Sáng kiến kinh nghiệm :“Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh THPT”

Sáng kiến kinh nghiệm : Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh THPT
 PHẦN I: MỞ ĐẦU
Cảm thụ văn học là một hoạt động mang tính đặc thù trong tiếp nhận văn học. Mục đích của cảm thụ là cảm nhận, phát hiện, khám phá, chiếm lĩnh bản chất thẩm mỹ của văn chương nhằm khơi dậy, bồi dưỡng mỹ cảm phong phú, tinh tế cho độc giả. Muốn cảm thụ được người đọc phải tri giác, liên tưởng, tưởng tượng thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của văn bản, thể nghiệm giá trị tinh thần và hứng thú với sắc điệu thẩm mỹ của nó. Khi đến với văn bản văn học bằng cả trí tụê và tình cảm, cả nhận thức và kinh nghiệm người đọc sẽ mở được cánh cửa thực sự để đi vào thế giới của nghệ thuật. Cảm thụ văn học là một hoạt động mang tính đặc thù trong tiếp nhận văn học. Bản chất của cảm thụ là cảm nhận, phát hiện, khám phá, chiếm lĩnh bản chất thẩm mỹ của văn chương nhằm khơi dậy bồi dưỡng mỹ cảm phong phú, tinh tế cho độc giả. Do vậy, rèn kỹ năng cảm thụ văn học cho học sinh nhất là học sinh giỏi văn thông qua kiểu bài so sánh hiện đang có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

  1. Mục đích của SKKN

1.1.Đáp ứng được yêu cầu của xu hướng đề thi hiện nay.
Gần đây trong đề thi tuyển sinh đại học và cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở câu nghị luận văn học 5 (điểm) thường xuất hiện dạng đề so sánh. Bên  cạnh đó các kỳ thi học sinh giỏi các cấp cũng rất chú trọng dạng đề này. Vì vậy: “Rèn kỹ năng làm kiểu bài so sánh văn học cho học sinh THPT”chính là giúp thầy cô và các em đáp ứng tốt yêu cầu của xu hướng ra đề thi hiện nay trong việc ôn luyện và làm bài kiểm tra, bài thi.
1.2.Giúp giáo viên dễ dàng phân loại được học sinh
So sánh văn học là một trong những dạng đề khó  nhưng rất hay và phù hợp với mục đích tuyển chọn và phân loại học sinh, nhất là học sinh giỏi. Nên “Rèn kỹ năng so sánh văn học cho học sinh THPT” còn giúp cho giáo viên đánh giá đúng năng lực học sinh, nhất là những học sinh có năng lực cảm thụ tốt, tư duy khái quát cao. Bởi vì để làm được dạng bài so sánh văn học đòi hỏi học sinh không những chỉ tái hiện kiến thức, hiểu được nội dung và nghệ thuật mà còn phải biết phát hiện ra cái mới của mỗi nhà văn, tức là chỉ ra điểm độc đáo của nhà văn ấy cũng như vai trò của nhà văn đó trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam.
Nếu  học  sinh  trung  bình chỉ  biết  phân  tích  đơn  thuần  hết  tác  phẩm này đến  tác phẩm khác  hay  hết hình  tượng  này đến  hình tượng khác, nhưng  học sinh khá sẽ biết chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm hay hai hình tượng đó. Còn học sinh giỏi sẽ biết lí giải vì sao có sự giống và khác nhau giữa hai tác phẩm  hay hai hình tượng ấy.Từ đó giáo viên có thể chọn được những học sinh xuất sắc cho đội tuyển học sinh giỏi và lên kế hoạch ôn luyện bồi dưỡng cho tất cả các đối tượng học sinh.
So sánh là một thao tác lập luận rất quan trọng không chỉ trong văn học mà còn rất quan trọng  trong cuộc sống hàng ngày.Việc rèn luyện tốt tư duy so sánh sẽ giúp học sinh có cái nhìn sắc bén, không phiến diện về các vấn đề văn học cũng như các vấn đề trong cuộc sống. Mục đích cuối cùng của kiểu bài này là yêu cầu học sinh chỉ ra được chỗ giống và khác nhau giữa hai tác phẩm, hai tác giả, từ đó thấy được những mặt kế thừa, những điểm cách tân của từng tác giả, từng tác phẩm; thấy được vẻ đẹp riêng của từng tác phẩm; sự đa dạng muôn màu của phong cách nhà văn. Không dừng lại ở đó, kiểu bài này còn góp phần hình thành kĩ năng lí giải nguyên nhân của sự khác nhau giữa các hiện tượng  văn học-một năng lực rất cần thiết góp phần tránh đi khuynh hướng “bình tán”, khuôn sáo trong các bài  văn của học sinh hiện nay. Lẽ hiển nhiên, đối với các đối tượng học sinh THPT, các yêu cầu về năng lực lỉ giải cần phải hợp lí, vừa sức. Nghĩa là các tiêu chí so sánh cần có mức độ khó vừa phải, khả năng lí giải sự giống và khác nhau cũng cần phải tính toán hợp lí với năng lực của các em. Chuẩn kiến thức, chuẩn kĩ năng trong từng bài, từng cấp học sẽ là căn cứ để kiểm định những vấn đề này.
1.3.Nâng cao năng lực cảm thụ của học sinh
“Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh THPT” cũng là một bước đổi mới trong kiểm tra thi cử, tránh được sự nhàm chán của lối văn theo mẫu (bởi không hề có sẵn) và kiểm tra được một cách khá toàn diện những kĩ năng và kiến thức cần có của học sinh như: kiến thức tác phẩm, kiến thức về tác giả, giai đoạn, kiến thức lí luận văn học…kĩ năng phân tích bình giá, so sánh, lí giải…
Với dạng đề này, học sinh có điều kiện bộc lộ sự tinh tế trong cảm nhận (có thể nhận ra được những nét khác biệt dù rất nhỏ, rất mơ hồ) sự sắc sảo trong đối chiếu (khả năng tách đối tượng thành những bình diện nhỏ để so sánh) sự chắc chắn trong kiến thức (trong việc huy động kiến thức văn học sử, lí luận văn học…để đánh giá, lí giỉa). Nghĩa là, đòi hỏi ở người học sinh giỏi văn không chỉ cần phẩm chất nghệ sĩ (sự tinh tế trong cảm nhận và thẩm định) mà còn chú trọng phẩm chất khoa học (thể hiện ở sự chính xác, chặt chẽ, khúc triết và tính hệ thống trong tư duy và trình bày bài viết). Vì thế kiểu bài này sẽ góp phần nâng cao năng lực cảm thụ đáng kể cho học sinh. Nó đòi hỏi học sinh vừa phải có năng lực cảm thụ vừa có năng lực khái quát tổng hợp.
Cảm thụ văn học  trong thế đối sánh là một biên pháp hữu hiệu để vừa nâng  cao năng lực cảm thụ  văn chương, vừa nâng cao tri thức và bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh, giúp các em có khả năng cảm thụ sâu sắc tác phẩm văn chương, góp phần đảm bảo tính nghệ thụât đặc thù của môn ngữ văn trong trường phổ thông.
Trong văn học tuy cùng viết bằng một thế loại, cùng chung một đề tài, vào cùng một thời điểm …nhưng mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực đều là một sáng tạo độc đáo, so sánh sẽ làm nổi bật vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo ấy của mỗi tác phẩm. Trên cơ sở đó mới có thể nhận xét, đánh giá được những đóng góp riêng của mỗi nhà văn, mỗi hiện tượng văn học.
Khám phá cái hay, cái đẹp, cái độc đáo riêng biệt của các tác phẩm văn học, của phong cách tác giả, thời đại…trong sự đối sánh đòi hỏi một năng lực cảm thụ tinh tế và một khả năng khái quát tổng hợp, lí giải sâu sắc. Học sinh có cơ hội để phát huy năng khiếu, sở trường, được thể hiện những cảm nhận riêng, những phát hiện độc đáo, lí giải đánh giá  theo sự hiểu biết và cách nghĩ của mình một cách phong phú đa dạng. Cảm thụ văn học trong thế đối sánh là một kĩ năng cần thiết, một chiếc chìa khoá giúp các em mở cánh cửa đi vào thế giới của nghệ thuật.
1.4.Khơi gợi lòng yêu thích và say mê tìm tòi, khám phá môn Ngữ văn của các em học sinh.
Để làm tốt dạng bài so sánh văn học, học sinh cần phải trang bị rất nhiều kiến thức. Vì vậy, đòi hỏi học sinh phải có một quá trình tích luỹ cộng  với lòng yêu thích và say mê tìm tòi, khám phá môn Ngữ văn. Chính điều đó đã thắp lên ngọn lửa của sự đam mê khiến các em ngày càng thích thú và gắn bó với môn học Ngữ văn hơn.
Có thể nói so sánh là một thao tác lập luận hết sức cần thiết trong văn nghị luận: một mặt nó làm sáng tỏ vấn đề nghị luận, mặt khác nó chứng tỏ người viết có kiến thức rộng rqãi, phong phú, có được khả năng tư duy và cảm thụ văn học tốt. Điều này rất cần thiết đối với một học sinh giỏi văn.
2.SKKN với các giải pháp được trình bày có gì khác, mới so với giải pháp cũ trước đây.
Ở trường THPT Lý Nhân Tông, các thầy cô rất tích cực viết SKKN nhưng sáng kiến bàn về việc: “Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh THPT” thì quả thật từ trước đến nay chưa có ai đề cập đến. Đây là sáng kiến đầu tiên của tổ văn Trường THPT Lý Nhân Tông – TP Bắc Ninh. Vì vậy, những giải pháp mà người viết đưa ra ở đây thực sự vẫn còn rất mới.
Qua khảo sát các tác giả tác phẩm trong chương trình THPT và những đề thi đại học, cao đẳng, người viết đưa ra một vài biện pháp rèn kĩ năng so sánh văn học. Người viết chỉ xin đưa ra một vài kinh nghiệm tạm coi là sáng kiến về việc “Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh THPT” chủ yếu với những tác giả, tác phẩm có liên quan đến chương trình thi Đại học, Cao đẳng ở lớp 11 và 12.

  1. Những đóng góp của SKKN để nâng cao chất lượng quản lí, dạy và học của ngành giáo dục nói chung và của đơn vị Trường THPT Lý Nhân Tông – TP Bắc Ninh.

3.1.Giúp giáo viên định hướng, tích luỹ thêm kinh nghiệm giảng dạy, ôn tập, luyện thi Đại học, học sinh giỏi các cấp.
Những năm gần đây, đề thi Đại học, học sinh giỏi các cấp chủ yếu tập trung vào dạng đề so sánh văn học. Vì vậy, SKKN  “Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh THPT” sẽ giúp giáo viên Ngữ văn của ngành giáo dục nói chung cũng như của Trường THPT Lý Nhân Tông nói riêng có cái nhìn toàn diện hơn khi hướng dẫn học sinh so sánh tác phẩm văn học và thực sự chú ý hơn trong việc rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh, đồng thời xác định được hướng dạy, hướng khai thác tác phẩm và hướng ra đề kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu đề thi Đại học, cao đẳng, đề thi học sinh giỏi các cấp. Từ đó nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
3.2.Sử dụng làm chuyên đề sinh hoạt chuyên môn ở tổ.
Năm nào cũng vậy, các thành viên tổ Văn của trường đều phải đăng kí làm chuyên đề theo nhóm để sinh hoạt chuyên môn tổ. Vì vậy, SKKN này sẽ là nguồn tư liệu phong phú, bổ ích để thầy cô dạy Văn trao đổi, làm tư liệu sinh hoạt chuyên đề ở tổ bộ môn.
3.3.Khơi dậy phong trào học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong đội ngũ giáo viên.
SKKN  “Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh THPT” chắc chắn sẽ đưa ra những vấn đề cơ bản nhất của chuyên môn, song không tránh khỏi những bất đồng quan điểm, hoặc những ý kiến bổ sung, góp ý thêm. Vì thế, SKKN còn góp phần thúc đẩy và khơi dậy phong trào học hỏi, tìm tòi, sáng tạo của các thầy các cô tổ Văn.
 
PHẦN II: NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.Cơ sở lí luận
1.1.Khái niệm
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên thì “so sánh là nhìn vào cái này mà xem xét cái kia để thấy sự giống nhau, khác nhau hoặc sự hơn kém”.
Theo Từ điển Tu từ – phong cách học – thi pháp học của tác giả Nguyễn Thái Hoà (NXB Giáo dục) thì “so sánh là phương thức diễn đạt  tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có một nét tương đồng nào đó để gợi ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mỹ trong nhận thức của người đọc, người nghe”.
Từ những khái niệm trên vận dụng vào việc rèn kĩ năng cảm thụ  văn học cho học sinh, có thể thấy so sánh giúp cho học sinh hiểu rõ hơn đối tượng (có thể là những chi tiết, nhân vật, hình tượng, quan niệm, phát hiện…) cảm nhận được những mới mẻ, độc đáo của đối tượng cũng như những sáng tạo của nghệ sĩ. Để rèn luyện và hướng dẫn học sinh thực hiện tốt phương pháp này nói riêng, cảm thụ  văn học nói chung, về phía học sinh, giáo viên cần đặt ra những yêu cầu cụ thể.
Như vậy, so sánh là phương pháp nhận thức trong đó đặt sự vật này bên cạnh một hay nhiều sự vật khác để đối chiếu, xem xét nhằm hiểu sự vật một cách toàn diện, kỹ lưỡng, rõ nét và sâu sắc hơn. Trong thực tế đời sống , so sánh trở thành một thao tác phổ biến, thông dụng nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức, đánh giá của con người trong nhiều lĩnh vực và hoàn cảnh.
Với phân môn làm văn trong nhà trường phổ thông, khái niệm so sánh văn học cần phải được hiểu theo hai lớp nghĩa khác nhau.
Thứ nhất, so sánh  văn học là một thao tác lập luận cạnh các thao tác lập lụân như: phân tích, bác bỏ, bình luận đã được đưa vào SGK Ngữ văn 11.
Thứ hai, nó được xem như một phương pháp, một cách thức trình bày khi viết bài nghị luận văn học, tức là một kiểu bài nghị luận văn học. Tuy nhiên, so sánh văn học như một kiểu bài nghị luận văn học lại chưa được cụ thể bằng một bài học độc lập trong chương trình ngữ văn THPT.
Vì vậy, từ việc xác lập nội hàm khái niệm kiểu bài, mục đích yêu cầu, đến cách thức làm bài cho kiểu bài này thực sự rất cần thiết.
Trong chuyên đề này khái niệm so sánh  văn học chủ yếu được hiểu theo nghĩa là một kiểu bài nghị luận,
1.2.Các kiểu bài so sánh
Thông thường, ta hay gặp những đề so sánh văn học yêu cầu:

  • So sánh các tác phẩm
  • So sánh các đoạn tác phẩm (hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn xuôi)
  • So sánh các nhân vật văn học.
  • So sánh các tình huống truyện.
  • So sánh các chi tiết nghệ thuật.
  • So sánh nghệ thuật trần thuật,..

Quá trình so sánh có thể chỉ diễn ra ở các tác phẩm của cùng một tác giả, nhưng cũng có thể diễn ra  ở những tác phẩm của các tác giả cùng hoặc không cùng một thời đại, giữa các tác phẩm của những trào lưu, trường phái khác nhau của một nền văn học. Vì vậy ta có thể chia ra thành các kiểu bài so sánh văn học như sau:
1.2.1.So sánh ở cấp độ toàn bộ tác phẩm
Đây là trường hợp hai tác phẩm trọn vẹn được yêu cầu phân tích, đối sánh với nhau, Đó có thể là tác phẩm thơ hoặc tác phẩm thuộc thể loại khác. Tuy nhiên, đây là một dạng đề bài có biên độ so sánh khá rộng nên có lẽ sẽ không xuất hịên thường xuyên. Thường thì đối tượng so sánh là các bài thơ ngắn.
Ví dụ 1: Anh/chị hãy phân tích, so sánh bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và đoạn trích Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm
Ví dụ 2: Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là hai nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo và đặc biệt sở trường về thể tuỳ bút, bút kí. Qua hai đoạn trích  Người Lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông?  (Hoàng Phủ Ngọc Tường), theo Ngữ văn 12 nâng cao, tập 1, anh/chị  hãy so sánh sự giống và khác nhau trong phong cách nghệ thuật của hai nhà văn.
1.2.2.So sánh ở cấp độ đoạn thơ, đoạn văn.
Ví dụ 1: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi
Nhớ đôi môi đương cười ở phương trời
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm
Gió bao lần từng trận gió thương đi,
Mà kỷ niệm, ôi, còn gọi ta chi…”
(Tương tư, chiều …-Xuân Diệu)
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”
(Tương tư – Nguyễn Bính)
Ví dụ 2: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn  văn sau:
“Còn xa lắm mới tới cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước rÐo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó giống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu vừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng” (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân).
“Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại(Ai đã đặt tên cho dòng sông –Hoàng Phủ Ngọc Tường).
1.2.3.So sánh ở cấp độ các vấn đề nội dung tư tưởng của tác phẩm (hoặc của đoạn thơ, đoạn văn).
Những đề văn thuộc dạng này có thể yêu cầu phân tích, so sánh các phương diện, nội dung tư tưởng như: tư tưởng hiện thực, tư tưởng nhân đạo, chủ nghĩa yêu nước…
Ví dụ 1: Cảm hứng quê hương đất nước trong các bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Tiếng hát con tàu của  Chế Lan Viên và đoạn trích Đất nước (trích Trường ca mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm.
Ví dụ 2: Anh/chị hãy phân tiíc, so sánh tư tưởng hiên thực, tư tưởng nhân đạo của Nam Cao và Kim Lân qua truỵên ngắn Chí Phèo và truyện ngắn Vợ Nhặt.
1.2.4. So sánh ở cấp độ các vấn đề hình thức nghệ thuật của tác phẩm (hoặc của đoạn thơ, đoạn văn)
Đề bài có thể yêu cầu phân tích, đối sánh các phương diện hình thức nghệ thuật như nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, nghệ thuật sử dụng ngôn từ…và cũng có thể là toàn bộ các yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
Ví dụ 1: Anh/chị hãy phân tích, so sánh nghệ thụât thể hiện tình yêu trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính và bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Ví dụ 2: Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
1.2.5.So sánh ở cấp độ hình tượng
Có thể là hình tượng nhân vật, hình tượng thiên nhiên, hình tượng cái “tôi” trữ tình hoặc một hình tượng nào đó trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Ví dụ 1: Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Việt trong truỵên ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi và nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành.
Ví dụ 2: Phân tích, so sánh nhân vật nữ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Ví dụ 3: Hình tượng cái “tôi” của người cầm bút  trong hai đoạn trích Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
1.2.6.So sánh ở cấp độ chi tiết.
Dạng đề này thường hướng đến các chi tiết trong tác phẩm văn xuôi
Ví dụ 1: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt” (Vợ nhặt – Kim Lân).
“Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt” (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu).
Anh/chị cảm nhận thư thế nào về chi tiết “dòng nước mắt” trong những câu văn trên.
Ví dụ 2: Chi tiết “bát cháo hành” trong truỵên ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và chi tiết “lời di huấn” của Huấn Cao trong truỵên ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) đều  tác động và đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời những người lầm đường. Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về các chi tiết ấy.
Ví dụ 3: Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp Thị Nở (Chí Phèo-Nam Cao) và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ-Tô Hoài).
1.3. Yêu cầu của thao tác so sánh:
– So sánh phải dựa trên cùng một tiêu chí, chung một bình diện để tránh khập khiễng.
– So sánh trên nhiều cấp độ: nhỏ nhất là giữa các chi tiết, từ ngữ, hình ảnh; lớn hơn là các nhân vật, sự kiện, tác phẩm, tác giả và phong cách…
– So sánh thường đi đôi với nhận xét, đánh giá thì so sánh đó mới trở nên sâu sắc.
1.4. Yêu cầu đối với người sử dụng thao tác so sánh.
Phải có vốn tri thức rộng về văn chương kết hợp với trí tụê sắc sảo và năng khiếu liên tưởng, tưởng tượng.
Phải có khả năng nắm vấn đề cụ thể, chi tiết đồng thời có khả năng khái quát, tổng hợp.
So sánh để làm nổi bật đối tượng chứ không phải phô trương kiến thức, rơi vào lan man, mất trọng tâm. So sánh phải tự nhiên, phù hợp không gượng ép.
Như vậy, kiểu bài cảm thụ văn học trong quan hệ đối sánh là kiểu bài nghị luận mà đối tượng được đưa ra cảm thụ không phải là một tác phẩm riêng lẻ mà ít nhất phải từ hai tác phẩm (hay đoạn trích) trở lên. Đối với kiểu bài này, người làm bài phải biết phân tích các đối tượng trong thế so sánh để tìm ra những chỗ giống nhau, khác nhau, từ đó hiểu rõ hơn vê cái hay, cái đẹp của các tác phẩm, nét độc đáo  trong phong cách của mỗi tác giả…
Kiểu bài này đòi hỏi người làm bài phải có năng lực thẩm bình văn chương tinh nhạy, kiến thức lí luận văn học, kiến thức về văn học sử (tác phẩm và tác giả) phong phú và phải có năng lực khái quát tổng hợp vấn đề cao. Phải chăng vì đặc trưng yêu cầu cao như vậy nên tần số xuất hiẹn của nó trong các kỳ thi tốt nghiệp thường ít hơn trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp Tỉnh/Thành phôố, Quốc gia và các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng khối C, D.
Trong quá trình rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh, nếu chúng ta biết chọn và đưa ra nhiều đề văn thuộc dạng này không chỉ giúp các em củng cố được thao tác phân tích, tổng hợp, khái quát nâng cao vấn đề mà còn là cơ hội để các em biết xâu chuỗi và vận dụng một cách nhuẫn nhuyễn các kiến thức đã học, phát huy năng lực sáng tạo của các em.

  1. Cơ sở thực tiễn

Trong thực tế những năm gần đây, các kỳ thi học sinh giỏi cũng như thi đại học môn Văn, hầu như năm nào câu nghị luận văn học cũng có so sánh văn học. Mục đích so sánh là để thấy được chỗ giống nhau, nhằm soi sáng mặt kế thừa truyền thống và mặt đổi mới của tác phẩm, hoặc đánh giá những chuyển biến trong tư tưởng và phong cách của một cây bút trong những tác phẩm viết cùng một đề tài, một chủ đề…ở nhiều thời điểm khác nhau. Có khi so sánh chỉ để làm nổi bật một vài chi tiết, hình ảnh, từ ngữ nào đó của tác phẩm.
2.1.Đối với đề thi Đại học
Đề thi tuyển sinh đại học khối C năm 2009:
Cảm nhận của anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân v ật người vợ nhặt (Vợ nhặt – Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa -Nguyễn Minh Châu).
Đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2010:
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật  Thị Nở mang cho Chí Phèo (Chì Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành cho Hộ (Đời thừa – Nam Cao).
Đề thi tuyển sinh đại học khối C năm 2010:
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11)
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11)
Đề thi tuyền sinh đại học khối C năm 2011:
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:
(…) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núí Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà từ từ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về (…)
(Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12 nâng cao)
(…) Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả (…)
(Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12 nâng cao)
Đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2012:
Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh “Đột nhiên Thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…” (Ngữ văn  11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, Tr.155)
Truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân kết thúc bằng hình ảnh: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…” (Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, Tr.32).
Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của những kết thúc trên.
2.2.Đối với đề thi học sinh giỏi quốc gia:
Năm 1997: Cùng viết về đất nước và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng ba tác phẩm: Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu là ba thế giới hình tượng riêng, ba giọng điệu trữ tình riêng, chứa đựng những kí thác riêng của mỗi hồn thơ. Anh/chị hãy phân tích ba bài thơ trong quan hệ đối sánh để chỉ ra nét riêng của mỗi tác phẩm.
Năm 2001: Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi và Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu đều là những truyện ngắn hay đã khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chông Mĩ. Anh/chị  hãy so sánh để làm rõ những khám phá, sáng tạo riêng của mỗi tác phẩm trong sự thể hiện chủ đề chung đó.
Năm 2002: Theo Xuân Diệu “trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ Mùa Thu: Thu Điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”. Hãy phân tích những sáng tác trên trong mối quan hệ đối sánh để làm bật vẻ đẹp độc đáo của từng thi phẩm, từ đó nêu vắn tắt yêu cầu đối với một tác phẩm văn học.
Bảng A-2006: Chủ nghĩa nhân đạo là một trong những truyền thống lớn nhất của văn học Việt Nam. Qua việc phân tích, so sánh các tác phẩm Tự tình (Hồ Xuân Hương), Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Đời thừa (Nam Cao), anh/chị hãy làm rõ những đóng góp riêng , độc đáo của từng tác phẩm cho truyền thống này.
Bảng B-2006: Trong văn học Việt Nam, có nhiều sáng tác nổi tiếng về mùa thu. Qua việc phân tích, so sánh các bài thơ Thu Vịnh (Nguyễn Khuyến), Đây mùa thu tới (Xuân Diệu), anh/chị hãy làm rõ những nét chung và nhất là những nét riêng của từng tác phẩm.
Năm 2008: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trong Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh) và Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm).
Năm 2009: Thơ nữ viết về tình yêu thường thể hiện sâu sắc bản lĩnh và ý thức về hạnh phúc của chính người phụ nữ. Hãy phân tích và so sánh bài thơ Tự tình (II) của Hồ Xuân Hương và Sóng của Xuân Quỳnh để làm rõ nét chung và nét riêng trong tâm sự về tình yêu của hai nữ tác giả ở hai thời đại khác nhau.
 
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ
1.Về phía giáo viên
Trong thực tế giảng dạy hiện nay, giáo viên gặp phải không ít những khó khăn, thử thách.
1.1.Tư liệu dạy học khan hiếm
Trong phân phối chương trình, kiểu bài so sánh văn học không hề được đưa vào nên chưa bao giờ nó được xuất hiện trong tiết Làm văn như một bài học độc lập tương đương như những dạng bài khác hoặc được giới thiệu qua các tài liệu tự chọn của Bộ Giáo dục. Vì vậy, việc “rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh THPT” gặp phải không ít khó khăn, nhất là tư liệu dạy học không có.
1.2.Không có tiết cụ thể trong phân phối chương trình
Do phân phối chương trình và thời gian trên lớp hạn chế, nên hầu hết giáo viên chỉ chú ý đi sâu, đào kĩ vào các vấn đề trung tâm của tác phẩm, không có điều kiện so sánh, đối chiếu tác phẩm này với tác phẩm kia, nếu có cũng chỉ mang tính chất liên hệ, mở rộng chứ không có thời gian để đối chiếu ở từng phương diện cụ thể.
Vì thế, trong hoạt động chuyên môn đọc văn, làm văn ở chương trình PTTH, giáo viên và học sinh ít có thời gian bàn về so sánh văn học.
1.3.Thói quen ngại đầu tư công sức
Một phần do phân phối chương trình quá khắt khe, nhưng một phần còn do chính bản thân người dạy ngại sáng tạo, không chịu đổi mới trong cách ra đề kiểm tra, nên so sánh văn học dường như nếu có chỉ được liên tưởng chút ít trong bài dạy chứ không được đề cập và xem xét như một kiểu bài có vai trò quan trọng, cần quan tâm, đầu tư thời gian, công sức. Giáo viên hầu hết ra đề qua loa, không bám sát tình hình thi cử. không chịu tìm tòi, khai thác sự độc đáo trong mỗi tác giả, tác phẩm.
2.Về phía học sinh
2.1.Phần lớn học sinh còn lúng túng, chưa có kĩ năng so sánh văn học
So sánh tác phẩm văn học đòi hỏi học sinh phải tổng  hợp nhiều kĩ năng. Trong khi, nhiều giáo vieê chưa thực sự chú ý, quan tâm đến kiểu bài này, tài liệu tham khảo, hướng dẫn về kiểu bài này còn khá mỏng và hạn chế. Nên hầu hết học sinh đều tỏ ra lúng túng, và rất ngại làm đề so sánh tác phẩm văn học do chưa có kĩ năng đối sánh văn bản.
Nếu câu nghị luận văn học chỉ là về một tác phẩm, đoạn trích…nói chung đơn giản, học sinh dễ dàng làm được. Nhưng nếu là nghị luận về nhóm tác phẩm, đoạn trích…thì sẽ khó và phức tạp, đòi hỏi học sinh tư duy tổng hợp – so sánh. Dạng đề này rất phù hợp với đối tượng học sinh giỏi thi Tỉnh, thi Quốc gia, học sinh thi Đại học – Cao đẳng môn Ngữ văn. Và những câu này được coi như là một thử thách đối với học sinh.
Do nguyên nhân trên nên hầu hết học sinh rất lúng túng trước kiểu bài so sánh văn học. Vì thế khi gặp đề bài này, học sinh chỉ biết đơn thuần cảm thụ lần lượt hai đối tượng chứ không biết chỉ ra từng đặc điểm giống nhau và khác nhau, đặc biệt rất hiếm trường hợp học sinh biết lí giải nguyên nhân giống và khác nhau ấy là do đâu, dựa trên cơ sở nào để giải thích.
2.2.Nhiều học sinh không thích học văn
Do tâm lí thi khối C được ít trường và sau này khó xin việc làm, còn thi khối D thì điểm cao, trong khi thi khối A, B vừa nhiều ngành nghề lại dễ xin việc nên không ít các phụ huynh đã cấm không cho con học văn. Vì thế thực tế các em chưa quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến môn Văn. Do vậy, việc rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh ở trên lớp cũng gặp phải những khó khăn, bởi không phải em nào cũng hào hứng.
 
CHƯƠNG 3
 NHỮNG GIẢI PHÁP MANG TÍNH KHẢ THI
Trên đây là một số vấn đề về thực trạng dạy so sánh văn học và rèn luyện kĩ năng phân tích, cảm thụ văn học bằng phương pháp đối sánh có thể vận dụng trong chương trình phổ thông trung học. Nhân đây, người viết xin đưa ra một số giải pháp xuất phát từ thực tiễn giảng dạy với mục đích gợi ý, trao đổi, xác lập phương hướng để đồng nghiệp tham khảo.
1.Giải pháp 1: Nhóm các tác phẩm có chung đề tài, chủ đề.
1.1.Nhóm các tác phẩm
GV có thể hướng dẫn HS tập hợp các tác phẩm đã học thành những chủ đề lớn, nhỏ: Đất nước, tình yêu, người lính, số phận con người, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ…
Có thể nhóm một số tác phẩm theo chủ đề như sau:

  • Cảm hứng về nhân dân, đất nước:

– Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
– Đất nước (Nguyễn Đình Thi)
– Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)
– Việt Bắc (Tố Hữu)

  • Cảm hứng nhân đạo:

– Hai đứa trẻ (Thạch Lam)
– Chí Phèo (Nam Cao)
– Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)
– Vợ nhặt (Kim Lân)

  • Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn:

– Tây tiến (Quang Dũng)
– Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)
– Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)

  • Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ
  • Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

– Vợ nhặt (Kim Lân)
– Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)….vv
1.2. Tự thành lập đề
Sau khi nhóm các tác phẩm theo chủ đề, đề tài, GV nên yêu cầu học sinh tự thành lập các đề văn cảm thụ trong thế đối sánh (thiết lập ngân hàng đề).
Cách làm như sau: Giáo viên hướng dẫn học sinh cách thiết lập các đề theo dạng: cùng viết về ….nhưng mỗi tác phẩm, tác giả….lại có những cách khám phá, thể hiện mới mẻ đặc sắc…chứ không đơn thuâầ: nêu cảm nhận của anh/chị  về 2 nhân vật, 2 đoạn văn, đoạn thơ, 2 chi tiết….
Từ đó, các em sẽ thấy rằng không thể tuỳ tiện ngẫu nhiên đặt các tác phẩm trong thế đối sánh. Hai đối tượng nên cùng loại (gần nhau) để nhận thức được những điều khác biệt. Theo quan niệm mới hiện nay tất cả đều có thể so sánh: một đám ma (trong Hạnh phúc một tang gia – trích “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng) với một đám cưới (trong Một đám cưới của Nam Cao hoặc trong Vợ Nhặt của Kim Lân). Tuy nhiên cần xác định được điểm chung, tiêu chí và mục đích của sự đối sánh trước khi ra đề, sẽ tránh sự khập khiễng, gượng ép khi đặt các đối tượng cảm thụ quá khác xa nhau trong một đề văn.
2.Giải pháp 2: Xây dựng phương pháp làm bài so sánh văn học
2.1.Rèn kĩ năng phân tích đề:
Phân tích đề là một trong những khâu quan trọng quyết định chất lượng bài văn. Vì  vậy, giúp  học sinh có được kĩ năng này cũng là nhiệm vụ của giáo viên. Để có được kĩ năng này, giáo viên cần trang bị cho học sinh những kĩ năng cụ thể như:
2.1.1.Nhận diện, phân biệt đề:
Trước hết, học sinh cảm nhận biết đề văn cảm thụ trong thế đối sánh là:
1-Những đề nêu rõ yêu cầu phân tích và so sánh, thấy được nét chung, riêng
Ví dụ 1: Cùng viết về đất nước và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng ba tác phẩm: Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu là ba thế giới hình tượng riêng, ba giọng điệu trữ tình riêng, chứa đựng những kí thác riêng của mỗi hồn thơ. Anh/chị hãy phân tích ba bài thơ trong quan hệ đối sánh để chỉ ra nét riêng của mỗi tác phẩm.
Ví dụ 2: Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi và Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu đều là những truỵên ngắn hay đã khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Anh/chị hãy so sánh để làm rõ những khám phá, sáng tạo riêng của mỗi tác phẩm trong sự thể hiện chủ đề chung đó.
2-Những đề yêu cầu cảm nhận từ hai đối tượng trở lên trong cùng một đề văn
Ví dụ 1: Cảm nhận của Anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (Vợ Nhặt – Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). (Đề thi Đại học khối C -2009)
Ví dụ 2: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn viết về vẻ đẹp hai dòng sông trong Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân  Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường. (Đề thi Đại học khối C-2010)
Ví dụ 3: Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành cho Hộ (Đời thừa – Nam Cao) (Đề thi Đại học khối D-2010).
Chú ý: Học sinh cũng cần phân biệt: Dạng đề tổng hợp và dạng đề so sánh khi cùng có hai tác phẩm cần nghị luận trở lên trong một đề văn. Ví dụ:
Đề 1: Cảm hứng về đất nước là một trong những cảm hứng sâu đậm của văn học Việt Nam sau CMT8-1945. Qua bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề 2: Cảm hứng về đất nước là một cảm hứng chủ đạo trong thơ Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Hãy làm rõ những nét riêng trong nội dung và cách biểu hiện cảm hứng ấy trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Nhận xét: Tuy cùng ngữ liệu: 2 tác giả, 2 bài thơ,  cùng lời dẫn nhưng mục đích của hai đề rất khác nhau. Đề 1 là đề tổng hợp – nhằm làm nổi bật cảm hứng cơ bản của giai đoạn văn học (yếu tố so sánh chủ yếu để thấy cái chung), đề 2 là đề đối sánh nhằm nổi bật sự khám phá sáng tạo riêng của từng bài thơ.
2.1.2.Xác định yêu cầu của đề:
Trước hết, cần xác định đối tượng cảm thụ-đói sánh, phạm vi kiến thức cần huy động sao cho đúng và trúng.
Muốn vậy cần rèn cho các em thói quen đọc kĩ đề, gạch chân những từ quan trọng. Có thể đưa ra một loạt đề cảm thụ trong thế đối sánh cùng về hai tác giả, tác phẩm, chỉ thay đổi cách hỏi, câu lệnh để rèn cho học sinh kĩ năng xác định trọng tâm vấn đề.
Trước một đề văn cần đặt các câu hỏi: Tại sao đề lại yêu cầu cảm thụ các đối tượng đó trong thế đối sánh? giữa chúng có những điểm gì chung lớn nhất (cùng đề tài, cảm hứng, thể loại, giai đoạn…)sự khác biệt nổi bật giữa chúng? từ sự giống và khác nhau ấy, đề văn muốn chúng ta khẳng định vấn đề gì? (về đặc điểm giai đoạn, trào lưu, bản chất nghệ thuật, sự sáng tạo của người nghệ sĩ, tiến trình phát triển của lịch sử văn học?..) Những câu hỏi ấy sẽ giúp học sinh xác định mục đích, yêu cầu của đề văn và thâm ý của người ra đề.
2.1.3.Xác định thao tác nghị luận cơ bản:
Một bài  văn cần phối hợp rất nhiều thao tác nghị luận song cần lưu ý học sinh xác định đâu là thao tác nghị luận chính, đâu là thao tác nghị luận bổ trợ. Trong bài cảm thụ trong thế đối sánh thao tác cơ bản là cảm thụ (phân tích) và đối sánh (so sánh). Có nhiều học sinh chỉ nặng về đối sánh mà quên mất cảm thụ , có học sinh thì ngược lại. Xác định được thao tác chính học sinh sẽ có cơ sở để xây dựng hệ thống luận điểm hợp lí và khoa học cho bài viết.
2.2. Rèn kĩ năng lập ý – lập dàn ý;
2.2.1.Các bước lập ý:
Bước 1: Trước hết, cần phân tích đối tượng thành nhiều bình diện để cảm thụ đối sánh. Trên đại thể, hai bình diện bao trùm là nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Tuỳ từng đối tượng được yêu cầu so sánh mà có cách chia tách ra các khía cạnh nhỏ khác nhau. Cách chia tách phải căn cứ vào đặc trưng loại thể hoặc các khía cạnh của nội dung tư tưởng: ngôn từ, hình ảnh, chi tiết, kết cấu, âm hưởng, giọng điệu, đề tài, chủ đề, tư tưởng và cảm hứng nghệ thuật.
Bước 2: Nhận xét, đối chiếu để chỉ ra điểm giống và khác nhau. Học sinh cần có sự quan sát tinh tường, phát hiện chính xác, có tiêu chí so sánh rõ ràng, diễn đạt thật nổi bật, rõ nét, tránh chung chung, mơ hồ.
Bước 3: Đánh giá, nhận xét, lí giải nguyên nhân của sự giống và khác nhau. Bước này đòi hỏi những tiêu chuẩn rõ ràng, nền lí luận vững chắc, kiến thức văn học sâu rộng, tránh những suy diễn tuỳ tiện, chủ quan, thiếu sức thuyết phục.
2.2.2.Cách thức trình bày ý:
Vì là một bài nghị luận nên bố cục một bài văn so sánh văn học cũng có 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài. Tuy nhiên chức năng cụ thể của từng phần lại có những điểm khác biệt so với kiểu bài nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích, thơ hay nghị luận về một đoạn trích, tác phẩm văn xuôi.
Phần mở bài:
– Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này)
– Giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh.
Chú ý: Có nhiều cách mở bài nhưng nếu là học sinh giỏi nên lựa chọn cách mở bài gián tiếp. Có thể dẫn dắt từ vấn đề lí luân văn học như đặc trưng văn học, phong cách nghệ thuật: “Mỗi tác phẩm văn học phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (Lê-ô-nit Lê-ô-nôp), “văn học là cuộc sống là hai trường tròn đồng tâm là tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu…). Có thể mở bài từ đề tài (người lính, người mẹ, tình yêu, người phụ nữ, đất nước,…), có thể mở bài từ giai đoạn văn học, trào lưu…
Điều quan trọng là dẫn dắt từ vấn đề chung của hai yếu tố cần cảm thụ, tránh giới thiệu lần lượt từng yếu tố ngay từ phần mở đầu đã không tạo nên sự liên kết chặt chẽ.
Phần thân bài: Phân tích cảm thụ hai đối tượng trong thế đối sánh:
Cách trình bày, triển khai ý, thông thường có hai cách là nối tiếp và song song.
Cách 1 – Cách nối tiếp: Lần lượt phân tích, cảm thụ từng đối tượng sau đó chỉ ra cái giống và khác nhau. Cụ thể mô hình của phần thân bài như sau:
1-Làm rõ đối tượng thứ nhất (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập nhưng chủ yếu là thap tác lập luận phân tích).
2-Làm rõ đối tượng thứ hai (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích).
3.So sánh: Nét tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trên cả hai bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích và thao tác lập lụân so sánh).
4-Lý giải sự khác biệt: Thực hiên thao tác này cần dựa vào các bình diện: bối cảnh xã hội, văn hoá mà từng đối tượng tồn tại; phong cách nhà văn; đặc trưng thi pháp của thời kỳ văn học…(bước này vận dụng nhiều thao tác lập luân nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích).
Cách này dễ làm nhưng khó hay, dài, nhiều khi trùng lặp ý và sắc thái so sánh dễ bị chìm. Sự liên kết giữa các đối tượng cảm thụ thường rất lỏng lẻo, rời rạc, làm mất đi tính chỉnh thể của bài  viết. Do yêu cầu mang tính phổ thông nên đáp án thi đại học thường trình bày theo cách này.
Cách 2 –  Cách song song: Tức là song hành đối sánh trên một bình diện của hai đối tượng theo hai mảng lớn giống – khác đồng thời lí giải nguyên nhân của sự giống, khác đó. Với học sinh giỏi nên chọn cách trình bày này. Trước hết phải sử dụng thao tác đồng nhất – tìm cái chung (tư duy tổng hợp) sau đó mới đi tìm cái riêng – thao tác phân tách (tư duy phân tích).
1-Giới thiệu vị trí, sơ lược về hai đối tượng cần so sánh.
2-So sánh nét tương đồng và nét khác biệt giữa hai hay nhiều đối tượng theo từng tiêu chí trên cả hai bình diện nội dung, nghệ thuật. Ở mỗi tiêu chí tiến hành phân tích ở cả hai tác phẩm để có thể thấy được điểm giống, điểm khác.
Học sinh có thể dựa vào một số tiêu chí sau để tìm ý (tất nhiên tùy từng đề cụ thể có thể thêm, hoặc bớt các tiêu chí).
– Tiêu chí về nội dung: Đề tài, chủ đề,  hình tượng trung tâm (tầm vóc, vai trò,  ý nghĩa của hình tượng), cảm hứng, thông điệp của tác giả…
– Tiêu chí về hình thức nghệ thuật: Thể loại, hệ thống hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu, giọng điệu, biện pháp, nghệ thuật..
3-Sau khi chỉ ra điểm giống, điểm khác cần lí giải vì sao có điểm giống, điểm khác này, nguyên nhân chủ yếu:
+ Do hoàn cảnh lịch sử
+ Do hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân.
+ Do sự chi phối của ý thức hệ và thi pháp hệ thống quan điểm thẩm mĩ.
+ Do cá tính của tác giả.
+ Cơ sở lí luận văn học: Mỗi tác phẩm là số phận của một cá nhân cụ thể, tác phẩm muốn tồn tại phải có cái khác người, độc đáo, có sự sáng tạo.
Cách này hay nhưng khó, nó khắc phục được tất cả các nhược điểm của cách thứ nhất. Nhưng điểm mạnh sẽ thành điểm yếu nếu học sinh không có tư duy chặt chẽ logic để tách vấn đề, không có sự tinh tế trong việc lựa chọn  các yếu tố để cảm nhận, lời bình không biết nhấn, biết lướt. Nếu vậy bài  viết hoặc sẽ rất rối hoặc thiên về liệt kê so sánh đối chiếu khô cứng.
Phần kết bài: Khái quát lại những nét tương đồng và khác biệt cơ bản, nêu cảm nghĩ của bản thân. Có nhiều cách kết bài nhưng có thể lựa chọn cách Mở – Kết tương ứng. Mở bài dẫn dắt từ đâu nên kết lại ở đó (lí luận văn học, đề tài, chủ đề, giai đoạn…)nhất là mở ra những vấn đề LLVH mới.
Song cần chú ý, để đạt được kết quả mong muốn học sinh cần phải biết tổ chức bài viết một cách hợp lí và việc lựa chọn cách làm cũng phải linh hoạt, dựa vào từng dạng đề bài cụ thể và sở trường cá nhân của từng người viết. Chẳng hạn, nếu đề bài yêu cầu phân tích, đối sánh không phải hai mà là nhiều đói tượng cùng một lúc thì rõ ràng cách làm nên chọn là cách thứ hai, nghĩa là phân tích, đánh giá các đối tượng ấy theo hai luận điểm lớn là điểm giống nhau và điểm khác nhau chứ không nên phân tích lần lượt rồi mới so sánh.
Bên cạnh đó, cần nhớ rằng trong quá trình so sánh, các  ý phải được tạo lập, bố trí, sắp xếp một cách mạch lạc, rõ ràng. Đặc biệt, để có thể so sánh văn học, cần phải dựa trên những tiêu chí nhất quán giữa các đối tượng. Nếu không phân tách đối tượng ra thành các bình diện, các tiêu chí để so sánh thì sẽ dẫn đến lối viết chung chung, rối rắm hoặc thiếu ý…Đây là lỗi mà học sinh hay mắc phải – kể cả học sinh giỏi.
Còn việc lí giải nguyên nhân của sự giống nhau và khác nhau có thể tách riêng thành một phần nhưng cũng có thể lồng vào quá trình phân tích, so sánh một cách linh hoạt, miễn là đủ ý và thuyết phục. Để lí giải thấu đáo, tuỳ theo yêu cầu của đề tài, học sinh phải huy động các tri thức trong tác phẩm và ngoài tác phẩm (như hoàn cảnh thời đại, đặc điểm cuộc đời nhà văn…)với một hàm lượng thông tin phù hợp.
Tuy nhiên, khi triển khai đề so sánh văn học đối với đề thi đại học, cao đẳng, chúng ta triển khai theo cách làm thứ nhất để phù hợp với đông đảo đối tượng học sinh phổ thông cũng như đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.Giải pháp 3: Xây dựng hệ thống đề luyện tập
Dạng đề so sánh  văn học rất đa dạng, phong phú có thể tiến hành ở rất nhiều cấp độ khác nhau. Trong khuôn khổ của một chuyên đề chúng tôi chỉ đưa ra một số đề thực nghiệm ở dạng thông dụng, phổ biến nhất với đối tượng học sinh THPT.
Đề 1: Hình tượng thiên nhieê trong ba bài thơ: Vội vàng của Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Tràng giang của Huy Cận.
Đề 2: Cảm hứng quê hương đất nước trong các bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên và đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm.
Đề 3: Vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật trong hai bài thơ: Vội vàng cuả Xuân Diệu  và  Tràng giang của Huy Cận.
Đề 4: Anh/chị hãy phân tích, so sánh tư tưởng hiện thực, tư tưởng nhân đạo của Nam Cao và Kim Lân qua truyện ngắn Chí Phèo và truỵên ngắn Vợ nhặt.
Đề 5: Anh/chị hãy phân tích, so sánh nghệ thuật thể hiện tình yêu trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính và bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Đề 6: Nghệ thuật xây dựng tình huống truỵên trong Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Đề 7: Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi và nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Đề 8: Phân tích, so sánh nhân vật nữ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Đề 9: Hình tượng cái “tôi” của người cầm bút trong hai đoạn trích Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Đề 10: Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng và hình tượng Lor ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor ca của Thanh Thảo.
 
CHƯƠNG 4
KIỂM CHỨNG CÁC GIẢI PHÁP ĐÃ TRIỂN KHAI
1.Kiểm chứng
1.1.Đối tượng kiểm chứng: Học sinh lớp 12A3, 12A4. Đây là 2 lớp có lực học rất khá và tương đối đồng đều. 100% đạt học sinh khá giỏi, 40% học sinh giỏi, 100% học sinh thi khối C, D. Nên các em nhận thức, tiếp thu rất nhanh. Đây là điều kiện rất thụân lợi cho giáo viên.
1.2.Thời gian kiểm chứng: Qua một số tiết viết bài và trả bài ở học kỳ 1 trong năm học 2013-2014.
1.3.Nội dung kiểm chứng
Đề 1: Nhân đạo là một trong hai cảm hứng chủ đạo xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Cám hứng nhân đạo đó ở văn học từ 1930 đến 1945 có gì giống và khác ở văn học từ 1945 đến 1975? Hãy phân tích và chứng minh qua hai truyện ngắn Chí phèo của Nam Cao (theo Ngữ văn 11, tập một) và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (theo Ngữ văn 12, tập hai).
Hướng dẫn làm đề 1:

Tìm hiểu đề
– Dạng đề: Tổng hợp – so sánh hai giai đoạn, hai tác phẩm, hai tác giả, cùng thể loại, có định hướng.
– Đối tượng nghị luận: Cảm hứng nhân đạo ở văn học từ 1930 đến 1945 có gì giống và khác ở văn học từ 1945 đến 1975?
– Thao tác: Tổng hợp, phân tích, chứng minh, so sánh, giải thích…
– Phạm vi dẫn chứng: Chí phèo và Vợ chồng A Phủ
Lập dàn ý
1.Giới thiệu: Vấn đề cần nghị luận, hai tác giả, hai tác phẩm
2.So sánh sự giống và khác của cảm hứng nhân đạo trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1945 và từ 1945 đến 1975.
2.1.Giống nhau:
– Ca ngợi vẻ đẹp của con người, nhất là tầng lớp nhân dân cực khổ lầm than.
– Tố cáo, lên án những thế lực bạo tàn gây đau khổ cho con người.
– Đồng cảm với những số phận bất hạnh.
– Đồng tình với ước mơ, nguyện vọng chính đáng của con người và khát khao đổi thay số phận cho họ.
2.2.Khác nhau:
+ Văn học từ 1930 đến 1945.
– Coi con người là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh.
– Khao khát đổi thay số phận cho con người nhưng bế tắc, bất lực.
+ Văn học từ 1945 đến 1975
– Quan niệm con người không phải là nạn nhân của hoàn cảnh mà có khả năng cải tạo hoàn cảnh.
– Khẳng định và tin tưởng khả năng cách mạng của con người dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp họ nhanh chóng đổi thay số phận.
2.3.Lí giải nguyên nhân
a) Giống nhau: Đều là các nhà văn chân chính, đều là những nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ (Sê-khốp).
b) Khác nhau: Do hoàn cảnh lịch sử xã hội, do ý thức hệ tư tưởng
– Các nhà văn 1930-1945 (chủ yếu là các nhà văn hiện thực phê phán): Mang ý thức hệ tư sản, tiểu tư sản, hầu hết chưa tham gia cách mạng nên mới chỉ thấy tác động một chiều của hoàn  cảnh đối với con người, nhìn con người và hiện thực xã hội có phần bi quan.
– Các nhà văn 1945-1975: Đồng thời là những chiến sĩ cách mạng, trực tiếp tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản nên có tinh thần lạc quan cách mạng, thấu suốt tương lai.
3. Phân tích, chứng minh qua Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ.
3.1.Giống nhau:
a) Ca ngợi vẻ đẹp của con người
*Chí Phèo: Ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân như:
+ Chí Phèo: Nhiều lần khẳng định bản chất hiền lành, lương  thiện của Chí, ngay cả khi Chí là con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
+ Thị Nở: Bản chất nhân hậu
*Vợ Chồng A Phủ: Ca ngợi vẻ đẹp người lao động miền núi Tây Bắc:
+ Vẻ đẹp hình thức:
– Mị: Gián tiếp qua chi tiết trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị; qua việc Pá Tra đến hỏi Mị làm con dâu trừ nợ; qua việc A Sử bắt Mị về làm vợ.
– A Phủ: Khoẻ mạnh, cường tráng, nam tính.
+ Vẻ đẹp tâm hồn, tính cách
– Mị: Yêu đời , yêu cuộc sống, yêu tự do, yêu lao động, hiếu thảo, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt.
– A Phủ:: Tự do, mạnh mẽ, cẩn cù lao động.
b) Tố cáo, lên án những thế lực bạo tàn gây đau khỏ cho con người
* Chí Phèo: Tố cáo các thế lực:
+ Thực dân: Gián tiếp qua hình ảnh nhà tù.
+ Phong kiến: Câu kết với nhau bóc lột người nông dân đến tận xương tuỷ và đẩy họ vào con đường lưu manh tha hoá, tiêu biểu là Bá Kiến.
+ Thành kiến nghiệt ngã của xã hội (lời bà cô Thị Nở).
*Vợ chồng A Phủ: Lên án giai cấp thống trị miền núi, tiêu biểu là cha con thống lí Pá Tra:
+ Bóc lột người lao động bằng cách cho vay nặng lãi và lợi dụng sức lao động của con người:
– Mị phải làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, món nợ truyền kiếp, thực chất là một thứ người ở không công.
– A Phủ vay tiền của  Pá Tra để nộp vạ và trở thành người ở trừ nợ người ở không công.
– Những người đàn bà sống trong nhà thống lí Pá Tra, tuổi còn trẻ nhưng cái lưng đã còng rạp xuống vì công việc.
+ Đày ải, biến người lao động thành những nô lệ, phục vụ cho chúng.
– Mị: Trước khi về nhà Pá Tra là một cô gái rất yêu đời, yêu cuộc sống. Sau khi về nhà Pá Tra chỉ còn là con trâu, con ngựa, con rùa, lầm lũi cả ngày không nói, chỉ biết vùi vào việc làm cả đêm cả ngày như một cỗ máy.
– A Phủ: Trước khi về nhà Pá Tra là một thanh niên với tính cách tự do, mạnh mẽ, không sợ cường quyền, bạo lực. Sau khi về nhà Pá Tra trở thành một nô lệ, làm lợi cho nhà thống lí.
+ Cấu kết với thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng vùng cao: Bố con Pá Tra đã vào ở trong đồn Tây.
c) Đồng cảm với những số phận bất hạnh
*Chí Phèo:
+ Đồng cảm với số phận của Chí Phèo:
– Miêu tả Chí Phèo là nạn nhân của xã hội: Chí hiền lành, lương thiện, thực dân phong kiến đã làm chi  Chí tha hoá, Chí khát khao hoàn lương mà không được, Chỉ phải chết đau khổ trên ngưỡng cửa của xã hội loại người.
– Sự đồng cảm còn thể hiện ở những day dứt trong tiếng chửi của Chí ở đầu tác phẩm, những bế tắc của Chí trong câu hỏi ở cuối tác phẩm.
+ Đồng cảm với số phận Thị Nở:
– Miêu tả Thị Nở với tất cả sự thiệt thòi nhất của hoá công: xấu, nghèo, dở hơi, dòng giống mả hủi
– Sự đồng cảm còn thể hiện ở việc thấu hiểu khát khao tình yêu, hạnh phúc của Thị, rất muộn mằn, khiêm tốn, chỉ là một người đàn ông như Chí Phèo  nhưng cũng không có được.
* Vợ chồng A Phủ: Đồng cảm sâu sắc với số phận người lao động nghèo ở miền núi như Mị và A Phủ.
– Miêu tả họ là nạn nhân của món nợ truyền kiếp.
– Miêu tả họ như là nạn nhân của tín ngưỡng lạc hậu: Cả Mị, A Phủ và những người đàn bà khác đều tin rằng mình đã bị cúng trình ma nhà thống lí Pá Tra cho nên chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi.
d) Đồng tình ước mơ, nguyện vọng chính đáng của con người, khát khao đổi thay số phận cho họ:
– Ước mơ được sống tự do: Mị, A Phủ.
– Khát khao tình yêu, hạnh phúc: Thị Nở, Mị
– Mong muốn được sống bình thường, lương thịên: Chí Phèo
3.2. Khác nhau:
a) Chí Phèo:
– Nam Cao nhìn những người nông dân như Chí Phèo, Thị Nở là những nạn nhân, sản phẩm của hoàn cảnh xã hội thực dân phong kiến.
– Mặc dù đồng tình và khát khao đổi thay số phận cho những người nông dân cùng hơn cả dân cùng, những con người dưới đáy, bị xa lánh, hắt hủi nhưng tác giả cũng đành bất lực: Kết thúc tác phẩm là sự chấm dứt đột ngột của mối tình Chí Phèơ Thị Nở, là cái chết bi phẫn của Chí trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện, thể hiện cái nhìn bi quan về tương lai của người nông dân.
b) Vợ chồng A Phủ
– Tô Hoài nhìn người lao động miền núi Tây Bắc không phải là nạn nhân của hoàn cảnh mà là những người có khả năng cải tạo hoàn cảnh.
– Đồng tình với khát vọng đổi thay số phận của họ, quan trọng hơn, ông đã chỉ ra con đường  tất yếu họ cần phải đi và khẳng định khả năng đi tới với cách mạng của họ, đấu tranh tự giải phóng chính mình: Mị, A Phủ đã giải thoát cho nhau, cùng nhau tới Phiềng Sa trở thành du kích.
4. Đánh giá khái quát
– Cảm hứng nhân đạo cùng với cảm hứng yêu nước là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nền văn học Việt Nam. Về cơ bản có những biểu hiện chung song ở mỗi thời kì, giai đoạn, do hoàn cảnh lịch sử xã hội, do ý thức hệ tư tưởng của các nhà văn khác nhau, lại có những biểu hiện riêng.
– Sự giống và khác của cảm hứng nhân đạo ở hai giai đoạn văn học tạo nên sự phong phú, đa dạng trong thành tựu của nền văn học nước nhà về mặt nội dung tư tưởng

 
 
 


  1. Qua điÒu
    tra cho thấy kết quả như sau:Kết quả kiểm chứng
Lớp Kết quả khảo sát Bài viết
12A3 Số học sinh biết phân tích đề
Số học sinh biết xác định các bình diện so sánh
Số học sinh biết đối sánh điểm giống và khác
Số học sinh biết lí giải nguyên nhân
Số học sinh biết khái quát vấn đề
50%
50%
60%
5%
50%
12A4 Số học sinh biết phân tích đề
Số học sinh biết xác định các bình diện so sánh
Số học sinh biết đối sánh điểm giống và khác
Số học sinh biết lí giải nguyên nhân
Số học sinh biết khái quát vấn đề
60%
40%
50%
5%
50%
  1. Phân tích kiểm chứng

Với kết quả kiếm chứng ở trên chúng ta dễ dàng nhận thấy những con số khá chênh lệch. Điều đó chứng tỏ  việc rèn kĩ năng cho học sinh là rất cần thiết và thu lại kết quả đáng kể. Rõ ràng, khi nắm được phương pháp (có kĩ năng), các em sẽ rất thụân lợi trong việc giải quyết một đề bài kiểu so sánh trong văn học. Do giáo viên hoàn toàn có thể yên tâm khi học sinh bước vào các kì thi, nhất là thi đại học, cao đẳng và thị học sinh giỏi các cấp.
 
PHẦN III: KẾT LUẬN
1.Những vấn đề quan trọng nhất của SKKN
Có thể thấy, trong phương pháp rèn kĩ năng làm văn cho HS không thể thiếu phương pháp rèn kĩ năng so sánh văn học.
Rèn kĩ năng so sánh văn học sẽ giúp học sinh nắm vững nội dung văn bản, nâng cao khả năng tự cảm thụ, khơi gợi khả năng sáng tạo, kích thích sự say mê tìm tòi ở HS.
Rèn kĩ năng so sánh văn học chính là cách giúp HS tiếp cận với đề thi đại học, cao đẳng và đề thi các cấp một cách tốt nhất.
Rèn kĩ năng so sánh văn học còn giúp GV đào sâu, tìm tòi kiến thức, say mê với chuyên môn.
2.Hiệu quả thiết thực của SKKN nếu được triển khai, áp dụng trong đơn vị Trường THPT Lý Nhân Tông và ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh
2.1.Hiệu quả
Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh rất cần thiết và phù hợp với cách ra đề thi các cấp hiện nay. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện trong các giờ viết bài 2 tiết ở lớp hoặc ở nhà đối với HS THPT, nhất là lớp 11 , 12 dựa trên phân phối chương trình. Và tiết  trả bài chính là thời gian để GV rèn kĩ năng so sánh cho HS.
Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh cũng là cách để GV trau dồi kiến thức, tăng cường khả năng học hỏi, say mê với chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy và ra đề kiểm tra.
Rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh còn là cách kích thích sự tìm tòi, sáng tạo ở HS, khiến các em miệt mài, say mê, ngày càng yêu thích môn Văn hơn.
2.2.Khả năng áp dụng
Đối tượng: Việc rèn kĩ năng so sánh văn học cho học sinh hoàn toaà phù hợp với điều kiện dạy học của GV và HS hịên nay, nhất là đối với các trường có HS thi đại học khối C và D như trường THPT Lý Nhân Tông.
Phạm vi: GV có thể thựch iên bình thường ở tại lớp học, thực hiện vào những tiết trả bài hoặc tự chọn trong chương trình lớp 10, 11, 12.
Nguồn tư liệu và tích luỹ tư liệu: Việc tích luỹ tư liệu cũng khá dễ dàng. Chỉ cần phát động trong tổ, mỗi giáo viên trong mỗi học kỳ tự tìm kiếm và xây dựng cho 1 – 2 đề bài. Các tư liệu có thể dựa vào mạng Internet, đề thi và đáp án đại học, cao đẳng hàng năm, kiến thức về tác giả, tác phẩm, lí luận văn học…vv, sau đó GV lựa chọn và xử lý theo yêu cầu của đề bài.
Thời gian: Giải pháp này là lâu dài. Néu chúng ta tích luỹ trong nhiều năm, chúng ta sẽ chủ dộng trang bị cho môn học những tư liệu dạy học hiệu quả.
3.Ý kiến với các cấp quản lý
3.1.Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Với kiểu bài nghị luận xã hội HS được tìm hiểu khá kĩ trong chương trình. Vậy với kiểu bài kĩ năng so sánh văn học cũng nên có tiết trong phân phối chương trình để HS được tìm hiểu kĩ hơn. Vì đây là dạng bài chiếm tới 50% số điểm trong đề thi đại học và 50-70% số điểm trong đề thi học sinh giỏi các cấp.
3.2.Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh: Nên tổ chức các cuộc thi SKKN theo chủ đề gợi ý từng năm cho các bộ môn và có trao giải. Đây cũng là dịp để mỗi  GV có cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn.
3.3.Đối với trường THPT Lý Nhân Tông: Nên đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho sinh hoạt các chuyên đề. Nên đánh giá thật chính xác các SKKN và ưu tiên cộng điểm thi đua cho những sáng kiến có chất lượng tốt, tính ứng dụng cao, dễ phổ biễn.
3.4.Đối với tổ Ngữ văn: Nên thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề theo tháng thêm tiết kĩ năng so sánh văn học vào gián án tự chọn để nâng cao năng lực cảm thụ văn học cho học sinh. Đồng thời lưu ý khi ra đề kiểm tra, đề thi khảo sát học kì, để thi thử đại học nên bám sát cấu trúc đề thi đại học, có áp dụng dạng đề so sánh văn học (tuỳ theo thời gian làm bài và yêu cầu của từng kỳ thi).
3.5.Đối với công đoàn các cấp: Cần có chính sách, cổ vũ, động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có nhiều đóng góp.
 
KÉT LUẬN
Trên đây là một số vấn đề bản thân tôi đã trải nghiệm, tích luỹ qua thời gian. Hi vọng, những suy nghĩ, trăn trở của bản thân cũng như những suy nghĩ, trăn trở của đồng nghiệp – những người luôn quan tâm đến chuyên môn sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Ngữ văn nói riêng.
Rất mong được sự chia sẻ, trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp
 
PHẦN IV: PHỤ LỤC
Tài liệu tham khảo
1.Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2000

  1. Nguyễn Văn Hạnh, Lí luận văn học vấn đề và suy nghĩ, NXB Giáo dục,1999

3.Nguyễn Đình Thi, Mấy ý nghĩ về thơ – tuyển tập tác phẩm văn học Nguyễn Đình Thi, Tiểu luận – Bút kí, NXB Văn học, Hà N ội, 2001.
4.Hội thảo chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu  vực duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ, 2012
5.Nguyễn Lân, Từ điển và Ngữ Hán Việt, NXB từ điển Bách Khoa, 2002
6.Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt , trung tâm từ điển học, 2003
7.Trần Đình Sử, Lý luận và phê bình  văn học, NXB Giáo dục, 2000
8.Phan Trọng Luận, phương pháp dạy học văn, NXB Giáo dục, 2001
9.Nguyễn Thị Thanh Hương, Phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn học ở trường THPT, NXB Giáo dục, 1998
10.Nguyễn Viết Chữ, Phương pháp dạy học tác phẩm theo thể loại, NXB ĐHSP2006
11.Trần Thanh Đạm. Giảng dạy văn theo loại thể, NXB Giáo dục, 1976
12.Hoàng Ngọc Hiến, Văn học và học văn, NXB Giáo dục, 1990
13.Nguyễn Thanh Hùng, Hiểu văn dạy văn. NXB Giáo dục, 2002.
 
Tư liệu tham khảo
Hệ thống đề luyện tập 
Đề 1: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì…Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt” (Vợ nhặt – Kim Lân)
“Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt” (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)
Anh/chị cảm nhận như thế nào về chi tiết “dòng nước mắt” trong những câu văn trên.
Đề 2: Chi tiết “bát cháo hành” trong truỵên ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và chi tiết “lời di huấn” của Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) đều tác động và đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời những người lầm đường.
Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về các chi tiết ấy.
Đề 3: Cùng viết về đất nước và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp nhưng ba tác phẩm: Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu là ba thế giới hình tượng riêng, ba giọng điệu trữ tình riêng , chứa đựng những kí thác riêng của mỗi hồn thơ.
Anh/chị hãy phân tích ba bài thơ trong quan hệ đối sánh để chỉ ra nét riêng của mỗi tác phẩm.
Đề 4: Từ hai tác phẩm Chữ người tử tù và  Người lái đò sông Đà, hãy phân tích để chỉ ra nét ổn định và sự vận động trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Đề 5: Cái “tôi” của Xuân Diệu và Tố Hữu qua hai thi phẩm Vội vàng Từ ấy.
Đề 6: Cảm nhận về những giọt nước mắt của hai nhân vật Chí Phèo và nhân vật Hộ trong truyện ngắn Chí PhèoĐời thừa của Nam Cao.
Đề 7: Ánh sáng và bóng tối trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Đề 8: Cái nhìn con người trên phương diện tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân từ nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù đến nhân vật người lái đò trong Người lái đò sông Đà.
Đề 9: Hai truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) và “Vợ nhặt” (Kim Lân). Hãy phân tích các nhân vật phụ nữ trong tác phẩm ấy để làm nổi bật số phận và vẻ đẹp tâm hồn đặc biệt là sức sống của người phụ nữ Việt Nam.
Đề 10: Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A  Phủ – Tô Hoài).
Đề 1: Hình tượng thiên nhiên trong ba bài thơ: Vội vàng  của Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Tràng giang của Huy Cận.
Đề 2: Cảm hứng quê hương đất nước trong các bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu , Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên và đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm.
Đề 3: Vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật trong hai bài thơ: Vội vàng của Xuân Diệu và Tràng giang của Huy Cận.
Đề 4: Anh/chị hãy phân tích, so sánh tư tưởng hiện thực, tư tưởng nhân đạo của Nam Cao và Kim Lân qua truỵên ngắn Chí Phèo  và truỵên ngắn Vợ nhặt.
Đề 5: Anh/chị hãy phân tích, so sánh nghệ thụât thể hiện tình yêu trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính và bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Đề 6: Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Đề 7: Cảm nhận của Anh/chị về nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi và nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Đề 8: Phân tích, so sánh nhân vật nữ trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ Nhặt của Kim Lân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Đề 9: Hình tượng cái “tôi” của người cầm bút trong hai đoạn trích Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Đề 10: Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và hình tượng Lor ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor ca của Thanh Thảo
Xem thêm : sáng kiến kinh nghiệm môn văn
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *