TỪ ẤY
Tố Hữu –
Mục lục
Kiến thức cơ bản về bài thơ Từ ấy
Giới thiệu về tác giả và bài thơ:
Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Con đường thơ của Tố Hữu gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc. Ông có nhiều tập thơ lớn với nhiều bài thơ hay, trong đó có “Từ ấy”. (Nêu vấn đề theo đề bài).
Khái quát về bài thơ:
“Từ ấy” là tập thơ đầu tay của Tố Hữu, được sáng tác từ năm 1937 đến năm 1946. Tập thơ có ba phần: Máu lửa, Xiềng xích, Gỉai phóng. Bài thơ “Từ ấy” nằm trong phần “Máu lửa” của tập thơ này. Bài thơ được viết để ghi nhận một kỉ niệm đáng nhớ, tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời Tố Hữu, đó là khi nhà thơ được đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, phấn đấu vì một lí tưởng cao đẹp. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn, chia làm ba khổ, ghi lại những tâm trạng của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng của Đảng.
Nội dung, nghệ thuật bài thơ:
Khổ thơ đầu, nhà thơ diễn tả niềm say mê, vui sướng khi gặp lí tưởng Cộng sản:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá.
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”
Hai câu đầu được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời mình. “Từ ấy” là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng Tố Hữu, khi đó nhà thơ mới 18 tuổi, đang hoạt động sôi nổi trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “chói qua tim”, Tố Hữu khẳng định lí tưởng Cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng âý không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng, mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày “nắng hạ”. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời, và là mặt trời khác thường – “mặt trời chân lí”. Nếu mặt trời của đời thường tỏa ánh sáng, hơi ấm và sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải. Cách gọi lí tưởng là “mặt trời chân lí” như thế thể hiện thái độ thành kính, ân tình của nhà thơ. Thêm nữa, những động từ “bừng” – chỉ ánh sáng phát ra đột ngột, “chói” – chỉ ánh sáng có sức xuyên mạnh, càng nhấn mạnh: ánh sáng của lí tưởng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.
Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với những hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản. Nhà thơ thấy tâm hồn mình như một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với vườn hoa lá ấy thì còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đối với tâm hồn người thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” thì còn gì đáng quý hơn khi có một lí tưởng cao đẹp soi sáng, dẫn dắt. Tóm lại, Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh ánh sáng mặt trời. Chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn nhà thơ tràn đầy sức sống, niềm yêu đời, làm cho cuộc đời có ý nghĩa hơn.
Khổ thơ thứ hai biểu hiện những nhận thức mới về lẽ sống:
“Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi,
Để hồn tôi với bao hồn khổ,
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái “tôi” cá nhân chủ nghĩa. Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống của ông là sự gắn bó hài hòa giữa cái “tôi” cá nhân và “cái ta” chung của mọi người. Với động từ buộc, câu một thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của “cái tôi” cá nhân để sống chan hòa với mọi người “trăm nơi”. Với từ ‘trang trải” ở câu hai cho thấy tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với những kiếp người cùng khổ.
Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Câu ba khẳng định trong mối liên hệ với mọi người nói chung, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ. Ở câu bốn, “khối đời” là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ, đoàn kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu : khi “cái tôi” chan hòa trong “cái ta”, khi cá nhân hòa mình vào một tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội “mạnh khối đời”. Tóm lại, Tố Hữu đã đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, ở đấy nhà thơ đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới.
Khổ thơ cuối cho thấy sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu:
“Tôi đã là con của vạn nhà,
Là em của vạn kiếp phôi pha,
Là anh của vạn đầu em nhỏ,
Không áo cơm cù bất cù bơ.”
Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn vượt qua tình cảm ích kỷ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình cảm thân yêu ruột thịt. Những điệp từ “là” cùng với các từ “con, em, anh” và số từ ước lệ “vạn” (chỉ số lượng đông đảo), nhấn mạnh, khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết, cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Cách gọi quần chúng là “kiếp phôi pha” – chỉ những người lao động vất vả, thường xuyên dãi nắng dầm mưa để kiếm sống; là “vạn đầu em nhỏ, không áo cơm cù bất cù bơ” – chỉ những em bé không nơi nương tựa, phải sống lang thang vất vưởng nay đây mai đó, đã cho thấy tấm lòng đồng cảm, xót thương chân thành của nhà thơ, đồng thời cũng thấy được lòng căm giận của nhà thơ trước bao bất công, ngang trái của cuộc đời cũ. Chính vì những kiếp người “phôi pha”, những em bé “không áo cơm cù bất cù bơ” âý mà Tố Hữu sẽ hăng say hoạt động cách mạng. Họ cũng chính là đối tượng sáng tác của nhà thơ.
Nghệ thuật cả bài thơ:
“Từ ấy” là tuyên ngôn cho tập thơ “Từ ấy” nói riêng và cho toàn bộ sáng tác của Tố Hữu nói chung. Với những ẩn dụ, so sánh độc đáo; những hình ảnh thơ tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng; ngôn ngữ gợi cảm giàu nhạc điệu và giọng thơ sảng khoái, nhịp điệu thơ hăm hở, bài thơ đã thể hiện thành công niềm vui sướng, say mê rạo rực của người thanh niên yêu nước Tố Hữu trong buổi đầu bắt gặp lí tưởng cộng sản. Từ “Từ ấy” trở đi, Tố Hữu sẽ đấu tranh hết mình cho giai cấp cần lao.
Ý nghĩa văn bản:
Niềm vui lớn, lẽ sống lớn, tình cảm lớn trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản.
Một số đề luyện tập về bài Từ ấy
Dựa vào kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài nghị luận văn học về bài thơ, đoạn thơ, học sinh luyện tập với đề sau:
Đề bài: Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.
Tìm hiểu đề
- Dạng đề: Phân tích một bài thơ.
- Yêu cầu của đề:
- Yêu cầu về nội dung: Làm rõ nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
- Yêu cầu về thao tác: Phân tích là thao tác chính, cần kết hợp các thao tác khác như: chứng minh, bình luận, so sánh…
- Yêu cầu về tư liệu: Tư liệu chính là những câu thơ trong bài thơ đã cho, tư liệu có liên quan để bổ sung cho ý phân tích.
Lập dàn ý
I/ Mở bài: Giới thiệu tác giả Tố Hữu, dẫn vào bài thơ “Từ ấy”. Nêu vấn đề: Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật:
(ghi nguyên văn bài thơ”)
II/ Thân bài:
- Khái quát: Nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, thể loại, bố cục bài thơ, nội dung chính của bài thơ.
- Phân tích nội dung nghệ thuật bài thơ: Các ý chính cần phân tích:
Phân tích khổ thơ đầu: Niềm vui lớn
- Hai câu đầu: “Từ ấy” là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: khi nhà thơ được giác ngộ cách mạng. Những hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lí” cùng với các động từ mạnh “bừng”, “chói” đã nhấn mạnh: ánh sáng lí tưởng mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.
- Hai câu sau: cụ thể hóa ý nghĩa, tác động của ánh sáng lí tưởng. Liên tưởng, so sánh: “Hồn tôi là một vườn hoa lá – Rất đậm hương và rộn tiếng chim” thể hiện vẻ đẹp và sức sống mới của tâm hồn cũng là của hồn thơ Tố Hữu.
Phân tích khổ thơ thứ hai: Lẽ sống lớn
- Từ “buộc” thể hiện ý thức tự nguyện hòa nhập cái “tôi” cá nhân vào cái “ta” chung của cộng đồng.
- Từ “trang trải” : tâm hồn trải rộng ra, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với mọi người ở trăm nơi.
- “Trăm nơi”, “hồn khổ” : cộng đồng quần chúng lao khổ.
- “Mạnh khối đời” : khi cái tôi hòa chung vào cái ta, sức mạnh của khối đại đoàn kết sẽ tăng lên gấp bội.
- Khẳng định mối liên hệ sâu sắc với quần chúng nhân dân.
Phân tích khổ thơ thứ ba: Tình cảm lớn
- Điệp từ “là”, nhịp thơ hăm hở, sôi nổi khẳng định niềm vui khi được hòa nhập vào quần chúng lao khổ.
- Những từ “con”, “em”, “anh” nhấn mạnh tình cảm thân thiết như người trong một gia đình.
- Tự xác định mình là thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ.
d) Nghệ thuật cả bài thơ:
“Từ ấy” là tuyên ngôn cho tập thơ “Từ ấy” nói riêng và cho toàn bộ sáng tác của Tố Hữu nói chung. Với những ẩn dụ, so sánh độc đáo; những hình ảnh thơ tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng; ngôn ngữ gợi cảm giàu nhạc điệu và giọng thơ sảng khoái, nhịp điệu thơ hăm hở, bài thơ đã thể hiện thành công niềm vui sướng, say mê rạo rực của người thanh niên yêu nước Tố Hữu trong buổi đầu bắt gặp lí tưởng cộng sản.
III. Kết bài: Khẳng định lại nội dung, nêu ý nghĩa bài thơ.
Dựa vào kiến thức cơ bản, dàn ý và phương pháp làm bài nghị luận văn học về bài thơ học sinh tự viết bài.
Xem thêm : Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về Từ ấy