từ : Hai người – họ- chàng trai -cô gái
- Phép nối : Nhưng
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
– Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, thái độ, lập trường rõ ràng ;
-Nội dung: từ cảnh ép duyên trong văn bản, thí sinh tỏ thái độ không đồng tình với lòng tham của con người. Đoạn văn trả lời các câu hỏi : Tham lam là gì ? Hậu quả ? Nguyên nhân ? Biện pháp khắc phục ?